04/06/2017 17:26 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - “Cô Tâm bớt mệt hẳn đi khi nhìn thấy cây đa và cái quán gạch lộ ra trong sương mù. Cùng một lúc, dãy tre đầu làng gần hẳn lại, cành tre nghiêng ngả dưới gió thổi và nghe thấy tiếng lá rào rào và tiếng thân tre cót két. Cô sắp về đến nhà rồi, gánh hàng trên vai nhẹ đi, và những cái uốn cong của đòn gánh bây giờ nhịp với chân cô bước mau...
Qua cái cổng gạch cũ, cô vào hẳn trong làng. Ngõ tối hơn, đất mấp mô vì trâu bước, nhưng cô thuộc đường lối lắm. Chân cô dẫm lên lá tre khô và tai nghe tiếng xao xác đã quen; mùi bèo ở dưới ao và mùi rạ ướt đưa lên ẩm ướt… Cô Tâm lại nghĩ đến mình, mẹ già đang mong đợi và các em đang nóng ruột vì quà. Gói kẹo bỏng cô đã gói cẩn thận để ở dưới thúng, mỗi đứa sẽ được hai cái. Chắc hẳn chúng sẽ vui mừng lắm”…
Đọc trích đoạn trên trong truyện ngắnCô hàng xén, Thạch Lam, những ai sinh ra ở những làng quê, hẳn nhiên thấy bóng dáng mình trong đó. Lại thấy ngậm ngùi, thương mẹ, thương chị mình một thời tần tảo vì con, vì em. Thương những gánh hàng xén, chợ quê, nơi neo giữ mảnh hồn thanh đạm cho mỗi người con lớn lên từ gốc rạ. “Đường cái quan chạy qua làng/ Ngày xưa ngóng mẹ võ vàng chợ quê”.
Sáng nay về quê ở Tân Kỳ, một huyện miền Tây Nghệ An, nơi đánh dấu cột mốc số 0 của đường mòn Hồ Chí Minh, tôi đi chợ Cừa cùng mẹ. Cừa là một xã thuộc dạng giàu nhất Tỉnh Nghệ An, nhờ sống vào kinh doanh nung gạch ngói. Nhờ phong thổ tốt, gạch, ngói Cừa một thời tỏa đi khắp nước, dân sung túc hơn người thành phố. Nhưng giờ này, khi công nghệ nước ngoài về nung gạch ngói đã ở tầm vi diệu, thì làng nghề truyền thống Cừa đã bị mai một. Nhiều gia đình đã phải chuyển hướng sang nghề khác.
Nhưng dù có hưng thịnh kiểu nào, thì chợ Cừa sau hai lần đổi chợ, vẫn hết sức bình dân, nếu không nói cứ xập xệ như cái kiếp chợ quê trên cả nước. Nông trường Sông Con đã mấy lần tổ chức đưa chợ cũ ra một khu vực rộng rãi, xây các ốt sạch sẽ, quy củ hơn, tổ chức “cưới chợ” (tức cúng bái, mở hội dịp ra mắt chợ) rất linh đình, nhưng được “ba bảy, hai mốt bữa”, bà con lại kéo về chợ cũ.
Với người dân buôn bán, cái chợ cũ như ngôi nhà mình, có xấu, sập sệ nhưng vẫn là nơi tâm hồn đã mọc rễ. Bán buôn có cái vía, khi đã đậu bến cũ, họ rất ngại dời đi. Trên cả nước, hiện tượng này cũng xảy ra khá nhiều, khi chợ mới xây xong to vât vã nhưng tiểu thương không chịu chuyển đến. Nói đâu xa, cách chợ Cừa tầm dăm cây số là chợ Tân Long, vừa qua đã “hân hạnh” lên báo vì đổ hàng tỷ đồng nhưng rồi để trở thành… sân chơi bóng.
Chẳng là với mục đích xây dựng đón đầu cho dự án nhà máy xi măng Sài Gòn - Tân Kỳ và phục vụ nhu cầu cho hơn 700 hộ dân trên địa bàn. Năm 2009, UBND xã Tân Long đã đầu tư xây dựng chợ Tân Long với nguồn vốn huy động từ ngân sách huyện và đóng góp của nhân dân trong xã. Theo đó, dự án được triển khai với quy mô hơn 3.000m2 gồm nhiều hạng mục công trình hoành tráng. Tuy nhiên, sau nhiều năm, dự án nhà máy xi măng Sài Gòn - Tân Kỳ vẫn treo, khu chợ trở thành nơi chơi bóng và thả trâu bò của một số hộ dân trong vùng. Và dân Tân Long lại rủ nhau đi chợ Cừa.
Mẹ tôi vốn trước đây là công nhân, rồi cán bộ nông trường, sau khi nghỉ hưu sớm, mua quang gánh trở thành “bà hàng xén”. Mẹ buôn bán đủ thứ, sáng tinh mơ đã dậy sớm quảy hàng ra chợ. Khi nào mấy đứa con dậy sớm đi học, mẹ bảo thọc tay vào hai thúng để mẹ lấy hên. Buôn bán đắp đổi qua ngày chỉ đủ thêm tiền mua mấy thức ăn lặt vặt cho gia đình, vậy mà mẹ vẫn một nắng hai sương.
Với lũ trẻ, gánh hàng mẹ như kho tàng cổ tích. Ngóng mẹ đi chợ về đã là một trạng thái tâm lý kỳ diệu. Mở tung cai mẹt, mắt láo liên vào hai thúng và reo lên khi thấy gói quà của mẹ, đến nay vẫn còn nhớ những khoảnh khắc lên đồng ấy.
***
Ngày xưa lẽo đẽo theo mẹ đi chợ, giờ mẹ già lẫm chẫm đi sau lưng con. Thời xa vắng, thường thì chỉ đến cận ngày Tết Nguyên đán, mẹ mới cho phép mấy đứa con đi chợ cùng. Chợ đông, sợ con lạc, mẹ bảo nắm tay vào một đầu gánh- gióng. Đến hàng xáo, mẹ sẽ cho lũ trẻ một bữa ăn thịnh soạn. Ngồi ăn giữa đủ thứ âm thanh, mùi vị bốc lên thơm phức từ các nồi thức ăn, đấy là bữa ăn ngon, linh diệu bậc nhất năm.
Rồi mẹ dẫn con đi sắm áo quần tết. Chỉ có áo quần mẹ mua mới cho ta cảm giác sung sướng, háo hức. Từ ngày lớn lên, tự tay mua áo quần, chúng ta đã đánh mất dần cảm xúc. Mỗi lần mua áo quần mới cho cha mẹ, các cụ thường ngắm nghía, vuốt ve rồi…cất vào tủ. Ở quê, mấy khi có dịp mặc áo quần mới của con sắm đâu.
Quần áo các chị, anh mặc chật thì em thừa kế. Cái nào rách thì những ngày mưa, không thể ra khỏi nhà, mẹ lại mở rương xới ra vá. Mùi long não, mùi ngai ngái của áo bông, len, áo cũ bay vương vấn khắp nhà…
Mua áo quần, đồ cúng tết, hoa quả chưng bàn thờ xong, mấy thằng nhóc nắm tay mẹ dẫn thẳng đến khoảng đất trống bên bìa chợ, nơi các lái pháo đang đốt đùng đoàng, thi triển xem pháo nào kêu to hơn. Hai tay bịt kín tai, đợi khi chấm được chú nào pháo ổn nhất, mới bảo mẹ đến mua pháo. Trên đường từ chợ về nhà, trong lòng hân hoan khi cùng mẹ mang theo cả không khí Tết về nhà.
***
Chợ quê bán buôn đủ thứ, đa số đều ít giá trị, nhìn rất là thương. Chỉ thiếu pháo, còn tất cả những thứ của mấy chục năm về trước đều có thể tìm thấy. Ở chợ đa số biết nhau, chủ nhân mỗi hàng xén đều có một nickname tồn tại bao năm, ví dụ chỉ cần hỏi Bắc “gà” (bán thịt gà), Kiệm “trọc” (mổ lợn), Tâm “phở” (bán hàng xáo phở, bún), Bà Phú “thuốc lào” (bán thuốc lào), Long “cá trích” (bán cá)… thì ai cũng thuộc làu.
Nhiều cụ buôn bán từ thời lũ chúng tôi còn để chỏm, mỗi năm về thăm quê thấy khuyết dần. Họ là những chứng nhân nhẫn nại và hồn hậu của tuổi thơ chúng tôi. Những người thay thế cũng già đi theo năm tháng. Tôi cũng có nhiều bạn học cấp 2, cấp 3 giờ đã thành “cô hàng xén”.
Đấy là những bạn không có điều kiện học cao, hoặc “theo chồng bỏ cuộc chơi”, nên tìm ra chợ sinh nhai. Lần nào đi chợ cũng tìm đến các bạn, để bắt tay nhau, hỏi thăm nhau đủ thứ chuyện, rồi mua ủng hộ bạn. Mua thật nhiều dù biết ăn không thể hết. Các bạn sống vất vả, lam lũ nhưng tình cảm thì rất dễ thương. Có lẽ, họ sẽ lại được mọi người đặt nickname, rồi bám trụ với một kiếp hàng xén ở chợ quê.
Đưa mẹ đi chợ, thực ra là đi chơi chợ là chính. Nếu về một vùng quê nào đó, không trải nghiệm chợ quê, bạn khó có thể cảm thấu văn hóa, tình người mảnh đất ấy.
Hữu Quý
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất