Những lưu ý cúng ông Công, ông Táo ngày 23 tháng Chạp

08/02/2018 15:22 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 23 Tháng Chạp, theo phong tục của người Việt Nam là ngày cúng ông Công, ông Táo hay còn gọi là Tết Táo quân. Ngày này, các gia đình người Việt lại chuẩn bị mâm cỗ cùng văn khấn Táo quân để tiễn đưa ông Táo về trời.

Bài cúng ông Công ông Táo

Dẫn theo cuốn Văn khấn cổ truyền Việt Nam (NXB Văn hóa Thông tin)

Nam mô a di đà Phật! (3 lần)

Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương

Con kính lạy Ngài đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.

Tín chủ (chúng) con là: ……………

Ngụ tại:...

Hôm nay, ngày 23 tháng Chạp tín chủ chúng con thành tâm sắp sửa hương hoa phẩm luật, xiêm hài áo mũ, kính dâng tôn thần. Thắp nén tâm hương tín chủ con thành tâm kính bái.

Chúng con kính mời ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân hiển linh trước án hưởng thụ lễ vật.

Cúi xin Tôn thần gia ân xá tội cho mọi lỗi lầm trong năm qua gia chủ chúng con sai phạm.

Xin Tôn thần ban phước lộc, phù hộ toàn gia chúng con, trai gái, già trẻ sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng, vạn sự tốt lành.

Chúng con lễ bạc tâm thành, kính lễ cầu xin, mong Tôn thần phù hộ độ trì.

Nam mô A di đà Phật! (3 lần)

Chú thích ảnh
Đồ hàng mã phục vụ Tết "Ông Công, ông Táo" trên phố Hàng Mã. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

Văn khấn ông công, ông Táo được lưu truyền trong dân gian:

Nam mô a di đà Phật! (3 lần)

Kính lạy Ngài Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân!

Tín chủ con là :.............

Ngụ tại :.......................

Nhằm ngày 23 tháng Chạp, tín chủ chúng con thành tâm, sửa biện hương hoa phẩm vật, xiêm hài áo mũ, nghi lễ cung trần, dâng lên trước án, dâng hiến Tôn Thần, đốt nén Tâm Hương dốc lòng bái thỉnh.

Chúng con kính mời :

Ngài Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân giáng lâm trước án thụ hưởng lễ vật.

Phỏng theo lệ cũ, Ngài là vị chủ, Ngũ Tự Gia Thần, soi xét lòng trần, Táo Quân chứng giám.

Trong năm sai phạm, các tội lỗi lầm, cúi xin Tôn Thần, gia ân châm chước. Ban lộc, ban phước, phù hộ toàn gia, trai gái trẻ già, an ninh khang thái.

Dãi tấm lòng thành, cúi xin chứng giám.

Cẩn cáo.

Nam mô a di đà Phật! (3 lần)

Chú thích ảnh
Cá chép đỏ để đưa ông Công, ông Táo về trời. Ảnh Tạ Toàn - TTXVN

Mâm cúng ông Công, ông Táo

Theo phong tục, mâm cúng ông Công ông Táo gồm có:

- Thịt luộc

- Gà luộc

- Đĩa xào thập cẩm

- Xôi (hoặc bánh chưng)

- Giò

- Canh măng, nấm, mọc

Ngoài ra, mâm cúng ông Công ông Táo còn: hoa quả, trà sen, 3 chén rượu, quả bưởi, quả cau, lá trầu... 

Chú thích ảnh
Mâm cúng ông Công, ông Táo

Lễ cúng ông Công, ông Táo bắt buộc có trong lễ cúng ông Công ông Táo, dân gian vẫn quan niệm phải có 3 bộ mũ, áo (hai mũ đàn ông, một mũ đàn bà). Để ông Táo có phương tiện về chầu trời, người ta hay cúng 3 con cá chép (hay cá vàng) còn sống, sau đó sẽ thả ra ao, hồ hay sông.

Ngoài ra, tùy theo điều kiện và hoàn cảnh của từng gia đình có sự chuẩn bị các lễ vật khác nhau.

Lễ cúng ở Miền Bắc

Ngoài lễ vật vàng mã, cá chép, nhiều nơi tại miền Bắc còn cúng xôi chè, thường là chè bà cốt. Khi nấu chè cúng, người ta cố ý để chè vương lên ông đầu rau, thậm chí chủ động bôi chè lên đầu rau để Táo Quân lên Trời tâu bày cho ngọt giọng.

Lễ vật cúng Táo công gồm có: mũ ông Công ba chiếc: hai mũ ông và một mũ bà. Mũ dành cho các ông Táo thì có hai cánh chuồn, mũ Táo bà thì không có cánh chuồn và 3 con cá làm "ngựa" để Táo quân lên chầu trời.

Các mũ này được trang sức với các gương nhỏ hình tròn lóng lánh và những dây kim tuyến màu sắc sặc sỡ. Để giản tiện, cũng có khi người dân chỉ cúng tượng trưng một cỗ mũ ông Công (có hai cánh chuồn) lại kèm theo một chiếc áo và một đôi hia, tất cả đều bằng giấy bìa. Màu sắc của mũ, áo hay hia thay đổi hàng năm theo ngũ hành: năm hành kim thì dùng màu vàng, năm hành mộc thì dùng màu trắng, năm hành thủy thì dùng màu xanh, năm hành hỏa thì dùng màu đỏ và năm hành thổ thì dùng màu đen.

Quan niệm đây là thời gian nghỉ ngơi, bàn giao của Hành khiển và Táo Quân nên các gia đình cũng dọn dẹp sạch trên bàn thờ trong gia đình, đốt hết chân nhang cũ, lau chùi bát hương để chuẩn bị đón năm mới. Táo Quân được thờ trên bàn thờ riêng cao hơn bàn thờ tổ tiên, trên đó thờ bộ mũ, hia. Sau khi cúng bái, đốt vàng mã, người ta cũng thay ba ông đầu rau trong bếp bằng cách thả xuống ao và thay bộ mới vào bếp, thay bộ mũ trên bàn thờ.

Lễ cúng ở Miền Nam

Miền Nam do có sự giao thoa văn hóa giữa các vùng miền nên đồ cúng ông Táo của người miền Nam cũng có sự tương đồng với người miền Bắc. Ngoài những vật phẩm cúng chủ đạo trên, người miền Nam có thêm một đĩa đậu phộng, kẹo vừng đen (kẹo thèo lèo) và một bộ “cò bay, ngựa chạy”.

Chú thích ảnh
Cá chép giấy phục vụ Tết "Ông Công, ông Táo" trên phố Hàng Mã

“Cò bay, ngựa chạy” là hình con cò và con ngựa cắt bằng giấy, không có khung tre cầu kỳ kiểu miền Bắc. Tết Táo Quân trong Nam không có tục trút lư nhang để thay cọng nhang, không mua cá chép thả trong chậu rồi thả sông, không hóa vàng áo mũ thờ, vì không thờ áo mũ.

Một số nơi còn nấu thêm chè xôi hoặc nếu không thì chỉ là mâm trái cây đơn giản.

Cúng ông Công ông Táo vào giờ nào tốt nhất?

Theo quan niệm dân gian, cúng ông Công ông Táo phải vào buổi trưa 23 tháng Chạp. Nếu không sắp xếp được thời gian, bạn có thể làm cỗ cúng trước 1-2 ngày.

Lễ cúng ông Công ông Táo thường diễn ra vào buổi sáng, có thể cúng trong khoảng thời gian từ ngày 22 tháng Chạp đến trước 12 giờ (giờ Ngọ) ngày 23 tháng Chạp. Cụ thể có thể cúng trưa, tối ngày 22 tháng Chạp hoặc sáng ngày 23 tháng Chạp.

Thảo Nhi (tổng hợp)

Cúng ông Công, ông Táo: Những điều nên tránh

Cúng ông Công, ông Táo: Những điều nên tránh

Để có một cái Tết Táo quân thật đẹp và ý nghĩa, cần chú ý những điều đại kỵ nên tránh và đặc biệt cần nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường, thiên nhiên sau lễ hội này.

Dự báo thời tiết Tết nguyên đán 2018: Không khí lạnh đúng ngày 30 Tết

Dự báo thời tiết Tết nguyên đán 2018: Không khí lạnh đúng ngày 30 Tết

Khoảng giữa tháng, ngày 15/2/2018 (tức 30 tháng 12 âm lịch), các tỉnh miền Bắc có khả năng chịu ảnh hưởng của một đợt không khí lạnh, gây mưa, mưa nhỏ.

Nguồn gốc, ý nghĩa Tết ông Công, ông Táo ngày 23 tháng Chạp

Nguồn gốc, ý nghĩa Tết ông Công, ông Táo ngày 23 tháng Chạp

Ngày 23 Tháng Chạp hàng năm, theo phong tục của người Việt Nam là ngày cúng ông Công, ông Táo hay còn gọi là Tết Táo quân.

Lễ cúng ông Công, ông Táo cần những gì?

Lễ cúng ông Công, ông Táo cần những gì?

Ngày nay, ngoài lễ vật vàng mã, cá chép, nhiều nơi tại miền Bắc còn cúng xôi chè, thường là chè bà cốt. Khi nấu chè cúng, người ta cố ý để chè vương lên ông đầu rau, thậm chí chủ động bôi chè lên đầu rau để Táo Quân lên Trời tâu bày cho ngọt giọng.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm