75 năm Ngày Chiến thắng phát xít: Thiên anh hùng ca chói lọi trong lịch sử nhân loại

09/05/2020 07:59 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - 75 năm đã trôi qua kể từ thời khắc lịch sử 0 giờ 43 phút ngày 9-5-1945 (theo giờ Moskva), khi đại diện nước Đức quốc xã ký thỏa thuận đầu hàng vô điều kiện Liên Xô và các nước đồng minh. Thời khắc ấy mãi mãi đi vào lịch sử nhân loại, trở thành Ngày Chiến thắng chung của tất cả các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới, ngày đánh bại chủ nghĩa phát xít, chấm dứt Chiến tranh Thế giới thứ II. Đó đồng thời cũng là Ngày Chiến thắng vinh quang của quân và dân Liên Xô trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (1941-1945).         

Nga hoãn lễ diễu binh kỷ niệm 75 năm Chiến thắng phát xít do dịch COVID-19

Nga hoãn lễ diễu binh kỷ niệm 75 năm Chiến thắng phát xít do dịch COVID-19

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 16/4 đã tuyên bố hoãn lễ diễu binh trên Quảng trường Đỏ nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Chiến thắng chủ nghĩa phát xít trong Chiến tranh Thế giới thứ hai do dịch COVID-19 đang lây lan mạnh ở nước này.

Đây là dịp để nhân loại tự hào về chiến thắng, nhớ tới những người đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh tàn khốc nhất trong lịch sử loài người, tri ân những người đã mang lại nền hòa bình cho thế giới, đồng thời nhắc nhở nhân loại về tội ác của chủ nghĩa phát xít, kêu gọi cảnh giác, loại trừ nguồn gốc làm nảy sinh và dung dưỡng sự phát triển của tư tưởng phát xít trong thế giới hiện nay.

Chiến tranh Thế giới thứ II và cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại của nhân dân Xô Viết         

Nhân loại sẽ còn nhắc tới Chiến tranh Thế giới thứ II như một cuộc chiến tàn khốc nhất, đẫm máu nhất, đau thương nhất với quy mô rộng lớn nhất. Chiến tranh thế giới lần thứ II (1939-1945) là cuộc chiến tranh lớn nhất trong toàn bộ lịch sử nhân loại do liên minh phát xít Đức, Ý và quân phiệt Nhật Bản phát động nhằm xâm lược, chiếm đóng lãnh thổ các nước, phân chia lại thị trường tiêu thụ sản phẩm và đầu tư cũng như khai thác tài nguyên thiên nhiên của các nước bị xâm chiến.         

Để tiến hành cuộc chiến tranh này, năm 1936 các nước Đức, Ý, Nhật Bản quyết định thành lập liên minh, trước hết là liên minh Đức-Ý, sau có thêm Nhật Bản, theo Hiệp ước Berlin được ký kết vào năm 1940. Để phát động chiến tranh, từ năm 1938, phát xít Đức đưa quân đi xâm lược và đánh chiếm các nước Áo (1938), Tiệp Khắc (với sự thỏa hiệp của Anh, Pháp, theo Hiệp định nghị Munich ký năm 1938). Phát xít Ý đưa quân xâm lược Ethiopia (1936), Albania (1939), còn quân phiệt Nhật Bản xâm chiếm Trung Quốc (năm 1937).         

Ngày 1-9-1939, phát xít Đức tiến công xâm lược Ba Lan, chính thức mở đầu Chiến tranh Thế giới lần thứ II. Sau đó, năm 1940, quân Đức đánh chiếm hàng loạt nước châu Âu, gồm Đan Mạch, Na Uy, Hà Lan, Bỉ, Pháp, Hungari, Rumani, Bungari. Năm 1941, quân Đức sử dụng không quân và hải quân đánh phá nước Anh. Còn phát xít Ý với sự hỗ trợ của quân Đức đã đánh chiếm Nam Tư, Hy Lạp (năm 1941). Trên chiến trường Bắc Phi, liên quân Đức-Ý đánh chiếm Libya và tiến sang Ai Cập.   

Chú thích ảnh
Sau chiến thắng Stalingrad (2/1943), quân đội Xô viết tiếp tục tiến công trên một mặt trận rộng lớn từ Leningrad đến biển Azov, giải phóng Kursk, Belgorod, Kharkov, Voroshilovgrad, giải vây Leningrad. Trong ảnh: Chiến dịch phòng ngự - phản công tại "Vòng cung Kursk" kéo dài 50 ngày đêm (5/7 - 23/8/1943), trong đó đỉnh điểm là trận đấu xe tăng lớn nhất lịch sử chiến tranh giữa quân đội Xô - Đức từ 10/7 - 12/7 tại cánh đồng Prokhorovka là chiến thắng mang tính chiến lược của Liên Xô, có ý nghĩa quyết định đến cục diện chiến trường, đẩy quân Đức từ thế chủ động sang bị động. Ảnh: Tư liệu quốc tế/TTXVN

Sau khi đánh chiếm 16 nước châu Âu, tháng 6-1941, phát xít Đức tập trung cụm lực lượng lớn nhất trên chiến trường châu Âu trong Chiến tranh thế giới lần thứ II tiến công Liên Xô bằng chiến dịch chiến tranh chớp nhoáng mang tên “Barbarossa”, mở đầu cuộc chiến tranh Xô-Đức (1941-1945). Thế nhưng phát xít Đức không ngờ đã gặp phải sự chống trả quyết liệt của quân và dân Liên Xô. Trong vòng 2 năm, từ 1941-1943, hàng chục sư đoàn và lữ đoàn phát xít Đức đã bị tiêu diệt.         

Năm 1943, sau khi chuyển sang chiến lược phản công, Hồng quân Liên Xô đã giải phóng Tổ quốc, rồi lần lượt giải phóng Nam Tư, Albania, Ba Lan, Romania, Hungary và Tiệp Khắc.         

Trong khi Hồng quân Liên Xô tấn công dồn dập quân Đức trên mặt trận phía Đông, quân đội Anh, Mỹ đã mở mặt trận Tây Âu. Với sự giúp đỡ to lớn của các lực lượng kháng chiến, nước Pháp rồi Bỉ, Hà Lan, Luxembourg và Ý lần lượt được giải phóng.   

Chú thích ảnh
Chiến dịch tấn công Berlin, sào huyệt cuối cùng của phát xít Đức diễn ra từ ngày 16/4 - 2/5/1945 là một trong những chiến thắng đẫm máu nhất của Liên Xô trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Trong ảnh: Có tới 7.500 máy bay của quân đội Liên Xô tham gia chiến dịch tấn công Berlin. Ảnh: Tư liệu quốc tế/TTXVN

Và ngày 30-4-1945 đã ghi dấu mốc quan trọng khi lá cờ chiến thắng của Hồng quân Liên Xô bay phấp phới trên tòa nhà quốc hội Đức. Đúng 0 giờ 43 phút ngày 9-5-1945 theo giờ Moskva, thay mặt nước Đức quốc xã, thống soái Wilhelm Keitel đã phải ký biên bản xác nhận sự đầu hàng vô điều kiện của phát xít Đức.         

Sau khi đánh bại phát xít Đức, Liên Xô tiếp tục tuyên chiến với phát xít Nhật và đã đánh gục đội quân Quan Đông tinh nhuệ nhất của Nhật, buộc Nhật phải chấp nhận đầu hàng không điều kiện. Cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ II đã chính thức kết thúc.         

Tổng kết cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ II, có thể thấy đây là cuộc chiến  bao trùm trên hầu hết các châu lục, đại dương, liên quan đến hơn 70 nước với 1,7 tỉ người, trong đó có tới 110 triệu quân tham chiến. Nhưng Liên Xô vẫn là nước chịu thiệt hại lớn nhất về người và vật chất. Để đi đến Ngày Chiến thắng (9-5-1945), nhân dân Liên Xô đã phải hứng chịu những hy sinh, mất mát to lớn nhất, những tổn thất không thể bù đắp nổi. Chiến tranh đã cướp đi sinh mạng của khoảng 27 triệu người Liên Xô, trong đó gần 9 triệu chiến sỹ Hồng quân đã ngã xuống cho Ngày Chiến thắng. Vì vậy, ngày Chiến thắng luôn là ngày lễ thiêng liêng nhất, cao cả nhất đối với các thế hệ người dân Nga nói riêng và nhân loại nói chung.

Chú thích ảnh
Từ ngày 16/4 – 2/5/1945, Hồng quân Liên Xô mở chiến dịch tấn công Berlin, sào huyệt cuối cùng của phát xít Đức và đến ngày 30/4/1945 đã chiếm được Nhà Quốc hội Đức, cắm lá cờ chiến thắng lên nóc tòa nhà này. Trong ảnh: Chiến sĩ Hồng quân thuộc Phương diện quân Byelorussia 1 cắm lá cờ chiến thắng lên nóc Nhà Quốc hội Đức, chiều 30/4/1945. Ảnh: Tư liệu quốc tế/TTXVN

Những bài học còn nguyên giá trị         

Thắng lợi của cuộc chiến tranh chống chủ nghĩa phát xít cách đây 75 năm mãi mãi là một mốc son chói ngời trong lịch sử nhân loại. Thắng lợi này đã làm thay đổi cục diện, tạo tiền đề quan trọng đưa thế giới sang thời kỳ phát triển mới. Hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu được hình thành. Bão táp cách mạng và phong trào giải phóng dân tộc đã làm lung lay, từng bước sụp đổ hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc, thực dân tại châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh… Nhân dân các nước thuộc địa đã vùng lên mạnh mẽ đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc thực dân, giành độc lập dân tộc, xây dựng đất nước theo con đường phù hợp với mình.         

Sự kiện chiến thắng chủ nghĩa phát xít cũng mở ra một chương mới cho lịch sử chính trị thế giới, với sự ra đời của Liên hợp quốc cùng những nguyên tắc nền tảng trong quan hệ quốc tế, đó là những nguyên tắc tôn trọng quyền bình đẳng, quyền tự quyết của các quốc gia; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không dùng vũ lực, tôn trọng luật pháp quốc tế…   

Chú thích ảnh
Người dân Moskva nhảy múa trong ngày mừng chiến thắng. Ngày kỷ niệm Chiến thắng phát xít 9/5 hằng năm là ngày tôn vinh những giá trị đích thực của thắng lợi lịch sử này, tri ân sự hy sinh to lớn của nhân dân các nước, trong đó có Liên Xô, là dịp để nhắc nhở toàn thế giới rằng, không thể để "cơn ác mộng" phát xít quay trở lại một lần nữa. Ảnh: Tư liệu quốc tế/TTXVN

Đồng thời, chiến thắng phát xít cũng đã tạo dòng thác cách mạng mạnh mẽ. Đó là dòng thác cách mạng xã hội chủ nghĩa, cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng đấu tranh vì dân sinh, dân chủ. Cũng chính trong những ngày tháng lịch sử ấy, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam đã đoàn kết một lòng, tận dụng cơ hội chiến lược để tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, làm nên thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2-9-1945, đưa dân tộc thoát khỏi ách nô lệ của thực dân Pháp và phát xít Nhật.         

75 năm đã qua đi kể từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ II và Chiến tranh giữ nước vĩ đại của nhân dân Xô Viết, nhưng những  bài học về cuộc chiến chống phát xít thì vẫn còn nguyên vẹn ý nghĩa thiết thực đối với thế giới đương đại và sẽ luôn được mọi quốc gia, dân tộc trên thế giới bảo vệ và mãi trường tồn.         

Bài học thứ nhất, về tổn thất thương vong lớn về con người luôn nhắc nhở nhân dân thế giới ngày nay cần phải trân trọng và giữ gìn nền hòa bình thế giới như thế nào để không tái diễn thảm họa phát xít dưới bất kỳ hình thức nào.        

Bài học thứ hai, cần thấy rằng nhân dân Liên Xô trong cuộc chiến đấu chống phát xít đã tổn thất rất nặng nề và làm nên một sứ mệnh lịch sử, cứu loài người thoát khỏi thảm họa của chủ nghĩa phát xít, và sau chiến thắng ấy, nhân dân Liên Xô trở thành thành trì của Chủ nghĩa xã hội, đặt ra một xu hướng phát triển của các dân tộc bị áp bức trên thế giới và dẫn đến sụp đổ từng phần của chủ nghĩa thực dân, đề quốc. Vì thế, những bài học về cuộc chiến tranh chống phát xít 75 năm trước vẫn có ý nghĩa thiết thực đối với nhân dân thế giới trong sự nghiệp đấu tranh vì mục tiêu hoà bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội.         

Ngày nay, trong bối cảnh thời thế đã đổi thay, thế giới đã và đang bước vào thời đại toàn cầu hóa, lợi ích quốc gia và quốc tế được xây dựng trên nền tảng các mối quan hệ đa phương, đa dạng với mong muốn cùng tồn tại hoà bình và phát triển. Tuy nhiên, tư tưởng của chủ nghĩa đế quốc cùng với sản phẩm của nó là chủ nghĩa phát xít mới đang hình thành và biến tướng dưới nhiều hình thức khác nhau như: chạy đua vũ trang, xung đột dân tộc, sắc tộc, tôn giáo, khủng bố… Đồng thời, trong nhiều năm qua cũng đã xuất hiện những quan điểm đòi "viết lại lịch sử", bóp méo sự thật hòng hạ thấp giá trị, ý nghĩa của chiến thắng, đồng thời phủ nhận vai trò của Liên Xô (bao gồm cả nước Nga) trong việc đánh bại hoàn toàn chủ nghĩa phát xít; thậm chí là trào lưu phát xít mới hòng khôi phục những thây ma của chủ nghĩa phát xít. 

Chú thích ảnh
Ngày 9/5 hằng năm trở thành “Ngày Chiến thắng”, tôn vinh những giá trị đích thực của thắng lợi lịch sử này cũng như sự hy sinh to lớn của nhân dân các nước, trong đó có Liên Xô trong cuộc chiến vì tự do và phồn vinh của nhân loại. Trong ảnh: Những người lính Hồng quân Liên Xô vui mừng chiến thắng tại Moskva. Ảnh: Tư liệu quốc tế/TTXVN

Nhưng có một sự thật không thể chối cãi, đó là chiến thắng chủ nghĩa phát xít là chiến thắng của nhân dân và quân đội Xô Viết dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô, của các nước đồng minh và các lực lượng tiến bộ thế giới. Trong đó vai trò quyết định thuộc về những người Xô Viết anh hùng, mà nhờ đó đã cứu loài người thoát khỏi thảm hoạ phát xít, đem lại cuộc sống hoà bình cho nhiều dân tộc và tạo nên những chuyển biến mang tính bước ngoặt của tình hình thế giới - thời đại không dung thứ tội ác và chiến tranh.   

Bởi vậy, những luận điểm xuyên tạc nói trên đã bị các nhà khoa học lịch sử và lãnh đạo cấp cao nhiều quốc gia phản đối. Mới đây, trong Thông điệp Liên bang lần thứ 16, ngày 15-1-2020, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khẳng định rằng Nga phải bảo vệ sự thật lịch sử về thắng lợi trong Cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại bởi theo ông nếu không bảo vệ sự thật lịch sử thì “chúng ta sẽ có thể lấy gì để kể cho những đứa trẻ của chúng ta khi những sự dối trá lan truyền trên toàn thế giới như một bệnh dịch".         

Và hàng năm, để tưởng nhớ và tri nhân những chiến sỹ Hồng quân Liên Xô năm xưa, chính quyền và người dân Nga vẫn thường tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng 9-5. Năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, cuộc diễu hành của "Binh đoàn bất tử" sẽ được tổ chức trực tuyến. Chương trình phát sóng sẽ diễn ra vào ngày 9-5 trên hơn 200 màn hình truyền thông ở Moskva, trong rạp chiếu phim trực tuyến Okko, trên cổng thông tin của Binh đoàn bất tử của Nga và trên mạng xã hội. Lễ kỷ niệm long trọng và lễ duyệt binh, như Tổng thống Putin đã tuyên bố ngày 16-4 trước đó, sẽ được hoãn đến thời điểm khác, khi đại dịch COVID-19 đã được đẩy lùi. Ngoài ra cũng có rất nhiều các hoạt động kỷ niệm khác mừng Ngày Chiến thắng như gửi bưu thiếp cho các cựu binh.., song phần lớn các hoạt động đều được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

An Ngọc/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm