Kêu gọi đầu tư tại Quảng Bình từng bước được cải thiện

07/10/2013 11:34 GMT+7 | Thế giới

Hiện nay Quảng Bình có 02 Khu kinh tế và 08 Khu công nghiệp tập trung. Không những phát huy tiềm năng, đóng góp lớn vào ngân sách của tỉnh mà các khu kinh tế và khu công nghiệp này còn tạo công ăn việc làm cho hàng  ngàn lao động.

Thể thao & Văn hóa đã có cuộc trò chuyện với ông Phạm Văn Năm- Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Quảng Bình để tìm hiểu sự phát triển của các khu kinh tế và Khu công nghiệp này.

* Quảng Bình hiện nay có 02 Khu kinh tế là Khu kinh tế ven biển Hòn La, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cha Lo và 08 Khu công nghiệp tập trung. Mỗi khu kinh tế, khu công nghiệp đều có thế mạnh riêng. Vây ông có thể khái quát đôi nét về sự phát triển của những Khu kinh tế và công nghiệp này?

- Với sự hình thành và phát triển Khu kinh tế (KKT) ven biển Hòn La, KKT cửa khẩu Quốc tế Cha Lo và Hệ thống 08 Khu công nghiệp (KCN) tập trung, đã góp phần tích cực trong công tác thu hút đầu tư giải quyết việc làm, góp phần hiện đại hoá kết cấu hạ tầng, nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, nâng cao giá trị xuất khẩu và chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương.

Thành lập từ năm 2002, KKT cửa khẩu Quốc tế Cha Lo đã đẩy nhanh phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, giao lưu và hội nhập quốc tế, tăng thu ngân sách địa phương và góp phần cải thiện đời sống vật chất tinh thần của nhân dân. Đến nay, KTT đã được đầu tư một số hạng mục hạ tầng cơ bản, bước đầu đã tạo ra lượng quỹ đất lớn đáp ứng nhu cầu phát triển khu kinh tế. Đây là KKT gồm 6 xã thuộc huyện Minh Hóa với tổng diện tích đất tự nhiên là 538 km2. Lại nằm ở vị trí khá thuận lợi, có các trục giao thông quan trọng đi qua như đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 12A, đường Xuyên Á.

Từ khi cầu Hữu nghị 3 giữa Thái Lan và Lào đi vào hoạt động thì hàng hóa từ Thái Lan, Myanmar về Lào qua qua cửa khẩu Quốc tế Cha Lo, ra cảng Hòn La để đi các nước khác là con đường thuận lợi nhất, ngắn nhất nên tất cả mọi chỉ tiêu XNK, XNC qua cửa khẩu Quốc tế Cha Lo đều tăng vọt qua từng năm. Những thuận lợi đó đã tạo điều kiện để KKT cửa khẩu Quốc tế Cha Lo phát triển nhanh và bền vững. KKT cửa khẩu Quốc tế Cha Lo cùng với KKT ven biển Hòn La tạo thành những khu vực kinh tế năng động thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

KKT Hòn La thành lập năm 2008 với diện tích 10.000ha trên 6 xã ven biển huyện Quảng Trạch, bao gồm hai khu chức năng chính là Khu phi thuế quan và Khu thuế quan. KKT Hòn La đã được đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng với tổng mức đầu tư từ nguồn vốn Nhà nước và vốn doanh nghiệp đầu tư các dự án khoảng 1.800 tỷ đồng. Vì thế, bước đầu đã thu hút được lượng vốn đầu tư đáng kể (Vốn đầu tư và đăng ký đầu tư đạt khoảng 41.000 tỷ đồng). Nhiều dự án có quy mô lớn cũng đang được triển khai đầu tư tại KKT Hòn La (Nhiệt điện, Cảng nước sâu, các nhà máy xi măng, nhà máy bê tông dự ứng lực ..v.v),...

Quảng Bình có 08 KCN tập trung với tổng diện tích 2.000 ha. Đến nay, có 03 KCN đã được thành lập, đầu tư xây dựng hạ tầng và đi vào hoạt động, gồm: KCN Tây Bắc Đồng Hới, KCN Bắc Đồng Hới, KCN Cảng biển Hòn La, với tổng diện tích 295 ha, thu hút được 30 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký và đang triển khai thực hiện là 5.863 tỷ đồng, diện tích đất đã cho thuê 169 ha, chiếm 86% diện tích đất công nghiệp. 04 KCN đã được phê duyệt Quy hoạch chi tiết với diện tích giai đoạn 1 là 760ha gồm: KCN Tây Bắc Quán Hàu; KCN Hòn La II; KCN Bang; KCN Cam Liên, trong đó  KCN Tây Bắc Quán Hàu và KCN Hòn La II đang đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật để thu hút đầu tư. Việc thành lập các KCN đã tạo ra quỹ đất công nghiệp đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp tập trung, qua đó dần xóa bỏ các cơ sở công nghiệp, cụm công nghiệp phân tán, phù hợp với xu thế hiện đại hóa nền kinh tế.

Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Cha Lo – Quảng Bình, một trong những điểm sáng góp phần vào sự phát triển chung của Quảng Bình.

* Hiện nay, tại các Khu kinh tế, Khu công nghiệp tỉnh Quảng Bình có nhiều dự án đang kêu gọi đầu tư. Quá trình kêu gọi đầu tư có gặp khó khăn gì, thưa ông?

- Với việc đầu tư cơ bản hệ thống cơ sở hạ tầng tại các KKT, KCN tỉnh Quảng Bình, một số dự án đã đi vào hoạt động đem lại hiệu quả thiết thực như Dự án Nhà máy may xuất khẩu Hà Quảng của Công ty May 10, Dự án Nhà máy sản xuất Bê tông dự ứng lực của Công ty Phan Vũ, Công ty Minh Đức, Dự án Nhà máy chế biến gỗ của Công ty Phú Quý ....

Từ kết quả khả quan trên, tỉnh tiếp tục tập trung kêu gọi đầu tư tại các KKT, KCN là: Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch – Giai đoạn 2, Xây dựng Hạ tầng kỹ thuật KCN Cam Liên, KCN Bang, Xây dựng Hạ tầng kỹ thuật Khu phi thuế quan, khu đô thị KKT Hòn La, Sản xuất giày da xuất khẩu, Nhà máy chế biến gỗ MDF, Nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, v.v.... Các dự án này được tạo điều kiện thuận lợi một cách tối đa: được miễn, giảm các loại thuế như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu máy móc thiết bị phục vụ dự án; miễn, giảm tiền thuê đất tối đa theo quy định.

Cũng như nhiều địa phương khác, việc kêu gọi đầu tư tại Quảng Bình vẫn gặp không ít khó khăn. Các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước đã đến tìm hiểu nhưng vẫn chưa đầu tư vì thời gian qua tình hình tài chính còn khó khăn, Quảng Bình là tỉnh miền trung xa 2 đầu đất nước, hạ tầng chưa hiện đại. Các dự án đầu tư đã và đang thực hiện chủ yếu của những doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước.

 Các nhà đầu tư đến với KKT và KCN chưa tương xứng với tiềm năng là do công tác xúc tiến đầu tư vào KCN, KKT mặc dầu đã được quan tâm chỉ đạo thực hiện bằng  nhiều hình thức, nhưng chất lượng chưa cao. Lại do ảnh hưởng chung của tình hình kinh tế trong nước và thế giới, các doanh nghiệp càng khó khăn hơn.  

* Định hướng phát triển của các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tại Quảng Bình trong thời gian tới?

- Đối với các KCN, phải tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật , hạ tầng xã hội, thu hút đầu tư và  lấp đầy diện tích. Riêng với  KKT Hòn La, ngoài việc tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu Công nghiệp cảng biển Hòn La, Khu công nghiệp Hòn La II thì còn phải kêu gọi thu hút đầu tư, tạo mọi điều kiện để các nhà đầu tư  triển khai thực hiện một số dự án về du lịch như Khu du lịch nghỉ dưỡng Hòn La, khu du lịch Vũng Chùa- Đảo Yến. Một điểm quan trọng nữa là tiếp tục hoàn thành quy hoạch chi tiết một số khu chức năng quan trọng trong KKT cửa khẩu Cha Lo để đảm bảo thật tốt việc khai thác, vận hành Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo. Hơn nữa, tiếp tục quy hoạch chi tiết, hình thành và phát triển các cụm công nghiệp Hồng Hóa, Hóa Tiến, cụm công nghiệp - dịch vụ vận tải ngã ba Khe Ve.

Ngoài ra cần nâng cao chất lượng công tác xúc tiến đầu tư, hoàn thiện công tác cải cách hành chính và công tác quản lý nhà nước.

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi và chúc ông vững tay chèo để xây dựng KCN, KKT của tỉnh nhà ngày càng phát triển, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế chưa vãn hồi!

Đông Uyên (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm