Tổ chức sự kiện - đôi khi như làm xiếc trên dây

06/12/2010 10:55 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Việt Tú, người được coi như một trong những đạo diễn sân khấu ca nhạc và sự kiện hàng đầu của Việt Nam, đã quyết định kết hợp với Công ty Đào tạo và tư vấn Truyền thông AAA (do nhà báo An Duyệt làm TGĐ) để chia sẻ kinh nghiệm của mình trong một khóa Đào tạo & Tổ chức sự kiện, sau 10 năm lăn lộn trong nghề này.

Thị trường tổ chức sự kiện - đang lúc giao thời

* Anh có thể kể qua về hành trình công việc của mình?

- Tôi học Nhạc viện và Sân khấu Điện ảnh, rồi đi Mỹ học tại chức 4 năm, sau đó làm việc gần 10 năm ở Đài THVN, xuất phát điểm là đạo diễn các chương trình ca nhạc của truyền hình, cả video clip lẫn các chương trình truyền hình trực tiếp. Dần dần tôi có cơ hội làm đạo diễn sân khấu, hiện đã chuyển ra ngoài làm như một đạo diễn tự do. Công việc sau đó của tôi chủ yếu là làm show.


* Tại sao anh chọn con đường tổ chức sự kiện, dù rằng anh xuất thân là một đạo diễn?

- Tôi nghĩ những gì mình đang chọn là con đường chung, các đạo diễn bắt đầu từ công việc của một người làm sáng tạo nhưng sau đấy dần dần họ hướng đến cái cao hơn là tổ chức và quản lý, để có thể đứng ở cao hơn và nhìn được cái tổng thể hơn.

* Thực trạng việc tổ chức sự kiện hiện nay ở Việt Nam dường như khá hỗn độn?

- Tại Việt Nam hiện nay, các công ty tổ chức sự kiện, truyền thông... có lẽ phải từ 1.000-2.000 công ty là ít nhất (theo những con số thống kê không chính thức). Tôi là người trong nghề thì thấy không ít chương trình bị đổ bể do chuẩn bị không chuyên nghiệp, người làm việc không được trang bị đủ kiến thức để làm nghề. Một số công ty mới ra đời, năng lực của họ thì tạm không bàn đến nhưng nhiều khi họ chấp nhận cạnh tranh bằng mọi cách, giảm giá đến mức không thể thấp hơn chỉ để lấy được hợp đồng, nhưng khi lấy được hợp đồng rồi thì sao? Tất nhiên làm kinh doanh người ta thường chọn thứ rẻ nhất, cuối cùng chọn thứ rẻ nhất lại không đâu vào đâu cả. Thị trường đang có vấn đề là ở chỗ đó.

Chuyện về những “thiên thạch va vào trái đất”

Đạo diễn Việt Tú sinh năm 1977, tại Hà Nội, là người đã tổ chức thành công các chương trình lớn và đột phá về sáng tạo nghệ thuật như Live show Nhật thực lần 1 của Trần Thu Hà (2002); những video clip ấn tượng trong 2 năm liên tiếp của chương trình VTV Bài hát tôi yêu; Tổng đạo diễn của sự kiện Dàn nhạc giao hưởng & hợp xướng Việt Nam đón năm mới trên tầng 25 của khách sạn Melia – 2003; Tổng đạo diễn hình ảnh lễ khai mạc và bế mạc trực tiếp SEA Games 22 (2003); Tổng đạo diễn Sao Mai - Điểm hẹn lần đầu tiên (2004); Tổng đạo diễn Dep’s Fashion show (2005); Tổng đạo diễn của đêm Đại lễ nhạc mừng Đại lễ Phật đản Thế giới (2008); Tổng đạo diễn & Nhà sản xuất lễ khai trương thương hiệu thời trang hàng đầu thế giới Hermes tại Hà Nội (2008); Tổng đạo diễn đêm chung kết Hoa hậu Việt Nam 2010...

* Dường như những người làm nghề tổ chức sự kiện như anh biết rất nhiều chuyện hậu trường rủi ro cười ra nước mắt?


- Nói thật với anh, kể cả ở nước ngoài vẫn có phốt như thường. Cho dù có tập 1.000 lần rồi anh đi diễn 2.000 - 3.000 lần nữa, giống như xem vở opera kinh điển Bóng ma nhà hát ở Las Vegas - trung tâm của các vở diễn hào nhoáng và hiện đại, họ không thiếu một phương tiện, thiết bị gì mà họ vẫn nhầm, thuyền đi trên dòng sông bằng khói va vào nến đổ đánh uỳnh một cái. Hoặc như Madona đợt vừa rồi, đi tour, sập sân khấu chết 2 người. Madona là người kỷ luật khủng khiếp, đòi hỏi cao, ê-kíp của cô ấy chắc là toàn “người ngoài hành tinh” cả, nhưng cái rủi ro đó nó vẫn đến nhưng nó không thể đến thường xuyên như của chúng ta. Nhà tổ chức sự kiện chuyên nghiệp phải ngăn chặn, giảm thiểu được một cách tối đa những lỗi đó. Rủi ro giống như thiên thạch va vào trái đất, tất nhiên có thể sẽ có, nhưng nếu chuẩn bị kỹ lưỡng thì sẽ rất ít khi xuất hiện.

* Anh có thể chia sẻ gì sau khi là tổng đạo diễn Hoa hậu Việt Nam 2010?

- Đó là một chương trình lớn, không chỉ ở khía cạnh một chương trình thi người đẹp, mà nó là một sự kiện lớn về văn hóa - xã hội. Chương trình này đòi hỏi người tổ chức những kỹ năng nghề nghiệp và kiến thức tổng hợp. Vì bạn không chỉ đơn thuần là người làm chuyên môn, và những sức ép bạn phải đối đầu ở đây cũng không chỉ đơn thuần về mặt chuyên môn. Tất cả mọi thứ được chuẩn bị và vận hành theo một cách hết sức đặc biệt và gần như không có một nguyên tắc cố định.

Nghề tổ chức sự kiện là một công việc đặc biệt, đôi khi giống như làm xiếc trên dây vậy. Đứng trước những tình huống 5 ăn, 5 thua bạn sẽ phải là người ra quyết định mang tính may rủi nhiều hơn là lý trí. Chính vì vậy, sự thích nghi với bất kỳ môi trường và điều kiện làm việc nào mới là quan trọng nhất, nếu anh lúc nào cũng đòi hỏi một môi trường quy chuẩn giống như ở nước ngoài và lý tưởng hóa mọi việc thì anh sẽ không bao giờ làm việc được.

* Như vậy tới đây nhiều người sẽ gặp lại anh với vai trò hoàn toàn mới: một diễn giả?  

- Việc những người có chuyên môn đi làm diễn giả để trao đổi kinh nghiệm với những người trong nghề không phải là một điều gì quá mới mẻ. Chỉ có điều, từ trước đến nay, trong lĩnh vực tổ chức và quản lý sự kiện thì không có nhiều diễn giả có kinh nghiệm đứng lớp, vì những người như chúng tôi, quanh năm chạy show nên nhiều khi có muốn đứng lớp cũng không có thời gian nữa. Bản thân để có thể tham gia được vào dự án lần này với AAA, tôi cũng đã phải co kéo và thu xếp thời gian của mình cho thật khéo, vì đây là dịp cuối năm “mùa show, và event” rồi.

Tôi nghĩ đây là việc nên làm, chứ chỉ suốt ngày ngồi một chỗ và phàn nàn tại sao mọi thứ nó lại như thế này, tại sao thị trường lại dở như thế này mà không đưa ra giải pháp thì cũng chẳng có ích gì.

Đan Anh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm