Mùa xuân Biên giới

14/05/2009 17:56 GMT+7 | Một chuyến đi

(Bài dự thi) - Tiếng gà gọi sáng vang lên sau doanh trại làm tôi bật thức. Nhìn đồng hồ, mới có hai giờ sáng mà tôi không sao ngủ tiếp được nữa, khoác thêm chiếc áo ấm và ra cổng đồn nói chuyện với chiến sĩ đang trong phiên trực.

Đêm Cốc Pàng thật yên tĩnh, ngoài thi thoảng tiếng mõ trâu lốc cốc xa tít bên sườn núi, có lẽ tiếng gà là âm thanh cuộc sống duy nhất ở đây. Sáng ra, nhìn đàn gà đẹp như trong tranh làng Đông Hồ của vùng Kinh Bắc đang ríu rít trước khu hậu cần, hỏi ra mới biết, đôi gà tre thi nhau gáy lúc sớm là do một cụ già ở bản Cà Pẻn tặng cho thượng tá đồn trưởng Lê Thanh Bình.
 
I- Biên giới ở gần

Một lần, khi đang đi trên con đường men theo biên giới từ Lạng Sơn, qua Thất Khê, Đông Khê về thị xã Cao Bằng, nhà thơ Dương Kiều Minh- Chủ tịch hội VHNT Hà Tây (cũ) có nói rằng, sau này, nếu ông có đủ quyền và đủ tiền, sẽ khắc một bài thơ của Nguyễn Thành Tuấn (lúc ấy đang là Phó Chủ tịch Hội VHNT Hưng Yên, Tổng biên tập tạp chí Phố Hiến) lên một ngọn núi cao nhất ở miền quan tái này. Nhà thơ Nguyễn Thành Tuấn phì cười, còn đùa thêm, còn tôi hiểu, anh Minh không đùa. Tôi đi chuyến này lên Cốc Pàng, có lẽ cũng dựa vào nguồn cảm hứng của nhà thơ Nguyễn Thành Tuấn về mảnh đất biên ải. Con đường với trảng hoa xuyến chi thanh khiết và rực vàng dã quỳ rồi cũng chẳng còn hấp dẫn nhiều người trong đoàn chúng tôi. Những khuỷu cua tay áo dày đặc đến chóng mặt, xóc đến kinh người. ấy là con đường liên tỉnh Cao bằng- Hà Giang đấy, càng đi, độ dốc càng cao. Hun hút thung sâu, chiều đã phủ lên mái nhà sàn lớp sương mỏng. Đến Bảo Lạc mới ba giờ chiều, nhưng con đường từ Bảo Lạc đến Cốc Pàng lại ngốn của chúng tôi mất năm tiếng đồng hồ, đến tận tám giờ tối chúng tôi mới đặt chân đến cổng đồn 155. Sau này nhắc lại, cậu lái xe vốn chỉ quen với đường đất dồng bằng, đô thị mới thú thực là “qua cầu treo bắc ngang sông Gâm là đã thót tim!”.

Đường đất ấy, dễ làm người ta liên tưởng đến những con đường quê xa hai mươi năm về trước. Thực ra, nói như vậy còn quá nhẹ nhàng, bởi đường quê xưa ở đồng bằng chỉ lầy lội, gồ gề chứ không hề có đèo dốc, còn con đường này, tuy chỉ có hai mươi sáu cây số mà phải qua mất ba con ngầm lớn, còn các đoạn lầy lội nhỏ khiến cho chúng tôi phải xuống hè nhau đẩy chiếc xe mười lăm chỗ ngồi thì có thể đếm kín cả mười đầu ngón tay...

Thế nhưng, khi tiếp chúng tôi, đồn trưởng, Thượng tá Lê Thanh Bình vẫn lạc quan: Các bác các anh thấy đấy, đường đang trải rồi, chỉ khoảng hai, ba năm nữa là "ngon” ngay, điện đã về tận bản, rồi đây đất Cốc Pàng sẽ lại có giá chẳng kém gì các khu thị xã thị trấn. Mai này lại phải có “cơ” mới lên đây lập nghiệp được ở đây đấy...” Nụ cười và giọng nói xứ Thanh trầm ấm làm tiêu tan hết cái mệt nhọc của một ngày đi đường hầu hết thành viên trong đoàn chúng tôi, dù ai cũng biết rằng, chuyện đó còn xa lắm. Mãi sau này, khi về đến nhà, đọc bản thảo của nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Vũ Hồng Đức và thạc sĩ Vũ Tiến Kỳ tôi mới chắc một điều rằng, cuộc đi ấy dù khó khăn gian khổ nhưng đem lại cảm xúc chân thực nhất cho các văn nghệ sĩ. Biên giới, tiếng vọng ấy nghe xa xôi làm sao, nhưng khi đã đi rồi, được cùng ăn cùng ở với những người lính biên ải rồi, mới thấy thật gần. Biên giới đã ở trong tim chúng tôi...

II- Xin hát mãi về anh

Tối hôm trước, sau khi dự bữa cơm chiêu đãi của đại tá Bế Đình Trần- Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh Cao Bằng, chúng tôi đã đi mãi bên con đường nhỏ bên bờ sông Hiến. Sông Hiến sông Bằng mùa này cạn nước, buổi chiều qua cầu, đã nhìn thấy cả đám đá sỏi nhô ra trên lòng sông. Tiếng nước rì rầm trong thanh vắng đêm thị xã vùng biên. Nhà thơ Bế Thành Long tuy đã ngoại thất tuần mà vẫn còn tráng kiện hơn cả bọn trẻ chúng tôi, dù đã uống vài chục cốc rượu ngô mà giọng vẫn sang sảng, trầm ấm. Ông đọc thơ trong tiếng đệm rì rào của sông, ám ảnh mãi “Ta thấy em, em chẳng nói gì/Ta cũng chẳng nói gì/Đất nhẹ nở đầy hoa cúc dại/Hương thơm khắc khổ vậy ư?”. ám ảnh ấy, có lẽ từ những trảng hoa cúc quỳ vàng rực trên đường- con đường dải lụa chênh vênh sườn núi, qua sông Gâm, qua Cà Pẻn, qua tiếng mõ trâu buổi chiều lốc cốc trong sương núi và qua hết thảy thương nhớ của người ở lại “chiếc xe ca luồn mây đưa anh ra khỏi bản”, như lời thơ của một cô giáo miền biên viễn này tặng chúng tôi...

Nói thế, không có nghĩa là, miền sơn cước này chỉ có hoa và thơ. Xin được thưa ngay, với hầu hết các tỉnh biên gới, miền Tây bao giờ cũng gian khó nhất. Và Cốc Pàng là nơi heo hút nhất của hệ thống đồn biên phòng tỉnh Cao Bằng. Khi đang còn ở Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh, đại tá Bế Đình Trần nhìn “con xe” gầm thấp và thành phần đoàn mà đại đa số là người đã trên 50 tuổi, hạ một giọng chắc nịch “Không đi được!”. Âý thế nhưng, nể lời viên trung sĩ dưới quyền mình khi còn đang ở đồn 157 là nhà thơ Nguyễn Thành Tuấn, trưởng đoàn bây giờ, anh lại khoát tay “Thôi thì cứ đi. Mắc đâu giải quyết đó”. Và mắc thật, con đường ven núi đang được đội thi công của một đơn vị công binh phá núi mở rộng, ngồn ngộn đất đá chắn ngang, dài đến hàng cây số. Phải đi bộ vài trăm mét điện thoại của chúng tôi mới có vài "vạch sóng" để gọi cấp cứu. Chỉ đến khi đoàn xe máy của đồn biên phòng lao đến, con đường mới được san ủi tạm để xe có thể vượt qua.

Con đường từ thị trấn Bảo Lạc đến đồn biên phòng đủ để nói lên rằng, giao thông ở vùng phên giậu đất nước ta nhiều nơi còn vô cùng khó khăn. Con đường tuần tra cảu những người lính biên phòng còn vất vả gấp bội. Thiếu tá Lê Thanh Bình kể, những lần tuần tra biên giới của anh, tuy chỉ với hơn 20km đường biên, qua các huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm nhưng các anh phải mất đến hàng tuần lễ. Hồi nhỏ, tôi vẫn tưởng tượng về những người lính biên phòng tuần biên giới trên yên ngựa. Và bây giờ nhìn đàn ngựa sau doanh trại, niềm tin ấy lại được vững vàng hơn. Thế mà, những người lính biên phòng ở đây lại phá vỡ ngay niềm tin huyền thoại ấy của tôi khi nói về đường tuần tra cương vực "đến người đi còn khó chứ nói gì đến ngựa". Theo các anh, chỉ có một số đoạn biên giới có thể đi được bằng ngựa, còn đa phần thì đều phải đi bộ. Mà đi bộ cũng cũng vô cùng vất vả, bởi có những đoạn, đường biên chạy qua những dãy núi đá tai bèo nhọn hoắt hay con thác hiểm trở. Có những đoạn, các anh phải "đi nhờ" sang "hàng xóm" là huyện Nà Po của Trung Quốc.

Gian khó thế, nhưng những người lính biên phòng ở đây vẫn thấy đồn biên phòng và những đoạn đường tuần tra thân thiết chẳng muốn rời. Thượng tá Nguyễn Thanh Bình đến nay đã hơn 30 năm trong quân ngũ, và cũng từng ấy năm anh gắn bó với những đồn biên phòng ở tỉnh Cao Bằng. Quê Thanh Hoá, làm việc ở Cao Bằng, nhưng "đại bản doanh" của gia đình anh lại đặt ở thị xã Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc). Là đồn trưởng, nên thượng tá luôn phải "làm gương" cho binh sĩ dưới quyền. Đơn cử một việc là mười năm nay, thượng tá không về ăn Tết cùng vợ con. Thượng tá kể, những năm qua, vợ anh (công tác tại Bộ chỉ huy Biên phòng) thường xin trực vào ca giao thừa. Khi thời khắc sang canh đến, thượng tá lại điện về Bộ chỉ huy Biên phòng. Hai vợ chồng, hai đầu dây, chỉ chỉ dám nói với nhau một lời chúc ngắn gọn. Bởi điện thoại công vụ không được phép trao đổi chuyện riêng. Câu chuyện nghe như huyền thoại của những năm kháng chiến, ấy mà nó tồn tại giữa những năm đầu của thế kỷ 21 này...

Chính vì tấm gương ấy, mà nhiều chiến sĩ dưới quyền đồn trưởng Nguyễn Thanh Bình đã trụ vững được ở đây. Anh chàng thượng sĩ người Tày Nông Văn Thượng kể, quê cậu ở huyện Hoà An cùng tỉnh Cao Bằng, năm đầu nhập ngũ không được về ăn Tết cùng gia đình, đã khóc và thầm oán trách chỉ huy của mình. Nhưng, khi nghe đồng đội kể về "thâm niên" xa gia đình dịp năm mới của đồn trưởng, đã vui vẻ trở lại. Và từ đó, cậu tình nguyện xin làm liên lạc cho đơn vị để gắn bó với đồn trưởng hơn.

Thiếu uý Lý Văn Đình cũng là người Cao Bằng. Anh ở đội vận động quần chúng của đồn biên phòng 155. Có lẽ chính ở đội vận động quần chúng, gần với bà con nên nỗi nhớ quê hương của Đình cũng được vơi đi phần nào. Nhưng cũng vì thế, anh gắn bó hơn với dân. Hôm chúng tôi đến Cốc Pàng, Đình vừa từ bản Cà Pẻn về lấy lương thực và nhu yếu phẩm để hôm sau, anh lại xuống bản. Thiếu uý Đình bảo, tình quân dân ở đâu anh không biết, chứ ở nơi cương vực của tổ quốc này, thực sự là sự gắn kết máu thịt, thực sự là "quân với dân như cá với nước". Đã có những trường hợp, chiến sĩ được bà con đề nghị đơn vị, đề nghị Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh cho ở lại, làm cán bộ địa phương. Đó là trường hợp của đại uý Ngọ Văn Hàn hay trung uý Lê Bá Hùng. Các anh đã được đảng bộ các xã vùng biên "giữ lại" và bầu vào chức Bí thư đảng uỷ xã. Mỗi người lính biên phòng không chỉ cầm súng gìn giữ biên cương mà còn là một chiến sĩ an ninh, một thầy giáo hay một cán bộ tuyên giáo, cán bộ dân vận... Đành rằng phên giậu của đất nước không chỉ là những cột mốc, những ngọn núi, con suối, mà ở chính trong lòng những con dân đất Việt ở miền biên viễn luôn hướng về tổ quốc. Nhưng, một phần, phên giậu lòng dân ấy được củng cố bởi sự tác động của những người lính biên phòng đang ngày đêm đồng cam cộng khổ với bà con, khơi lên từ tiềm thức họ tình "đồng bào" chỉ có ở tổ quốc Việt Nam.

*

Khi rời Cà Pẻn, nhà thơ Nguyễn Thành Tuấn có kể lại một kỷ niệm của anh thuở còn là trung sĩ biên phòng. Khi ấy, anh cùng với đồn trưởng đồn 157 của mình là đại tá Bế Đình Trần bây giờ, xuống Cà Pẻn đón tết cùng đồng bào. Mồng Một tết, nhưng trong bản lại lặng te như ngày thường. Dân đói, các gia đình đón tết chỉ có lèo tèo vài miếng thịt thú rừng mới săn được. Đồn trưởng bèn cho chàng trung sĩ đi theo chạy về đồn lấy khẩu phần của mình đem đến ăn tết cùng bà con. Và, trong tiếng "sli", tiếng "lượn" réo rắt, chàng trung sĩ đã hướng khẩu AK lên trời kéo một loạt đạn mừng năm mới. Khói súng hoà trong sương núi, hoa đào tơi tả bên thềm làm hân hoan thêm không khí mừng xuân của đồng bào bản người Lô Lô này... Nhà thơ Nguyễn Thành Tuấn, chàng trung sĩ có một thời gian dài đi chăn ngựa biên phòng lần đi này đã về lại được bản Cà Pẻn năm xưa, dù "chẳng ai nhớ người lính chăn ngựa năm xưa/ ngoài một tiếng thở dài rất khẽ" như một câu trong bài thơ của anh. Nhưng, trên đường về xuôi, tôi thấy anh cứ khe khẽ ngân nga "Chiều biên giới em ơi/có nơi nào đẹp hơn/...khi rừng đào hoa nở/khi rừng sở ra cây/gió lùa bậc thang mây/chiều toả ngát hương bay"... 

Bên đường, những cành đào khẳng khiu trong vườn nhà ai đã hé nụ. Mùa xuân đang đến. Tết này, ai trong số chiến sĩ tôi gặp ở Cốc Pàng sẽ đến đón xuân trên đường tuần tra cùng với những con dân của tổ quốc nơi phên giậu của đất nước vạn mùa xuân.

Phạm Minh Hoàng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm