Khi trường ca Trần Đăng Khoa được dân gian hóa

26/07/2013 10:19 GMT+7 | Đọc - Xem


(Thethaovanhoa.vn) - Việc “sáng tác cá nhân chuyển hóa thành văn học dân gian” không phải là chưa từng có trong lịch sử. Chẳng hạn, thơ Trần Tuấn Khải đã hóa thành ca dao: Anh đi anh nhớ quê nhà/ Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương.

Hoặc, tương tự thì đoạn ca dao bắt đầu với hai câu Gió đưa cành trúc la đà/ Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương được cho là có liên hệ chặt chẽ với bài Hà Nội tức cảnh của Dương Khuê, có hai câu tương tự: Phất phơ ngọn trúc trăng tà/ Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương.

Nay, nếu điều tương tự xảy đến với trường ca Đi đánh Thần Hạn của Trần Đăng Khoa, không những được dân gian hóa mà còn được phóng tác thành thể loại khác (từ thơ sang truyện), thì là chuyện hay hay dở?

Tác phẩm được/bị người dân phóng tác

Bài báo này nói riêng về trường hợp dân gian hóa của trường ca Đi đánh Thần Hạn, thay đổi về cơ sở tranh cãi từ cuốn Từ điển type truyện dân gian Việt Nam sangcuốn Văn học dân gian Bạc Liêu.

Cuốn Văn học dân gian Bạc Liêu - công trình dày 748 trang, do Khoa Ngữ văn và Báo chí, Đại học KHXH&NV TP.HCM thực hiện, PGS Ngô Xuân Diên chủ biên ghi rõ xuất xứ của truyện Đi đánh Thần Hạn: “Người kể: Hà Cẩm Vân, (năm 1992), ấp 19, xã Phong Thạnh, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu”.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa
Thực tế, Khoa Ngữ văn và Báo chí đã huy động 34 giảng viên và 474 sinh viên đi sưu tầm vào năm 2002 và 2003. Nhóm sưu tầm đã tập hợp được hàng nghìn truyện cổ, được nhóm biên soạn lọc và chọn ra khoảng một nửa số đó để đưa vào sách.

Cuốn sách được NXB Văn nghệ TP. HCM in lần đầu năm 2005, trong đó có truyện Đi đánh Thần Hạn. Đến năm 2011, sách được NXB Đại học Quốc gia Hà Nội in lại, vẫn giữ nguyên truyện Đi đánh Thần Hạn.

Theo tìm hiểu của TT&VH, hôm 24/7, một cựu sinh viên Khoa Ngữ văn và Báo chí, từng tham gia nhóm sưu tầm truyện, đã gửi thư điện tử phản hồi đến PGS.TS Nguyễn Thị Huế (chủ biên cuốn Từ điển type truyện dân gian Việt Nam) nhân tranh cãi về Đi đánh Thần Hạn.

Sinh viên này kể lại: “Khi đi sưu tầm, chính tôi cùng nhóm của mình đã ghi âm câu chuyện Đi đánh Thần Hạn qua lời kể của một bác gái ở Bạc Liêu (bà Hà Cẩm Vân như trong sách ghi). Tôi nghĩ có lẽ thơ của nhà thơ Trần Đăng Khoa đã được dân gian đọc, thích, nhớ, rồi truyền từ mẹ sang con, từ bà sang cháu... Người biên soạn cuốn Văn học dân gian Bạc Liêu khi chỉnh lý đã không biết đó là câu chuyện được phóng tác lại từ thơ”.

Vậy là rõ, ít nhất có một người dân Bạc Liêu coi Đi đánh Thần Hạn là chuyện dân gian truyền miệng ở địa phương và kể lại cho nhóm sưu tầm mà không biết nguồn gốc của truyện là trường ca cùng tên của nhà thơ Trần Đăng Khoa. Hay nói ngắn gọn: thơ Trần Đăng Khoa đã được chuyển hóa thành truyện dân gian trong quá trình phổ biến tác phẩm.

Cuốn Từ điển type truyện dân gian Việt Nam (trái) và Văn học dân gian Bạc Liêu.
“Dân gian hóa”

Về trường ca Đi đánh Thần Hạn, đây là tác phẩm dài 2.363 chữ, 571 câu (gồm cả tên trường ca và tên các chương), 4 chương. Tác phẩm viết về cuộc đấu tranh chống Thần Hạn của con người để bảo vệ cuộc sống trên mặt đất.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa kể, khi viết tác phẩm, ông nghĩ tới “sức mạnh của nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ”. Bài thơ khi vừa làm xong đã được báo Văn nghệ đăng vào năm 1970, về sau còn được in sách và tái bản hơn 30 lần trong vòng 43 năm qua. Trong thời gian đó, bài thơ được người dân Bạc Liêu đọc, nhớ và phóng tác thành truyện dân gian như thế nào thì là chuyện khó có thể kiểm chứng.

Việc một tác phẩm văn học được phổ biến trong dân gian, khiến nhiều người tưởng là văn học dân gian nhưng thực ra lại là văn học viết của một tác giả cụ thể và ngược lại, là điều rất phổ biến. Theo PGS.TS Nguyễn Thị Huế, đây là trường hợp “thú vị nhưng cũng hết sức chông gai trong việc phân định”.

Dù sao thì trong trường hợp Đi đánh Thần Hạn, với việc các nhóm nghiên cứu cho đây là sáng tác dân gian, thì không ai có ý định ăn cắp hay đạo trường ca của nhà thơ Trần Đăng Khoa, cũng không có chuyện cố tình “phù phép” biến trường ca thành của dân gian.

Cựu sinh viên từng tham gia nhóm sưu tầm ở trên bình luận thêm: “Theo tôi, nhà thơ nên vui mừng, vì thơ của ông coi như là sống vĩnh viễn với dân gian rồi”.

Như Thethaovanhoa.vn đã đưa tin, hôm 21/7, nhà thơ Trần Đăng Khoa viết bài trên blog riêng, nêu ra chi tiết về truyện dân gian Đi đánh Thần Hạn trong cuốn Từ điển type truyện dân gian Việt Nam. Nhà thơ khẳng định Đi đánh Thần Hạn là trường ca do ông sáng tác năm 1970, cho rằng nhóm biên soạn đã mắc sai sót và yêu cầu dẫn nguồn tư liệu.

Hôm 24/7, PGS.TS Nguyễn Thị Huế phản hồi, giải thích rằng nhóm biên soạn đã sử dụng tư liệu “có xuất xứ và đã được công bố, xuất bản”, dẫn nguồn là cuốn Văn học dân gian Bạc Liêu. Thêm vào đó, PGS Huế cũng: "Thành thật xin lỗi vì sự bất cẩn này”.


Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm