Đô vật Nguyễn Thị Lụa và Vũ Thị Hằng: Bay từ làng đến Olympic

22/05/2016 06:15 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Với mức đầu tư rẻ đến mức kỷ lục chỉ khoàng 150 triệu đồng, hai đô vật con nhà nông từ sới  vật làng  Nguyễn Thị Lụa và Vũ Thị Hằng đã tiến thẳng  tới Olympic.

Thậm chí, đây đã là lần phó hội thứ hai của Lụa. Họ đã làm nên nghiệp lớn từ sự gắn bó đầy tự nhiên với  thảm vật cùng  mục tiêu  giản dị: vừa được thỏa đam mê vừa thoát cảnh làm ruộng.

Bước ra thế giới  từ sới vật làng

Cũng như mọi người dân ở làng Đồng Quang (Hà Nội), từ bé Nguyễn Thị Lụa mang đầy đủ cái máu và tố chất của đất vật số 1 Việt Nam. Mới 6-7  tuổi, sau những buổi học, Lụa lại cùng các bạn không kể nam nữ lại tìm đến các xới trong làng để theo dõi và học mót từ những canh vật của các đàn chú đàn anh  cho đến tận tối mịt.

Khi ngành thể thao mở lớp học năng khiếu ngoại khóa tại trường,  Lụa là người đầu tiên đăng ký tham gia. Ngoài các buổi học  do cựu HLV ĐTQG Nguyễn Đình Khinh hướng dẫn, Lụa đã lớn lên từ những cuộc đối luyện trên triền đê, bãi cỏ ngoài đấu xóm, mà bao giờ cũng chứng tỏ mình nhanh, mạnh và gan dạ nhất. 12 tuổi, Lụa bắt đầu được tung vào “thử lửa” tại hội vật làng.

Dù chưa đủ sức vóc để đánh bại song đô vật bé nhỏ đã khiến cho các nhà vô địch SEA Games  Nghiêm Thị Giang, Lê Thị Giang phải trầy lưng căng lực  mới có thể giành được chiến thắng. Ngay sau đó, Lụa đã được đặc cách tuyển vào tuyến  năng khiếu của đột vật Hà Tây.  Đòn bốc và quật  luôn khiến các đối thủ khiếp đảm  của  Lụa có được  chính nhờ đúc kết  từ các sới  làng. Ngay cả bây giờ, nếu không vướng xuất ngoại, Lụa vẫn cố gắng tham dự đầy đủ các hội vật làng, có năm tới 5-7 cuộc. 


Vũ Thị Hằng cùng đồng đội Nguyễn Thị Lụa vượt khó để giành suất dự Olympic Ri0 2016

Tương tự đàn chị hơn mình 2 tuổi, cô gái Bắc Giang Vũ Thị Hằng  cũng khởi phát từ “lò” vật tại gia của ông thầy già Dương Văn Sản, khi đã là học sinh lớp 10.  Sau 1 năm trải nghiệm qua các sới vật làng, Hằng ngẫu nhiên lọt vào mắt xanh của các thầy của đội vật Hà Nội trong 1 lần về  tuyển quân qua các hội làng. Khăn gói lên Thủ đô ăn tập, đô vật sinh năm 1992 đã sớm nổi lên như một tài năng trẻ đặc biệt, với thế mạnh là miếng gồng và lườn mang dấu ấn rõ nét đến  từ sới vật quê nhà. Chiến tích của Hằng ở các hội làng đất Kinh Bắc  cũng không kém cạnh gì Lụa.

Ngã rẽ của hai kỳ phùng địch thủ

Cho đến  2013, Nguyễn Thị Lụa vẫn là “độc cô” ở hạng cân 48kg với 1 tấm HCB lịch sử tại ASIAD cùng 1 suất chính thức tới Olympic.  Thế nhưng  chính sự xuất hiện của Vũ Thị Hằng đã mang tới Lụa một kỳ phùng địch thủ ở cùng hạng cân. Dù chưa đánh bại được Lụa song Hằng đã chứng tỏ mình có thể  đủ sức làm nên chuyện, nhất là với ưu thế sức trẻ. Chính điều này đã tạo nên một tình huống khó cho các nhà quản lý huấn luyện của vật Việt Nam, bởi với bộ đôi này, có thể có một hạng cân cực mạnh song phần nào đó lại lãng phí, trong tương quan so sánh với các hạng cân khác.

Hai kỳ phùng địch thủ đã phải quyết định, mà theo đó Nguyễn Thị Lụa chấp nhận rời nội dung sở trường của mình để chuyển lên hạng cân trên, một cách ứng xử rất mã thượng. Bởi nếu Lụa cố gắng bám trụ, vị trí của chị có thể được đảm bảo vài năm, trong khi việc chuyển lên  hạng cân trên đòi hỏi sự thay đổi hoàn toàn về  tập luyện, thi đấu, sinh hoạt.

Lụa đã nhận phần khó về phía mình, một mặt vừa phải điều chỉnh bản thân, mặt khác vẫn đóng vai một người đối luyện lý tưởng cho đàn em.  Trong 3 năm, Lụa đã chuyển tới 2 hạng cân, từ 48 lên 51 rồi giờ là 53 kg. Đơn cử thay vì nỗi khổ ép cân, Huệ lại trải qua một cơn ác mộng khác khi phải ăn nhiều hơn bình thường tới 2 lần nhằm tăng cân, nâng tạ như một đô cử để có thể lực phù hợp.   

Cuối cùng, ngã rẽ ấy đã mang tới một thành quả ngoạn mục cho  vật Việt Nam khi cả Lụa và Hằng đều đoạt suất chính thức tới Olympic. Họ đều vươn tới một đẳng cấp cao hơn hẳn thời điểm còn chung hạng 48kg.

Thậm chí, Lụa còn trở thành đô vật hiếm hoi ở châu Á  đoạt huy chương châu lục ở 2 hạng cân khác nhau (HCĐ hạng 48kg năm 2010  và HCB hạng 53kg 2016). Theo HLV trưởng ĐTQG Đới Đăng Hỷ, nếu không có sự mạo hiểm, với nỗ lực vượt khó phi thường của Lụa, chắc chắn vật chỉ có 1 đại diện tới Rio.

 Suất  Olympic 150 triệu & niềm vui thôn nữ  

Như đánh giá của HLV Đới Đăng Hỷ, Nguyễn Thị Lụa và Vũ Thị Hằng đã chinh phục thành công đỉnh cao Olympic  bằng một “chiến dịch” nhanh gọn , hiệu quả hiếm có, với một chuyến tập huấn 2 tháng tại Trung Quốc, cùng 3 cuộc đấu cả cọ xát và đấu loại. Tính ra, mức đầu tư trực tiếp cho bộ đôi này chỉ khoảng  150 triệu đồng/người, thuộc diện rẻ nhất thế giới. So sánh đơn giản, nó chỉ bằng 1/3 của Thái Lan hay 1/5 của Uzbekistan, những nước không có nổi đại diện nào.

Bí ẩn đằng sau HCV của đô vật Nguyễn Thị Lụa

Bí ẩn đằng sau HCV của đô vật Nguyễn Thị Lụa

Tất cả các thầy và đồng đội đều ôm chầm lấy Nguyễn Thị Lụa. Họ mừng cho cô bởi dù tên tuổi sừng sững ở làng vật Việt, đẳng cấp đã vươn tầm châu lục nhưng đây là lần đầu tiên Lụa hưởng hương vị của HCV SEA Games.


Tất nhiên phía sau con số thấp bất ngờ ấy là cả một  nỗi xót xa song chí ít cũng chứng tỏ nội lực phi phàm cùng cách làm rất riêng của vật Việt Nam. Khác với hầu hết môn khác, từ lâu vật nữ Việt Nam chỉ xác định ưu tiên tập trung cho một vài hạng cân nhẹ, đặt dưới sự dẫn dắt của chuyên gia ngoại, và chọn đúng một số giải đấu có cơ hội rõ ràng để phấn đấu. Thầy trò đội vật cũng tận dụng triệt để của nghịch cảnh môn này thường xuyên bị loại khỏi SEA Games để dốc toàn lực cho đích nhắm châu lục và thế giới, tránh hẳn được sự gián đoạn và phân tán nguồn lực.

Hai tháng trở về từ vòng loại Olympic, khuôn mặt của Lụa và Hằng vẫn chưa hết sưng, hai vai hãy còn đau nhói, đôi tai vốn quăn tít đang đỏ tấy.  Đó là hậu quả của những cuộc đấu khốc liệt với các đối thủ vượt trội về thể hình thể lực mà không có thuốc men chuyên dụng, liệu pháp y học gì kèm theo. Ngay cả nụ cười của hai đô vật vàng cũng méo xệch.

Thế nhưng, tất cả không khiến họ mất đi niềm vui chân chất, hôn nhiên đúng kiểu thôn nữ . Hằng bảo mình đã đánh đổi cả 8 năm không thành tích cho một suất Olympic nên không “ngán ngại” gì cả. Còn Lụa tự hào việc bị mất 4 tấm HCV SEA Games theo đủ cách khác nhau đã quá đủ để tôi luyện lên một bản lĩnh thép.  Ba năm nay, đội vật của họ gần như không có thưởng vì không có SEA Games và các giải quốc tế không thể tranh được huy chương, giờ đoạt vé Olympic cũng chẳng có thưởng.

Lụa và Hằng tự thưởng cho mình ít ngày về quê nghỉ ngơi bên gia đình, lang thang tìm đến các sới vật, tranh thủ luyện bài và hướng dẫn các đàn em,  trước khi bước vào một cuộc chiến mới. Với họ, việc được thỏa đam mê trên thảm vật, và nhờ vật giờ đây lại bay xa khỏi lũy tre làng đã là cả một giấc mơ có thật.

Tường Nhi
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm