Chuyến xuất ngoại đầu tiên

14/05/2009 17:41 GMT+7 | Một chuyến đi

(Bài dự thi) - Đó là vào năm 1982 năm tôi ngoài bốn mươi tuổi. Nhà nước mà đại diện là Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) có chủ trương chọn các giáo viên biết giảng dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Pháp sang dạy học ở Angiêri theo hợp đồng ký kết giữa hai nước.

Nếu không kể có một số ít chuyên gia được mời sang dạy ở Ghi nê trước đó lâu, thì đây là đoàn chuyên gia giáo dục đầu tiên của Việt Nam sang Angiêri. Cuộc tuyển chọn rất khó khăn vì số giáo viên chuyên môn biết dùng ngay tiếng Pháp khi ấy rất ít. Cả đoàn chỉ có 36 người trong đó có một bạn nữ duy nhất và chưa có ai từng đi nước ngoài bao giờ.

5 giờ sáng vào ngày đầu tuần tháng 9, chúng tôi phải tập trung tại trước cửa Bộ ở phố Hai Bà Trưng để sau đó ra sân bay. Đương nhiên, người thân của chúng tôi được phép đi tiễn. Khi đến chỗ tập trung, tôi ứa nước mắt khi thấy cha tôi đứng chờ để tiễn tại đó. Vì nhà cửa chật chội, sau khi xây dựng gia đình, anh em tôi phải ra ở riêng, cho nên tôi không biết cha tôi từ nhà ra đó từ bao giờ.

Xe vừa khởi hành ít phút thì con gái đầu của tôi (cùng đi với vợ tôi) chưa quen đi xe, nôn bắn cả lên bộ áo vét của một người bạn đồng hành. Tôi tức tối mắng cháu: “Bố đã bảo ở nhà rồi mà con cứ đòi đi. Khổ chưa!” Bạn tôi cười xòa, lấy khăn tay lau áo và an ủi tôi: “Không sao, anh đừng làm cháu sợ”. Khi đến sân bay Nội Bài, chúng tôi mới ngạc nhiên vì anh D. ăn mặc lôi thôi, chưa buồn thay quần áo và người vợ đi theo mặt buồn rười rượi. Té ra anh bị người em ruột kiện vì chuyện nhà cửa, gửi đơn kiện lên Bộ để anh phải ở lại. Rất may, anh Khải ở Vụ Hợp tác Quốc tế đi tiễn chúng tôi tuyên bố: “Anh D. cứ đi, chúng tôi không xét đơn này”. Đến lúc ấy anh D. mới vào phòng vệ sinh thay quần áo và vợ anh mới vui tươi trở lại. Đến giờ lên máy bay phải vào phòng trong, chúng tôi cứ bịn rịn chưa muốn chia tay người thân, đến nỗi các bà vợ phải quát lên: “Thôi đi đi! Không lại nhỡ chuyến bây giờ!”
 
(Ảnh Internet)
 
Máy bay của hàng không Việt Nam cất cánh lúc 10 giờ. Ngồi trên máy bay ai cũng hồi hộp, không dám đụng vào đồ ăn uống khi tiếp viên đưa đến. Chỉ đến khi một anh tiếp viên hiểu ra khẽ nhắc: “Các anh cứ ăn đi, không phải trả tiền đâu, vì nằm trong vé cả rồi”, thì chúng tôi mới thở phào. Thật ra không ai trong chúng tôi có ngoại tệ. Trước khi đi, số tiền lẻ nếu ai xin được, đều góp cho trưởng đoàn để gọi điện thoại cho sứ quán khi đến nơi, trong trường hợp cần thiết. Một tin đồn không đúng, khi chúng tôi còn ở nhà là đi vệ sinh ở sân bay quốc tế phải trả tiền. Thế là không ai bảo ai, khi phát thanh viên báo tin máy bay sắp hạ cánh thì chúng tôi thay phiên nhau giải quyết nhu cầu ngay trên máy bay.
 
Một chuyện khôi hài khác là ở sân bay Băng Cốc. Chúng tôi phải chờ ở phòng đợi từ 12 giờ trưa đến 8 giờ 30 tối mới được chuyển sang máy bay của hãng Air France để đến Pari. Hơn tám tiếng chờ đợi, chẳng lẽ ai cũng nhịn được, không phải đi vệ sinh, dù là tiểu tiện, nhưng nếu phải trả tiền thì làm gì có! Trong khi chúng tôi đều lo lắng thì bất ngờ anh T. trong đoàn kêu lên: “Các cậu ơi, không phải trả tiền đâu, tớ đi thử rồi!” Thế là chúng tôi lại thở phào, không còn băn khoăn gì nữa. Sân bay Nội Bài của ta khi ấy kém xa sân bay Băng Cốc. Chúng tôi choáng ngợp trước sự mênh mông rộng rãi, sang trọng, hàng hóa phong phú đủ loại ở đây. Nhưng đi ngó nghiêng mãi cũng chán. Một cán bộ sứ quán Việt Nam ở Thái Lan vào tận nơi thăm chúng tôi và động viên chúng tôi kiên nhẫn ngồi chờ, vì nếu ra khỏi sân bay đi thăm thành phố sẽ tốn kém, thủ tục ra vào lại phức tạp.
 
(Ảnh Internet)
 
Đến Pari, chúng tôi phải chuyển từ sân bay Charles De Gaulle đến sân bay Orly để sang Alger. Về nguyên tắc, xe buýt đưa chúng tôi đi phải đi ven thành phố bằng con đường ngắn nhất, từ sân bay này đến sân bay kia. Không hiểu sao, khi lên xe buýt, tôi mạnh dạn đi đến chỗ tài xế, nói với ông ta: “Chúng tôi lần đầu tiên đến Pari. Ông có thể thông cảm cho chúng tôi thăm qua một số khu chính ở thủ đô không, vì còn nhiều thời gian mà!” Ông ta vui vẻ đồng ý. Thế là xe đưa chúng tôi vào trung tâm, đi qua Nhà thờ Đức Bà, Bảo tàng Louvre, ven dòng sông Seine, tháp Eiffel, Khải Hoàn Môn…Chúng tôi chỉ được nhìn qua cửa kính, khi mờ khi tỏ trong trạng thái ngủ gà ngủ gật vì không ngủ được trên máy bay từ Băng Cốc sang.

Khi đến nơi làm việc tôi đã viết ngay thư về cho cha mẹ và vợ con, kể lại chuyến đi. Cha mẹ tôi vui mừng đến phát khóc vì không ngờ tôi, đứa con đầu lòng, lại gặp may và có thể giúp đỡ gia đình trong thời buổi khó khăn ấy. Sau này, tôi còn được đi làm việc ở nước ngoài nhiều lần, hầu hết do các tổ chức quốc tế tài trợ trong các chương trình hợp tác mà tôi tham gia, nhưng tôi không sao quên được kỷ niệm của chuyến đi đầu tiên của một “thời xa vắng”, cả niềm vui lẫn nỗi buồn cùng đôi chút cay đắng.

Nguyễn Ngọc Hải

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm