Dịch Covid-19 ngày 29/1: Thế giới có 102.155.990 ca bệnh, 2.203.423 ca tử vong

29/01/2021 22:31 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 29/1 (giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận 102.155.990 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó 2.203.423 ca tử vong. Hơn 74 triệu bệnh nhân đã phục hồi.   

Dịch Covid-19: Tạm dừng tất cả các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng tập trung đông người ở vùng có dịch

Dịch Covid-19: Tạm dừng tất cả các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng tập trung đông người ở vùng có dịch

Cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo tại thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương và thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh tạm dừng tất cả các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng tập trung đông người.

Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động mạnh nhất của dịch bệnh với 26.342.817 ca nhiễm và 443.832 ca tử vong. Tiếp đó đến Ấn Độ với 10.720.971 ca nhiễm và 154.047 ca tử vong; Brazil với 9.060.786  ca nhiễm và 221.676 ca tử vong. Đặc biệt, với tổng cộng 155.145 ca tử vong do COVID-19, Mexico đã vượt Ấn Độ trở thành nước có số ca tử vong cao thứ ba thế giới  sau Mỹ và Brazil.   

Tại châu Âu, Anh đã bổ sung Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Burundi và Rwanda vào danh sách cấm đi lại của nước này nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan. Quy định này có hiệu lực từ 13h ngày 29/1 (giờ địa phương), theo đó, những người từng ở hoặc quá cảnh qua những nước này sẽ bị từ chối nhập cảnh vào Anh. Tuy nhiên, công dân Anh, Ireland và công dân nước thứ 3 có quyền cư trú vẫn được phép trở về Anh nhưng phải thực hiện tự cách ly 10 ngày tại nhà hoặc khách sạn. Quyết định trên được đưa ra sau khi có bằng chứng cho thấy biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện đầu tiên tại Nam Phi có thể đang lây lan ra những quốc gia khác, trong đó có UAE, Burundi và Rwanda.    

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 8/1/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Còn Bồ Đào Nha đã quyết định hạn chế công dân đi ra nước ngoài trong vòng hai tuần, bắt đầu từ ngày 31/1 tới sau khi ghi nhận số ca nhiễm và tử vong trong 24 giờ qua ở mức cao nhất từ trước đến nay (với 303 ca tử vong và 16.432 ca nhiễm). Theo Bộ trưởng Nội vụ Eduardo Cabrita, trong hai tuần tới, ngoại trừ các trường hợp đặc biệt, công dân Bồ Đào Nha sẽ bị hạn chế đi ra nước ngoài bằng đường không, đường bộ và đường biển. Bồ Đào Nha đã ban hành lệnh phong tỏa toàn quốc lần thứ hai từ ngày 15/1 vừa qua.    

Hy Lạp đã hoãn kế hoạch mở lại toàn bộ các trường phổ thông vào tháng tới sau khi số ca nhiễm mới tăng nhanh, đồng thời cho rằng các trường học đều nằm trong "vùng đỏ" có nguy cơ cao nên phải tiếp tục tổ chức học từ xa. Tuần trước, Athens thông báo sẽ cho phép các trường phổ thông mở lại vào đầu tháng 2 sau hơn hai tháng đóng cửa, khi áp lực đối với hệ thống y tế công đã giảm nhẹ trong những tuần qua. Tuy nhiên, trong thông báo mới nhất, Thứ trưởng Giáo dục Hy Lạp Zeta Makri khẳng định các trường phổ thông sẽ vẫn tiếp tục tổ chức dạy học từ xa.    

Trong khi đó, LB Nga  đã quyết định nối lại các chuyến bay thương mại với Hy Lạp và Singapore, bắt đầu từ ngày 8/2 tới. Chính phủ Nga cho biết mỗi tuần sẽ có hai chuyến bay khởi hành từ Moskva đến Athens và 3 chuyến bay đến Singapore. Ngoài Moskva, các sân bay ở Astrakhan, Yekaterinburg, Irkutsk và Khabarovsk cũng sẽ nối lại một số chuyến bay quốc tế từ ngày 8/2.    

Chú thích ảnh
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 26/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Tại châu Á, chính quyền thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) kêu gọi người dân không rời thành phố và không đi du lịch nếu không cần thiết để giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch COVID-19 trong dịp Tết Nguyên đán năm nay.    

Cụ thể, theo quy định của thành phố Bắc Kinh, trong khoảng thời gian từ 18/1 – 15/3, những người từ các khu vực có nguy cơ thấp muốn vào thành phố phải có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2-2 trong vòng 7 ngày và giám sát cách ly 14 ngày tại nhà, trong 14 ngày cách ly sẽ tiến hành xét nghiệm axit nucleic hai lần. Trong khi đó, người dân ở khu vực có nguy cơ cao hoặc những khu vực quản lý khép kín không được đến Bắc Kinh, trường hợp cần thiết phải được sự đồng ý của cơ quan phòng chống dịch địa phương và có kết quả xét nghiệm axit nucleic âm tính trong vòng 72 giờ. Những người nhập cảnh từ nơi khác sau 21 ngày có thể đến Bắc Kinh và tiếp tục theo dõi sức khỏe 7 ngày. Những trường hợp nhập cảnh đến Bắc Kinh chưa đủ 21 ngày sẽ tiếp tục cách ly tập trung hoặc cách ly  tại nhà 7 ngày và theo dõi sức khỏe 7 ngày.   

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 23/1/2021. Ảnh: Yonhap/ TTXVN

Trong khi đó, chính quyền thành phố Gwangju, Tây Nam Hàn Quốc, đã quyết định tạm cấm các hoạt động tại nhà thờ sau khi ghi nhận các ca nhiễm mới chủ yếu ở các cơ sở tôn giáo. Như vậy, việc cầu nguyện trực tiếp tại tất cả nhà thờ ở Gwangju sẽ bị cấm và chuyển sang hình thức trực tuyến trong vòng 12 ngày, bắt đầu từ ngày 30/1 đến ngày 10/2. Mọi hoạt động tụ tập và các bữa ăn do các cơ sở tôn giáo chủ trì cũng sẽ tiếp tục bị cấm. Thống kê cho thấy trong tuần này thành phố Gwangju, cách thủ đô Seoul 330 km về phía Nam, đã ghi nhận 210 ca nhiễm liên quan đến nhà thờ, hầu hết liên quan đến hai trường truyền giáo không được cấp phép.    

Ấn Độ quyết định gia hạn lệnh cấm các chuyến bay thương mại quốc tế đến và đi từ nước này cho đến ngày 28/2. Lệnh cấm này không ảnh hưởng đến các chuyến bay chở hàng cũng như các chuyến bay do Cơ quan hàng không dân dụng Ấn Độ chỉ định.   

Trong 24 giờ qua, Malaysia ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này với 5.725 ca nhiễm mới COVID-19. Dự báo tới trung tuần tháng 3/2021, số ca nhiễm COVID-19 hàng ngày ở Malaysia sẽ vượt trên 10.000 ca.    

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan, ngày 11/1/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Tại Thái Lan, tình hình dịch bệnh ở một số khu vực đã cải thiện, khiến chính phủ nước này thông qua những tiêu chí mới và mã màu cho các tỉnh trên toàn quốc. Theo đó, vùng kiểm soát tối đa có màu nâu sẫm chỉ còn duy nhất tỉnh Samut Sakhon, tâm điểm của đợt bùng phát COVID-19 hiện nay. Vùng kiểm soát cao có màu đỏ bao gồm thủ đô Bangkok và các tỉnh Pathum Thani, Samut Prakan và Nonthaburi.

Vùng giám sát cao màu vàng bao gồm các tỉnh Kamphaeng Phet, Chaiyaphum, Chumphon, Nakhon Ratchasima, Nakhon Sawan, Narathiwat, Buri Ram, Prachuap Khiri Khan, Phang Nga, Phetchabun, Yala, Ranong, Songkhla, Sukhothai, Surat Thani và Uthai Thani. Các tỉnh còn lại thuộc diện đang được giám sát, được đánh dấu màu xanh và có thể cho phép các địa điểm giải trí, bao gồm quán rượu, quán bar và karaoke, mở cửa với điều kiện các chủ cơ sở tuân thủ các biện pháp phòng ngừa. Các tỉnh này cũng được yêu cầu sàng lọc những người đến tỉnh.    

Thái Lan cũng đang nới lỏng những biện pháp hạn chế ở hầu hết các khu vực, cho phép một số doanh nghiệp và hoạt động nối lại hoạt động từ tuần tới, nhưng các biện pháp kiểm soát đáng kể vẫn được áp dụng trong khu vực Bangkok mở rộng. Các biện pháp mới sẽ có hiệu lực từ ngày 1/2. Mặc dù không có các lệnh phong tỏa hoặc giới nghiêm nào được đề cập, những sới bạc, sòng bạc và sân vận động vẫn đóng cửa trên toàn quốc.    

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Manila, Philippines, ngày 12/1/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Còn Philippines sẽ nới lỏng lệnh hạn chế đi lại đối với hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ có các ca nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Theo đó, lệnh cấm công dân nước ngoài đến từ 36 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Anh, Trung Quốc và Mỹ, sẽ hết hiệu lực sau ngày 31/1 tới. Tuy nhiên, những người nước ngoài trong diện không được phép nhập cảnh Philippines theo các biện pháp trước đó, trong đó có những người có thị thực du lịch, vẫn sẽ không được nhập cảnh nước này. Những người được phép nhập cảnh vẫn phải cách ly 14 ngày.    

Liên quan tới vaccine phòng COVID-19, Ủy ban châu Âu (EC) đang đàm phán với công ty dược phẩm Novavax của Mỹ về số lượng vaccine ngừa COVID-19 mà Liên minh châu Âu (EU) sẽ đặt mua. Ngoài ra, EU sẽ đặt hàng thêm vaccine của hãng dược Moderna cũng của Mỹ. Động thái trên diễn ra trong bối cảnh công tác phân phối vaccine tại EU đang bị chậm trễ so với các nước những khu vực khác, một trong những nguyên nhân là tình trạng gián đoạn nguồn cung.    

Hungary đã trở thành quốc gia đầu tiên trong EU cấp phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 do hãng dược phẩm Sinopharm của Trung Quốc sản xuất. Trước đó, Chính phủ Hungary thông báo sẽ cấp phép sử dụng khẩn cấp cho bất kỳ loại vaccine COVID-19 nào được tiêm cho ít nhất một triệu người ở mọi nơi trên thế giới. Mới đây, Hungary đã đạt thỏa thuận mua một số lượng lớn vaccine Sputnik V của Nga mặc dù vaccine này chưa được Cơ quan Quản lý dược phẩm của EU - EMA-  thông qua.    

Hãng dược Novartis của Thụy Sĩ đã ký một thỏa thuận sơ bộ về hỗ trợ sản xuất vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNtech trong bối cảnh thiếu nguồn cung.Tuyên bố của Novartis cho biết, theo thỏa thuận, Novartis sẽ sử dụng các cơ sở sản xuất vô trùng của hãng ở Stein, Thụy Sĩ, để sản xuất vaccine của Pfizer/BioNtech. Novartis có kế hoạch bắt đầu sản xuất vaccine vào quý II/2021.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm