Dịch COVID-19: Nhật Bản có thể đang trong làn sóng lây nhiễm thứ ba

13/11/2020 11:24 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, giới chuyên gia cho rằng Nhật Bản có thể đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ 3 của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong bối cảnh số ca nhiễm mới ở nước này tăng đột biến trong những ngày gần đây.    

Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide sẽ tìm hiểu kinh nghiệm chống dịch Covid-19 của Việt Nam

Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide sẽ tìm hiểu kinh nghiệm chống dịch Covid-19 của Việt Nam

Phóng viên TTXVN tại Nhật Bản đã có cuộc phỏng vấn với ông Hiroyuki Moribe, Giám đốc Điều hành Viện Nghiên cứu Kinh tế Việt Nam (OERI) của Nhật Bản về lý do Thủ tướng Suga chọn Indonesia và Việt Nam là điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên, cũng như ý nghĩa của chuyến thăm. 

Trong tháng 9, số ca nhiễm mới ở Nhật Bản dao động trong khoảng từ 300 đến 600 ca/ngày. Tuy nhiên, từ đầu tháng 10 đến nay, số ca nhiễm mới bắt đầu tăng và chạm mức 1.660 ca vào ngày 12/11. Đây là ngày có số ca nhiễm mới cao nhất kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát ở nước này vào giữa tháng 1. Con số kỷ lục trước đó được ghi nhận vào ngày 7/8 với 1.597 ca.     

Đáng chú ý, trong những ngày gần đây, số ca nhiễm mới ở thủ đô Tokyo cùng các tỉnh Osaka, Hyogo, Saitama, Aichi và Hokkaido đều tăng mạnh. Chỉ riêng ngày 12/11, Tokyo đã xác nhận thêm 393 ca nhiễm mới, cao nhất kể từ ngày 8/8 và là ngày thứ hai liên tiếp vượt ngưỡng 300 ca. Trong khi đó, Hokkaido cũng phát hiện thêm 236 ca, cao nhất từ trước tới nay, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở tỉnh cực Bắc này lên 4.797 ca, trong đó có 122 người đã tử vong. Đây là ngày thứ 8 liên tiếp số ca nhiễm mới ở Hokkaido vượt ngưỡng 100 ca. Số ca nhiễm mới ở một số địa phương khác lần lượt là Osaka (231), Kanagawa (147) và Aichi (143).    

Chú thích ảnh
Đo thân nhiệt, phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

Tính đến hết ngày 12/11, tổng số ca mắc COVID-19 ở Nhật Bản đã lên tới 114.512 người, trong đó có 712 người trên du thuyền Diamond Princess, trong khi số người tử vong vì dịch bệnh này là 1.882 người. Với 33.770 ca, Tokyo hiện là địa phương có số người nhiễm virus SARS-CoV-2 đông nhất trong số 47 tỉnh, thành ở Nhật Bản.     

Giới chuyên gia y tế nhận định nguyên nhân của sự bùng phát số các ca nhiễm mới là do thời tiết trở nên lạnh hơn khiến người dân hạn chế các hoạt động ở ngoài trời, nơi có môi trường thông thoáng hơn so với môi trường khép kín của các tòa nhà. Bên cạnh đó, các nỗ lực khôi phục hoạt động kinh tế - xã hội và vực dậy nền kinh tế, trong đó có việc nới lỏng các biện pháp kiểm soát nhập cảnh và thực hiện các chương trình kích cầu như “Go To Travel” và “Go To Eat”, cũng được cho là những nguyên nhân dẫn tới sự gia tăng của số ca nhiễm mới.    

Chuyên gia y tế hàng đầu Nhật Bản - ông Shigeru Omi ngày 12/12 cảnh báo “nếu không thực hiện các biện pháp phòng dịch đầy đủ, chính phủ sẽ buộc phải hạn chế các hoạt động kinh tế - xã hội”. Trong khi đó, ông Toshio Nakagawa - Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Nhật Bản cho rằng sự gia tăng số ca nhiễm mới trên toàn quốc có thể báo hiệu làn sóng lây nhiễm thứ ba đã xuất hiện ở quốc gia này. Theo ông Nakagawa, có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy sự tái bùng phát của dịch bệnh kể từ tháng trước. Chuyên gia này cảnh báo nếu số ca nhiễm mới tiếp tục tăng, điều này sẽ gây quá tải cho hệ thống y tế.     

Trong nỗ lực khống chế dịch bệnh, ngày 12/11, Thủ tướng Suga Yoshihide đã chỉ thị Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Yasutoshi Nishimura - người phụ trách công tác ứng phó dịch COVID-19 của chính phủ - tiếp tục phối hợp với thống đốc của các tỉnh, thành để ngăn ngừa sự “bùng nổ” các ca bệnh.    

Về phần mình, Bộ trưởng Nishimura cho biết mặc dù tình hình hiện nay chưa cho phép ban bố tình trạng khẩn cấp, nhưng nếu tình hình tiếp tục xấu đi, chính phủ sẽ buộc phải hạn chế hoạt động của các nhà hàng, quán ăn và các cơ sở kinh doanh khác.     

Cũng trong ngày 12/11, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định kéo dài thời gian áp dụng quy định về số lượng khán giả tối đa tham dự các sự kiện thể thao, giải trí ở mức 50% sức chứa của địa điểm tổ chức cho đến cuối tháng 2/2021. Bộ trưởng Nishimura cho biết chính phủ có thể điều chỉnh chính sách này nếu dịch bệnh tiếp tục lan rộng.    

Trước đó, Chính phủ Nhật Bản đã nâng giới hạn về số lượng khán giả tối đa tham dự các sự kiện thể thao, giải trí từ mức 5.000 lên 10.000 người vào tháng 9/2020 nhưng vẫn giữ mức trần 50% sức chứa của địa điểm tổ chức.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm