Iran bác bỏ cáo buộc của Ngoại trưởng Mỹ về hành vi 'tống tiền' hạt nhân

08/09/2019 09:57 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif ngày 7/9 đã bác bỏ những bình luận mới nhất của người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo sau khi Tehran khởi động các máy ly tâm tiên tiến để đẩy nhanh nguồn dự trữ urani được làm giàu, đồng thời cáo buộc chính Mỹ mới là nước có hành vi “tống tiền” hạt nhân đối với Iran.

Tổng thống D.Trump: Iran và Triều Tiên có thể là những nước lớn

Tổng thống D.Trump: Iran và Triều Tiên có thể là những nước lớn

Iran và Triều Tiên Iran có thể là những nước lớn và Mỹ không tìm cách thay đổi chính thể tại Bình Nhưỡng. Đây là tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra ngày 4/9.

Trong tuyên bố đăng tải trên mạng xã hội Twitter, người đứng đầu ngành ngoại giao Iran đã "chất vấn" Ngoại trưởng Pompeo về ý nghĩa thực sự của cụm từ “tống tiền” mà ông đã sử dụng để mô tả về các động thái của Iran. Theo ông Zarif, chính Mỹ là bên đã vi phạm thỏa thuận hạt nhân và áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran nhằm buộc Tehran phải tuân thủ theo các điều kiện của Washington.

Chú thích ảnh
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif phát biểu tại diễn đan Kuala Lumpur, Malaysia 29/8/2019. Ảnh TTXVN

Trước đó, Tehran đã thông báo với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) chi tiết bước đi mới, theo đó, các máy ly tâm IR-6 đã được nạp đầy khí urani, một chuỗi gồm 20 máy ly tâm IR-4 và IR-6 cũng đã được khởi động từ ngày 6/9, và 3 máy ly tâm IR-8 sẽ sớm được thử nghiệm. Sau khi Tehran tiếp tục giảm cam kết trong thỏa thuận mà nước Cộng hòa Hồi giáo ký với các cường quốc thế giới hồi năm 2015, có tên gọi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), Ngoại trưởng Pompeo đã kêu gọi Anh, Pháp và Đức ngăn chặn hành vi “tống tiền” hạt nhân của Iran.

Thỏa thuận hạt nhân lịch sử ký năm 2015 giữa Iran và 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (Trung Quốc, Nga, Anh, Pháp và Mỹ) cùng Đức. Văn kiện này quy định Iran chỉ được phép làm giàu urani ở tỷ lệ 3,67%, thấp hơn nhiều so với mức 90% để chế tạo vũ khí hạt nhân và cũng thấp hơn mức 20% mà Iran đã thực hiện trước khi thỏa thuận được ký kết. Ngoài ra, Tehran được phép sản xuất urani có tỷ lệ làm giàu thấp với khối lượng tối đa 300 kg và lượng urani dư thừa có thể được bán ra nước ngoài.

Tháng 5/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt quốc gia Trung Đông này. Quan hệ giữa hai nước ngày càng xấu đi sau một loạt các động thái gây căng thẳng từ hai phía như vụ Iran và Mỹ tuyên bố bắn rơi máy bay không người lái của nhau. Sau đó, Tehran tuyên bố giảm bớt các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân, trong đó có việc tăng giới hạn làm giàu urani.

Cũng trong ngày 7/9, Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi (A-đen Áp-đun Ma-đi) đã thảo luận với đại sứ của các nước Anh, Pháp và Đức về hồ sơ hạt nhân Iran cũng như các cách thức để tìm ra giải pháp hòa bình nhằm tránh nguy cơ căng thẳng.

Tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng Iraq cho hay ông Adel Abdul Mahdi đã tiếp 3 đại sứ này tại Baghdad và "thảo luận với họ về hợp tác và phối hợp trong một loạt vấn đề cùng quan tâm, nhất là cuộc khủng hoảng hồ sơ hạt nhân". Hai bên đã bày tỏ quan điểm tương đồng hướng tới giảm thiểu căng thẳng và đạt được các giải pháp hòa bình nhằm tránh gia tăng nguy cơ tại khu vực và trên thế giới.    Trước đó, Iraq đã từng đề nghị làm trung gian để giải quyết cuộc khủng hoảng giữa Mỹ và Iran./.

    Việt Khoa-Đặng Ánh (TTXVN)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm