Người yêu thất nghiệp: Hãy chia tay nếu...

16/09/2016 13:57 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Khi bạn đã cố gắng hết sức nhưng chàng trai của bạn ngày càng trở nên lười biếng và không chủ động tìm việc làm mới, nếu có thể... hãy chia tay...

Bạn đã cho anh ấy thời gian đủ lâu để bắt đầu lại mọi thứ? Tài chính đã cạn kiệt? Chàng vẫn chẳng có bất cứ động thái nào thể hiện đang tìm việc? Nếu điều đó đang xảy ra thì đã đến lúc bạn lên tiếng cảnh báo.

Sự tế nhị vẫn vô cùng cần thiết, thế nhưng, đừng để nó lấn át mọi thứ khác. Hãy nhìn vào thực tế một chút. Câu chuyện bây giờ không còn đơn thuần là tiền bạc nữa mà đó là sự chia sẻ và trách nhiệm. Trong khi bạn luôn vật lộn xoay xở để có thể phần nào san sẻ với khó khăn của anh ấy thì anh ấy đang làm gì? Vẫn chỉ là những buổi nằm nhà ngủ nướng hay bơ phờ bên những cuộc chiến game, say khướt bên những bạn nhậu…?

Thử tượng tượng xem, nếu kết hôn với một người như thế, liệu bạn có đủ sức để cáng đáng và chịu đựng?

Dù quan niệm về nam nữ đã có nhiều thay đổi, nam giới không nhất thiết là trụ cột kinh tế, song đó cũng phải là người cùng bạn san sẻ gánh nặng về cơm, áo, gạo, tiền. Nếu anh ta vẫn mặc nhiên coi chuyện kiếm tiền là của bạn, thất nghiệp là của anh ta, và đặc biệt vẫn đều đặn nhận “trợ cấp” từ bạn thì còn gì luyến tiếc một chàng trai như thế?


Cuộc sống vốn dĩ đã có rất nhiều khó khăn. Và khi người đàn ông không thể là chỗ dựa, khi họ chỉ biết nghĩ cho bản thân mình thì họ sẽ chỉ mãi là những đứa trẻ không chịu lớn. Và những đứa trẻ ấy không thể là người đồng hành cùng bạn vượt qua những gian nan, thử thách phía trước. Vậy còn lý do gì để luyến tiếc?

Tất nhiên, trước khi đi đến quyết định chia tay, việc cần làm của bạn là thẳng thắn nói về việc anh ấy phải có một việc làm. Việc làm ở đây không nhất thiết phải là đúng với chuyên môn, có thu nhập cao, bởi đôi khi tìm được một công việc phù hợp với năng lực, đúng với nguyện vọng không phải là đơn giản. Song điều đó không có nghĩa là anh ấy cứ tiếp tục chờ đợi mà không làm gì cả. Trong thời gian chờ đợi, hãy thử sức mình với những công việc khác, đơn giản hơn, thu nhập thấp hơn.

Cứ tiếp tục tình trạng không có việc làm, không đơn giản chỉ là không có thu nhập mà nó còn làm anh ấy trở nên lười biếng hơn, sức ì lớn hơn và nhiều khi còn là xuất hiện tâm lý buông xuôi, chấp nhận sự thật mình là kẻ “ăn không ngồi rồi”.

Bởi thế, khi mọi thứ đã vượt quá giới hạn cho phép, đừng để con tim lên tiếng nữa mà hãy để lý trí dẫn đường. Chúc bạn có một sự lựa chọn sáng suốt.

Bình Nguyên
Tổng hợp

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm