Hành trình Thái Lan: Từ nghệ thuật Muay đến 'Sin city' - thành phố tội lỗi

06/04/2015 05:30 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Màn trình diễn môn võ Muay ngoạn mục, hoành tráng và đậm chất truyền thống kết thúc với một yêu cầu ngắn, chữ nhỏ nhưng khá rõ ràng trên màn hình: Hãy “like” chúng tôi trên Facebook ở địa chỉ: https://facebook.com/muaythailive.bkk.

Giống như nhiều thứ nghệ thuật và giá trị Á Đông lâu đời khác, Muay Thái, môn võ Thái Lan đã có lịch sử ít nhất 500 năm, phải chấp nhận các tiện nghi mới của phương Tây đầy chất thực dụng, như Facebook, để duy trì và phát triển. Những quan điểm khoa học, luôn muốn đẩy lùi mọi bóng tối, chinh phục tự nhiên, coi trọng cái tôi và lòng tham của phương Tây đã thắng thế mạnh mẽ trong thời gian qua và phủ bóng lên nhiều giá trị Á Đông, tạo ra những thay đổi lớn ở phần châu Á của thế giới, cũng là vùng phát triển nhanh chóng nhất về mặt kinh tế trong khoảng 100 năm qua, và do đó, bị bộc lộ nhiều nhất với những quan điểm Tây phương.

Buổi trình diễn lịch sử và nghệ thuật Muay Thái The Legends Live (Những huyền thoại sống) ở giữa trung tâm Bangkok ồn ào náo nhiệt, bên cạnh một khu chợ đêm tấp nập bán đủ thứ (và cho trả giá) kiểu Sài Gòn Square có thể coi là một biểu tượng cho sự hòa hợp lẫn xung đột giữa hai thứ giá trị đó, khiến nó trở nên hấp dẫn không chỉ với những người yêu thích môn võ này.

Buổi trình diễn gồm bốn màn đặc sắc mà anh bạn hướng dẫn Somwat của chúng tôi nói thường không có trong các tour cho du khách Việt Nam (giá vé khá “chát”, 1.200 baht, khoảng gần 800.000 VNĐ cho màn trình diễn hai tiếng, bao gồm hai trận Muay Thái “giao hữu”, ngoài bốn màn chính) tận dụng mọi công nghệ sân khấu hiện đại: các hiệu ứng ánh sáng, âm thanh, hình ảnh hỗ trợ trên một màn hình lớn, thiết kế sân khấu sống động, đạo cụ đa dạng với máy móc, thiết bị đu dây…



Vẻ đẹp và cảm xúc khác hẳn một trận đấu thực trên võ đài

Với mục đích giới thiệu lịch sử, triết lý và những tôn chỉ của môn võ, phải nói là đạo diễn cùng các diễn viên đã rất thành công. Tuy nhiên, khi xem hai trận thượng đài của các võ sĩ Muay Thái vào cuối màn trình diễn và đọc dòng chữ “ủng hộ trên Facebook”, bạn sẽ không khỏi cảm thấy chút tiếc nuối. Những võ sĩ tham gia màn trình diễn, bất chấp đều có cơ bụng sáu múi và những bắp tay, bắp chân cuồn cuộn, vẫn là vẻ đẹp khỏe khoắn Á Đông rất điển hình. Vóc dáng vừa phải, da màu đồng hoặc đen xạm. Họ không phải là kiểu cơ bắp công nghiệp của những Arnold Schwarzenegger hay Sylvester Stallone. Chính vì vẻ ngoài đó, họ thật hợp với những chiếc khố hay váy màu nâu sòng cũng như thứ ánh sáng chập choạng mà nhà đạo diễn đã tài tình tạo ra trên sân khấu.

Tổ tiên chúng ta, nhất là ở vùng Đông Nam Á xa xôi này, không có ánh sáng điện, vật liệu ny-lon hay sợi tổng hợp, họ đã thật thông minh và thể hiện khiếu thẩm mỹ tuyệt vời với màu nâu sòng khéo léo làm nền tảng cho những chất liệu trang phục. Trong màu áo đó, với chiếc khố rất đặc trưng đó, những con người Đông Nam Á nhỏ bé nhìn cao lớn hơn, màu da của họ cũng đẹp hơn, rất hợp với màu áo quần.

So sánh những võ sĩ Thái Lan trình diễn với các tay đấu Muay Thái thật sau đó, với những chiếc quần thể thao sợi tổng hợp xanh-đỏ rộng thùng thình, đôi găng quá khổ so với thể hình trong một võ đài không khác mấy một võ đài quyền anh được chiếu sáng chói chang, cảm xúc mà bạn đã có trong những màn trình diễn trước đó tiêu tan đi nhiều. Ở đây, những giá trị phương Tây, sự tiện ích, công thức và khoa học thể thao đã át đi truyền thống và vẻ đẹp thuần túy. Lý trí đã lấn lướt cảm xúc.



Một ngôi chùa cổ trong ánh hoàng hôn nhìn từ sông Chao Phraya, Ayutthaya

Muay Thái vẫn giữ được nhiều giá trị cổ truyền như các nghi thức bái sư trước mỗi trận đấu, lễ bái sư đặc biệt quy mô tổ chức ở cố đô Ayutthaya vào ngày 17/3 hàng năm, tinh thần tôn sư trọng đạo và những triết lý nền tảng của nó. Tuy nhiên, sự thực dụng của các tiện nghi phương Tây đã len lỏi vào khắp nơi, từ những phòng tập cực kỳ hiện đại với các thiết bị tập “gym” đi kèm cho tới các võ đài kiểu mới có thể khiến nhiều người nhầm lẫn nó với quyền anh.

Tôi không khỏi tưởng tượng, giống như với nhiều truyền thống Á Đông khác, nếu người Thái phát triển Muay Thái thành một môn thể thao hiện đại mà không có sự can thiệp của phương Tây, mọi việc có lẽ đã khác. Thay vì những chiếc quần võ sĩ xanh-đỏ lòe loẹt, bộ khố vải đơn giản, hiệu quả và rất đẹp kia có lẽ đã được giữ lại. Cặp găng tay quyền anh hẳn đã được thay bằng những sợi thừng (như một số võ sĩ trình diễn vẫn dùng). Võ đài hẳn đã là một bãi đất trống…

Người Nhật, một lần nữa, là dân tộc giỏi nhất trong việc giữ lại tất cả những giá trị nguyên bản của họ, đồng thời, thật kỳ lạ, là đất nước hiện đại nhất, ở châu Á. Trà đạo, nghệ thuật sơn mài, kịch Nô… đều đã được họ bảo tồn và phát triển với tâm thức rõ ràng là càng giữ giống với nguyên bản nhất càng tốt.Việt Nam có lẽ là ở cực bên kia, khi sự đoạn tuyệt với quá khứ trong một thời gian dài đã khiến cái phông nền văn hóa cũng lâu đời không kém ai của chúng ta mai một. Những lễ hội lộn xộn, những tranh cãi về áo dài và ở tầm mức cao hơn, cách ứng xử của cả một xã hội, là bằng chứng.

Thái Lan thì ở đâu đó giữa hai thái cực. Bangkok là một thành phố hiện đại, và đông đúc, đến khó chịu. Pattaya là một “sin city” (thành phố tội lỗi) nơi các quý ông hám của lạ có lẽ dễ bị lừa gạt bởi một cô nàng chuyển giới trên đường phố nhất. Nhưng cách hai nơi đó chỉ khoảng một giờ đồng hồ vẫn là một Ayutthaya cổ kính, trang nghiêm và trầm mặc, không khác gì kinh thành Huế (và thời tiết cũng nóng bức như thế).



Ngôi đền sự thật nằm ngay trên bờ biển ở bắc Pattaya

Cố đô của Thái Lan cho tới năm 1767, thành phố từng một thời là đô thị lớn nhất thế giới với 1 triệu dân vào khoảng năm 1600, nay chỉ có hơn 60.000 dân. Ayutthaya, vây quanh bởi bốn dòng sông, bao gồm sông Chao Phraya huyền thoại, cũng là nơi có xấp xỉ 20 ngôi chùa vào loại cổ nhất còn lại của Thái Lan, tạo thành cả một quần thể di sản UNESCO khổng lồ. Không hiểu bằng cách nào, không cách xa Bangkok và Pattaya như Hội An hay Huế so với Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, nhưng Ayutthaya không hề bị “ô nhiễm” bởi khói bụi và những ồn ào của thủ đô Bangkok và tội lỗi của “Sin city” Pattaya.

Một chuyến đi thuyền trên dòng Chao Phraya vào buổi chiều trước lúc hoàng hôn sẽ là cách lý tưởng nhất để bạn cảm nhận bầu không khí “cô đô” đậm đặc của Ayutthaya (tiếc thay, cũng theo anh bạn Somwat, thành phố này cũng không phải là điểm đến quen thuộc của du khách Việt, vốn thích hơn sự tiện dụng ở Bangkok và náo nhiệt ở Pattaya, hãy những bãi biển đẹp ở Phuket). Hai bên bờ sông, bạn có chiêm ngưỡng những ngôi chùa với kiến trúc kiểu Ấn đặc sắc, bên cạnh những nhà hàng đầy chất nghệ thuật hay các ngôi nhà kiểu biệt thự được xây dựng công phu của giới “đại gia” ở Bangkok xây dựng cho những dịp nghỉ ngơi cuối tuần, lễ tết. Hoàng hôn trên sông Chao Phraya, một lần nữa, sẽ khiến bạn nghĩ tới những giá trị Á Đông đã phải lùi vào tịch mịch thế nào ở cố đô này, khi mà ánh sáng đô hội và tiện nghi đang chiếu rọi khắp nơi.

Nơi tĩnh tâm ở “Sin city”

Ngay bên ngoài “thành phố tội lỗi” Pattaya là Ngôi đền sự thật Prasat Mai, một điểm đến hoàn toàn đối lập với các quán bar, gái điếm và những bữa tiệc thâu đêm suốt sáng ở trung tâm thành phố. Mới được xây dựng từ năm 1981, công trình nghệ thuật-tôn giáo này dự kiến sẽ chỉ được hoàn tất vào năm 2050. Điểm đặc sắc nhất của ngôi đền là trong toàn bộ diện tích hơn 2.000 mét vuông (và còn được mở rộng) cùng chiều cao chỗ cao nhất lên tới 100 mét của nó, không hề có một vật liệu kim loại nào.

Cả ngôi đền đều được làm bằng gỗ với những mảnh ghép nối cực kỳ khéo léo và các thân gỗ khổng lồ làm nên những cây cột chắc chắn sẽ làm bạn phải ngạc nhiên vì kích thước và sự hùng vĩ của nó. Bốn mặt của ngôi đền được trang trí với những thần ảnh tượng trưng cho bốn nền văn hóa Á Đông khác nhau: Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan và Campuchia. Đáng nói hơn, trong khi tôi không biết là ở Thái Lan có những nhà tỉ phú nuôi cọp hay dựng ảnh của mình trong chùa hay không, Ngôi đền sự thật là một công trình tư nhân hoàn toàn của một nhà triệu phú-kiến trúc sư người Thái, Lek Viriyaphant. Đã đủ giàu có, ông bỏ ra một phần lớn tài sản cho việc xây dựng, bảo dưỡng và mở rộng công trình này. Lek qua đời năm 2000, nhưng công việc của ông đã được tiếp tục bởi người con trai, cũng là người thừa kế chính, thật là một cách tốt để các triệu phú tiêu tiền.


Thông tin Sô trình diễn Muay Thai The Legend Lives

Sô diễn bắt đầu vào 8 giờ tối mỗi ngày. Giá vé 1.200 baht. Du thuyền thăm quan Ayutthaya Những chiếc thuyền lớn sẽ đưa bạn đi thăm quan các cảnh đẹp dọc theo sông Chao Phraya, sông Pa Sak và xung quanh thành phố. Có thể thuê riêng thuyền hoặc mua vé lẻ ở bến thuyền phía trước bảo tàng Chanthara Kasem, ở bến du thuyền Pom Phet hoặc bến thuyền Wat Phananchoeng. Nhiều nhà hàng ven sông cũng cung cấp dịch vụ du thuyền. Giá cả phụ thuộc vào độ dài hành trình và việc bạn có ăn uống trên thuyền hay không. Sanctuary of Truth (Ngôi đền sự thật) Nằm bên bờ biển ở Laem Ratchawet, bắt Pattaya. Rẽ vào ở Soi 12, đường Ka Kluea. Một dự án chưa hoàn thành, nhưng ngay lúc này đã rất đáng xem. Giá vé vào cửa 500 baht mỗi người (khoảng 330.000 đồng), mở cửa tới 6 giờ tối.

Hải Minh
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm