Nữ cựu Bộ trưởng Quốc phòng Đức trở thành Chủ tịch EC: Thời kỳ mới của EU

17/07/2019 11:22 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Lần đầu tiên trong lịch sử, Ủy ban châu Âu (EC) có lãnh đạo là phụ nữ - cựu Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen. Người phụ nữ với vóc dáng nhỏ bé và là mẹ của 7 đứa con sẽ gánh trên vai trọng trách lãnh đạo cơ quan hành pháp quyền lực nhất của Liên minh châu Âu (EU) 5 năm tới, trong bối cảnh những thách thức đặt ra cho EU ngày càng lớn.   

EC có nữ chủ tịch đầu tiên

EC có nữ chủ tịch đầu tiên

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen sẽ chính thức thay thế ông Jean-Claude Juncker tiếp quản vị trí đứng đầu Ủy ban châu Âu (EC) vào ngày 1/11 tới trong nhiệm kỳ 5 năm.

Từ chỗ là nữ Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của Đức, bà von der Leyen đã tiến thêm một bước dài trên con đường chính trị khi trở thành người Đức đầu tiên, đồng thời cũng là người phụ nữ đầu tiên, giành ghế Chủ tịch EC, cơ quan nắm thực quyền mạnh nhất trong cơ cấu tổ chức của EU, bên cạnh Nghị viện châu Âu (EP) và Hội đồng châu Âu. Với vai trò mới, bà von der Leyen sẽ có tiếng nói quyết định trong việc đề ra đường hướng chính trị cho EC - nơi đề xuất các luật mới, quản lý ngân sách và chịu trách nhiệm thực thi luật pháp EU.   

Có thể nói, với tuyên bố từ chức Bộ trưởng Quốc phòng Đức ngay trước thềm cuộc bỏ phiếu tại Strasbourg, Pháp chiều 16/7, bà von der Leyen đã quyết định đặt cược sinh mệnh chính trị của mình vào cuộc chạy đua đến ghế Chủ tịch EC. Sự quyết tâm cao độ của người phụ nữ nhỏ bé này đã thuyết phục được những lá phiếu còn lấp lửng, mang về chiến thắng có phần "nghẹt thở". Bà chỉ giành được 383 phiếu, nhiều hơn vỏn vẹn 9 phiếu so với mốc quá bán 374 phiếu.

Có tới 327 nghị sĩ EP đã chống lại bà Von der Leyen, trong đó có không ít nghị sĩ từ Đức, thuộc các đảng Cánh tả (Die Linke), đảng Xanh (Grüne) và đặc biệt là đảng Dân chủ Xã hội (SPD) - đối tác của đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo và Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) trong liên minh cầm quyền ở Đức hiện nay. Trước đó, việc bà được đề cử đã gây tranh cãi gay gắt không chỉ tại EP mà ngay trên chính trường Đức, thậm chí nhiều nghị sĩ Đức đã dùng những lời lẽ gay gắt nhất để chỉ trích bà.  

Với "chiến thắng" đầu tiên tại EP, bà Von der Leyen dự kiến sẽ nhậm chức vào ngày 1/11 tới. Là người thông thạo cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp bên cạnh tiếng Đức mẹ đẻ, bà Von der Leyen sẽ có nhiều thuận lợi, khi đây là ba ngôn ngữ làm việc trong nội bộ EC. Sinh ra tại Bỉ, có thời gian học ở Anh và từng sống ở Mỹ, bà von der Leyen đã tích lũy được vốn kiến thức đa dạng, không chỉ dừng lại ở ngôn ngữ. Ngoài ra, khả năng điều hành và cách giải quyết vấn đề của bà von der Leyen khi còn là Bộ trưởng Quốc phòng Đức cũng được đánh giá cao.   

Chú thích ảnh
Tân Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen trong cuộc họp báo sau khi đắc cử tại trụ sở Nghị viện châu Âu ở Strasbourg, Pháp ngày 16/7/2019. Ảnh: THX/TTXVN

Tuy nhiên, "rào cản" lớn nhất đối với vị nữ chủ tịch đầu tiên của EC chính là tình trạng chia rẽ và tâm lý hoài nghi châu Âu, điều mà bất kỳ ai cũng có thể cảm nhận được trước và trong cuộc bỏ phiếu bầu tại EP lần này. Tỷ lệ phiếu "đa số" mà bà von der Leyen có được chủ yếu từ rất nhiều đảng phái khác nhau, điều này có nghĩa là tân Chủ tịch EC thiếu sự hậu thuẫn của một lực lượng tập trung và tiếng nói ủng hộ mạnh mẽ tại EP. Vì thế, dù đã chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu bầu chủ tịch, nhưng quá trình điều hành EC của bà von der Leyen dự báo sẽ không hề dễ dàng.   

Thời điểm tân Chủ tịch EC nhậm chức diễn ra chỉ một ngày sau thời hạn cuối cùng (31/10) để nước Anh rời khỏi EU (còn gọi là Brexit). Đây sẽ là thách thức đầu tiên đối với bà Von der Leyen. Là một người hướng về châu Âu, tân Chủ tịch EC không hề muốn có Brexit, song đó là một quá trình không thể đảo ngược. Tuyên bố của bà von der Leyen, rằng tiến trình Brexit có thể kéo dài với lý do hợp lý, cũng đã tạo ra những xung đột đầu tiên trong nội bộ EU, đặc biệt là những nhân vật chủ chốt vốn không ủng hộ việc đàm phán lại thỏa thuận, hay kéo dài tiến trình Brexit.   

Là một người Đức và được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề cử, nhưng trên cương vị mới là Chủ tịch EC, bà von der Leyen sẽ phải dành sự quan tâm nhiều hơn đến các nước nhỏ. Vấn đề chênh lệch tốc độ phát triển giữa các nước đang trở nên nghiêm trọng, khi các "đầu tàu" như Đức hay Pháp tỏ ra vượt trội với phần còn lại, đặc biệt là những quốc gia thuộc khu vực Đông Âu mới gia nhập EU chưa lâu, hay thậm chí cả những nước từng là "đầu tàu" nhưng nay bị tụt lại phía sau... Giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế cho cả liên minh, bất chấp sự phát triển không đồng đều từ bên trong và thách thức từ bên ngoài, nhiệm vụ này xem ra cũng không kém phần nặng nề, khi mà thực tế đã cho thấy những chỉ dấu không mấy lạc quan về nguy cơ bất ổn hay suy thoái.    

Một vấn đề nữa là dòng người di cư tràn vào châu Âu vẫn tiếp tục tạo ra những hệ lụy về mặt xã hội và an ninh, ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế và an sinh xã hội, thúc đẩy các đảng theo đường lối dân túy trỗi dậy mạnh mẽ hơn ở khắp nơi. Hiểu biết về cuộc khủng hoảng người di cư từ bài học trong điều hành và ra quyết định của Chính phủ Đức có thể giúp ích cho bà von der Leyen xử lý tốt hơn vấn đề này trên bình diện châu lục.   

Môi trường cũng là vấn đề được bà von der Leyen đặc biệt quan tâm. Giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, tăng cường "nền kinh tế phi carbon", giải quyết các vấn đề xã hội... là những chương trình trọng tâm trong nhiệm kỳ 5 năm tới của tân Chủ tịch EC, như tuyên bố của bà trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu.   

Việc bà von der Leyen, người từng giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng Đức suốt 6 năm qua, trở thành Chủ tịch EC cũng sẽ góp phần thúc đẩy tiến trình tự chủ về quốc phòng của EU. Trong nhiều năm qua, Đức và Pháp cùng một số thành viên EU khác đã tích cực vận động cho một chiến lược quốc phòng chung của liên minh, trong đó có các dự án chế tạo máy bay chiến đấu, máy bay vận tải quân sự và vũ khí chung. Tham vọng này một lần nữa được đề cập trong lễ diễu binh truyền thống nhân ngày Quốc khánh Pháp 14/7, nơi có sự tham dự của lãnh đạo 9 thành viên EU tham gia "Sáng kiến Can thiệp châu Âu (IEI)" do chính Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thúc đẩy. Hơn ai hết, bà von der Leyen rất hiểu, thực sự quan tâm đến đề tài này, và được đánh giá sẽ có đủ khả năng cũng như quyền lực để thúc đẩy, trong bối cảnh mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ và châu Âu ngày càng rạn nứt.   

Tuy nhiên, một số ý kiến lại cho rằng phẩm chất mà bà Leyen thể hiện ở lĩnh vực quốc phòng không phải là phẩm chất cần thiết cho công việc điều hành hàng đầu của EU. Hơn nữa, một số bê bối gần đây trong hoạt động của Bộ Quốc phòng Đức cũng ảnh hưởng tới uy tín của bà.   

Xử lý các mối quan hệ với những đối tác truyền thống trong bối cảnh mới như Mỹ, hay các đối thủ như Trung Quốc hay Nga, là một nhiệm vụ không hề đơn giản đối với bà von der Leyen. Bảo vệ lợi ích và thúc đẩy EU phát triển, đó là ưu tiên hàng đầu của bà von der Leyen trong vấn đề đối ngoại, dù lĩnh vực này đang gặp không ít trở ngại do sự thay đổi chính sách của Mỹ cũng như xu hướng chia tách hoặc rời rạc của các nước trong EU.   

Trở thành Chủ tịch EC vào thời điểm toàn bộ EU đang đứng trước quá nhiều thách thức, trách nhiệm "làm nên lịch sử" đang được dồn lên vai bà von der Leyen. Dù còn nhiều tranh cãi, nhưng việc EP lần đầu tiên bầu một phụ nữ vào vị trí người đứng đầu cơ quan hành pháp của EU cũng được xem là một dấu mốc, đánh dấu bước chuyển sang một thời kỳ mới trên con đường "cải cách để phục hưng" đầy khó khăn mà EU đang thực hiện.

Phạm Thắng - Phóng viên TTXVN tại CHLB Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm