15/05/2021 22:30 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến khoảng 21h30 ngày 15/5 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 162.663.859 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 3.374.575 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 140.599.378 người.
Cho đến nay, Mỹ đã có 599.315 ca tử vong trong tổng số 33.669.238 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 266.990 ca tử vong trong số 24.408.132 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 432.785 ca tử vong trong số 15.521.313 bệnh nhân.
Tính theo tỷ lệ dân số, Hungary là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 301 người tử vong. Tiếp đến là CH Séc với 279 người và Bosnia-Herzegovina với 274 người/100.000 dân.
Xét theo khu vực, châu Âu đang là tâm dịch của thế giới với hơn 52,1 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 1,1 triệu ca tử vong. Tiếp đến là các nước Mỹ Latinh và Caribe, với hơn 975.200 ca tử vong trong hơn 30,6 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ có hơn 610.000 ca tử vong trong hơn 34,2 triệu ca nhiễm. Châu Á ghi nhận hơn 403.800 ca tử vong trong hơn 31,9 triệu ca nhiễm. Trung Đông có hơn 137.200 ca tử vong, châu Phi ghi nhận hơn 125.800 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là hơn 1.000 người.
Malaysia ngày 15/5 có thêm 44 trường hợp tử vong do COVID-19 - số ca tử vong ghi nhận theo ngày cao nhất từ trước đến nay, trong khi số các ca mắc mới vẫn duy trì ở mức trên 4.000 trường hợp trong ngày thứ tư liên tiếp. Cụ thể, nước này xác nhận thêm 4.140 ca bệnh mới, nâng tổng số người mắc COVID-19 ở nước này lên 466.000 trường hợp, còn tổng số ca tử vong hiện là 1.866 ca - cao thứ 3 tại khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia và Philippines.
Lào cũng ghi nhận thêm 72 ca mắc COVID- 19 mới trong vòng 24 giờ qua, trong đó có 51 ca lây nhiễm trong cộng đồng, số còn lại là các ca nhập cảnh và được cách ly ngay. Sau 1 ngày chỉ ghi nhận duy nhất 1 ca nhiễm cộng đồng, Lào tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm cộng đồng ở mức hai con số tại tỉnh Bokeo và thủ đô Viêng Chăn, lần lượt là 37 và 14 ca. Bộ Y tế Lào nhận định nhập cảnh bất hợp pháp vẫn là một thách thức mà Lào đang phải đối mặt và có nguy cơ gây lây lan dịch COVID-19 tại nước này. Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Lào đã quyết định nâng mục tiêu tiêm chủng lên 50% dân số ở độ tuổi trên 18 trong năm 2021, thay cho mục tiêu ban đầu là 22%. Tính tới hết ngày 14/5, nước này đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho 582.647 người, trong đó có 89.166 người đã tiêm đủ hai mũi. Hiện tổng số ca mắc tại Lào là 1.570 trường hợp, trong đó phần lớn đều là các ca lây nhiễm trong cộng đồng được phát hiện từ cuối tháng 4. Đến nay, Lào đã chữa khỏi cho 555 bệnh nhân và chỉ ghi nhận 2 ca tử vong do COVID-19.
Cũng trong ngày 15/5, Thái Lan ghi nhận thêm 3.095 ca mắc mới, trong đó có 877 trường hợp được phát hiện trong các nhà tù, nâng tổng số các bệnh nhân từ trước tới nay lên 99.145 người. Cùng ngày, giới chức Thái Lan thông báo có thêm 17 bệnh nhân tử vong vì COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số người không qua khỏi vì dịch bệnh này lên 565 trường hợp. Thủ đô Bangkok tiếp tục là địa phương có số ca mắc mới nhiều nhất, với 1.163 ca ghi nhận trong ngày 15/5, tiếp theo là các tỉnh Pathum Thani (222 ca), Samut Prakan (201 ca) và Nonthaburi (126 ca). Trong khi đó, có 16/77 tỉnh trên toàn quốc không ghi nhận ca nhiễm mới nào trong vòng 24 giờ qua. Hiện Thái Lan vẫn còn 34.913 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các bệnh viện, trong đó có 1.234 trường hợp trong tình trạng nguy kịch và 415 người phải thở máy.
Trong một diễn biến tích cực, Campuchia đã ghi nhận ngày thứ tư liên tiếp có số ca mắc mới giảm, trong bối cảnh chính quyền thủ đô nước này quyết định tiếp tục đóng cửa các khu chợ trong thành phố thêm một tuần để đề phòng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Theo Bộ Y tế Campuchia, nước này có thêm 335 ca mắc mới trong ngày 15/5, nâng tổng số ca bệnh tại Campuchia lên 21.834 người, trong đó 10.940 trường hợp đã bình phục. Tổng số ca tử vong do dịch COVID-19 tại Campuchia hiện vẫn là 147 ca, do không có thêm trường hợp tử vong. Đô trưởng Phnom Penh xác nhận tiếp tục đóng cửa các khu chợ do nhà nước quản lý và chợ cóc trên địa bàn thành phố thêm một tuần, từ ngày 15-21/5. Theo số liệu của Ủy ban tiêm chủng quốc gia Campuchia, tính đến ngày 13/5, nước này đã tiêm chủng cho 2.064.833 người, bằng 3 loại vaccine Sinopharm, Sinovac và AstraZeneca (Covishield) - tương đương 12,5% dân số cả nước.
Tương tự, Ấn Độ có thêm 326.098 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua - con số thống kê ghi nhận theo ngày thấp nhất trong gần 3 tuần qua, nâng tổng số người mắc COVID-19 ở nước này lên 24,37 triệu ca. Trong khi đó, danh sách những người không qua khỏi đại dịch cũng tăng thêm 3.890 trường hợp, nâng tổng số lên 266.207 người. Mặc dù vậy, giới chuyên gia cho rằng sự sụt giảm trong con số thống kê theo ngày nêu trên chủ yếu là do tỷ lệ xét nghiệm COVID-19 tại Ấn Độ hiện đang ở mức thấp nhất kể từ ngày 9/5 vừa qua.
Tại Đông Bắc Á, chính quyền Đài Loan (Trung Quốc) ngày 15/5 đã nâng mức báo động dịch bệnh COVID-19 tại thủ phủ Đài Bắc và thành phố lân cận, siết chặt các quy định phòng dịch trong vòng hai tuần sau khi ghi nhận làn sóng ca nhiễm mới lên tới 180 người. Chính quyền địa phương đã ra lệnh đóng cửa nhiều tụ điểm công cộng như rạp chiếu phim, các trung tâm thương mại - giải trí, hạn chế tập trung đông người với tối đa 5 người trong không gian kín và 10 người ở khu vực ngoài trời. Lần đầu tiên, đeo khẩu trang khi ra đường trở thành quy định bắt buộc. Các quán bar, vũ trường, karaoke, câu lạc bộ đêm, phòng tắm hơi và quán cà phê Internet, phòng trà cũng như thư viện và trung tâm thể thao được yêu cầu tạm dừng hoạt động từ ngày 15/5.
Quỹ Đầu tư trực tiếp của Nga (RDIF) ngày 15/5 thông báo Chính phủ Venezuela đã phê duyệt sử dụng vaccine Sputnik Light của nước này trong trường hợp khẩn cấp để ngăn ngừa bệnh COVID-19.
Sputnik Light của Nga là loại vaccine ngừa COVID-19 chỉ cần tiêm một mũi, do Viện Gamaleya ở thủ đô Moskva nghiên cứu và bào chế. Theo RDIF, vaccine này có hiệu quả ngừa virus SARS-CoV-2 tới 79,4% và chi phí chưa tới 10 USD/liều. Nga đang đẩy mạnh xuất khẩu loại vaccine này nhằm tăng cường nguồn cung vaccine tới các nước có tỷ lệ lây nhiễm cao trên toàn cầu.
Ông Kirill Dmitriev - Giám đốc RDIF (cơ quan chịu trách nhiệm tiếp thị vaccine do Nga sản xuất ra thị trường nước ngoài) cho biết Chính phủ Venezuela đã phê chuẩn Sputnik Light sau khi vaccine 2 liều của Nga là Sputnik V chứng minh hiệu quả phòng dịch COVID-19 tại nước này. Ông đồng thời nêu rõ Spunik Light "sẽ giúp đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng" tại Venezuela.
Thanh Phương/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất