Những ông thầy giảm ăn để có tiền cho VĐV

20/11/2015 10:45 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Hàng chục nghìn VĐV các lứa của Thể thao Việt Nam lâu nay chỉ gần như có một mục tiêu và cơ hội phấn đấu duy nhất là trở thành HLV- cái nghiệp đầy đam mê và thừa gian nan.

Nếu biết rằng 1 HLV trưởng của 1 ĐTQG thu nhập cao nhất cũng chưa nổi 8 triệu đồng/1 tháng mới thấy những người thầy thể thao đã lao tâm khổ tứ, thậm chí chấp nhận thiệt thòi và hi sinh như thế nào để chỉ được giữ lại cái nghề cho mình.

Khi làm thầy là “cứu cánh” duy nhất  

Tại sân Vinh, một bà già U.70  tuổi vẫn cặm cụi làm đủ thứ việc nhặt cỏ trên sân, quét dọn phòng ốc, dọn vệ sinh… Bà là cựu nữ tuyển thủ điền kinh số 1 Việt Nam Trần Thị Soa, người từng dự Olympic Moskva 1980.

Cũng chẳng khác gì, trước cửa SVĐ Thái Bình, một người phụ nữ già dáng vẻ khắc khổ vừa bán hàng vặt vừa trông xe cho những người vào tập. Bà là Bùi Thị Lanh, tay đập xuất sắc ngày nào của đội tuyển quốc gia và bóng chuyền đất lúa.

Đây là những điển hình cho “thân phận” của rất nhiều cựu VĐV. Họ đã yêu, đã cống hiến đến tận cùng cho thể thao để rồi giải nghệ với hai bàn tay trắng: Không tiền, không học hành bằng cấp, không việc làm. Chưa kể, những người hùng thể thao này còn “vào đời lại” trong thiếu hụt cơ bản nhất từ chính mình, từ vốn sống, kiến thức thực tế, kỹ năng sống cũng chỉ bởi suốt cả một thời tuổi trẻ chỉ biết đến tập và đấu, đấu và tập. Như lời than thở của bà Soa thì “càng mê đắm lắm, càng đắng cay nhiều”.  

Ngay cả bây giờ, dù có đỡ hơn hẳn về cơ hội học hành, lương thưởng song phần lớn các VĐV Việt Nam vẫn luôn trầy trật, thua thiệt, thậm chí bế tắc về “đầu ra” cho tương lai. Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng bởi mảng thành tích cao đã và đang có sự bùng nổ số lượng VĐV, tuyển nhanh, đào tạo nhiều, sử dụng thời vụ trong khi các điều kiện đảm bảo lại quá thiếu.

Lâu nay cách nhìn nhận của dân thể thao về chuyện “đầu ra” gần như chỉ bó gọn ở trong quy trình: Kết thúc sự nghiệp, trở thành HLV – tóm lại là người của ngành. Tuyệt đại đa số các VĐV đều phấn đấu, hy sinh cho nghiệp thể thao, suy cho cùng còn vì cái đích này nữa.

Bảo hiểm cho VĐV thể thao: Lơ lửng nỗi lo

Bảo hiểm cho VĐV thể thao: Lơ lửng nỗi lo

Việc VPF quyết định trực tiếp mua bảo hiểm cho 720 cầu thủ có thể coi như một bước đột phá của bóng đá Việt Nam, dù quyết định này chưa có tiền lệ.


Thế nhưng, với con đường đó, khả năng đáp ứng cũng chỉ được một tỷ lệ cực nhỏ, dành cho số ít các VĐV xuất sắc, nhiều đóng góp, phù hợp với công việc và đúng thời điểm, chỉ khoảng 30%.  Đơn cử như môn Pencat Silat Thanh Hóa, hay đá cầu Hà Nội từng sản sinh ra tới 20 gương mặt cho đội tuyển quốc gia chỉ có vài người được giữ lại làm HLV còn lại trôi nổi khắp nơi. Rồi tầm cỡ như tuyển thủ nhiều lần vô địch SEA Games, giành huy chương ASIAD  taekwondo Hoài Thu mà mất hơn chục năm ròng mới được vào ngành Công an…

Thu nhập HLV đội tuyển quốc gia không nổi 8 triệu

Dù không thấy ai than thở cho mình, nhất là khi các học trò của mình còn đang... khổ hơn, nhưng rõ ràng chính các HLV đội tuyển tuyển quốc gia cũng chỉ có mức thu nhập ở mức ổn định trong “cầm chừng” cuộc sống cá nhân. Người đứng đầu một đội tuyển tuyển quốc gia hiện được trả công cao nhất, cũng chỉ đúng 300.000 đồng/ ngày, và lao động ngày nào hưởng ngày ấy.  

Suốt một thời kỳ dài trước đó, các HLV địa phương khi được triệu tập vào đội tuyển tuyển quốc gia quả thật mang đúng nghĩa “làm nhiệm vụ Quốc gia”. Tức là họ lên để ăn tập hàng ngày cùng các VĐV, lương thì vẫn do đơn vị chủ quản trả (thậm chí còn thấp hơn khi chưa trở thành HLV ĐTQG vì bị cắt luôn phụ cấp trách nhiệm). Có nghĩa là, các thầy chỉ được hưởng mỗi chế độ ăn.

Đó là với HLV trong “khung” của một cơ sở còn các ông thầy tự do còn gian khó hơn nhiều. Họ chỉ được ký một bản hợp đồng theo thời hạn tập huấn của đội tuyển tuyển quốc gia, nhận mức thù lao chưa nổi 1 triệu đồng/tháng… Nó ít ỏi đến mức, những HLV này không bao giờ có được nổi tiền triệu trong túi, ai may mắn xuất sắc thi thoảng mới có thêm khoản thưởng. Có người ở xa, cả năm chỉ dám về thăm nhà vào mỗi dịp Tết Nguyên đán.

Qua đó mới thấy HLV đã phấn khởi như thế nào khi từ 2006, nhà nước bắt đầu ghi nhận công sức huấn luyện đội tuyển tuyển quốc gia, bằng chế độ trả công theo ngày. Dù đã qua vài lần điều chỉnh tăng lên, song định mức thực sự hãy còn rất thấp, cụ thể chế độ  HLV trưởng đội tuyển tuyển quốc gia lĩnh 300 nghìn đồng/ngày ngày, các HLV còn lại 200 nghìn đồng/ngày… Tất nhiên, những ai đã có lương của đơn vị chủ quản cũng không được lĩnh cả hai, tuy nhiên nếu mức lương này thấp hơn “khung” công huấn luyện trên Tuyển, sẽ được bù thêm.

Thu nhập cho HLV đội tuyển tuyển quốc gia hiện tại đã đạt mức trên 5 triệu, song không ai vươn tới 9 triệu. Chính xác, cao nhất chỉ là mấy chục vị “truyền trưởng”, hưởng tối đa mức 300.000 đồng x 26 ngày công (trừ 4 chủ nhật), chằn chặn 7,8 triệu đồng. Chưa kể, hễ nghỉ ngày nào là trừ luôn ngày ấy.

Nhất là khi theo cơn bão giá, mọi chuyện đã khác nhiều, tổng thu nhập của các HLV đội tuyển tuyển quốc gia thực chất cũng đã sụt giảm đi nhiều. Chưa đến nỗi nghiêm trọng, song đã khó có thể tiếp tục là một động lực thiết thực cho họ. Như thừa nhận của nhiều người trong cuộc thì phải cố gắng, cân đối kỹ lưỡng lắm mới có thể “cầm cự” nổi, chưa kể tất cả họ đều phải đóng vai trụ cột gia đình.

Cũng trong thời gian rồi, hiện tượng cùng số lượng HLV từ chối lên Tuyển tăng lên nhiều, đặc biệt những năm thiếu sự kiện lớn, như SEA Games, vì nhiều lý do, nhưng chắc chắn có cả vấn đề thu nhập… Đơn cử như bóng chuyền, hiện giờ HLV có thể dễ dàng có tối thiểu 15 triệu đồng/tháng khi nắm một CLB dự giải VĐQG nhưng khi tham gia đội tuyển tuyển quốc gia tự nhiên thu nhập giảm hẳn.  Không ai dám công khai “chê” mức thu nhập, song nó đã và đang có phần tác động vào tư tưởng - tâm lý HLV, bên cạnh những vất vả hy sinh đặc thù, trách nhiệm và áp lực cao trên Tuyển.


Giảm ăn để... tăng thu nhập Tưởng như cực lạ song đây lại là sự thật, như tại Trung tâm HLQG Hà Nội - “đại bản doanh” của Thể thao Việt Nam khi các HLV đã có thêm một ít thu nhập, bằng việc giảm chính mức ăn 200.000 đồng/người/ngày. Theo ý tưởng được gần như tất cả các HLV hoan nghênh nhiệt liệt, cũng do nhu cầu dinh dưỡng khác hẳn với VĐV, nên hàng ngày các thầy đều có chế độ ăn riêng, chỉ chi phân nửa định mức 200.000 đồng này. Phần còn lại, các HLV được nhận để chi tiêu cho các khoản khác. Tính ra, số tiền này cũng giúp cho các HLV tăng thêm thu nhập được thêm khoảng 1-1,5 triệu đồng/tháng.


Tường Nhi
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm