21/06/2020 06:56 GMT+7 | Thể thao
(Thethaovanhoa.vn) - Dịch Covid-19 đã, đang và sẽ còn tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống xã hội. Báo chí cũng không nằm ngoài cuộc và với đặc thù của mình, báo chí thể thao còn "lao đao" hơn khi mọi hoạt động chuyên môn đều bị "đóng băng".
Đó là thách thức không hề nhỏ và cần những giải pháp để tồn tại, tìm kiếm cũng như tận dụng cơ hội phát triển. Vấn đề này được nhìn nhận thế nào trên khía cạnh đổi mới cả tư duy lẫn phương thức hoạt động trong bối cảnh mới của lĩnh vực báo chí thể thao nước nhà? Mời độc giả cùng đến với chuyên mục “Đối thoại Thể thao & Văn hóa” số đặc biệt cùng 2 vị khách mời: Nhà báo kỳ cựu Nguyễn Lưu và nhà báo Vũ Quang Huy, Giám đốc kênh thể thao VTC3 nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6)
* Thể thao & Văn hóa: Đầu tiên, xin được gửi lời chúc mừng đến các vị khách nhân kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Hôm nay, chúng ta cùng nhìn ngẫm về chặng đường đã qua cũng như hành trình tiếp theo của lĩnh vực báo chí thể thao nước nhà. Gần đây trước tác động từ kinh tế hay cả biến chuyển nhanh chóng về thị hiếu đọc-xem-nghe-nhìn đã ảnh hưởng lớn đến báo chí thể thao, kể cả những khó khăn mới từ dịch bệnh. Vậy các vị khách mời có thể cùng phác họa bức tranh chung của báo chí thể thao hiện nay?
- Nhà báo Nguyễn Lưu: Trò chuyện trong dịp 21/6 như thế này sẽ giúp chúng ta nhìn lại thành quả đã có cũng như sẽ thấy nhiều trăn trở với thực trạng báo chí thể thao hiện nay. Thực tế cho thấy đã đến lúc cần gióng lên hồi chuông báo động để kịp thời căn chỉnh nhằm thích ứng và phát triển cho giai đoạn tiếp theo.
Cái dễ nhận thấy đầu tiên chính là sự lép vế của báo giấy. Nó đồng nghĩa với thất bại của báo chí truyền thống, mức độ nào là của văn hoá đọc, ngẫm cũng đáng buồn.
Báo mạng là xu thế tất yếu nhưng cũng đặt vấn đề ở khía cạnh ngược lại khi sự lấn lướt các trang mạng đã làm ảnh hưởng ít nhiều đến báo chí thể thao truyền thống. Còn chưa kể đến việc các xu hướng “live stream” thể thao trên trang cá nhân quá nhiều tạo ra sự hỗn loạn về thông tin thể thao.
Trước đây người ta vẫn nhắc đến 3 “binh chủng”: Báo viết- báo nói- báo hình. Nay mọi thứ có phần nhạt nhoà và báo mạng lên ngôi theo kiểu mạnh ai nấy làm. Từ đó dấu hiệu “đồng phục” trong cách đưa tin về thể thao là có thật, thiếu những trang viết có cá tính, bản sắc riêng biệt.
Thực trạng này là đáng buồn, sự dễ dãi và yếu tố tự phát ít nhiều làm bạn đọc vơi đi sự mặn mà với báo chí thể thao. Hẳn nhiên, điều này này làm tổn thương những nhà báo chân chính.
- Nhà báo Vũ Quang Huy: Đúng như vậy, mọi khía cạnh về báo chí thể thao đang đứng trước những thách thức không hề nhỏ trong bối cảnh này. Rõ ràng các phương tiện truyền thông(nhất là truyền thông truyền thống) đang đối mặt nhiều khó khăn. Ở đó, đòi hỏi những người làm báo, trước hết phải có được sự thích ứng với thời cuộc.
Quan trọng không kém là những linh hoạt, nhạy bén để đón nhận, phân tích và xử lý thông tin, dữ liệu một cách nhanh chóng, chính xác nhất. Đồng thời cần có kỹ năng chắt lọc thông tin dưới các góc độ tiếp cận khác nhau nhằm đáp ứng sự quan tâm cũng hài lòng được thị hiếu chuẩn mực của quý độc giả.
Đấy được coi như góc nhìn đa chiều tổng quát, còn trên thực tế cuộc sống gần đây, hẳn nhiên có nhiều thách thức trong cả việc tiếp cận độc giả hay thu hút quảng cáo. Người đọc, người xem bây giờ có thể qua mạng xã hội và Youtube để xem trực tiếp và highlight các trận đấu, giải đấu nên thái độ thờ ơ với báo chí truyền thống ngày càng rõ hơn.
Đã có những khó khăn như thế, lại thêm đại dịch Covid -19 quả như “cú đánh” quá mạnh vào báo viết bởi trong thời gian giãn cách vừa rồi, kể cả rất muốn cũng không có được nhiều thông tin, dữ liệu mang tính thời sự trên báo giấy, báo in để mà đọc.
Với một người gắn bó trong nhiều năm qua với hoạt động báo chí thể thao, tôi cũng có nhiều trăn trở, ưu tư với thực trạng, với nghề bây giờ. Sau khi tinh giảm, sáp nhập một số đơn vị báo chí đã ít nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống thường nhật của anh em đồng nghiệp. Thậm chí vì những mưu sinh, đã có anh em làm nghề phải “xao động”, chưa vừa vẹn, chuẩn chỉ với công việc, với trách nhiệm ngòi bút của mình. Trước hiện tượng này tôi thấy buồn và thương anh em nhiều hơn.
* Thể thao & Văn hóa: Khó khăn là không thể phủ nhận, nhưng - Nhanh nhạy, chuyển đổi kịp thời cũng là thế mạnh của mảng báo chí thể thao trong nước. Đâu có xa, cuối thập niên 90, tới đầu những năm 2000, báo chí thể thao đã từng có giai đoạn phát triển cực thịnh?
- Nhà báo Vũ Quang Huy: Trong cái khó ló cái khôn, thực tế hiện nay anh em làm báo thể thao nước nhà đã có sự chuyển đổi rất nhanh. Bây giờ với hầu hết các ấn phẩm báo thì báo trực tuyến được đầu tư sâu về chuyên môn, mạnh về công nghệ. Thông tin nóng hổi, đa chiều, bên cạnh đó không ít đơn vị cũng tìm cách phát triển truyền hình online một cách khá bài bản. Nhiều chương trình ở các đài truyền hình lâu năm còn phải đi sau và lấy lại ý tưởng cũng như hình ảnh của báo chí trực tuyến để khai thác, sử dụng.
Cho nên, khi chuyển sang phương thức làm báo trong giai đoạn mới, người làm báo thể thao trong cần phải hết sức linh hoạt, có khả năng thích nghi cao, giỏi công nghệ mới đáp ứng cũng như tồn tại được. Cách mạng công nghệ số đòi hỏi các phóng viên, nhà báo, các chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông phải có các kỹ năng tổng hợp (biết viết, quay phim, chụp ảnh hay cả đồ họa, dựng hình và lập trình) để phục vụ công việc của mình.
trọng hơn cả, đó là đầu tư sâu hơn về chất lượng hòng giữ chân độc giả, tìm kiếm những mảng nội dung thể thao thực sự gắn với tiện ích của cuộc sống xã hội, thay vì chỉ biết chạy theo sự kiện mà thôi.
* Thể thao & Văn hóa: Những người làm báo thể thao luôn mong mỏi có được “ngôi nhà chung” ví như sự ra đời của Hội báo chí Thể thao chẳng hạn. Đó sẽ là nơi tập hợp để anh em đồng nghiệp có được nhiều hơn sự kết nối- tương tác- hỗ trợ-sẻ chia cho công việc. Hai vị khách mời nghĩ gì về mong ước này?
- Nhà báo Nguyễn Lưu: Có một hội nghề nghiệp là tốt nhưng sẽ hình thành kiểu gì và hoạt động ra sao cho thiết thực mới là vấn đề. Hồi trước, tôi từng được phân công làm thư kí một chi hội báo thể thao. Thứ 6 hàng tuần, chúng tôi họp lại, bàn về chuyên môn, đánh giá những cái hay và chưa hay trong tuần...và chi hội cũng có tác dụng với chất lượng của tờ báo ấy nhưng đó chỉ là riêng lẻ một tờ báo.
Bây giờ thì sao? Ban đầu, dễ hơn là sự “kết nghĩa” của một vài báo có nét tương đồng, qua đó hỗ trợ nhau về nhiều mặt tuy nhiên chuyện không đơn giản, cần suy nghĩ tiếp để có sáng kiến cho phù hợp. Tôi xin hoan nghênh Thể thao &Văn hóa với sáng kiến này. Nhiều môn thể thao đang tiến đến giá trị chuyên nghiệp theo xu hướng chung, báo chí thể thao cũng vậy. Chưa có đường, cứ đi rồi sẽ có, tôi tin vào các bạn, vào những đồng nghiệp thân yêu của tôi !
- Nhà báo Vũ Quang Huy: Thực tế hơn 20 năm trước CLB Báo chí thể thao phía Nam đã hoạt động rất sôi nổi. Cá nhân tôi không khỏi thán phục khi chứng kiến anh em ra nước ngoài tác nghiệp rất đoàn kết, yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Về mặt này, các bạn đồng nghiệp phía Nam rõ ràng đi trước anh em ngoài miền Bắc dù cũng có hoạt động, nhưng nhỏ lẻ.
Cá nhân tôi cho rằng trước hết phải thành lập Hội báo chí Thể thao 3 miền Bắc - Trung - Nam rồi mới tính đến cả nước, như thế sẽ thuận lợi hơn cho cả lộ trình đó. Về cơ bản anh em phóng viên thể thao là những người hoà đồng, dễ chịu, dễ mến nên tôi cho rằng sự ra đời của Hội báo chí Thể thao sẽ mang lại những điều tích cực cũng như sẽ được ủng hộ và ghi nhận từ nhiều phía đối với chúng ta.
* Thể thao & Văn hóa: Xin trân trọng cảm ơn các vị khách mời trong buổi trò chuyện thú vị hôm nay !
Thể thao & Văn hóa (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất