Trung Quốc “thả” Giao Long xuống đáy đại dương

17/07/2011 11:21 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Trung Quốc vừa tuyên bố sẽ bắt đầu tiến hành một cuộc thử nghiệm đưa tàu ngầm xuống độ sâu lớn dưới đáy biển. Giới phân tích nói rằng hoạt động của con tàu mang tên Giao Long, với khả năng lặn tới độ sâu 7.000 mét, sẽ không chỉ phục vụ nghiên cứu khoa học của Trung Quốc mà còn là phương tiện để nước này đạt được các mục tiêu về kinh tế và quân sự.

Cuối tuần này, tàu ngầm Giao Long dài 8,2 mét, nặng 22 tấn, với lớp vỏ bọc bằng titanium đặc biệt nhằm chịu áp lực cực lớn, sẽ được tàu mẹ Xiangyanghong 9 chở qua Thái Bình Dương, tới một địa điểm nằm giữa phía Đông Nam đảo Hawaii và Bắc Mỹ, rồi lặn xuống một khu vực sâu 5.000 mét.

Hiện Trung Quốc đã là nước thứ 5, sau Mỹ, Pháp, Nga và Nhật, có đủ công nghệ cần thiết để thực hiện một cuộc lặn có người điều khiển xuống độ sâu hơn 3.500 mét dưới mực nước biển.

Tàu ngầm phục vụ mục đích khoa học?

Ye Cong (trái) và 2 thành viên còn lại
của tổ lái tàu ngầm Giao Long

Jin Jiancai, Tổng thư ký Hội Nghiên cứu và Phát triển Khoáng sản Đại dương Trung Quốc (COMRA), nói rằng nhiệm vụ hiện nay của Giao Long sẽ kéo dài 47 ngày và nó sẽ thực hiện 4 cuộc lặn.

Ông nói rằng an toàn sẽ là ưu tiên hàng đầu trong suốt nhiệm vụ. “Trước tiên, chúng ta đều phải ghi nhớ rằng đây là một cuộc thử nghiệm khoa học. Dù chúng ta đã nghiên cứu môi trường biển nơi sắp lặn xuống một cách kỹ càng, vẫn có thể có những chuyện khó đoán trước xảy ra. Cho dù không tới được độ sâu như đã định vì nhiều lý do, chúng ta vẫn xem như hoàn thành mục tiêu, chừng nào tổ lái trở về an toàn” - Jin nói.

Ba thành viên tổ lái Giao Long là Tang Jialing, Fu Wentao và Ye Cong, đã có nhiều thời gian luyện tập cùng con tàu. Kể từ năm 2005, 5 người Trung Quốc đã được tập huấn lặn xuống độ sâu lớn trên tàu Alvin của Mỹ. Ye nằm trong số đó và anh này cũng chịu trách nhiệm điều khiển Giao Long trên 28/37 lần lặn của con tàu. Nếu cuộc thử nghiệm lần này thành công, tàu sẽ lặn xuống độ sâu 7.000 mét vào năm 2012.

Trung Quốc nói rằng với mức 7.000 mét, con tàu đã có khả năng tiếp cận với 99,8% vùng đáy biển trên Trái đất.

Cho tới trước đó, cuộc lặn sâu nhất con người từng thực hiện là trên tàu thăm dò đáy biển Trieste hồi năm 1960. Với lòng tàu rộng chỉ hơn mét và phần vỏ tàu bằng thép dày hơn 10cm, nó đã lặn xuống đáy Challenger Deep, điểm sâu nhất nằm trong vực Mariana nổi tiếng ở Thái Bình Dương. Trieste, với hình dáng giống như một quả khí cầu dưới nước, đã đưa Jacques Piccard, con trai của nhà sáng chế ra con tàu và Don Walsh, một sĩ quan Hải quân Mỹ, xuống độ sâu 10.916m dưới mặt nước biển, bất chấp việc một trong những cửa sổ của con tàu đã bị nứt vì áp suất.

2 người đàn ông sau này báo cáo rằng họ thậm chí đã nhìn thấy những con cá bơn đang bơi trong lớp bùn ở dưới đáy biển. Tới tận ngày nay, vẫn chưa ai có thể đánh bại được kỳ tích của họ.

Hay công cụ thỏa mãn cơn khát khoáng sản?

Được biết Giao Long nằm trong một kế hoạch phát triển công nghệ cao của Trung Quốc mang tên Kế hoạch 863, triển khai hồi năm 2002. Hơn một nửa linh kiện và trang thiết bị trong Giao Long được làm tại Trung Quốc. Dù mục đích của Giao Long hiện chỉ là thuần túy mang mục đích khoa học, chính phủ Trung Quốc vẫn hy vọng khả năng khám phá biển sâu sẽ khiến nó trở thành công cụ tìm kiếm và trích xuất các mỏ khoáng sản lớn dưới đáy biển.

Việc Trung Quốc tăng trưởng nóng đã khiến nước này lâm vào một cơn khát khoáng sản. Giới lãnh đạo Trung Quốc hiện đã dõi đôi mắt của họ ra biển và xem nó như một mặt trận quan trọng trong tương lai, khi khoáng sản trên đất liền cạn dần.

Tàu ngầm Giao Long với khả năng lặn xuống độ sâu rất lớn của Trung Quốc

Các nghiên cứu cũng cho thấy rằng một số mỏ quặng dưới đáy biển có trữ lượng dồi dào hơn trên đất liền, trong số đó có vàng, thứ kim loại với giá cao ngất ngưởng, và cobalt, vốn được dùng để làm thành phần hợp kim thép và sơn. Ngoài ra còn phải kể đến các nguyên liệu cơ bản rất quan trọng khác như đồng, chì, sắt, thiếc, nickel, mangan..., những mỏ khí tự nhiên và dầu lửa.

Trung Quốc hiện đã ký một thỏa ước với Cơ quan Đáy biển Quốc tế (ISA) để tạo lập bản đồ đáy biển tại một khu vực rộng 75.000km2 ở Thái Bình Dương. Cuộc lặn lần này của Giao Long sẽ phục vụ thỏa ước trên. 

Hiện ISA đang tiến hành hội họp từ ngày 11-22/7 ở Kingston, Jamaica, để xem xét 4 đơn xin thăm dò khoáng sản tại vùng biển do họ quản lý. Trong đó 2 lá đơn từ Nga và Trung Quốc muốn tìm quặng polymetallic sulphide, vốn chứa chủ yếu đồng, thiếc, kẽm, vàng và bạc. Giới chuyên gia nói rằng trong lòng biển, quặng này tập trung trong nhiều mỏ lớn, với trữ lượng có thể lên đến 100 triệu tấn. Phần lớn trong số 100 mỏ quặng như vậy đã được tìm thấy ở Thái Bình Dương. Nhưng người ta mới chỉ thăm dò được 5% lòng biển, qua đó cho thấy vẫn còn rất nhiều mỏ khoáng sản dưới đáy biển chưa được tìm thấy.

Nhằm phục vụ cho việc khai thác khoáng sản dưới đáy biển, Trung Quốc đã thành lập một viện nghiên cứu hải dương ở Thanh Đảo. Nước này cũng có kế hoạch cho ra đời một tàu khoan thăm dò biển sâu và một mạng lưới các thiết bị theo dõi đáy biển tự động.

Tiềm năng quân sự

Trong khi Trung Quốc không che giấu tham vọng khai thác khoáng sản dưới đáy biển, nước này nói rất ít về tiềm năng quân sự của phương tiện như Giao Long.

Tuy nhiên giới phân tích nói rằng con tàu có thể phục vụ các nhiệm vụ quan trọng cho quân đội Trung Quốc, như cài thiết bị theo dõi vào hệ thống liên lạc sử dụng cáp quang chạy dưới đáy biển của các nước khác, thu thập các vũ khí hạt nhân và tên lửa bị thất lạc dưới biển và chụp hình đáy biển độ phân giải cao để phục vụ cho hoạt động của đội tàu ngầm nước này.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm