Chiến thắng của 'nữ hoàng cô đơn'

17/12/2013 06:30 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Sáng qua, ở nội dung marathon nữ, Phạm Thị Bình đã về nhất với thành tích 2 giờ 46 phút 03 giây. Về thứ nhì sau Phạm Thị Bình là VĐV chủ nhà Myanmar với thành tích 2 giờ 49 phút 03 giây.

1. Đánh giá về thành tích của Bình, HLV trưởng ĐT điền kinh Việt Nam Dương Đức Thuỷ cho biết: “Chúng tôi rất bất ngờ vì chiếc HCV của Bình, bởi tại SEA Games 26, Bình chỉ có HCĐ và đến Myanmar lần này chúng tôi chỉ mong có HCB là mừng rồi. Một khi đã thi đấu đỉnh cao thì ai cũng muốn cải thiện thành tích nên làm được như Bình thì chúng tôi mừng lắm”.

Theo ông Thuỷ, thành tích ở SEA Games 26 của Phạm Thị Bình không thua kém quá xa so với chuẩn Olympic ở nội dung marathon nữ, nên Bình đã được đưa vào danh sách VĐV đầu tư trọng điểm của ĐT điền kinh Việt Nam từ mấy năm nay. Thành tích của Phạm Thị Bình ở SEA Games 26 so với thành tích mà Bình lập được ở Nay Pyi Taw hôm qua là  2 giờ 48 phút 43 giây, chậm hơn thông số của SEA Games 27 là 2 phút 40 giây.

Trước ý kiến cho rằng các VĐV thi đấu ở cự ly dài và trung bình như Phạm Thị Bình hiện tại hay Trương Thanh Hằng trước đây thường có khả năng giành thành tích cao vì những nội dung này ít có VĐV tham dự, ông Thuỷ cho biết: “Tôi cho rằng trong thể thao thì không có môn nào khó mà cũng chẳng có môn nào dễ. VĐV muốn đạt thành tích cao ở bất cứ môn thể thao nào thì cũng đều cần phải có sự nỗ lực”.

Phạm Thị Bình chuyên chạy chân đất vẫn vượt qua 42km để giành HCV. Ảnh: Quang Nhựt

Ông Thuỷ nói tiếp: “Nội dung thi đấu marathon của Bình rất khốc liệt, đòi hòi VĐV phải có ý chí nghị lực rất cao cùng chế độ ăn uống và dinh dưỡng khoa học. Tôi phải nói thật là nội dung này chưa được chú trọng đúng mức nhưng lại vẫn đạt được thành tích cao thì đấy là điều rất xứng đáng để tôn vinh”.

Theo ông Thuỷ, hiện nay điền kinh Việt Nam mới chỉ có một Phạm Thị Bình, và để Bình tiếp tục duy trì phong độ đỉnh cao thì cần được đầu tư và chăm sóc một cách kỹ lưỡng, chẳng hạn như áp dụng khoa học tiên tiến vào chế độ ăn uống, tập luyện và bổ sung dinh dưỡng.

2. Cũng theo ông Thuỷ, marathon nữ là một trong những nội dung thi đấu rất khó tuyển chọn VĐV giỏi, tương tự nội dung 10 môn phối hợp của nam. Vì thế, để những VĐV như Phạm Thị Bình có được đối tượng phù hợp để luyện tập cùng là điều vô cùng nan giải.

Ông Thuỷ nói: “Những VĐV thi đấu ở cự ly dài và trung bình như Trương Thanh Hằng hay Phạm Thị Bình thường phải tập luyện đơn độc vì thiếu bạn tập. Thực sự là chúng tôi rất khó để tìm được “quân xanh” có trình độ tương đương hoặc cao hơn cho Hằng hay Bình.

Mà lúc tập luyện thì cả Hằng lẫn Bình chỉ có thể tập với những VĐV có trình độ hơn hoặc bằng mới có thể nâng cao thành tích, vì thế BHL chúng tôi phải tìm các VĐV nam để làm “quân xanh” cho Bình và Hằng trên đường chạy hàng ngày.

Đây là một yêu cầu bắt buộc, vì đặc thù của các VĐV thi đấu cự ly trung bình và cự ly dài là họ thường rất cô đơn khi luyện tập, nên họ phải có bạn tập chạy cùng, vừa để có đối trọng phấn đấu mà cải thiện thành tích, đồng thời cũng để vượt qua nỗi cô đơn trên đường chạy, vì với con người, sự cô đơn là rất đáng sợ. Bởi thế, nói theo nghĩa nào đó thì Phạm Thị Bình đã vượt qua sự đơn độc để giành chiến thắng tại kỳ SEA Games năm nay”.

Trước câu hỏi vì sao BHL ĐT điền kinh Việt Nam không triệu tập thêm những VĐV khác cho cự ly marathon của Phạm Thị Bình, ông Thuỷ nói: “Rất khó để tìm được một VĐV thứ 2 ở Việt Nam có trình độ tương đương Bình, vì marathon là một nội dung thi đấu khó, lại lâu gặt hái thành tích nên không phải địa phương hay đơn vị nào cũng chú trọng đầu tư. Trong khi đó, để làm đối trọng cho Bình thì VĐV được triệu tập phải có trình độ tương đương Bình. Tôi hy vọng là chiếc HCV này sẽ là động lực để các đơn vị và địa phương đầu tư rộng khắp hơn cho các nội dung trung bình và dài”.

Phạm Thị Bình và thói quen chạy chân đất

Hôm qua, Phạm Thị Bình đã gây ngạc nhiên cho rất nhiều người khi cô thi đấu trên đường chạy với đôi chân trần. Bình cho biết cô có thói quen đi chân trần khi thi đấu, vì nếu đi giày sẽ rất khó chịu, làm ảnh hưởng tới kết quả thi đấu. Nhận xét về vấn đề này, HLV trưởng ĐT điền kinh Việt Nam Dương Đức Thuỷ cho biết: “Tôi biết đây là thói quen của VĐV nên không dễ để sửa đổi, nhưng tôi thấy không có nhiều VĐV trên thế giới lại thi đấu với đôi chân trần. Vì thế, đây là một việc cần phải thay đổi, bởi muốn đạt được thành tích cao hơn phải thay đổi được tư duy của VĐV, có thể bắt đầu bằng việc đi chân trần, rồi đi dép và cuối cùng là đi giày để thi đấu”.


Hoàng Linh (Từ Nay Pyi Taw)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm