Vì sao Nhật Bản lại phải dùng rô bốt Mỹ xử lý thảm họa hạt nhân?

19/04/2011 11:02 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Ở một đất nước có trình độ phát triển rô bốt cao, nổi tiếng với các rô bốt mang hình người có khả năng khiêu vũ, những chú chó máy biết biểu lộ tình cảm như Nhật Bản, có một điều khiến dư luận ngạc nhiên là người Nhật đã không sớm đưa rô bốt vào xử lý thảm họa rò rỉ hạt nhân ở nhà máy điện Fukushima Daiichi. Và khi họ đưa rô bốt vào cuộc, chúng lại là sản phẩm tới từ nước Mỹ xa xôi.

>> Chuyên đề: Động đất, sóng thần kinh hoàng ở Nhật Bản

Từ cuối tuần trước, người Nhật đã lần đầu đưa rô bốt vào nhà máy điện Fukushima Daiichi, nơi đang xảy ra vụ rò rỉ phóng xạ hết sức nghiêm trọng.

Rô bốt Mỹ: thô kệch nhưng hữu dụng

Các rô bốt mang tên PackBot, là sản phẩm của Công ty iRobot có trụ sở ở Bedford, Massachusett. Nhiệm vụ của chúng là đo đạc mức độ phóng xạ, nhiệt độ cùng các điều kiện khác bên trong những lò phản ứng đang gặp sự cố.

Với phần thân vuông vức, chuyển động bằng hệ thống bánh xích giống như ở một chiếc xe tăng, PackBot trông thô kệch hơn nhiều các cỗ máy hào nhoáng của Nhật Bản như rô bốt Asimo của hãng Honda. Tuy nhiên, nó lại là phương tiện trợ giúp đắc lực cho việc xử lý thảm họa.

Hình ảnh do PackBot truyền về khi xâm nhập vào khu vực nhiễm xạ nặng ở nhà máy điện Fukushima Daiichi

Chủ nhật tuần qua, một kỹ sư của Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), nơi điều hành nhà máy điện Fukushima Daiichi, ngồi tại một ngôi nhà an toàn với bộ điều khiển từ xa đã có thể ra lệnh cho PackBot mở nhiều cánh cửa đi sâu vào bên trong các tổ hợp nhà chứa lò phản ứng.

Trong ngày hôm đó, PackBot đã đi sâu khoảng 40m vào lối dẫn tới lò phản ứng số 1. Nó định tiến vào lò phản ứng số 3 nhưng bị chặn lại bởi một hàng rào chướng ngại vật hình thành từ các mảnh trần vỡ và những bức tường đổ sập. Hôm 18/4, PackBot đã có 1 giờ làm việc ở lò phản ứng số 2.

Kết quả đo đạc ban đầu cho thấy nồng độ phóng xạ ở lò phản ứng số 1 là 49 millisievert/giờ. Còn lại lò phản ứng số 3, con số này là 57 millisievert/giờ, nghĩa là vẫn có thể đe dọa sức khỏe của người lao động.

Vì sao TEPCO chậm sử dụng rô bốt

iRobot được thành lập trong những năm 1990 bởi các chuyên gia rô bốt và điều khiển học tới từ Học viện Công nghệ Massachusett. Công ty có sản phẩm phục vụ cả lĩnh vực dân sự và quân sự. Đơn cử như các rô bốt hút bụi tự hành của công ty có tên Roomba được đánh giá rất cao. Tương tự là các rô bốt lau sàn tên Scooba. Tuy nhiên, iRobot để lại dấu ấn lớn hơn trong lĩnh vực ứng dụng quân sự. Sau vụ khủng bố 11/9/2001, các phiên bản PackBot đầu tiên đã được gửi tới hiện trường để kiểm tra đống đổ nát của tháp đôi Trung tâm thương mại thế giới. Cuối năm 2002, quân đội Mỹ đã đưa một lô PackBot thử nghiệm tới Afghanistan. Các rô bốt tí hon này được dùng để thám sát các hang động và hầm ngầm thuộc diện nghi vấn. Trước đó, nhiệm vụ này rất nguy hiểm bởi người ta phải buộc dây vào một người lính và thả anh ta xuống một vùng hang động có thể có những tay súng Taliban đang chờ đón.

Rô bốt PackBot

Nhu cầu sử dụng rô bốt quân sự tăng cao cùng với cuộc chiến Iraq, khi phiến quân sử dụng bom vệ đường để gây nên những thiệt hại lớn với quân Mỹ. Các cỗ máy như PackBot đã trở thành công cụ phổ biến để chống các thiết bị nổ nguy hiểm trên. Theo Joe Dyer, giám đốc điều hành iRobot, công ty đã bán tổng cộng hơn 4.000 rô bốt cho quân đội. Công ty nói rằng khi thảm họa hạt nhân ở Nhật Bản xảy ra, do đang tham dự một hội chợ thương mại ở Singapore nên họ đã nhanh chóng gửi PackBot sang trợ giúp người Nhật. “Chúng tôi đã tới hiện trường rất nhanh” - ông Dyer nói. Tuy nhiên, phát ngôn viên TEPCO Shogo Fukuda nói rằng tới giờ công ty mới bắt đầu sử dụng rô bốt Mỹ vì phải mất vài tuần để các kỹ sư học cách điều khiển những thiết bị phức tạp này. Theo Minoru Ogoda, một quan chức thuộc Cơ quan An toàn Công nghiệp và Hạt nhân Nhật Bản (NISA), cho tới nay mới chỉ 1 trong 2 rô bốt PackBot được sử dụng.

Vì sao Nhật thiếu rô bốt xử lý thảm họa

Dù Nhật Bản có trình độ phát triển công nghệ rô bốt cao nhưng phần lớn các phát triển rô bốt của họ là phục vụ ứng dụng gia đình, thay vì xử lý thảm họa. Giáo sư vật lý ứng dụng Shuji Hashimoto, người lãnh đạo Viện Nghiên cứu Người máy mang hình dáng giống người thuộc Đại học Waseda nói rằng, ông không ngạc nhiên khi thấy Nhật phải dựa vào các cỗ máy ngoại quốc, dù có trình độ rô bốt cao.

Ông nói rằng ở những nước như Mỹ, quân đội rót vốn cho sự phát triển rô bốt, nhằm sử dụng chúng trong vùng chiến sự hoặc các khu vực rủi ro cao. Trong khi đó theo bản hiến pháp được viết nên sau Thế chiến thứ 2, quân đội Nhật bị hạn chế hoạt động chỉ dừng lại ở mức tự vệ nên không thể phát triển các rô bốt kiểu này. Một nguyên nhân nữa còn nằm ở quan điểm về rô bốt của người Nhật. “Tại Nhật Bản, có nhiều người mang tư duy rằng thị trường dành cho rô bốt là ở trong các gia đình hoặc trong nhà” - ông Hashimoto nhận xét - “Các nhà nghiên cứu, vì thế, chỉ cho ra đời những rô bốt có thể được cả trẻ em hoặc các ông bà già có thể sử dụng”.

Được biết ngoài PackBot, iRobot đang đề nghị giúp đỡ cho Nhật 2 rô bốt chuyên mang vác, tải hàng nặng tên là Warrior. Người Nhật hiện đang học cách điều khiển những cỗ máy này, trước khi có thể sử dụng chúng để ngăn chặn không cho thảm họa rò rỉ phóng xạ trở nên tồi tệ hơn.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm