Thi tốt nghiệp THPT: Gương học sinh Nguyễn Văn Nam hi sinh cứu 5 em nhỏ vào đề Văn

02/06/2013 14:00 GMT+7 | Giáo dục


Sáng 2/6, thí sinh cả nước đã bước vào ngày đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2012-2013 với môn thi Ngữ văn, thời gian làm bài 150 phút. Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN tại các tỉnh, thành phố, đa số thí sinh đã hoàn thành môn thi trong tâm trạng phấn khởi, đề thi được đánh giá hay và phân loại được học sinh.

Thí sinh trường Marie Curie (TP HCM) chuẩn bị bước vào phòng thi. Ảnh Phương Vy - TTXVN

Đề thi Văn khơi dậy được lòng dũng cảm của học sinh

Đề thi môn Ngữ văn gồm 2 phần. Phần chung cho tất cả thí sinh (5 điểm) gồm: câu 1 (2 điểm) Trong phần cuối truyện ngắn của Lỗ Tấn nhân vật bà mẹ Hạ Du đã có thái độ như thế nào khi nhìn thấy vòng hoa trên mộ con mình? Hình ảnh vòng hoa ấy có ý nghĩa gì? - đây là câu hỏi tái hiện lại các kiến thức cơ bản và được ôn tập rất kỹ;

Câu 2 (3 điểm) Viết một bài văn ngắn khoảng 400 từ bày tỏ suy nghĩ của anh chị về hành động dũng cảm cứu người của học sinh Nguyễn Văn Nam. Đây là câu hỏi mở giúp các em có thể nói lên những suy nghĩ của mình về những hành động rất nhân văn, cao thượng quên mình để cứu người bị nạn.

Phần II câu hỏi dành cho thí sinh theo chương trình Nâng cao (được chọn 1 trong 2 câu sau) là: Phân tích diễn biến tâm lý và hành động của nhân vật Mỵ qua cảnh đêm mùa xuân Mỵ muốn đi chơi và bị trói trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ- Tô Hoài hoặc phân tích đoạn thơ trong Đất nước (trích trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm).

Trao đổi với phóng viên TTXVN ngay khi môn thi kết thúc, cô giáo Đặng Thị Ánh Tuyết, giáo viên dạy môn Ngữ văn trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) nhận xét: đề thi văn năm nay rất sát với chương trình, phù hợp với sức học của các em cả về dung lượng và nội dung kiến thức. Các câu hỏi trong phần chung và riêng đều là những kiến thức cơ bản, học sinh đã được cung cấp, ôn luyện khá kĩ trong trường phổ thông. Cấu trúc của đề thi phần nghị luận xã hội đã đặt ra vấn đề mà rất nhiều em quan tâm, nó mang ý nghĩa thiết thực cho học sinh trong cuộc sống. Đặc biệt, đề thi năm nay phần tự luận đã khích lệ sự sáng tạo, phát huy khả năng cảm thụ riêng của các em đối với vấn đề xã hội. Đề thi hay, vừa sức với các em, nhưng vẫn có phần để phân loại được lực học của học sinh.

Cô Triệu Thị Huệ, Tổ trưởng bộ môn Văn, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP HCM) đánh giá: Đề thi năm nay nằm trong phạm vi kiến thức ôn tập, đáp ứng yêu cầu của một kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Điều thú vị của đề thi năm nay là yêu cầu vận dụng kiến thức cao, vì vậy sẽ không phù hợp với các học sinh chỉ quen học tủ và học thuộc lòng.
Cô Huệ nhận xét: Câu 1 và 2 khá nhẹ nhàng. Đối với câu 2, câu nghị luận xã hội, mặc dù hiện tượng đề cập trong đề bài xảy ra khá mới, nhưng gần gũi, tác động tốt đến suy nghĩ, tình cảm của học sinh nên phần lớn học sinh sẽ làm tốt câu này. Câu 3, là câu phân loại trình độ học sinh khá rõ, học sinh muốn đạt điểm cao cần phải kết hợp giữa các đơn vị kiến thức cụ thể với kiến thức khái quát.

Theo đánh giá của cô Lê Thị Thu Hiền, Tổ trưởng tổ văn trường THPT chuyên Lam Sơn (tỉnh Thanh Hoá): Cấu trúc đề thi năm nay có nội dung sát với trương trình, kiến thức học sinh đã được học và ôn thi. Các câu hỏi không mang tính đánh đố. Học sinh có học lực trung bình là có thể làm được bài. Riêng ở Câu 2 được đánh giá là hay bởi câu hỏi này xuất phát từ một sự việc có thật là em Nguyễn Văn Nam dũng cảm cứu bạn và đã bị dòng nước cuốn trôi vì kiệt sức. Em học sinh này lại cùng lứa tuổi với các thí sinh. Khi các thí sinh bày tỏ suy nghĩ về em học sinh Nguyễn Văn Nam này sẽ khơi dây và giáo dục được lòng dũng cảm của học sinh trước một sự việc có thực trong xã hội. Qua đó góp phần định hướng được nhận thức cho các em.

Cô Lê Thị Thơ, Tổ trưởng tổ văn trường THPT Hàm Rồng (thành phố Thanh Hoá) cũng chia sẻ: Đề thi năm nay sát với chương trình sách giáo khoa THPT. Các em học sinh chịu khó ôn tập theo đề cương là có thể làm được bài. Với Câu 2 lấy từ một sự việc có thật, mới xẩy ra để các em học sinh tự bày tỏ quan điểm của mình. Nhưng để đạt được điểm cao, đòi hỏi các thí sinh phải có sự nhạy cảm khi viết về hành động của em Nam và sự đau buồn của gia đình Nam cũng như toàn xã hội.

Nhận xét về đề thi môn Ngữ Văn, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Bình – Tổ trưởng tổ Ngữ Văn, Trường THPT số 1 Bố Trạch (Quảng Bình) cho biết: Đề thi Ngữ văn năm nay phù hợp với chuẩn kiến thức của học sinh. Chủ yếu đề ra trong kiến thức lớp 12, vừa sức với học sinh. Tuy nhiên, để đạt điểm cao đòi hỏi thí sinh vừa phải nắm vững kiến thức chung trong sách giáo khoa và kiến thức xã hội. Nhìn chung, đề thi này đã đảm bảo đúng cấu trúc và giúp đánh giá, phân loại được học lực của học sinh. Thí sinh có học lực trung bình cũng không mấy khó khăn để đạt từ 6 – 7 điểm.

Thí sinh phấn khởi với đề thi vừa sức

Kết thúc buổi thi đầu tiên, em Trần Hải Long, học sinh trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3 (TP Hồ Chí Minh) cho biết đã làm bài thi khá dễ dàng. Em dành nhiều thời gian làm bài cho câu hỏi số 2 trong đề thi môn văn: Nêu suy nghĩ, cảm nhận về hành động của một học sinh nhảy xuống hồ cứu người bạn nhưng lại chết đuối. Em Long nói, đây là câu hỏi không xa lạ và bất ngờ với học sinh và Long tự tin có thể đạt từ điểm 7 trở lên.

Các thí sinh khi được hỏi về môn thi này đều có chung nhận xét là đề thi “dễ thở”, vừa sức, bám sát chương trình sách giáo khoa và chỉ cần có chăm chỉ ôn tập thì học lực trung bình khá cũng có thể đạt kết quả khả quan.

Tại hội đồng thi trường THPT Đào Duy Từ, thành phố Đồng Hới (Quảng Bình), kết thúc thời gian làm bài, nhiều thí sinh bước ra trường thi với tâm trạng hồ hởi. Em Nguyễn Huyền Anh cho biết: Em thấy đề thi vừa sức mình và khá là dễ. Đề thi bám sát chương trình ôn luyện và kiến thức chủ yếu tập trung ở lớp 12. Bạn nào học lực trung bình có thể đạt từ 6 điểm trở lên, giỏi thì dễ dàng đạt điểm số cao hơn.

Tại hội đồng thi trường THPT số 5 Quảng Trạch (Quảng Bình), thí sinh Phạm Thị Quý cũng phấn khởi cho biết: Em học thiên về khối A (Toán, Lý, Hóa) nên khi bước vào kì thi tốt nghiệp, em hơi ngại các môn xã hội. Tuy nhiên, kết thúc môn thi Ngữ Văn em rất vui vì đề thi không quá khó và vừa sức mình, thời gian làm bài cũng phù hợp với dung lượng đề thi. Nếu chấm em ước tính bài mình khoảng 7 -8 điểm.

Lịch thi hệ THPT: Sáng 2/6 thi Ngữ văn. Chiều: Hóa học

Sáng 3/6 thi Địa lý. Chiều: Sinh học

Sáng 4/6 thi Toán. Chiều: Ngoại ngữ/ Vật lý

Hệ Giáo dục thường xuyên: Sáng 2/6 thi Ngữ văn. Chiều: Hóa học

Sáng 3/6 thi Địa lý. Chiều: Sinh học

Sáng 4/6 thi Toán. Chiều: Vật lý


Nhóm PV

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm