75 năm chiến thắng phát xít: Những câu chuyện vượt thời gian của các cựu binh Mỹ

09/05/2020 12:21 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Năm nay, đúng vào dịp kỷ niệm 75 năm ngày chiến thắng hoàn toàn của phe đồng minh, gồm Liên Xô, Mỹ, Anh và Pháp chống lại phát xít Đức, chấm dứt Chiến tranh Thế giới thứ hai tại châu Âu  (8/5/1975-8/5/2020), nhiều nước đã không thể tổ chức được các hoạt động kỷ niệm lớn để tưởng nhớ sự kiện quan trọng do họ đang phải vật lộn trong một cuộc chiến toàn cầu hoàn toàn khác - đó là cuộc chiến chống lại một loại virus giết người siêu nhỏ có tên SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.        

75 năm chiến thắng phát xít: Lãnh đạo Mỹ, Đức tưởng nhớ các nạn nhân

75 năm chiến thắng phát xít: Lãnh đạo Mỹ, Đức tưởng nhớ các nạn nhân

Ngày 8/5, người phát ngôn của chính phủ Đức cho biết Thủ tướng Angela Merkel đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump nhân kỷ niệm 75 năm kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ 2.

Đối với Mỹ, Ngày Chiến thắng ở châu Âu là một bước ngoặt khi mà bóng tối của chế độ Đức quốc xã do Adolf Hitler cai trị đã hoàn toàn bị đánh bại. Còn đối với các cựu binh Mỹ từng tham gia vào cuộc chiến này như ông Harry F. Miller, Frank Cohn và Ewing H. Miller,  chắc chắn những ký ức về ngày đó sẽ vẫn còn nguyên vẹn.   

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Washington, ông Harry F. Miller, 91 tuổi, một thành viên của Tiểu đoàn xe tăng 740 của Quân đội Mỹ từng tham gia vào trận chiến giành chiến thắng vang dội Ruhr Pocket khiến lực lượng của quân đội Đức quốc xã bị tiêu hao lớn, cho biết ông vẫn trào nước mắt mỗi khi nghĩ về những chàng trai tham chiến ngày đó chỉ ở độ tuổi 19 và nghĩ về những nghĩa trang trên khắp nước Mỹ và ở châu Âu. Ông hy vọng rằng những gì đã diễn ra 75 năm về trước sẽ không bao giờ bị lãng quên và người ta sẽ không trở nên tự mãn khi đã được quay trở lại với cuộc sống thanh bình.   

Còn đối với ông Frank Cohn, người đã được sinh ra ở Breslau, Đức, năm 1925 và sau đó theo cha sang sinh sống tại Mỹ, dù việc đăng ký nghĩa vụ quân sự để tham gia vào cuộc chiến thời đó không phải bắt buộc đối với những người nước ngoài như ông, tuy nhiên đối với chàng trai 18 tuổi lúc bấy giờ đó là nghĩa vụ thiêng liêng và ông chưa bao giờ đặt câu hỏi nào về điều đó.  Ông Cohn đã nhập ngũ và tham gia vào trận Ardennes, một trận chiến quan trọng và là trận chiến lớn nhất của Mỹ trong phần cuối của Chiến tranh Thế giới thứ hai ở vùng Ardennes của Bỉ.   

Chú thích ảnh
Ngày 25/4/1945, bên bờ sông Elbe, những người lính của quân đội Liên Xô từ phía Đông và Mỹ từ phía Tây gặp nhau, đánh dấu cột mốc quan trọng, bước ngoặt của cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai trong việc chia cắt quân đội phát xít Đức thành hai phần, đưa cuộc chiến tranh đến gần ngày kết thúc hơn. Ảnh: Tư liệu quốc tế/TTXVN

Ông Ewing H. Miller, 96 tuổi, cho biết ông là  một phi công lái máy bay ném bom hạng nặng B-24 trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Ông may mắn là người sống sót duy nhất khi máy bay của ông và các đồng đội bị bắn hạ vào tháng 2/1945. Khi nhảy dù khỏi máy bay, ông Miller đã bị quân đội Đức quốc xã bắt giam và sau đó được chuyển tới một trại Luftwaffe cùng với các tù nhân chiến tranh khác cho tới khi trại này được giải phóng. Sau chiến tranh, ông Miller trở về nước và theo học Đại học  Pennsylvania chuyên ngành kiến trúc và quy hoạch đô thị.   

Cả ba cựu chiến binh Mỹ cho rằng chiến thắng của cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai cho thấy bài học về sự đoàn kết thành một khối thống nhất trên toàn cầu và sự đoàn kết trong cuộc chiến đó có thể được áp dụng đối với những nỗ lực tại thời điểm hiện nay trong cuộc chiến nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19 bởi đây chính là lúc cần sự hợp sức, đồng lòng, đoàn kết để vượt qua thời điểm khó khăn hiện nay.   

Năm nay, nhiều hoạt động kỷ niệm, trong đó có buổi lễ kỷ niệm tại Đài tưởng niệm Chiến tranh Thế giới hai ở  thủ đô Washington D.C., đã bị hoãn và chuyển thành các sự kiện trực tuyến. Tuy nhiên, đối với các cựu chiến binh Mỹ đã từng sẵn sàng hy sinh cả tính mạng của mình vì mục tiêu mang lại hòa bình cho nhân loại, lễ kỷ niệm không phải là một vấn đề quan trọng mà là những câu chuyện mà họ muốn được lưu giữ và là những bài học quý giá trong thời gian đặc biệt hiện nay.   

Ông Holly Rotondi, Giám đốc điều hành của “Friends of the National World War II Memorial”, một tổ chức phi lợi nhuận nhằm tôn vinh và lưu giữ ký ức về cuộc chiến tại  thủ đô Washington, cho biết vì dịch COVID-19, tổ chức này đã phải hủy bỏ sự kiện đã được chuẩn bị trong 4 năm qua và thay bằng một lễ kỷ niệm trực tuyến qua facebook vào sáng ngày  8/5. Ông khẳng định, dịch COVID-19 đã đặt ra nhiều thách thức, tuy nhiên nó cũng thực sự mang lại các cơ hội lớn hơn khi có thể kể và chia sẻ những câu chuyện với những bài học thực sự có tác động lớn theo một cách toàn diện hơn có thể tới được đông đảo hơn những khán giả trẻ tuổi.   

Chú thích ảnh
Ảnh: Tư liệu quốc tế/TTXVN

Không giống như trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, giờ đây, những người lính Mỹ không phải chiến đấu ở những vùng đất xa lạ mà ở ngay trên quê hương của mình. Những người lính trong cuộc chiến ngày hôm nay là những "chiến sĩ áo trắng" đã hy sinh cả mạng sống của mình để chữa trị cho các bệnh nhân COVID-19, là các nhà nghiên cứu đang ngày đêm nghiên cứu để điều chế vaccine và tìm kiếm các phương pháp chữa bệnh, và là hàng chục triệu người mất việc làm khi phải ở nhà nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch.   

Cuộc chiến chống dịch COVID-19 đang cho thế hệ hiện tại nếm trải cảm bất ổn giống như thế hệ của những người sống trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai đã phải trải qua trong nhiều năm và có thể tưởng tượng cảm giác sẽ tuyệt vời như thế nào khi tiếng chuông nhà thờ vang lên ở London báo hiệu sự kết thúc của cuộc chiến ở châu Âu.   

Thủ tướng Anh Winston Churchill đã  từng viết: “Sự đầu hàng vô điều kiện của kẻ thù chúng ta là dấu hiệu cho thấy sự vỡ òa của niềm vui lớn nhất trong lịch sử nhân loại”. Và cũng sẽ không nghi ngờ rằng sẽ có niềm vui như vậy trên khắp thế giới khi dịch COVID-19 cũng sẽ quy hàng trước sức mạnh của y học hiện đại và sự đoàn kết của người dân trên toàn thế giới.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm