'Đạt được 10 HCV là một kỳ tích'

21/12/2013 06:51 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - HLV trưởng Dương Đức Thuỷ đã nhận xét như thế với phóng viên Thể thao & Văn hóa sau khi đội tuyển điền kinh Việt Nam giành được thêm 5 HCV chỉ trong một ngày thi đấu cuối cùng để hoàn thành chỉ tiêu 10 HCV.

* Thưa ông, trước ngày thi đấu cuối cùng của điền kinh Việt Nam tại SEA Games 27, ông có nghĩ rằng các VĐV Việt Nam sẽ đoạt được 5 HCV chỉ trong một ngày?

- Sau 4 ngày thi đấu chúng ta chỉ có 5 HCV, nên tôi nghĩ rằng để đạt được 5 HCV nữa trong ngày thi đấu cuối cùng là rất khó. Tuy nhiên, quan điểm của tôi là cơ hội luôn dành cho những ai sẵn sàng đón nhận nó.

Chẳng hạn như trường hợp của Nguyễn Văn Huệ ở nội dung 10 môn phối hợp. Sau khi Vũ Văn Huyện nghỉ thi đấu ở nội dung này thì đương nhiên là đến Nguyễn Văn Huệ, vì ở SEA Games trước Huệ đứng thứ nhì.

Thế nhưng trong quá trình thi đấu tại SEA Games 27, bản thân Huệ đã đánh mất cơ hội của mình. VĐV Nguyễn Văn Đạt của Hà Nội cũng là người được tập luyện cùng Nguyễn Văn Huệ, nhưng có thể Nguyễn Văn Đạt đã sẵn sàng để đón nhận thời cơ này, mặc dù Đạt chỉ có HCĐ nhưng chúng ta hiểu rằng đấy cũng là một sự nỗ lực.

Sau SEA Games 26, chúng tôi đã nhắm Nguyễn Văn Huệ là số 1, giống như trường hợp của Đỗ Thị Thảo thay thế Trương Thanh Hằng. Nếu như Trương Thanh Hằng còn thi đấu thì Thảo đương nhiên chỉ chiếm vị trí số 2, và Thảo cần phải nỗ lực hơn mới có thể lấy được vị trí số 1 của Hằng, vì Thảo trẻ hơn Hằng 5 tuổi.

Và khi Trương Thanh Hằng gặp chấn thương thì đương nhiên cơ hội đã dành cho Thảo, song nếu như trong một phút sơ sẩy nào đấy, Thảo không sẵn sàng đón nhận cơ hội của mình thì sẽ tới lượt VĐV tiếp theo là Vũ Thị Ly, hoặc các VĐV khác của các quốc gia khác.

Tôi cho rằng việc điền kinh Việt Nam đoạt được 10 HCV ở SEA Games 27 thực sự được coi là kỳ tích.

* Bên cạnh những thành tích thu được thì ở SEA Games này điền kinh Việt Nam cũng có những thất bại. Ông nghĩ như thế nào về vấn đề này?

- Điền kinh là môn thể thao mà anh em VĐV luôn xác định là thước dây mét, là những con số rất khô khan. Muốn thay đổi được những con số ấy thì chúng ta chỉ có cách nỗ lực, chúng ta nỗ lực một thì đối phương nỗ lực hai, và đương nhiên chúng ta phải nỗ lực hơn nữa thì mới có thể mong đuổi kịp.

Khó khăn thì đâu cũng có, và nếu thực sự để so sánh thì mọi cái đều rất khập khiễng. Chúng tôi đã đi tập huấn cùng một số đoàn bạn và thấy rằng điều kiện của chúng ta còn đang rất đơn sơ, thiếu thốn.

Chẳng hạn, Malaysia thưởng cho VĐV điền kinh đoạt HCV 45.000 ringgit, tương đương 300 triệu đồng, một con số quá lớn so với tiền thưởng của VĐV Việt Nam.

Tuy nhiên, không cần thiết để đặt phép tính so sánh trong trường hợp này, bởi VĐV chúng ta vẫn phấn đấu, vẫn quyết tâm để giành HCV.

Nền thể thao Malaysia hoạt động theo một thể chế khác, Thái Lan cũng vậy. Chúng tôi đang tự đặt câu hỏi rằng đất nước của họ thì không rộng lớn, dân số thì không bằng mình, nhưng tại sao vẫn có những nguồn kinh phí rất lớn mà không phải từ phía Nhà nước, hoàn toàn do xã hội hoá theo đúng nghĩa của nó.

Tức là quyền lợi của các nhà tài trợ, nghĩa vụ của các HLV, VĐV và CLB được gắn kết với nhau. Đây là một công việc không chỉ đòi hỏi về kinh phí, về tiền bạc mà còn đòi hỏi cả về khoa học kỹ thuật, cơ sở vật chất. Đi theo đó là hàng loạt chương trình dài hơi hơn, có như vậy thì điền kinh Việt Nam mới có thể phát triển lâu dài.

* Theo góc nhìn như vậy của ông thì phải chăng là hơi bi quan?

- Chúng tôi không cho rằng như vậy là bi quan, bởi trong bất kể tình huống nào thì những người làm thể thao, từ các nhà quản lý đến những người làm chuyên môn, kể cả các trung tâm huấn luyện đào tạo, cũng cần phải được cải thiện và nâng cao chất lượng, chứ còn hiện nay chúng ta so sánh thì rất là khập khiễng, bởi chúng ta không thể lấy chuẩn của Mỹ, Jamaica và Tây Âu để bảo rằng cần phải làm được như vậy.

Song nếu làm được như vậy thì chúng ta sẽ không phải đếm từng cái huy chương như ở SEA Games này.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi

“Chúng ta cũng có những chiếc huy chương bị mất một cách rất tiếc nuối. Các VĐV bị tuột mất HCV đều rất buồn, nhưng sau những giọt nước mắt họ đã thể hiện quyết tâm hướng đến những đấu trường quốc tế quan trọng hơn, như Olympic trẻ thế giới, giải vô địch trẻ châu Á, Asian Games, Grand Prix. Chúng ta hiện có khoảng 5-7 VĐV sinh trong khoảng năm 1995 đến 1998 đạt chuẩn Olympic trẻ thế giới”, ông Dương Đức Thuỷ nói.

Bảng vàng của điền kinh Việt Nam tại SEA Games 27

Vũ Thị Hương (100m, 200m nữ), Nguyễn Văn Lai (5.000m nam, 10.000m nam), Phạm Thị Bình (5.000m nữ), Đỗ Thị Thảo (800m nữ, 1.500m nữ), Dương Văn Thái (1.500m nam), Nguyễn Văn Hùng (nhảy xa 3 bước nam) và Dương Thị Việt Anh (nhảy cao nữ).



Huy Anh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm