Trung Quốc giải quyết "hậu quả" của nạn bắt cóc

01/11/2009 09:40 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Sau 6 tháng đẩy mạnh tấn công nạn bắt cóc và buôn bán trẻ em, nhà chức trách Trung Quốc đã phải đối diện với một khó khăn mới: Đoàn tụ những nạn nhân nhí về với gia đình của các em.

Cuộc gặp gỡ sau 2 năm xa cách

Người cha bước nhanh về phía một cô nhi viện ở Trung Quốc. Đôi chân ông bỗng run rẩy, mắt nhòa lệ khi trông thấy đứa con trai bị người ta bắt cóc cách đây 2 năm. Hoảng sợ, đứa trẻ òa khóc. Không hề bối rối, người cha - Wang Bangyin - giang tay ôm chặt con, lòng tràn ngập niềm vui và hạnh phúc vì đã may mắn lấy lại được giọt máu của mình từ tay những kẻ buôn người.


Cha con Wang đoàn tụ sau 2 năm xa cách

Con trai của Wang đã được cảnh sát Trung Quốc tìm thấy hồi tháng 5 cùng 15 đứa trẻ khác. Tuy nhiên do những đứa trẻ không có tài liệu nhận dạng nên người ta không thể trả các em về nhà. Thay vì thế, nhà chức trách đưa chúng tới một cô nhi viện. Họ cho các em vào một chương trình đoàn tụ trẻ bị bắt cóc với gia đình.

Chương trình này bao gồm việc thành lập một trang web mang tên “Những đứa trẻ tìm nhà”, trên đó có đăng ảnh các nạn nhân, từ những đứa bé còn ẵm ngửa cho tới các thanh thiếu niên. Con của Wang được gọi là “đứa trẻ số 39”. Thông tin về đứa bé rất sơ sài, nhưng chỉ qua tấm ảnh, Wang đã nhận ra đây chính là con mình.

Ông đã tiến hành liên lạc với cảnh sát tỉnh Quý Châu. Thông qua kỹ thuật xét nghiệm ADN, các nhân viên cảnh sát ở đây công nhận đứa trẻ, mới chỉ 10 tháng tuổi khi bị bắt cóc, là con của Wang. Sau khi hoàn tất giấy tờ và một số thủ tục hành chính khác, đứa trẻ đã có thể về nhà. Wang cho biết ông không sợ khi phải đối mặt với một số khó khăn như việc cho đứa trẻ làm quen với nhà cũ. “Điều đầu tiên tôi muốn làm là nấu cho con mình một bữa ăn. Tôi muốn nó ăn cơm do cha nấu”.

Đau đầu giải quyết “hậu quả”

Kể từ khi bắt đầu chiến dịch trấn áp nạn buôn bán trẻ em vào tháng 4 năm nay, cảnh sát Trung Quốc đã cứu được 2.008 đứa trẻ. Hiện không rõ có bao nhiêu em trong số này đã được đoàn tụ với gia đình. Dù vậy, số trẻ được cứu chỉ là một phần nhỏ các nạn nhân bị bắt cóc. Theo cảnh sát Trung Quốc, mỗi năm có từ 30.000 - 60.000 đứa trẻ được báo cáo mất tích, dù rằng không phải tất cả trong số đó đều bị bắt cóc.


Vẫn còn nhiều nạn nhân nhí chưa được người thân tới nhận

Một số kẻ bắt cóc táo tợn tới mức tóm cả những đứa trẻ đang chơi trên phố hoặc đứng lơ ngơ bên ngoài ngôi nhà của các em. Thậm chí một số đứa trẻ đang được mẹ bế cũng bị những kẻ bắt cóc đi xe máy vọt qua cướp mất. Theo giá chợ đen hiện nay, một đứa bé trai có thể mang lại khoảng 30.000 NDT (hơn 4.000 USD) trong khi các bé gái đem tới ít tiền hơn do nhu cầu về “mặt hàng” này thấp hơn.

Nhiều gia đình nông thôn Trung Quốc hiện nay đã lo xa bằng cách mua trước cho con trai của họ một cô dâu, trong bối cảnh tỷ lệ mất cân bằng giới đã lên cao, khoảng 119 nam/100 nữ. Các nhà phân tích dự báo việc mất cân bằng giới có thể tạo ra đội quân người độc thân nam giới lên tới hàng chục triệu trong vài năm nữa. Sau khi mua được con, nhiều cặp vợ chồng sẽ tìm cách hợp thức hóa đứa trẻ thông qua việc làm giả giấy tờ, khai man hoặc hối lộ quan chức.

Sẽ đẩy mạnh nỗ lực đoàn tụ

Chống lại vấn nạn bắt cóc đã khó, tuy nhiên phía cảnh sát cho biết giải quyết hậu quả của việc này còn khó hơn. “Giải cứu một đứa trẻ không phải là phần kết của câu chuyện. Chúng tôi đang rất nỗ lực để đoàn tụ đứa trẻ với gia đình” - một sĩ quan cảnh sát nói.

Cho tới nay, nhiều nạn nhân trẻ em bị bắt cóc ở Trung Quốc vẫn chưa có người đến nhận. Ngoài “đứa trẻ số 39”, hoàn cảnh của những nạn nhân khác cũng rất đáng chú ý. Số 59 trong danh sách là Luo Jiajun. Ở tuổi 11 hoặc 12, Luo hoàn toàn nhận thức được về hoàn cảnh của mình. Cậu bé thậm chí còn kể với cảnh sát rằng mình bị bắt cóc hồi năm 2004. Tuy nhiên, Luo không còn nhớ gì về cha mẹ đẻ. Nếu Luo còn nhớ chút gì đó, công việc tìm kiếm cha mẹ cho em hẳn đã trở nên dễ dàng hơn.

Tương tự, số 50 trong danh sách là Hou Yating. Cô bé này bị bắt cóc hồi năm 2001 và hiện khoảng 10 tuổi. Cô bé có cái nhìn nghiêm nghị, buồn bã và thậm chí một chút u uất. Câu chuyện của Hou cho thấy một bi kịch khác. Sĩ quan cảnh sát trông nom Hou nói rằng, cha mẹ cô bé đã vi phạm chính sách đẻ một con và quyết định bán con để khỏi bị phạt. Sau nhiều năm xa cách, thật khó để biết liệu cha mẹ Hou còn muốn tới đón con về hoặc liệu cô bé có vui vẻ trở về nhà mình hay không.

Cảnh sát Trung Quốc cho biết thời gian tới, họ sẽ đăng tải thêm nhiều ảnh các nạn nhân nhí nhằm tích cực đưa các em về với gia đình. Tuy nhiên, nhà chức trách cũng thừa nhận rằng hoạt động của họ sẽ gặp khó khăn bởi không phải gia đình nào ở vùng nông thôn Trung Quốc cũng biết về trang web kể trên.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm