Mưa lũ lịch sử khiến hơn 100 người chết và mất tích

11/08/2008 10:25 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Hơn 100 người chết và mất tích là con số thống kê sơ bộ cho đến cuối ngày hôm qua về trận lũ lịch sử diễn ra tại các tỉnh miền núi Tây Bắc.
 
Hôm qua 10/8, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQVN đã gửi điện thăm hỏi tới các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ và các tỉnh bị thiệt hại do cơn bão số 4 gây ra. Thông qua Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh bị thiệt hại, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xin gửi tới các gia đình có người bị chết 02 triệu đồng/người, bị thương 01 triệu đồng/người để góp phần khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.
 
 
Lũ trên sông Thao, sông Lô và sông Cầu tiếp tục dâng cao
 
Chiều qua 10/8, bà Nguyễn Lan Châu PGĐ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho hay, từ sáng đến chiều nay lũ trên sông Thao, sông Lô và sông Cầu lên rất nhanh và tiếp tục dâng cao.
 
Đo mực nước sông Đà

Lũ trên sông Thao đang ở mức đỉnh, lũ sông Cầu đang lên nhanh. Mực nước sông Lô đã vượt mức báo động 2 hơn nửa mét và tiếp tục lên chậm do có mưa. Nước sông Thao tại Yên Bái lúc 15 giờ đã lên 34,22 m, vượt mức báo động 3 là 2,22 m; đồng thời cùng thời gian mực nước tại Phú Thọ cũng lên trên mức báo động 3 là 0,1 m. Trên sông Cầu tại Đáp Cầu lúc 15 giờ chiều nay đã lên trên báo động 2 là 0,58 m; hạ du sông Hồng tại Hà Nội là 9,77 m, trên mức báo động 1 là 0,27 m. Hạ du sông Thái Bình tại Phả Lại là 4,54 m, trên báo động 2 là 0,04 m.

Dự báo, lũ sông Thao đang ở mức đỉnh và biến đổi chậm. Chiều tối 10/8, mực nước tại Yên Bái sẽ ở mức 34,3 m, trên mức báo động 3 là 2,3 m (gần bằng đỉnh lũ lịch sử năm 1968 và chỉ thấp hơn 12 cm). Tại Phú Thọ có khả năng đạt đỉnh ở mức 19,1 m, trên báo động 3 là 0,2 m. Lũ sông Cầu, hạ du sông Hồng và hạ du sông Thái Bình tiếp tục lên.

Sáng nay 11/8, mực nước tại Đáp Cầu sẽ lên 5,8 m, ở mức báo động 3; tại Hà Nội lên mức 10,4 m, dưới báo động 2 là 0,1m; tại Phả lại lên mức 5,0 m, dưới báo động 3 là 0,5 m.
 
Nhiều nơi bị cô lập trong nước lũ

 Lào Cai
Tại Lào Cai đã có 36 người chết, 38 người mất tích, 13 người bị thương,110 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, 1705 nhà bị ngập nước và đất đá sạt vào nhà. Diện tích lúa, cây hoa màu bị thiệt hại là 1767 ha. Diện tích ao hồ bị ngập, tràn gần 100 ha. Lào Cai đã bị cô lập trong nước lũ. Tuy nhiên, nhờ sóng vệ tinh Vinasat I nên trong 3 ngày (từ 8-10/8), dù mưa lũ nhưng 2 xã vùng sâu A Lù và Y Tý của huyện Bát Xát tỉnh Lào Cai đã kịp thời thông báo lên cấp trên để sớm đưa ra những phương án phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, do đó đã giảm được nhiều thiệt hại.

 Yên Bái
Tại Yên Bái đã có 33 người chết, 15 người bị thương, 5 người mất tích. 2.500 ha lúa và hoa màu bị lũ làm hư hỏng nặng, nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch trên địa bàn tỉnh như quốc lộ 32C, quốc lộ 70, đường Yên bái - Khe Sang bị sạt trượt, sụt lún nhiều điểm gây ách tắc giao thông. Uớc thiệt hại về kinh tế do mưa lũ gây ra khoảng 80 tỷ đồng. Sáng qua, thành phố Yên Bái vẫn bị cô lập hoàn toàn với các địa phương trong tỉnh. UBND tỉnh Yên Bái hỗ trợ mỗi gia đình có người chết do mưa lũ 3 triệu đồng, người bị thương 1 triệu đồng và những hộ dân bị sập nhà 5 triệu đồng.

Chiều tối 9/8 và sáng 10/8, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát đã đi kiểm tra mưa lũ và thực địa ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Do ảnh hưởng của cơn bão số 4 trên địa bàn huyện Hạ Hoà, tỉnh Phú Thọ đã xẩy ra mưa lớn kéo dài, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của nhà nước và nhân dân. Qua sơ bộ có 1.559 ngôi nhà bị ngập tại 19 xã ven sông Thao, 5 ngôi nhà bị trôi, 130 ngôi nhà bị đổ, nhiêu công trình trụ sở, y tế, trường học bị ngập và hư hỏng. 12,5 km đê bao bị ngập tràn, nhiều cầu cống bị hư hỏng nặng. hơn 2.000 ha lúa; rau, mầu bị ngập úng, 700 ha ao thả cá bị mất trắng...

Tại Bắc Kạn, 2 người chết và mất tích, 2 người bị thương ở huyện Na Rì. Do Cao Sơn là xã vùng sâu bị mưa lũ chia cắt hoàn toàn, lực lượng cứu hộ cứu nạn vẫn chưa tiếp cận được và xác định tên tuổi của những người bị chết và mất tích. Toàn tỉnh có 9 ngôi nhà bị sập hoàn toàn do sạt lở đất, 110 ngôi nhà bị gió lốc làm tốc mái, 2 phòng học hư hại nặng, nhiều tuyến đường giao thông bị ách tắc do đất đá sạt lở. Gần 200 ha lúa mới cấy bị ngập. Tổng thiệt hại ước tính ban đầu hơn 3 tỷ đồng.

Tại Lai Châu, hiện tượng sụt lún nghiêm trọng đang xảy ra tại xã Tà Mung (huyện Than Uyên), đặc biệt nguy hiểm đến tính mạng của nhân dân bản Hua Ta. Chính quyền địa phương đang triển khai các biện pháp khẩn cấp, di dời 26 hộ ở bản này ra khỏi khu vực đặc biệt nguy hiểm đến nơi an toàn.

Cả triền núi thuộc khu vực bản Hua Ta rộng khoảng 60 ha hiện đang ở trong tình trạng sụt lún nghiêm trọng. Nhiều căn nhà có những vết nứt ngang dọc trên mặt bằng nền nhà, có hộ bị lún tới gần 1 mét. Nhiều đám nương ngô của bà con đang bằng phẳng bỗng nhiên sụt xuống sâu tới 6- 7m. Triền núi phía bên kia thuộc khu vực Cang Kéo xuất hiện hàng chục hố Các tơ, đất bùn và nước đổ xuống hàng chục ngày không lấp đầy. Trên dọc triền núi rộng khoảng 400m, dài trên 1.000 m, đất nứt nham nhở từng mảng lớn và tụt dần xuống lòng đất.
 
Ngập ở Lạng Sơn

Cách địa điểm trên khoảng 50 km, 3 khu vực thuộc địa bàn xã Hố Mít (huyện Than Uyên) cũng đang xảy ra tình trạng sụt lún tương tự. 1 điểm thuộc bản Thào B có những hố Các tơ nằm cách hộ gần nhất khoảng 100m.
 
Tại Phú Thọ

Ngay trong đêm ngày 9 và ngày 10/8, Bộ Tư lệnh Quân khu 2 đã huy động trên 3.000 cán bộ, chiến sỹ thuộc các đơn vị H97, N43, T2, B06, Bộ chỉ huy Quân sự các tỉnh Phú Thọ, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Hà Giang phối hợp với gần 4.000 dân quân tự vệ, lực lượng dự bị động viên, huy động 45 xe ô tô, gần 30 tàu, xuồng các loại tiến hành di dời hàng nghìn hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm, nơi sạt lở đất.
 
Bộ đội giúp dân di chuyển ở Hạ Hòa
 
Lực lượng vũ trang của Quân khu tích cực phối hợp với công an, lực lượng thanh niên xung kích tổ chức vận chuyển vật chất, gia súc, gia cầm của nhân dân ra khỏi khu vực lũ lụt; tổ chức đào đắp hàng chục nghìn m3 khối đất đá hàn vá đê, chống tràn. Các trạm quân y dã chiến tại khu vực lũ lụt được tăng cường y bác sỹ, cơ số thuốc tổ chức cấp cứu người bị nạn. Quân khu thành lập các điểm chốt chặn tại các khu vực nguy hiểm để tham gia cứu hộ, cứu nạn, vớt người, gia súc bị lũ cuốn trôi. Chia sẻ khó khăn với đồng bào vùng lũ lụt, Quân khu đã hỗ trợ kịp thời 20 tấn gạo, 1.000 kg mỳ tôm, 500 kg lương khô, 10 nhà bạt, 400 bộ quần áo và hỗ trợ 1 triệu đồng đối với các gia đình có người bị chết.

Trung tướng Đỗ Bá Tỵ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu, Thiếu tướng Ngô Văn Hùng, Phó Tư lệnh Quân khu liên tục có mặt tại hiện trường, các khu vực điểm nóng lụt bão trực tiếp chỉ đạo công tác giúp dân khắc phục hậu quả.

Lai Châu: Lở đất làm 1 cháu bé thiệt mạng

Khoảng 12 giờ hôm qua 10/8, tại đường Thanh Niên, thị xã Lai Châu, một vụ sạt lở đất đã xảy ra làm đổ sập bức tường hậu ngôi nhà 2 tầng đang trong thời gian hoàn thiện của gia đình anh Nguyễn Văn Tuyến. Một cháu bé đang ngủ trong buồng đã bị đất đá vùi lấp hoàn toàn và chết tại chỗ.
Ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra nhân dân và lực lượng bộ đội đã nhanh chóng đào bới nhưng phải hơn 1 tiếng sau mới tìm thấy xác nạn nhân. Theo thông tin từ công an phường Tân Phong, thị xã Lai Châu, nạn nhân là cháu Trần Tiến Quân (2 tuổi), con trai anh Trần Trung Kiên và chị Nguyễn Thị Thu, quê ở Thái Hoà, Lập Thạch Vĩnh Phúc. Anh Kiên hiện là thợ cả một nhóm thợ đang thi công ngôi nhà cho gia đình anh Tuyến. Rất may khi vụ tai nạn cả nhóm thợ xây khoảng hơn 10 người đang ăn cơm ở ngoài phòng khách nên không có ai bị thương.

Nhóm Phóng viên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm