Tháng 7, khả năng xảy ra nhiều hình thái thời tiết nguy hiểm

01/07/2025 18:15 GMT+7 | Bạn cần biết

Thiên tai trong thời gian qua xảy ra hết sức cực đoan, bất thường, gây thiệt hại về người, tài sản nhiều địa phương, đặc biệt là trong tháng 6/2025.

Theo dự báo của Cơ quan Khí tượng thủy văn, trong tháng 7, còn nhiều hình thái thời tiết nguy hiểm có khả năng xảy ra. Do vậy, chính quyển và người dân địa phương theo dõi sát diễn biến thời tiết, chủ động ứng phó theo phương châm "4 tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ); "3 sẵn sàng" (sẵn sàng phòng ngừa chủ động; sẵn sàng ứng phó kịp thời; sẵn sàng khắc phục khẩn trương, hiệu quả).

* Thiên tai dị thường, cực đoan

Ngay gần trung tuần tháng 6, bão số 1 đã hình thành ngày trên Biển Đông, măc dù không ảnh hưởng tới đất liền Việt Nam nhưng hoàn lưu bão rộng đã gây ra một đợt mưa lớn ở Trung Trung Bộ và Bắc Tây Nguyên. Mưa dồn dập với cường suất lớn đã gây ra lũ lớn và ngập lụt ở nhiều tỉnh, thành phố thuộc các khu vực trên.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm, do ảnh hưởng của bão số 1, đợt mưa lũ từ đêm 11 - 13/6 tại khu vực trên được đánh giá là hiếm gặp, đỉnh lũ trên sông Kiến Giang, sông Thạch Hãn, sông Bồ, sông Vu Gia được quan trắc là cao nhất trong vòng 30 năm trở lại đây so với cùng kỳ.

Tháng 7, khả năng xảy ra nhiều hình thái thời tiết nguy hiểm - Ảnh 1.

Mưa lũ gây ngập sâu tại một số khu vực tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: TTXVN phát

Trong ngày 12/6, một số trạm khí tượng truyền thống ở Trung Trung Bộ đã ghi nhận lượng mưa trong ngày vượt giá trị lịch sử cùng kỳ tháng 6. Cụ thể từ 11 đến 13 giờ ngày 13/6, khu vực Trung Trung Bộ có tổng lượng mưa phổ biến từ 250 - 400 mm, một số tỉnh có tổng lượng mưa trong 3 ngày phổ biến từ 300 - 650 mm, có nơi cao hơn như Nam Đông (thành phố Huế) 768 mm.

"Đáng chú ý là ngày 12/6, tại Nam Đông có lượng mưa 559 mm vượt giá trị lịch sử trước đó là 411mm vào ngày 25/6/1983", ông Mai Văn Khiêm nhấn mạnh.

Cùng với đó, trong ngày 11 và 12/6, nhiều trạm đo mưa tự động tại khu vực trên đã ghi nhận lượng mưa tích lũy với cường suất lớn trong khoảng thời gian ngắn. Tổng số có 32 trạm đo mưa tự động có lượng mưa tích lũy trong 6 giờ là trên 200 mm, đặc biệt tại khu vực 2 thành phố Huế và Đà Nẵng. Trong đó, lượng mưa lớn nhất trong 6 giờ tại trạm Bạch Mã (thành phố Huế) là 319,4 mm.

"Đây là lượng mưa lớn lịch sử tháng 6 tại Huế, đặc biệt, lượng mưa tại trạm Bạch Mã đạt 884,2mm. Riêng lượng mưa ngày 12/6 ở hầu hết các địa phương đều vượt giá trị kỷ lục về lượng mưa lớn nhất ngày kể từ năm 1976 đến nay. Đây cũng là hiện tượng mưa bất thường và hiếm gặp - có thể nói là chưa từng gặp trong tháng 6 - tháng chính của mùa hè", ông Mai Văn Khiêm chia sẻ.

Từ ngày 26-30/6, Bắc Bộ tiếp tục xảy ra ra một đợt mưa lớn. Đợt mưa lần này có tổng lượng mưa từ 100-300mm kéo dài trong khoảng thời gian từ 28/6-2/7, cục bộ có thể lên tới 500mm. Mưa lớn đã gây lũ quét, sạt lở đất ngập úng ở nhiều địa phương như Lào Cai, Thái Nguyên...

Ngoài hiện tượng mưa lớn, bất thường, khu vực Bắc Bộ cũng xảy ra nhiều đợt nắng nóng và nắng nóng gay gắt, từ ngày 1-2/6, 6-8/6 và từ ngày 14-15/6, nắng nóng xảy ra với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến từ 35-38 độ C, có nơi cao hơn. Tại khu vực Thanh Hóa đến Huế và duyên hải Nam Trung Bộ, nắng nóng gay gắt xảy ra từ ngày 1-3/6 với nhiệt độ cao nhất phổ biến 37-39 độ C và từ ngày 6-8/6 với nhiệt độ cao nhất từ 35-38 độ C, Từ ngày 14-19/6, nắng nóng tập trung ở khu vực Thanh Hóa đến Huế với nhiệt độ cao nhất từ 35 độ C-38 độ C.

Tháng 7, khả năng xảy ra nhiều hình thái thời tiết nguy hiểm - Ảnh 3.

Khu vực Thanh Hóa đến Huế và duyên hải Nam Trung Bộ, nắng nóng gay gắt xảy ra từ ngày 1-3/6 với nhiệt độ cao nhất phổ biến 37-39 độ C

Chuyên gia khí tượng thủy văn cho rằng, nắng nóng gay gắt, đặc biệt gay gắt cùng với mưa lớn bất thường trong thời gian qua là biểu hiện rất rõ sự cực đoan, dị thường của thời tiết.

Cũng theo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), chỉ riêng trong tháng 6 đã xuất hiện 15 loại hình thiên tai xảy ra (bão, áp thấp nhiệt đới, dông lốc, sét, mưa đá, lũ quét, sạt lở đất, nắng nóng, xâm nhập mặn, ngập lụt, động đất...). Thiên tai đã làm 28 người chết, 8 người bị thương, 482 nhà bị hư hỏng, tốc mái; 4.385 nhà bị ngập; 94.278ha lúa, rau màu bị ngập, thiệt hại...

* Tháng 7, nhiều hình thái thời tiết nguy hiểm khả năng tiếp tục xuất hiện

Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia nhận định, trong tháng 7 nhiều hình thái thời tiết nguy hiểm khả năng tiếp tục xuất hiện như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, dông, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh...

Thông tin cụ thể về diễn biến khí tượng thủy văn trong tháng 7, Phó Trưởng phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia Trần Thị Chúc cho biết, bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng xuất hiện trên Biển Đông ở mức tương đương so với mức trung bình nhiều năm và có khả năng ảnh hưởng đến đất liền nước ta (trung bình nhiều năm trên Biển Đông 1,6 cơn, đổ bộ vào đất liền là 0,9 cơn).

Tháng 7, khả năng xảy ra nhiều hình thái thời tiết nguy hiểm - Ảnh 4.

Mưa lớn gây ngập nhiều tuyến phố Hà Nội chiều tối 30/6. Ảnh: TTXVN phát

Nhiệt độ trung bình ở các khu vực trên cả nước phổ biến xấp xỉ trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, riêng khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Nam Bộ có nơi cao hơn 0,5-1 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Nắng nóng có khả năng xảy ra tại khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa đến Huế và khu vực duyên hải Nam Trung Bộ với cường độ không gay gắt như cùng kỳ năm 2024.

Tổng lượng mưa tại Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 20-50%; các khu vực còn lại phổ biến thấp hơn từ 5-15% trung bình nhiều năm so với cùng kỳ

"Trong thời kỳ dự báo khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa đến Hà Tĩnh có khả năng xuất hiện một số đợt mưa lớn diện rộng. Tại khu vực cao nguyên Trung Bộ và Nam Bộ tiếp tục có nhiều ngày mưa dông, có ngày có mưa to đến rất to, thời điểm mưa tập trung vào chiều tối. Trên phạm vi cả nước tiếp tục có khả năng xảy ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như: Dông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh", bà Trần Thị Chúc lưu ý.

Ngoài ra, tại khu vực Thanh Hóa đến Huế và duyên hải Nam Trung Bộ, trong tháng 7, khả năng nắng nóng còn xuất hiện nhiều, đặc biệt tại khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, dẫn đến tình trạng khô hạn, thiếu nước và tiềm ẩn các nguy cơ cháy nổ rất cao.

Theo khuyến cáo của bà Trần Thị Chúc, bão, áp thấp nhiệt đới và gió mùa Tây Nam có khả năng gây ra gió mạnh, sóng lớn trên biển và ảnh hưởng đến các hoạt động cùa tàu thuyền.

Tháng 7, khả năng xảy ra nhiều hình thái thời tiết nguy hiểm - Ảnh 5.

Các phương tiện tham gia giao thông trên tuyến phố Nguyễn Văn Cừ, Long Biên di chuyển khó khăn do mưa lớn gây ngập úng cục bộ. Ảnh: An Đăng - TTXVN

Hiện tượng mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất và dông, lốc, sét có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế - xã hội.

Để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai có nguồn gốc khí tượng thủy văn gây ra, cơ quan khí tượng thủy văn lưu ý người dân cần phải thường xuyên theo dõi thông tin dự báo, cảnh báo trên Website của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia tại địa chỉ nchmf.gov.vn, các Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, thành phố và khu vực. Đồng thời, cập nhật thường xuyên thông tin dự báo khí tượng thủy văn mới nhất trên các phương tiện truyền thông đại chúng chính thống của Trung ương và địa phương để chủ động ứng phó, đồng thời kiến nghị các cơ quan chức năng tại địa phương bị ảnh hưởng lưu ý rà soát các điểm nghẽn dòng, các vị trí xung yếu trên địa bàn để có biện pháp phòng tránh.

Theo hướng dẫn của Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), trước tình hình trên, các khu vực chịu ảnh hưởng theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lớn, lũ, ngập úng lũ quét, sạt lở đất, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.

Các địa phương triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân ở khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất; tổ chức lực lượng sẵn sàng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, cắm biển cảnh báo, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn...

Tháng 7, khả năng xảy ra nhiều hình thái thời tiết nguy hiểm - Ảnh 6.

Điện lực miền Trung chủ động đảm bảo cung ứng điện mùa nắng nóng. Ảnh: TTXVN phát

Chuyên gia khí tượng lưu ý, nắng nóng có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột qụy do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao. Ngoài ra, nắng nóng còn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sản xuất của người dân.

Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình trong những ngày nắng nóng, người dân hạn chế ra đường trong khung giờ từ 11-14 giờ hàng ngày. Nếu có việc bắt buộc phải ra ngoài, phải dùng trang phục và nón che phủ đầu mặt để che chắn cho da càng nhiều càng tốt.

Người dân cần bổ sung đầy đủ, điều độ nước hàng ngày, hàng giờ (tốt nhất là chọn các loại nước như: nước lọc, nước ép trái cây, nước ép rau xanh nguyên chất…) để chống nắng nóng và bù lượng nước bị mất đi...

Thắng Trung/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm