Dịch COVID-19: tới sáng 29/4, thế giới đã có gần 3,14 triệu ca nhiễm bệnh

29/04/2020 08:39 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê toàn cầu worldometers.info, tính đến 8h00 sáng 29/4 (theo giờ Việt Nam), trên thế giới có tổng cộng 3.136.507 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó 217.813 ca tử vong. Số trường hợp phục hồi là 953.321 người.   

Dịch COVID-19: Gần 2.500 ca tử vong tại Mỹ trong 24 giờ qua

Dịch COVID-19: Gần 2.500 ca tử vong tại Mỹ trong 24 giờ qua

Số liệu báo cáo mới nhất do Đại học Johns Hopkins tổng hợp và công bố vào lúc 7 giờ 30 phút sáng 26/4 (theo giờ Việt Nam) cho thấy số ca tử vong do bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Mỹ trong 24 giờ qua là 2.494 ca.

Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nhất trên thế giới, với tổng số ca nhiễm tính đến thời điểm hiện tại đã lên tới 1.035.756 ca và số ca tử vong là 59.266 ca. Riêng trong 24 giờ qua, có 25.409 ca nhiễm mới và 2.470 ca tử vong tại Mỹ.    

Theo Đại học John Hopkins, hơn 1 triệu người có xét nghiệm dương tính với virus SARS-COV-2 tại Mỹ, đánh một dấu mốc “tồi tệ” trong cuộc khủng hoảng y tế được các chuyên gia dự báo sẽ là kéo dài trong nhiều tháng này.      

Một nhóm nhà nghiên cứu chuyên theo dõi số liệu về dịch COVID-19 trên cả nước Mỹ cho biết số người tử vong đã giảm, nhưng vẫn ở mức cao, khoảng 24.000-41.000 ca nhiễm mới/ngày với khoảng 1.200-2.600 người tử vong/ngày.    

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển thi thể bệnh nhân mắc COVID-19 ra nhà xác dã chiến bên ngoài một bệnh viện ở New York, Mỹ ngày 6/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi một số bang đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế cho phép các cửa hàng và dịch vụ mở cửa trở lại, các chuyên gia cảnh báo có nguy cơ có nhiều ca nhiễm mới và việc giảm số lượng các ca nhiễm sẽ mất thời gian lâu hơn nhiều so với tốc độ tăng cao trong tháng 4. Mặc dù vậy, Tổng thống Donald Trump vẫn cho rằng "những ngày tồi tệ nhất" của đại dịch COVID-19 đã kết thúc.    

Trong khi đó, diễn biến dịch tại khu vực châu Âu tiếp tục chiều hướng thuyên giảm. Trong 24 giờ qua Các "điểm nóng" của dịch như Italy, Tây Ban Nha và Pháp đồng loạt ghi nhận số ca tử vong trong khoảng con số 300 ca. Anh hiện là nước có số ca tử vong và số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất châu Âu (586 ca - 3.996 ca). Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 và tổng số ca tử vong tại Anh lần lượt ở con số 161.911 ca và 21.678 ca, đứng sau Italy (201.505 ca nhiễm - 27.359 ca tử vong), Tây Ban Nha (232.128 ca nhiễm - 23.822 ca tử vong), Pháp (165.911 ca nhiễm - 23.66 ca tử vong). Trước diễn biến tích cực của tình hình dịch bệnh, nhiều nước châu Âu đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế, từng bước khôi phục cuộc sống thường nhật của người dân, cũng như các hoạt động kinh tế nhằm giảm thiểu những tác động về kinh tế.    

Tại Nam Mỹ, Brazil đang nổi lên là điểm nóng của đại dịch COVID-19 khi số ca tử vong trong ngày lên tới 520 ca và số ca nhiễm mới là 6.398 ca. Hiện tổng số ca nhiễm và tử vong ở Brazil lần lượt ở các con số 72.899 ca và 5.063 ca tử vong

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Porto Alegre, Brazil,ngày 15/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc ngày 29/4 thông báo Trung Quốc đại lục ghi nhận thêm 22 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong ngày 28/4, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại Trung Quốc đại lục lên thành 82.858 người.     

Theo Ủy ban Y tế Quốc gia, trong số 22 ca mới ghi nhận trong ngày 28/4 có 21 ca là xuất phát từ nước ngoài. Tính tới thời điểm hiện tại, Trung Quốc đại lục ghi nhận tổng cộng 4.633 ca tử vong do COVID-19. Ngoài ra, có 2 ca nghi nhiễm xuất phát từ nước ngoài, một ca tại Khu tự trị Nội Mông và một ca tại Thượng Hải.   

Nhìn chung, dịch COVID-19 vẫn tiếp tục lây lan tại tất cả các khu vực trên thế giới, song với tốc độ lây lan chậm đi do nhiều nước tiếp tục thực hiện nghiêm ngặt các quy định về giãn cách xã hội cũng như các biện pháp ứng phó với đại dịch như đóng cửa biên giới, thực hiện lệnh giới nghiêm, cùng các chỉ dẫn y tế nghiêm ngặt,....Bên cạnh nhiều nước bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế, có một số nước gia hạn các lệnh khẩn cấp để ngặn chặn dịch bệnh lây lan như Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập....

Tuy nhiên, hầu hết các nước đều rất thận trọng trong các quyết định nới lỏng các biện pháp hạn chế do lo ngại nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh COVID-19 - điều mà theo cảnh báo của các chuyên gia, sẽ dẫn đến việc tái áp đặt các biện pháp hạn chế dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng hơn về kinh tế.

Lan Phương/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm