Kinh ngạc rô bốt biết tư duy

05/08/2011 10:51 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Các nhà nghiên cứu Nhật Bản vừa phát triển thành công một loại rô bốt mới có khả năng thực hiện các chức năng mà nó không được lập trình sẵn. Khả năng học thêm kỹ năng mới này được xem là bước tiến quan trọng nhằm mở đường cho sự ra đời của trí thông minh nhân tạo và tương lai rất xa là những rô bốt có khả năng tư duy.

Trong đoạn video mới được các nhà khoa học ở Viện Công nghệ Tokyo đưa lên mạng YouTube, rô bốt mới của họ trông khá thô, với phần thân vuông vức, gắn trên nó là một cái đầu to tướng với đôi mắt "ốc nhồi" làm từ 2 camera thu hình và hai cánh tay máy không được "nuột nà" như nhiều rô bốt mang hình người khác.

Như con người...

Tuy nhiên rô bốt này có khả năng làm những việc nó không được lập trình sẵn và đó là lý do khiến nó trở nên đặc biệt. Đoạn video cho thấy rô bốt được khởi động và bắt đầu quan sát môi trường xung quanh nó, gồm có 1 chai nước, 1 cốc nước và 1 viên đá.

Khi các nhà khoa học ra lệnh rót nước, rô bốt từ từ cầm cái chai lên, chậm rãi như một đứa trẻ đang làm quen với thế giới bên ngoài. Tiếp đó nó cầm cái cốc, ngó vào bên trong xem có nước hay chưa rồi mới rót nước từ trong chai vào. Hoạt động này đã được lập trình nên rô bốt thực hiện khá thành thục.

Trong khi rô bốt đang rót nước, các nhà khoa học tiếp tục ra lệnh cho nó làm cho nước lạnh đi. Đoạn video cho thấy rô bốt ngừng lại một chút, như để suy nghĩ, trước khi đặt cái chai xuống và cầm một cục đá lên rồi bỏ nó vào cốc nước

Điều quan trọng là rô bốt không được lập trình để bỏ đá vào nước. Nó đã tự ra quyết định làm việc đó dựa trên kho dữ liệu chứa các thông tin cơ bản về nước, nước đá và chênh lệch nhiệt độ.

Rô bốt trang bị công nghệ SOINN trình diễn khả năng tự ra quyết định

Tư duy "nhân tạo"

Được biết rô bốt trên đã hoạt động được nhờ công nghệ SOINN (Mạng máy tính mô phỏng hoạt động của não bộ) hiện đang được các nhà khoa học ở Viện Công nghệ Tokyo phát triển. Công nghệ SOINN cho phép rô bốt quan sát thu thập thông tin từ thế giới thực. Ngoài ra nó có thể kết nối vào mạng Internet để tìm kiếm sự giúp đỡ từ các rô bốt "đồng loại".

"Tới nay các rô bốt, bao gồm rô bốt công nghiệp, mới chỉ có thể thực hiện một số công việc nhất định với tốc độ nhanh và chuẩn xác - Giáo sư Osamu Hasegawa, một trong các nhà nghiên cứu ở Viện Công nghệ Tokyo cho biết - Nhưng nếu môi trường làm việc thay đổi, dù chỉ chút ít, những rô bốt như thế sẽ không thể thích nghi theo. Rô bốt của chúng tôi được trang bị những kiến thức cơ bản và nó có thể dùng kiến thức ấy để phục vụ cho các tình huống tức thời xảy ra. Nếu kiến thức không đủ, nó sẽ dừng hoạt động và nói rằng "Tôi không thể làm việc này vì không biết cách'".

Ông nói rằng điểm mạnh của rô bốt trang bị công nghệ SOINN là nó có thể tích lũy kiến thức và học kỹ năng mới theo thời gian. "Hãy thử đặt trí thông minh nhân tạo trong thế giới thực, nơi các môi trường thực tế sẽ vô cùng phức tạp và chúng thay đổi rất nhanh. Vì thế trí thông minh nhân tạo phải được trang bị một cơ chế học tập để nó có khả năng thích nghi với sự thay đổi" - ông nói.

Đây không phải là lần đầu tiên nhân loại chế ra một rô bốt có thể tự suy luận. Hồi năm 2009, các nhà khoa học ở Đại học Aberystwyth, xứ Wales, đã cho ra đời một robot có tên Adam, với khả năng tự tiến hành thử nghiệm về cơ chế trao đổi chất của men bia, suy luận sau khi biết kết quả và lên kế hoạch cho lần thử nghiệm tiếp theo. Đây là người máy đầu tiên biết nghiên cứu khoa học.

Khi thành quả của Đại học Aberystwyth được đăng trên tạp chí Science thì hai nhà khoa học khác của Đại học Cornell (Mỹ) cũng công bố một chương trình máy tính có khả năng tìm ra những định luật vật lý cơ bản liên quan tới chuyển động của quả lắc. Nó giải mã được các định luật về động lượng của nhà vật lý lỗi lạc Isaac Newton mà không cần kiến thức nền tảng về vật lý.

Những thành tựu như của người Nhật thường khiến một bộ phận
dư luận lo ngại về viễn cảnh máy móc nổi loạn.

Chưa phải lo sợ việc máy móc nổi loạn

So với những cỗ máy trên, rô bốt của Nhật trông có vẻ "xoàng" hơn. Nhưng thực tế việc nó tự đưa ra quyết định đã là một thành tựu rất lớn. "Cuộc trình diễn nhỏ này đã thực sự cho thấy một bước tiến vượt bậc trong công nghệ và khả năng lập trình cho rô bốt. Việc trang bị khả năng học tập kỹ năng mới có nghĩa rô bốt có thể được lập trình với những kiến thức hết sức cơ bản và rồi kỹ năng sẽ dần tăng lên cùng với sự tồn tại của rô bốt mà không cần phải lập trình thêm" - nhà nghiên cứu Bob Yirka đánh giá trên trang Physorg.com.

Thành tựu của người Nhật và đặc điểm rô bốt có thể truy cập Internet đã khiến một số người lập tức liên tưởng tới mạng máy tính Skynet trong siêu phẩm điện ảnh Terminator, khi mạng này đột ngột tự nhận thức và kết nối với hàng triệu máy tính trên toàn cầu để phối hợp mở cuộc tấn công chống lại con người. Tuy nhiên giới phân tích nói rằng viễn cảnh máy tính nổi loạn hãy còn quá xa xôi, khi mà nhân loại vẫn chưa thể tạo nên một trí thông minh nhân tạo thực sự hoàn chỉnh. 

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm