Trường ca của Trần Đăng Khoa bị biến thành… truyện cổ dân gian

25/07/2013 09:26 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Một trường hợp phức tạp hơn cả đạo văn: trường ca Đi đánh Thần Hạn của nhà thơ Trần Đăng Khoa, từng được in sách nhiều lần, nay được một công trình nghiên cứu liệt kê là truyện dân gian Đi đánh thần hạn trong kho tàng truyện cổ Bạc Liêu.

Công trình nói trên là cuốn Từ điển type truyện dân gian Việt Nam (“type” nghĩa là “kiểu”), một tài liệu nghiên cứu rất dày dặn của nhóm biên soạn thuộc Viện Văn học ở Hà Nội, in năm 2012.

Trường ca biến thành truyện dân gian cùng tên

2 tác phẩm có cùng tên – Đi đánh Thần Hạn, nhưng khác về thể loại và xuất xứ.

Tác phẩm thứ nhất là trường ca của nhà thơ Trần Đăng Khoa. Theo chính lời tác giả khẳng định trên blog riêng Lão Khoa hôm 21/7, ông sáng tác trường ca 4 chương Đi đánh Thần Hạn vào năm 11 tuổi, cách đây 43 năm. Tác phẩm đã được đăng trên báo Văn nghệ vào tháng 9/1970, sau đó được in ở cả Hải Dương quê ông và Hà Nội, ở Hà Nội còn tái bản 30 lần.

Bìa cuốn Từ điển type truyện dân gian Việt Nam dày 1099 trang. Ảnh: Trần Thiện Khanh

Tác phẩm thứ hai là truyện dân gian, được nhắc đến ở trang 60, mục từ số 8 của cuốn Từ điển type truyện dân gian Việt Nam nói trên. Bản đăng trong cuốn sách là bản tóm tắt, có nội dung tương tự trường ca của Trần Đăng Khoa. Nội dung như sau: Thần Hạn độc ác, hút kiệt nước khắp mọi nơi, làm đời sống của người dân khốn khổ; về sau có cậu bé hóa thành dũng sĩ diệt Thần Hạn, mang lại bình yên cho người dân.

Cuốn Từ điển type truyện dân gian Việt Nam khẳng định đây là truyện nằm trong kho tàng dân gian tỉnh Bạc Liêu.

Nhầm lẫn vì nguồn tư liệu có sai sót

Hôm 21/7, khi phát hiện tác phẩm từ một trường ca của mình biến thành truyện dân gian Bạc Liêu, nhà thơ Trần Đăng Khoa rất bức xúc. Ông viết: “Tôi buộc lòng phải lên tiếng, kẻo rồi có bạn đọc lại hiểu lầm, lại tưởng là lão Khoa đã đạo văn, mà đạo văn từ khi mới nứt mắt (11 tuổi)”.

Nhà thơ yêu cầu nhóm biên soạn của PGT.TS Nguyễn Thị Huế dẫn nguồn tư liệu nghiên cứu cho thấy văn bản Đi đánh Thần Hạn đã được in ở Bạc Liêu trước năm 1970.

Bìa cuốn Văn học dân gian Bạc Liêu 2 bản in năm 2005 và 2011. Ảnh: PGS.TS. Nguyễn Thị Huế

3 ngày sau đó, nhóm biên soạn có phản hồi. Theo như PGS.TS Nguyễn Thị Huế – chủ biên cuốn sách – viết trong bài giải thích trên trang web của Viện Văn học hôm 24/7, văn bản gốc mà nhóm dựa vào để tóm tắt lấy từ truyện dân gian Đi đánh thần hạn (không viết hoa) in trong sách Văn học dân gian Bạc Liêu do PGS. Chu Xuân Diên chủ biên, được NXB Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh in năm 2005.

Năm 2011, cuốn Văn học dân gian Bạc Liêu được NXB Đại học Quốc gia Hà Nội tái bản, truyện Đi đánh thần hạn vẫn được đăng và giữ nguyên nội dung, chứng tỏ người biên soạn Văn học dân gian Bạc Liêu vẫn cho rằng thông tin và văn bản truyện Đi đánh thần hạn họ đưa vào là đúng.

Vì vậy, theo PGS.TS Nguyễn Thị Huế, nhóm biên soạn đã “sử dụng văn bản truyện kể đều có xuất xứ và ở dưới dạng tự sự và đã được công bố, xuất bản”. Do đó, họ không vi phạm nguyên tắc nghiên cứu khoa học. Rắc rối xảy ra vì truyện Đi đánh thần hạn trong cuốn Văn học dân gian Bạc Liêu mà họ dựa vào để tập hợp lại có thể chính là bản sao chép, biến đổi từ trường ca Đi đánh Thần Hạn của nhà thơ Trần Đăng Khoa.

Khi giải thích rõ điều này, PGS.TS Nguyễn Thị Huế kết luận: “Công trình của chúng tôi không hề sử dụng tác phẩm của nhà thơ với dụng ý ngoài khoa học mà biên soạn trên nguồn tư liệu đã được công bố” và “Chúng tôi thành thật xin lỗi vì sự bất cẩn này”.

Cuốn từ điển hơn 1.000 trang về truyện dân gian

Từ điển type truyện dân gian Việt Nam do Phòng Văn học dân gian của Viện Văn học biên soạn, PGS.TS. Nguyễn Thị Huế làm chủ biên. Đây là công trình nghiên cứu cấp Bộ được hoàn thành trong hai năm 2007 - 2008, Chính phủ tài trợ sáng tạo năm 2012, có độ dày 1099 trang với 761 kiểu truyện cũng đồng thời là 761 mục từ, do Nhà xuất bản Lao động ấn hành năm 2012.

Bản in năm 2011, từ 29 đến 31, đăng truyện Đi đánh thần hạn, có dẫn nguồn người kể lại chuyện (được đánh dấu trong ảnh). Ảnh: PGS.TS. Nguyễn Thị Huế

Đề tài nghiên cứu ban đầu có tên Từ điển kiểu truyện dân gian Việt Nam, sau khi hoàn thành, ra sách với tên Từ điển type truyện dân gian Việt Nam.

Đây là cuốn sách được thực hiện để làm tài liệu tham khảo về truyện dân gian dưới dạng từ điển chuyên ngành, có các mục từ tra cứu. Nội dung giới thiệu các kiểu (type) truyện dân gian Việt Nam thuộc các thể loại: truyền thuyết, cổ tích, ngụ ngôn, truyện trạng, truyện cười… các vùng miền.

Chính vì thế, nhóm tác giả đã sử dụng nguồn tham khảo là các tuyển tập truyện dân gian của nhiều tỉnh thành trong nước. Mỗi truyện được nêu thành một mục từ gồm: tên gọi, xuất xứ, nội dung, dị bản và vùng lưu truyền chủ yếu.

Điều đặc biệt là bản in trong cuốn Văn học dân gian Bạc Liêu năm 2011, từ trang 29 đến 31 (theo ảnh chụp do PGS.TS Nguyễn Thị Huế cung cấp) ghi nguồn rất cụ thể như sau: “Người kể: Hà Cẩm Vân, (năm) 1992, ấp 19, xã Phong Thạnh, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu”. Trong khi đó, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã công bố trường ca cùng tên vào năm 1970.


Mi Ly


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm