Nguyễn Đình Chiểu qua ngòi bút của văn nghệ sĩ Sài Gòn

03/08/2022 18:58 GMT+7 | Văn hoá

Cuốn Lục Vân Tiên và những luận đề về Nguyễn Đình Chiểu (NXB Trẻ, 2022) vừa phát hành mang lại cho người đọc nhiều góc nhìn thú vị của Phan Văn Hùm, Thu Giang Nguyễn Duy Cần, Thuần Phong, Vũ Bằng, Bùi Giáng… Sách kỷ niệm 200 năm ngày sinh của cụ Đồ Chiểu (1/7/1822 - 1/7/2022).

Tái bản truyện thơ 'Lục Vân Tiên' bằng tiếng Ukraine

Tái bản truyện thơ 'Lục Vân Tiên' bằng tiếng Ukraine

Giữa những ngày chiến sự ác liệt ở Ukraine, chúng tôi được tin bản dịch "Lục Vân Tiên" (Лyк Ван Тiен) của Nguyễn Đình Chiểu (Нгуєн Дінь Tьєу) ra tiếng Ukraine được xuất bản ở Ukraine, bao gồm cả sách song ngữ và sách đơn ngữ.

Theo thông tin ở lời nói đầu, văn bản Lục Vân Tiên mà NXB Trẻ chọn lựa in lần này là bản hiệu đính, phụ bản chữ Nôm xuất bản ở Sài Gòn năm 1973 của Ủy ban đặc trách san định các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu.

Nỗi lòng một tri thức ái quốc

“Trước đèn xem chuyện Tây-Minh/ Ngẫm cười hai chữ nhơn tình éo le”. Chắc hẳn nhiều người Việt thuộc hai câu thơ đầu tiên trong truyện thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu. Nhưng với những tác phẩm từ thể kỷ 19, dị bản là điều thường gặp. Nên ngay hai câu đầu này sách đã mở thêm cước chú về chữ “ngẫm”, để xem việc lựa chọn giữa “gẫm” hay “ngẫm” là phù hợp.

Sách gồm phần chữ quốc ngữ và phần ảnh ấn bản chữ Nôm. Nguồn ảnh ấn này từ sách Lục Vân Tiên ca diễn của A. des Michles.

Trong lần tái bản này có bổ sung thêm phần luận đề về Nguyễn Đình Chiểu của nhiều tác giả như Phan Văn Hùm, Thu Giang Nguyễn Duy Cần, Thuần Phong, Vũ Bằng, Bùi Giáng…viết ở Sài Gòn từ trước 1975.

Đọc những bài viết này, độc giả ngày nay có thể hình dung cách mà các học giả ở Sài Gòn đánh giá văn nghiệp và cuộc đời cụ Đồ Chiểu. Như trong bài viết Nỗi lòng Đồ Chiểu của Phan Văn Hùm, từ năm 1957, đã miêu tả đoạn cuối cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu, là sự đồng nhất nỗi lòng một tri thức ái quốc với phận long đong đất nước. Ví dụ: “Bấy giờ Nguyễn Đình Chiểu đã già rồi, cơ thể đã suy nhược đôi đường, dầu cho tinh thần có còn muốn phấn đấu mà làm sao chống nổi lại ngọn triều ác liệt mãnh tấn. Nghe tin vua Hàm Nghi chẳng lành, tiên sinh không ngớt thở dài than khóc, cơm cháo lánh mùi, mà thỏn mọn chết dần. Ngày hai mươi bốn tháng Năm, năm Mậu Tý (3/7/1888) tiên sinh buông hơi thở cuối cùng ở Ba Tri”.

Chú thích ảnh
Cuốn “Lục Vân Tiên và những luận đề về Nguyễn Đình Chiểu” vừa phát hành

Thuần Phong trong bài viết đăng trên Văn đàn năm 1962, số đặc biệt về Nguyễn Đình Chiểu, đã gắn cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu với truyện thơ Lục Vân Tiên: “không lạ gì Nguyễn Đình Chiểu có đưa cá nhơn mình vào Lục Vân Tiên, đến đỗi, người ta nói truyện này là truyện tự thuật”.

Tác giả nhận định tính chất đại chúng, bình dân của truyện thơ Lục Vân Tiên là “chủ trương” của cụ Đồ Chiểu và việc dùng phương ngữ Nam bộ đã cho truyện thơ này “một bổ chất đặc biệt” và “truyện Lục Vân Tiên mới phải là sản phẩm của hoàn cảnh xã hội mới, phản ảnh trung thành hình bóng của con người Đồng Nai, mới soi rọi sáng tỏ thế thái nhơn tình của miền Lục tỉnh”.

Những luận đề về Nguyễn Đình Chiểu đã phần nào hé mở một lối vào không chỉ Lục Vân Tiên mà còn là cuộc đời của một trong nhà thơ lớn của Việt Nam, vừa được UNESCO ra Nghị quyết cùng kỷ niệm.

Trong Lục Vân Tiên và những luận đề về Nguyễn Đình Chiểu còn in lại bài nói chuyện của Thu Giang Nguyễn Duy Cần tại Đại học Văn khoa Sài Gòn năm 1971 (nhân kỷ niệm 150 ngày sinh của cụ Đồ Chiểu), đã mạnh dạn khẳng định: “ở miền Nam nước Việt này, có rất đông người dân quê am hiểu Cụ Đồ qua Lục Vân Tiên, nhiều hơn một số thức bác học qua lò luyện đúc của Âu Mỹ ngày nay”. Tác giả cũng nhắc chuyện Bộ Quốc gia giáo dục định loại tên cụ Đồ Chiểu ra khỏi chương trình phổ thông, cũng như những ý kiến so sánh Nguyễn Du và Nguyễn Đình Chiểu của “khá đông nhà tri thức bác học” đương thời. Có thể thấy bài nói của Thu Giang Nguyễn Duy Cần như lời phản biện cho những ai đánh giá thấp văn nghiệp cụ Đồ Chiểu.

Vũ Bằng với Ba thời kỳ, ba nhận xét về truyện Lục Vân Tiên đã thuật lại những nhìn nhận của ông về truyện thơ Lục Vân Tiên từ lần đầu đọc năm tám tuổi đến khi trưởng thành, mà mỗi thời kỳ là mỗi nhận định, cảm quan khác nhau.

Chú thích ảnh
Nguyễn Đình Chiểu sinh ở tỉnh Gia Định

Một trong những con đường dài nhất

Theo tiểu sử, Nguyễn Đình Chiểu sinh ở tỉnh Gia Định, xét vị trí thì nay là phường Cầu Kho, quận 1, TP.HCM. Nhưng hiện tại, con đường mang tên cụ ở Sài Gòn không thuộc phường Cầu Kho, mà có thể tính từ kênh Thị Nghè đến đường Lý Thái Tổ. Đây có lẽ là một trong những con đường dài nhất TP.HCM hiện nay, dài hơn nhiều so với cụm các tên đường của các tao nhân mặc khách gần đó.

Thời Pháp thuộc, đường Nguyễn Đình Chiểu mang một cái tên Tây. Trước năm 1975, tên Tây được thay bằng tên thủ lĩnh khởi nghĩa Hương Khê là Phan Đình Phùng. Sau năm 1975, cụ Phan Đình Phùng “lui về”quận Phú Nhuận. Cụ Nguyễn Đình Chiểu khi ấy đang“cư ngụ” ở quận 3 (nay là đường Trần Quốc Toản) đến thế chỗ và yên vị từ đó đến nay.

Cạnh con đường mang tên cụ là các đường Hồ Xuân Hương, Lê Quý Đôn, Bà Huyện Thanh Quan, Tú Xương, Nguyễn Gia Thiều.

Nhắc tới Nguyễn Đình Chiểu, độc giả nghĩ ngay đến một cốt cách cương trực trọn đời, cả khi đứng trước những biến cố cá nhân lẫn thời đại. Có phải chẳng vì thế, mà con đường Nguyễn Đình Chiểu ở TP.HCM, một đoạn rất dài là đường một chiều, như đời cụ khảng khái, thành thật và trung thành với những chọn lựa của chính mình.

Lúc đường còn mang tên Phan Đình Phùng, năm 1963, tại ngã tư giao với đường Lê Văn Duyệt (nay là ngã tư Cách Mạng Tháng Tám - Nguyễn Đình Chiểu), đã diễn ra sự kiện chấn động bấy giờ, hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu. Tấm ảnh do Malcolm Browne chụp vẫn là bức ảnh nổi tiếng nhất ghi lại sự kiện này.

Nhà thơ Bùi Giáng, trong bài viết Lục Vân Tiên hay tấm lòng của cụ Nguyễn Đình Chiểu, in năm 1957 ở Sài Gòn. Đã thử so sánh: “Một Nguyễn Du đã bị tấn công ráo riết, không chịu đầu hàng nhưng đã nao núng, tìm tới một nhân sinh quan linh động, xen hòa nhiều sắc thái lạ của tư duy. Cụ Nguyễn Đình Chiểu không thế”. Nhà thơ Bùi Giáng coi Lục Vân Tiên là tiếng nói tri âm với lớp người trẻ trung, “tác phẩm đem lại cho họ nhiều an ủi thanh thản hơn Kiều”.

Trong dân gian vẫn lưu truyền trò chơi Vân Tiên cõng mẹ, với các câu: “Vân Tiên cõng mẹ chạy ra/ Đụng phải cột nhà, cõng mẹ chạy vô/ Vân Tiên cõng mẹ chạy vô/ Đụng phải cái bồ, cõng mẹ chạy ra”.

Người người đi lại hối hả trên đường Nguyễn Đình Chiểu hôm nay, có biết bao người cũng đang cõng trên lưng trách nhiệm với cha mẹ, với gia đình trong thời buổi mọi thứ dường như khó khăn hơn. Bao nhiêu khuôn mặt trẻ tuổi đang cõng trên lưng một giấc mơ, thẳng tới trên con đường dài rộng phía trước. Như những dòng Bùi Giáng khép lại luận đề về Nguyễn Đình Chiểu của mình: “Những con người rất trẻ, quá trẻ, đã trót lỡ hiểu hai tiếng hiếu trung nặng đến thế nào để sau này vô cùng đau đớn, trong đau đớn có tìm ra được an ủi hay không? Ta không dám đáp, nghiêng mình thành kính tìm giở xem lại tiểu sử của bậc tiền bối mù lòa đã sáng suốt sống giữa buổi giao thời nhiễu loạn”.

Trong dân gian vẫn lưu truyền trò chơi Vân Tiên cõng mẹ, với các câu: “Vân Tiên cõng mẹ chạy ra/ Đụng phải cột nhà, cõng mẹ chạy vô/ Vân Tiên cõng mẹ chạy vô/ Đụng phải cái bồ, cõng mẹ chạy ra”.

Huỳnh Trọng Khang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm