Thị xã Phú Thọ: Cúc áo vàng, đính trên dải lụa

01/10/2018 11:33 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Thị xã Phú Thọ được ví như một chiếc cúc áo vàng, đính trên dải lụa ven sông Thao biếc xanh màu mỡ, dòng sông đang cuồn cuộn chở nặng phù sa về xuôi, gặp đất Phú Thọ giang rộng vòng Nhĩ Hà ôm lấy vùng địa linh nhân kiệt.

Các thế hệ người dân thị xã Phú Thọ luôn tự hào về quê hương mình, bởi đến hôm nay, thị xã Phú Thọ Anh Hùng đã có bề dày lịch sử 112 năm xây dựng và trưởng thành. Nằm ở phía Tây miền đất Tổ Hùng Vương, nơi con người tụ cư từ buổi bình minh của lịch sử dân tộc. Do những tác động của lịch sử và thời đại, từ một làng thuần nông, tĩnh tại vào những năm đầu thế kỷ XX, Phú Thọ trở thành thị xã tỉnh lỵ, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh trong hơn 6 thập kỷ, và hiện nay đang là trung tâm văn hóa, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, y tế... phía Tây - Tây Bắc; Trung tâm kinh tế vùng. Sau hơn một thế kỷ phấn đấu không mệt mỏi, thị xã Phú Thọ đang ngày càng phát triển theo hướng hiện đại văn minh mà vẫn bảo tồn được dáng vẻ đặc trưng của một thị xã trung du, những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp với những huyền thoại đã hoà quyện vào nền văn minh đương đại, tạo nên một sắc thái văn hoá vừa dân tộc vừa hiện đại.

Chú thích ảnh
Một góc Thị xã Phú Thọ

Được thành lập ngày 5 tháng 5 năm 1903 theo quyết định của Toàn quyền Đông Dương, chuyển tỉnh lỵ Hưng Hóa từ làng Trúc Phê, Tổng Tam Nông về làng Phú Thọ, tổng Phú Thọ. Là một địa danh được kết tinh bởi nhiều yếu tố “Thiên thời – địa lợi - nhân hòa”. Những người con của thị xã Phú Thọ luôn nhớ về quê hương mình vơí những danh lam thắng cảnh thật nên thơ vì đó là một thị xã trên bến dưới thuyền, với Bến Đá có thuyền chở hương long não tìm về làng Mè họp chợ; có tiếng chuông vàng thơm thảo ngân vang mỗi buổi chiều từ đền Trù Mật; Có chiếc Cầu Trắng nối hai đầu thế kỷ và bên Giếng Thánh, những thiếu nữ đang duyên dáng e ấp nụ cười gọi hoa sim tím về cùng với câu hát Ghẹo quê hương. Tuy diện tích tự nhiên không lớn, xong nơi đây dân cư đông đúc với nhiều dòng họ nổi tiếng, những con Lạc Cháu Hồng. Chùa Thắng Sơn, Chùa Bồng Lai, chùa Khánh Long là những cảnh quan Phú Thọ, những nét tài hoa của người dân thị xã. Đền Trù Mật, Đình Hạ Mạo là những di tích lịch sử cấp Quốc gia về kiến trúc, Nhà thờ Đá Hà Thạch, Văn Lung, Vân Thê, nơi sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo, đã và đang thể hiện tốt hơn sự đoàn kết lương giáo một lòng cùng nhau xây dựng cuộc sống mới ngày một tốt đẹp hơn.

Lật lại những trang sử thời chống giặc ngoại xâm, người dân thị xã Phú Thọ có quyền tự hào về tinh thần yêu nước của mình, luôn giản dị, khiêm nhường trong cuộc sống đời thường, nhưng khi đứng trước kẻ thù thì kiên cường dũng mãnh, dưới sự lãnh đạo của đảng, với quyết tâm: “ Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, nhân dân thị xã đã nhất tề đứng dậy giành chính quyền thắng lợi vào ngày 25/8/1945, đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh và dựng xây của thị xã Phú Thọ.  Ghi nhận những thành tích, những đóng góp to lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Phú Thọ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc, thị xã đã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu "Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp"; 03 Huân chương Quân công hạng Ba, 02 Huân chương kháng chiến hạng Hai, 01 Huân chương Độc lập Hạng Ba, 13 Huân chương Lao động, 05 cờ thưởng luân lưu của Chính Phủ, 176 bảng vàng danh dự, 1.363 bảng gia đình vẻ vang....Nhân dịp kỷ niệm 110 năm thành lập, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã lại vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì.

Những năm gần đây, là thời kỳ có nhiều dấu ấn quan trọng đối với thị xã Phú Thọ: Ngày 1- 4 -2003 Chính phủ ra Nghị định số 32/CP về điều chỉnh địa giới hành chính thị xã; Ngày 12 tháng 12 năm 2006 Bộ XD đã ra công văn công nhận thị xã Phú Thọ là đô thị loại IV. Ngày 29 tháng 12 năm 2010 Bộ Xây dựng có Quyết định số 1144 về việc công nhận thị xã Phú Thọ là đô thị loại III. Trong quy hoạch xây dựng vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030 tại Quyết định số 980 ngày 21/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ, thị xã Phú Thọ được xác định để quy hoạch phát triển trở thành thành phố trực thuộc tỉnh Phú Thọ.  

Trong những năm qua, kinh tế - xã hội của thị xã đã có bước phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2010 - 2015 đạt trên 7%/năm, các lĩnh vực xã hội được quan tâm; kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng đô thị được chú trọng đầu tư, diện mạo đô thị có nhiều đổi mới, thực sự là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, y tế... phía Tây - Tây Bắc; là một trong những vùng động lực phát triển kinh tế của tỉnh, là đô thị trung gian kết nối khu vực miền núi phía Bắc với đồng bằng Bắc Bộ và thủ đô Hà Nội.

Thị xã Phú Thọ thuộc vùng trung du và miền núi phía Bắc, là nơi tiếp giáp giữa đồng bằng sông Hồng và vùng đồi núi, trung du, cách thành phố Việt Trì 25 km, cách sân bay quốc tế nội bài 80 km, cách cảng Hải phòng 190 km, cách thủ đô Hà Nội 100 km, về phía Tây Bắc và cách cửa khẩu quốc tế Lào Cai 200 km, cách thành phố Tuyên Quang 55 km, thành phố Yên Bái 50 km ở toạ độ 21024’ vĩ độ bắc và 105014’ kinh độ đông.  Phía Bắc của thị xã giáp huyện Thanh Ba và Phù Ninh, Phía Đông giáp huyện Phù Ninh và huyện Lâm Thao, Phía Tây giáp huyện Thanh Ba, Phía Nam giáp sông Hồng và huyện Tam Nông. Với vị trí trung tâm hình học của tỉnh Phú Thọ, thị xã có những lợi thế giao lưu với các vùng lân cận. Xung quanh thị xã Phú Thọ đã hình thành các nhà máy, các khu công nghiệp, các cơ quan nghiên cứu tài nguyên, các cơ quan nghiên cứu khoa học, các xí nghiệp quốc phòng, các trường đại học, trung học chuyên nghiệp các trường công nhân kỹ thuật quân đội, các kho tàng quốc gia tập trung tạo điều kiện thuận lợi cho thị xã phát triển.

Thị xã Phú Thọ có hệ thống giao thông khá thuận lợi cả về đường sắt, đường thuỷ, đường bộ và kể cả đường hàng không khi cần. Trên địa bàn thị xã Phú Thọ có quốc lộ 2, đường sắt Hà Nội - Lào Cai, đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai và đường Hồ Chí Minh đi qua, ngoài ra thị xã còn có nhà ga đường sắt, bến xe ô tô,... cho phép thị xã giao lưu thuận lợi với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía Tây Bắc, các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Ngoài đường sắt, đường bộ thì tuyến du lịch đường thuỷ cũng có thể mở ra nhiều triển vọng, bởi thị xã Phú Thọ nằm trên tuyến du lịch quốc gia và quốc tế.

Hoà mình vào dòng chảy chung của công cuộc đổi mới, CNH, HĐH đất nước, thị xã Phú Thọ đang đứng trước rất nhiều cơ hội lớn để khẳng định và tạo diện mạo mới cho mình. Hơn bao giờ hết, thị xã đang đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa, phát triển kinh tế xã hội toàn diện, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, tạo bước đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị. Chất lượng sống đô thị và nông thôn nâng cao, từ đây thu hút được lượng lớn lực lượng lao động về làm việc và sinh sống. Theo số liệu thống kê năm 2014, số ng. trong độ tuổi lao động là 43.161 người, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp là 68,1%, tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm gần 39%.

Dịch vụ - Thương mại trên địa bàn thị xã tiếp tục duy trì phát triển; thị trường hàng hóa ngày càng phong phú, đa dạng cơ bản đáp ứng nhu cầu của nhân dân địa phương và các khu vực lân cận; lĩnh vực vận tải được quan tâm; lĩnh vực bưu chính viễn thông tiếp tục phát triển; các dịch vụ: Ngân hàng, khám chữa bệnh, điện, nước... vẫn duy trì và phát triển đáp ứng nhu cầu cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

Thị xã đã tập trung chỉ đạo triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; kịp thời giải quyết những vướng mắc về giải phóng mặt bằng các dự án đang thực hiện, để thu hút, mời gọi các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực công nghiệp. Khai thác có hiệu quả các lợi thế, tạo môi trường đầu tư thuận lợi thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp trong đó đặc biệt chú trọng phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Lựa chọn các doanh nghiệp có quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách đầu tư trong khu công nghiệp - dịch vụ Phú Hà và các cụm công nghiệp, làng nghề đã quy hoạch, với mục tiêu: Công nghiệp tăng bình quân năm từ 8,68% trở lên.

Sản xuất nông nghiệp được quan tâm đầu tư phát triển, đạt mức tăng trưởng khá. Hệ thống mạng lưới khuyến nông, dịch vụ sản xuất nông nghiệp được củng cố đáp ứng cho nhu cầu phát triển sản xuất. Ngoài làng nghề hoa đào Hồng Vân xã Thanh Minh, năm 2014 thị xã có thêm 3 làng nghề được tỉnh công nhận: Làng nghề sản xuất rau an toàn phường Trường Thịnh, làng nghề hoa đào Long Ân xã Hà Lộc, làng nghề sản xuất bún, bánh và dịch vụ Hà Thạch, nâng tổng số làng nghề của thị xã lên 4 làng nghề. Thị xã đã quan tâm chỉ đạo thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới ở 5/5 xã, hoàn thành quy hoạch xây dựng nông thôn mới và từng bước triển khai thực hiện đạt kết quả tích cực; nhiều phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân cùng tích cực tham gia. Đến năm 2015, có 01 xã được công nhận, 02 xã cơ bản đạt tiêu chí nông thôn mới, 02 xã còn lại đạt 15 tiêu chí.

Điểm nổi bật của thị xã trong thời gian gần đây là xây dựng nếp sống văn minh đô thị, vệ sinh môi trường, cảnh quan theo hướng "xanh, sạch, đẹp". Nhiều công trình trọng điểm đã và đang được thi công đưa vào sử dụng góp phần tạo nên bộ mặt mới cho thị xã trong giai đoạn phát triển và hội nhập. Công tác cải tạo, chỉnh trang đô thị trên địa bàn đã thực hiện một số dự án như: Dự án đường Hùng Vương (35m); đầu tư mới đường Tiên Kiên - Hà Thạch kéo dài, đường nối Cầu Ngọc Tháp với Quốc lộ 2, đường đê Hữu Lò lợn, đường Văn Lung - Thanh Vinh, đường Bến Đá - Cống Sấu,...; Nâng cấp và đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống đường trục chính trên địa bàn 2 xã Thanh Minh và Văn Lung đáp ứng tiêu chuẩn đường thành phố; Hoàn thành đưa vào sử dụng nhà văn hóa thị xã và Quảng trường Bình Minh, trung tâm văn hóa thể thao, trường THCS Hùng Vương; cải tạo, nâng cấp các tuyến giao thông đô thị hiện có cả về lòng đường, vỉa hè, cây xanh, điện chiếu sáng. Đầu tư mới một số tuyến nội thị ở phường Thanh Vinh, Trường Thịnh, xã Thanh Minh, Văn Lung... đảm bảo tiêu chuẩn về giao thông cấp phường, hoàn thành việc rải nhựa mặt đường tuyến đường khu vực ngoại thị, xây mới hệ thống cống thoát nước, cây xanh....v.v

Công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền tập trung lãnh, chỉ đạo. Công tác bảo hiểm y tế được mở rộng, 100% hộ nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế, mạng lưới y tế trên địa bàn đã đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân thị xã. Tính đến năm 2014 trên địa bàn thị xã có 82 cơ sở khám chữa bệnh. Công tác chăm sóc sức khỏe của nhân dân đạt được một số kết quả đáng khích lệ, 10/10 trạm y tế xã, phường đạt chuẩn quốc gia.

Trong nhiều năm qua, sự nghiệp Giáo dục - Đào tạo được quan tâm phát triển đã đạt được kết quả toàn diện cả về quy mô loại hình đào tạo và chất  lượng giáo dục, góp phần quan trọng nâng cao dân trí, bổ sung nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội thị xã. Hệ thống mạng lưới giáo dục đào tạo của thị xã đã được hình thành với đầy đủ các cấp học và trình độ đào tạo từ Mầm non đến đại học; thị xã có 39 đơn vị trường học trong đó có 12 trường mầm non, tiểu học 12 trường, 10 trường THCS, 05 trường THPT. Đời sống văn hoá của người dân hiện nay đang dần được nâng cao.

Phong trào văn nghệ quần chúng phát triển mạnh. Duy trì hoạt động thường xuyên của 10/10 đài  xã, phường với 278 loa phát thanh công cộng trên địa bàn 107 khu dân cư, kịp thời tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước đến cán bộ và quần chúng nhân dân, phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương...

Theo định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị, điểm dân cư nông thôn tỉnh Phú Thọ đến 2020,Tỉnh Phú Thọ đã quan tâm, tập trung đầu tư cho thị xã Phú Thọ và đặc biệt là các phường khu vực nội thị và các khu vực dân cư đô thị hóa giáp ranh. Hầu hết hệ thống công trình cơ quan trụ sở cấp thị xã đều nằm trong địa bàn nội thị, hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật được tập trung đầu tư khá hoàn chỉnh và đồng bộ. Nhiều dự án cải tạo, chỉnh trang đô thị trên địa bàn thị xã cũng như khu vực đô thị hóa giáp ranh đã được triển khai, thực hiện trong nhiều năm qua. Tỉnh Phú Thọ và thị xã Phú Thọ đã và đang tiếp tục tập trung đầu tư cho các khu vực trên địa bàn đô thị với các động lực phát triển đô thị là Khu công nghiệp Phú Hà, các khu đô thị mới và các trung tâm thương mại, siêu thị, dịch vụ lớn chuẩn bị được hình thành,...

Công tác xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị luôn được coi trọng; cải cách hành chính nhà nước được đẩy mạnh trên tất cả các lĩnh vực: Thể chế, thủ tục hành chính; tổ chức bộ máy; công chức công vụ;  tài chính công; hiện đại hóa công sở, an ninh, quốc phòng thường xuyên được giữ vững. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân địa phương ngày càng được nâng cao.

Hiện nay, thị xã Phú Thọ đang tiếp tục đổi mới toàn lực, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để xây dựng và phát triển thị xã quê hương, là mục tiêu chung mà đảng bộ cá nhân dân thị xã luôn hướng tới.

Với truyền thống trên 100 năm xây dựng và phát triển, với vai trò, vị thế của thị xã trong tỉnh Phú Thọ. Việc thành lập thành phố Phú Thọ là cần thiết, khách quan, phù hợp với định hướng phát triển chung của vùng Trung du Miền núi Bắc Bộ; quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2025 tầm nhìn đến 2050; quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị và điểm dân cư nông thôn tỉnh Phú Thọ đến năm 2020; nhằm phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của thị xã Phú Thọ nói riêng và tỉnh Phú Thọ nói chung, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh; phù hợp nguyện vọng của Đảng bộ và nhân dân thị xã Phú Thọ trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Với vị trí địa lý, với tiềm năng về đất đai để mở rộng không gian phát triển kinh tế, công nghiệp, DV-TM, du lịch văn hóa xã hội, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, được sự quan tâm của tỉnh và TW, hy vọng thị xã Phú Thọ Anh Hùng sẽ sớm trở thành một thành phố vừa cổ kính vừa hiện đại, văn minh, với nhiều ưu thế và nhiều tiềm năng, mãi xứng đáng với tên gọi: Phú Thọ - sự giàu có bền lâu.

Hồng Thắm

Phú Thọ xây dựng 66 cầu dân sinh vùng đặc biệt khó khăn

Phú Thọ xây dựng 66 cầu dân sinh vùng đặc biệt khó khăn

Thông tin từ Sở Giao thông Vận tải cho biết, Tổng Cục đường bộ Việt Nam vừa phê duyệt danh mục cầu dân sinh tỉnh Phú Thọ và các dự án thành phần thuộc hợp phần xây dựng cầu dân sinh đảm bảo an toàn giao thông vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt khó khăn của tỉnh.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm