Cơn ác mộng bắt cóc trẻ con ở Trung Quốc

21/02/2011 12:04 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Bắt cóc trẻ em đang trở thành một hoạt động làm ăn lớn của các băng đảng tội phạm Trung Quốc. Phóng viên tờ Telegraph vừa có cuộc viếng thăm Trung Quốc để có cái nhìn rõ nét hơn về thực trạng nhức nhối này.

Đó là nửa đêm, khi Wu Xinghu và vợ vừa dỗ dành cậu con trai chìm vào giấc ngủ. Hai vợ chồng đặt con nằm ở góc giường, ngay cạnh bức tường, để bé không bị rơi xuống đất. 2 tiếng sau, Wu thức giấc vì một cảm giác bất an trong người. Anh liếc mắt về phía chỗ con đang nằm nhưng khu vực đó hoàn toàn trống rỗng. Wu bật người dậy và tìm kiếm trên sàn nhà nhưng đứa trẻ cũng không có ở đó. Ở cuối căn phòng, cánh cửa ra vào đang mở toang hoác.

15.000 USD một đứa bé trai

"Tôi vội lao ra ngoài trời đêm lạnh để tìm con. Nhưng khi nhìn thấy cổng chính cũng đang mở thì tôi biết Jiacheng, đứa con trai yêu dấu của chúng tôi đã bị đánh cắp" - anh kể.

2 năm đã trôi qua kể từ biến cố kinh hoàng đó nhưng vợ Wu, chị Yan Nana vẫn không ngừng nhỏ lệ khi nghĩ tới đứa con. "Giường của chúng tôi đặt trong góc phòng. Chúng tôi đã đặt nhiều hộp giấy cùng những chiếc ghế để đảm bảo rằng đứa trẻ không bò ra ngoài và rơi xuống đất. Ai đó đánh cắp nó hẳn đã phải bước qua người chúng tôi" - Wu nói.

Không có số liệu thống kê nào cho hoạt động đánh cắp trẻ con ở Trung Quốc. Tuy nhiên một số ước tính cho thấy các băng tội phạm ở đây buôn bán khoảng 70.000 đứa trẻ mỗi năm. Cảnh sát Trung Quốc xác nhận họ đã cứu được 6.000 đứa trẻ trong năm 2010.


Vợ chồng Wu với đứa con mới sinh và ảnh bé Jiacheng bị bắt cóc

Truyền thống của Trung Quốc, đặc biệt là ở các khu vực phương Nam, đặt sức ép nặng nề lên các cặp vợ chồng, buộc họ phải có con trai, người nối dõi dòng giống. Ở những vùng này, không ít người sẵn sàng trả tới 15.000 USD để mua một đứa bé trai về nuôi. Telegraph đánh giá điều tệ hại là nhà chức trách tại một số địa phương này thường dễ dàng làm giấy khai sinh mới cho đứa trẻ “không rõ nguồn gốc”, nếu được lót tay vài trăm USD.

Theo báo chí Trung Quốc, vài năm gần đây, tình trạng bắt cóc trẻ con đã trở thành quy trình được "công nghiệp hóa", với nhiều ngôi làng đóng vai trò cổng trung chuyển chuyên xử lý trẻ bị đánh cắp. Phần lớn trẻ con bị đánh cắp thường được bán cho các gia đình khác nhau. Nhưng một số bị đưa ra đường làm trẻ ăn xin.

Cải thiện tình hình nhờ công nghệ

Quê nhà của anh Wu tại tỉnh Thiểm Tây, đã trở thành nguồn săn hàng của những kẻ  bắt cóc trẻ em. Ngay trong ngày lễ Valentine 14/2 vừa qua, một đứa bé trai 2 tuổi vừa mới bị bắt cóc khi đang chơi trước cửa nhà. Sự kiện khiến các bậc phụ huynh phải trông coi con cái cẩn thận hơn. Theo Wu, việc chính phủ xiết chặt hoạt động chống bắt cóc ở khu vực phía Nam đã khiến các băng bắt cóc chuyển xuống hoạt động ở phía Bắc. "Mọi người trong làng đều sợ hãi. Giờ chúng tôi phải lắp thêm chấn song ở cửa sổ và lắp thiết bị báo động có trộm đột nhập" - Wu kể.

Anh cũng kể lại việc cảnh sát địa phương đã cười nhạo hai vợ chồng khi trình báo việc đứa trẻ bị bắt cóc. Họ nói rằng lỗi là thuộc về phía vợ chồng Wu vì không trông coi đứa trẻ kỹ hơn. Thực tế thì với lực lượng cảnh sát, việc tìm kiếm một đứa trẻ bé xíu ở đất nước có 1,3 tỉ dân gần như là nhiệm vụ bất khả thi.

Nhưng giờ đây tình hình đang thay đổi cùng với sự xuất hiện của công nghệ và Internet. Kể từ đầu tháng 1 vừa qua, dư luận Trung Quốc đã quan tâm hơn tới vấn đề bắt cóc trẻ con, nhờ trang web Sina Weibo, một dạng mạng xã hội Twitter của Trung Quốc. Yu Jianrong, giáo sư tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, đã mở một trang trên Weibo vào cuối tháng 1 và đề nghị người ta gửi tới ảnh của những đứa trẻ đang ăn xin, với hy vọng các bậc phụ huynh mất con có thể nhận diện được chúng. Hơn 2.700 bức ảnh đã được đưa lên trang này kể từ tháng 1 vừa qua, thu hút 240.000 lượt người vào đọc.

"Sau khi chúng tôi triển khai trang web, vài trăm đứa trẻ bị bắt cóc đã được cảnh sát giải cứu và 3 trong số chúng đã được đoàn tụ với gia đình" - Hou Zhihui, một tình nguyện viên nói - "Giờ chúng tôi muốn biến nó thành một dự án dài hạn và sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu về trẻ bị bắt cóc".

Một trang web khác có tên "Bé về nhà" giờ đã thu hút 300.000 lượt độc giả ghé thăm một ngày. Sáng lập viên trang web Zhang Baoyan, 48 tuổi, hiện còn tư vấn cho chính phủ cách giải quyết vấn đề bắt cóc trẻ em. Sự tư vấn của những người như Zhang đã mang lại nhiều thay đổi tích cực. "Trong quá khứ, cảnh sát phải có đủ bằng chứng chắc chắn về một vụ bắt cóc trước khi họ có thể mở cuộc điều tra, nếu không họ sẽ liệt đứa trẻ vào dạng mất tích. Giờ cảnh sát sẽ điều tra ngay khi họ nhận được báo cáo và nhờ đó nhiều kẻ bắt cóc đã sớm sa lưới pháp luật" - Zhang nói.

Ngoài ra, chính phủ cũng cam kết sẽ xây dựng một cơ sở dữ liệu di truyền quốc gia, để giúp các bậc phụ huynh đoàn tụ với đứa trẻ bị bắt cóc.

Vết thương khó lành

Peng Gaofeng, 32 tuổi, là một trong số ít những người may mắn. Đứa con trai 3 tuổi của anh, Wenle, đã bị bắt cóc hồi tháng 3/2008 khi bé đang chơi trên phố ở Thâm Quyến. Nhưng bé đã trở lại đoàn tụ với cha mẹ hồi đầu tháng này.

Hình ảnh Peng gạt nước mắt hạnh phúc được chiếu trên khắp Trung Quốc đã khiến dư luận không khỏi xúc động. "Tôi không thể mô tả được cảm giác của mình khi tìm được con. Sau nhiều năm đau đớn, đột nhiên tôi lại tìm thấy sự hạnh phúc vô bờ bến" - anh Peng kể.

Với số đông những ông bố bà mẹ kém may mắn khác như Wu, họ chỉ còn biết dồn hy vọng vào việc tìm kiếm đứa trẻ thất lạc. Bản thân Wu hiện có một cuốn sổ nhỏ đầy số điện thoại của các bậc phụ huynh mất con khác và một tập hồ sơ đựng ảnh trẻ thất lạc mà anh luôn mang theo mỗi lần nhận được tin báo. "Tôi cho mọi người tôi đã gặp thấy các tấm ảnh, với hy vọng có thể giúp được người khác nữa" - anh nói.

Sau 2 năm vất vả tìm con, trán của người cha 31 tuổi này đã hằn lên những nếp nhăn và tóc của anh đã điểm bạc. Gia đình của Wu cũng suýt tan vỡ vì biến cố. "Khi con tôi bị bắt cóc, tôi đã đề nghị vợ tôi ly hôn. Tôi biết mình sẽ mất rất nhiều thời gian để tìm kiếm con và thường xuyên xa nhà. Cô ấy thì còn trẻ và có thể sẽ tìm thấy hạnh phúc với ai khác" - anh kể. Nhưng cha mẹ Wu đã khuyên cặp vợ chồng sinh thêm một bé gái 4 tháng tuổi tên Jiaqi. Đứa trẻ thứ 2 đã giúp hàn gắn quan hệ của cặp vợ chồng. Nhưng vết thương hình thành từ việc mất con vẫn khiến trái tim Wu nhức nhối và sợ hãi. "Ngay cả hiện nay, chúng tôi vẫn không dám nói về chuyện gì đã xảy ra với Jiacheng. Chúng tôi chẳng mấy khi bàn tới nỗi đau sâu thẳm ấy" - Wu thổ lộ.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm