Thơ thích dùng những chữ mẹ ta dùng

22/10/2022 12:08 GMT+7 | Văn hoá

Khi làm thơ, tôi yêu và rất hay sử dụng những “chữ dùng của mẹ ta” vào thơ mình. “Chữ mẹ ta dùng” là thế đấy. Làm sao không yêu thương cho được.

200 năm sinh Nguyễn Đình Chiểu: 'Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc' từ góc nhìn ngôn ngữ học

200 năm sinh Nguyễn Đình Chiểu: 'Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc' từ góc nhìn ngôn ngữ học

Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) xin giới thiệu một khám phá mới của PGS-TS Phạm Văn Tình (Hội Ngôn ngữ học Việt Nam) về Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc - tác phẩm nổi bật của cụ Đồ Chiểu.

Tình cờ, một người bạn tôi là nhà thơ ở Mỹ được nhà thơ Bằng Việt tín nhiệm nhờ rà soát lại phần thơ của anh mà anh tự dịch ra tiếng Anh. Bằng Việt là nhà thơ nổi tiếng thời miền Bắc chống cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ. Thơ anh giàu xúc cảm, giai điệu thơ đẹp, chữ dùng bình dị nhưng rất gợi, là dạng thơ mà hồi đó chúng tôi học đại học Tổng hợp Văn rất thích.

Bản thân tôi, bấy giờ mới tập tọng làm thơ, chịu ảnh hưởng nhiều của thơ Bằng Việt. Những bài thơ nổi tiếng của Bằng Việt như Bếp lửa, Tình yêu và báo động,… tôi vẫn còn nhớ từng đoạn cho tới bây giờ. Mãi khi lên Trường Sơn, trực diện với chiến tranh, thơ tôi mới khác đi, không còn chịu ảnh hưởng, và cũng không còn “thơ học trò” như tôi đã làm trước nữa. Nhưng có những đoạn thơ Bằng Việt như thế này vẫn găm vào trí nhớ, xúc cảm của tôi:

“Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói

Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi

Bố đi đánh xe khô rạc ngựa gầy

Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu

Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay”

(trích “Bếp lửa” của Bằng Việt)

Chú thích ảnh
Có những chữ trong “Bếp lửa” của Bằng Việt không thể dịch sang tiếng Anh mà còn nguyên ngữ cảm được, như: “KÊU CHI HOÀI trên những cánh đồng xa”

Có những chữ “mẹ ta dùng” trong đoạn thơ đó khiến tôi nhớ mãi tới giờ, đó là “đói mòn đói mỏi”, là “khói hun nhèm mắt cháu”, là “sống mũi còn cay”. Anh nhà thơ người Việt ở Mỹ nói với tôi (qua điện thoại), là theo anh, có những chữ trong thơ Bằng Việt không thể dịch sang tiếng Anh mà còn nguyên ngữ cảm được, như “Tu hú ơi, sao chẳng ở cùng bà/Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa”. Đúng là những chữ “mẹ ta hay dùng” thật khó dịch sang một ngôn ngữ khác mà khiến ta ưng ý. “Kêu chi hoài” là một cụm ngữ như vậy, nó quá giản dị nhưng dịch cho “coi được” sang tiếng Anh thì gần như không được.

Anh Bằng Việt là người rất giỏi nhiều ngoại ngữ, nhưng anh đã gặp khó khi dịch chính thơ mình sang một ngôn ngữ khác. Mà gặp khó ngay những chữ “mẹ ta” hay “bà anh” hay dùng.

Tôi không hiểu những ngôn ngữ khác có gặp những “chữ khó” như vậy không, vì tôi chẳng giỏi ngoại ngữ, nhưng với tiếng Việt, tôi thấy trường hợp “gặp khó” như tác giả Bằng Việt đã gặp, là một trường hợp phổ biến ở thơ của không ít nhà thơ, trong đó có tôi. Đó lại là những chữ rất mộc mạc, rất bình dị, rất ít được ai để ý, vậy mà khi nhà thơ dùng một cách đúng chỗ, một cách đắc địa trong thơ mình, nó khiến câu thơ hay đoạn thơ bừng sáng hẳn lên, xúc cảm hẳn lên, và phù hợp với “giọng nói mẹ ta” hẳn lên.

“Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa” là một câu thơ vừa cô đơn vừa mênh mang, nó có được vùng phủ sóng cảm xúc như thế là nhờ hai chữ “chi hoài”, hai chữ rất khó dịch sang một ngôn ngữ khác, mặc dù nó quá quen thuộc với tiếng Việt.

***

Khi làm thơ, tôi yêu và rất hay sử dụng những “chữ dùng của mẹ ta” vào thơ mình. Tôi nhớ, trong trường ca Dạ, tôi là Sáu Dân viết về nhà cách mạng Võ Văn Kiệt, tôi có câu thơ lấy từ lời mắng yêu của mẹ tôi: “Đồ trì ô trí mâm”. Tôi đố ai dịch được câu thơ đó ra bất cứ một ngôn ngữ nào khác, trừ, có thể một ngôn ngữ, đó là tiếng…Chàm. Tôi đoán, “trì ô trí mâm” có thể là một câu mắng yêu của một người mẹ có gốc Chàm. Mẹ tôi có thể là một người mẹ như thế. Dù cũng không lấy gì làm chắc. Nhưng có thể, câu mắng yêu ấy tương thích với suy nghĩ của nhân vật Sáu Dân-Võ Văn Kiệt:

“Tôi là Sáu Dân, tôi cảm nhận điều này

Mỗi giọt nước mắt buồn đều làm bật một chồi cây

Và đó là Cách mạng”

(trích “Dạ, tôi là Sáu Dân” của Thanh Thảo)

Chú thích ảnh
Trường ca “Dạ, tôi là Sáu Dân” của nhà thơ Thanh Thảo, tác giả bài viết

Đoạn thơ này dễ dịch, dù không dễ hiểu. Và biết đâu, “giọt nước mắt buồn” ấy của đứa con ứa ra khi nhớ lại lời mắng yêu cũng không hề dễ hiểu của mẹ mình “Đồ trì ô trí mâm”.

Ngôn ngữ, nhất là tiếng “mẹ ta dùng” thường giản đơn mà bí ẩn như vậy. Khi nhà thơ dùng lại tiếng của Mẹ, anh nhận được sự đồng cảm từ vô thức của người đọc thơ cùng ngôn ngữ với anh, vậy thôi. “Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời” (trích Tình ca của Phạm Duy). Và nhà thơ khi làm thơ đã có sẵn một kho từ vựng “tiếng mẹ ta” rồi, cứ nhẹ nhàng và ân cần, mà yêu thương sử dụng. Dù những câu thơ ấy có khó dịch sang tiếng nước ngoài đi nữa, thì vẫn được người Việt mình cảm nhận và rất yêu thích khi đọc nó.

***

Năm nay, kỳ niệm 200 năm ngày sinh nhà thơ mù vĩ đại Nguyễn Đình Chiểu, một nhà thơ khóc mẹ khi mẹ mất tới mù lòa, nhưng khi thơ ông dùng rất nhiều “tiếng của mẹ” lại khiến thơ ấy ầu ơ mà vụt sáng, mà yêu thương cháy bỏng vào lòng người nghe (vì thơ “Lục Vân Tiên” là thơ kể, người nghe là chính) hơn một trăm rưỡi năm nay.

Chú thích ảnh
“Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” của Nguyễn Đình Chiểu có từ “cui cút” được Hoài Thanh nhận xét: "Bao nhiêu yêu thương trong hai từ cui cút ấy”

Tôi yêu những lưu dân Nam Bộ, những người đã thức hàng đêm nghe thơ “Lục Vân Tiên”, những người trong những ngày đầu tiên thực dân Pháp xâm lược nước ta đã cầm ngang ngọn giáo, chuốt mũi tầm vông lao vào bọn giặc cướp nước. Họ hy sinh, nhưng mãi còn lại trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc bất tử:

“Hỡi ơi!

Súng giặc đất rền;

Lòng dân trời tỏ.

Mười năm công vỡ ruộng, chưa ắt còn danh nổi như phao;

Một trận nghĩa đánh Tây, tuy là mất tiếng vang như mõ.

Nhớ linh xưa:

Cui cút làm ăn;

Toan lo nghèo khó”

(Trích “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” của Nguyễn Đình Chiểu)

Nhà phê bình Hoài Thanh, trong bài viết Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc- "một trong những bài văn hay nhất của chúng ta”, đã công nhận là từ trước khi có tác phẩm này, trong văn chương chưa hề có một cái nhìn yêu thương và kính phục như vậy đối với người nông dân: “Nhớ linh xưa: cui cút làm ăn - toan lo nghèo khó”, và ông viết: "Bao nhiêu yêu thương trong hai từ cui cút ấy”!

Cũng xin nói “cui cút” là từ ngữ “đặc Nam Bộ” nhưng thực ra ai cũng hiểu, vì đó là từ “mẹ ta hay dùng”. Chỉ trong một câu văn 8 chữ: “cui cút làm ăn; toan lo nghèo khó" đã hiện lên đầy đủ một vòng đời không lối thoát của người nông dân Việt Nam, người "dân ấp dân lân" Nam Bộ. Bắt đầu bằng cui cút, vật lộn làm ăn, toan lo để cuối cùng kết thúc trong nghèo khó. Cứ ngỡ họ sẽ mãi mãi cam chịu như thế: “Chỉ biết ruộng trâu, ở trong làng bộ”, đúng như cụ Đồ Chiểu đã tả: “Việc cuốc, việc cày việc bừa, việc cấy, tay vốn quen làm; tập khiên, tập súng, tập mác, tập cờ, mắt chưa từng ngó”.

Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc trong khi tuân thủ chặt chẽ lề luật của một bài văn tế thông thường, đã vượt lên thành một tác phẩm văn học độc đáo có một không hai. Đây là lần đầu tiên trong văn học thành văn Việt Nam xuất hiện hình ảnh người nông dân - chiến sĩ, người cố nông, bần nông - nghĩa sĩ. Và Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ Việt đầu tiên công khai vẽ lên và ngợi ca hình ảnh người anh hùng: “Chẳng qua là dân ấp dân lân, mến nghĩa làm quân chiêu mộ”. Giọng thơ bi thiết, hào sảng, dữ dội, dịu dàng, khi đôn hậu lúc quật cường ấy chính là giọng điệu chủ của văn học viết về cuộc chiến tranh cứu nước của nhân dân Việt Nam, cuộc chiến tranh bắt đầu từ người dân, người lính, những nghĩa sĩ vô danh trùng trùng điệp điệp đã làm nên đất nước này và thề gìn giữ đất nước này.

“Chữ mẹ ta dùng” là thế đấy. Làm sao không yêu thương cho được. Nhưng làm sao dịch hai từ “cui cút” ra tiếng Anh bây giờ nhỉ?

Nhà thơ Thanh Thảo

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm