Điểm thi môn văn tốt nghiệp quá thấp: Thí sinh nên đề nghị chấm phúc khảo

23/06/2009 16:30 GMT+7 | Giáo dục

(TT&VH) - Đó là khẳng định của ông Trần Văn Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) khi nói về hướng xử lý điểm môn Văn của một số địa phương ở khu vực ĐBSCL.

Ít có khả năng sửa điểm hàng loạt

* Thưa ông, được biết sau khi một số tỉnh ở khu vực ĐBSCL có kết quả thi quá thấp, Bộ GD&ĐT đã cử đoàn thanh tra vào làm việc. Vậy đến nay đã có những kết luận bước đầu của tình trạng này chưa?



Ông Trần Văn Nghĩa

- Đến thời điểm này (22/6) các đoàn thanh tra của Bộ GD&ĐT đã trực tiếp làm việc với các tỉnh có khiếu nại về điểm môn Văn. Hiện chúng tôi chưa có báo cáo cuối cùng của đoàn thanh tra. Bộ không đặt ra thời hạn, tinh thần là xong lúc nào thì công bố lúc đấy. Công việc của đoàn thanh tra không những chỉ về kết quả mà còn cả những khâu khác. Có nghĩa đây là công việc thanh tra chấm thẩm định như những năm trước vẫn làm. Mọi người cần hiểu, việc thanh tra chấm thẩm định và chấm phúc khảo là hai vấn đề khác nhau hoàn toàn. Chấm thẩm định là công việc độc lập, còn về kết quả của thí sinh nếu các em chưa hài lòng có quyền yêu cầu phúc khảo. Điều kiện là có điểm thi thấp hơn điểm tổng kết trung bình môn cả năm học 2 điểm thì sẽ được quyền phúc khảo.

* Vậy việc chấm thẩm định các tỉnh này sẽ được tiến hành như thế nào và nhằm mục đích gì khi kết quả của thí sinh các tỉnh này chỉ phụ thuộc vào chấm phúc khảo?

- Mục đích của việc thanh tra lần này là để lý giải nguyên nhân điểm thi môn Văn của các tỉnh này thấp. Bộ sẽ kiểm tra, nếu chỉ là chấm chặt mà điểm thấp thì không thể nói là giám khảo sai. Còn nếu phát hiện chấm sai thì giám khảo sẽ bị xử lý. Chúng tôi sẽ trả lời việc chấm đó là đúng hay sai. Còn hiện tại để thí sinh không bị thiệt, các em nên yêu cầu chấm phúc khảo bài thi của mình.

* Nhưng nhiều người lo lắng rằng nếu chấm phúc khảo vẫn là các tỉnh đã chấm ban đầu, vẫn là những cán bộ chấm thi đó thì kết quả khó thay đổi?

- Chúng tôi cũng đã nghĩ đến việc này. Để thí sinh yên tâm hơn, Bộ sẽ cử giáo viên và thanh tra xuống địa phương giám sát chấm cùng trong quá trình chấm phúc khảo. Như vậy sẽ đảm bảo cho kết quả chấm phúc khảo sẽ hoàn toàn chính xác.

Bộ GD&ĐT có thể điều thêm người chấm phúc khảo

* Nhưng nếu số lượng đơn xin phúc khảo tăng bất thường và có thể sẽ rất lớn thì liệu chất lượng có đảm bảo và công bố kết quả kịp thời gian cho các em dự thi đại học, cao đẳng?

- Theo quy định của Bộ GD&ĐT, từ 25 đến 29/6 các địa phương phải chấm phúc khảo xong và chuyển kết quả cho tỉnh khác. Như vậy, thời gian cũng còn khá nhiều. Thực tế, những năm trước có những tỉnh hoàn thành việc chấm thi phúc khảo chỉ trong một ngày. Còn đối với những tỉnh có khiếu nại về điểm môn Văn, nếu số lượng thí sinh yêu cầu phúc khảo nhiều thì Bộ GD&ĐT yêu cầu các tỉnh phải tăng thêm giám khảo chấm thi. Trong trường hợp cần thiết, Bộ có thể điều động thêm cán bộ chấm thi để hỗ trợ, đảm bảo thông báo kết quả chấm thi đúng thời hạn và kịp cho các em tham gia kỳ tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng sắp tới.

* Đến nay có nhiều ý kiến khác nhau về nguyên nhân dẫn đến điểm môn Văn thấp. Ông có nhận định nào vấn đề này?

- Có rất nhiều nguyên nhân có ảnh hưởng đến kết quả điểm thi, nhưng trên bình diện chung thì có ba yếu tố quan trọng là đề thi, coi thi, chấm thi. Về đề thi, qua đánh giá ban đầu của Bộ và các chuyên gia thì không có vấn đề gì sai sót, khó hiểu dẫn đến thí sinh bị hiểu nhầm mất điểm. Khâu coi thi cũng cho thấy được thực hiện khá nghiêm túc. Báo cáo của thanh tra ủy quyền tại các tỉnh cho thấy không có vấn đề gì nghiêm trọng. Riêng đề thi môn Văn năm nay đã có một số đổi mới được dư luận đánh giá cao. Có ý kiến cho rằng yếu tố đổi mới có ảnh hưởng đến kết quả thi. Theo chúng tôi điều này chưa thể khẳng định được. Hơn nữa kết quả điểm thi tại nhiều tỉnh khác vẫn bình thường. Đặc biệt là về hướng dẫn chấm thi, có thể khẳng định là hoàn toàn không có sai sót gì.

* Có khá nhiều ý kiến nhận định có thể do hướng dẫn chấm thi môn Văn quá chi tiết dẫn đến các cán bộ chấm chặt, theo kiểu “nhặt ý cho điểm”. Trong khi đề Văn lại có những câu khá “mở”, có thể thiệt thòi cho thí sinh?

- Vì chấm thi tốt nghiệp được thực hiện trên quy môn lớn nên phải có ba-rem chấm để thống nhất. Mặc dù ba-rem có yêu cầu chấm chi tiết đến 0,25 điểm, nhưng trong quy chế ghi rất rõ: nếu như hai giám thị chấm mà điểm số chênh lệch dưới 1 điểm thì hai người ngồi chốt lại mức điểm, còn nếu chênh lệch lớn hơn 1 điểm thì báo lại với tổ trưởng để quyết định. Còn nếu chênh lệch lớn hơn 2 điểm thì chấm lại. Ở đây tôi cũng lưu ý đây là năm đầu tiên thực hiện việc coi thi chéo. Vấn đề này có thể ảnh hưởng đến kết quả thi. Kết quả thi tụt giảm cũng là điều khó vì có thể năm ngoái coi lỏng, năm nay coi chặt thì điểm khác đi. Chấm chéo cũng gây tâm lý căng thẳng hơn, tâm lý chung là khi chấm bài không phải của mình, bao giờ cũng chấm căn ke hơn.

* Xin cám ơn ông!

Thùy Thanh (ghi)


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm