42 triệu người mắc Covid-19 trong đó hơn và 1,1 triệu ca tử vong

24/10/2020 09:05 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h45 ngày 24/10 (theo giờ Việt Nam), trên thế giới có tổng cộng 42.469.450 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và 1.149.142 ca tử vong. Số ca bình phục là 31.423.036 ca.

Dịch COVID-19 ngày 23/10: Mức độ lây lan dịch bệnh tại châu Âu 'rất đáng quan ngại'

Dịch COVID-19 ngày 23/10: Mức độ lây lan dịch bệnh tại châu Âu 'rất đáng quan ngại'

 Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 22/10 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 42.149.569 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.144.835 ca tử vong. Số ca được điều trị khỏi bệnh là 31.265.634 người.

Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19, với 8.746.953 ca mắc và 229.284 ca tử vong. Số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ công bố ngày 23/10 cho thấy, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 8.387.047 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, tăng 74.380 ca so với ngày trước đó. Số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng 1.009 ca. Xếp thứ hai là Ấn Độ với 7.813.668 ca mắc và 117.992 ca tử vong. Tiếp theo là Brazil với 5.355.650 ca mắc và 156.528 ca tử vong. Theo Bộ Y tế Brazil, trong 24 giờ qua, nước này phát hiện thêm 30.026 ca mắc COVID-19 và 571 ca tử vong. Sau Brazil là Nga với 1.480.646 ca mắc và 25.525 ca tử vong, tiếp đến là Tây Ban Nha với 1.110.372 ca mắc và 34.752 ca tử vong.

Tình hình dịch COVID-19 tại châu Âu vẫn đang nóng lên từng ngày. Số ca mắc COVID-19 tại Pháp đã vượt ngưỡng một triệu người vào ngày 23/10. Trong 24 giờ qua, nước này có thêm 42.032 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, mức cao nhất kể từ đầu dịch, đưa tổng số lên 1.041.075 bệnh nhân. Tỷ lệ dương tính trên số ca xét nghiệm tiếp tục tăng, lên 15,1% so với 14,3% một ngày trước đó và chỉ 4,5% vào đầu tháng 9. Số ca tử vong cũng tăng 298 ca lên 34.508 ca.

Chú thích ảnh

Lệnh giới nghiêm từ 21h đêm hôm trước đến 6h sáng hôm sau có hiệu lực mở rộng ra 54 trên tổng số 101 tỉnh từ ngày 24/10, thay vì chỉ 16 tỉnh tuần vừa qua. Ông Martin Hirsch, một lãnh đạo của hệ thống bệnh viện Paris, đánh giá làn sóng dịch bệnh thứ hai ở Pháp "có thể tồi tệ hơn" đợt đầu tiên. Thủ tướng Jean Castex cũng cảnh báo rằng "những tuần tới sẽ rất khó khăn và số người tử vong sẽ tiếp tục tăng".

Tại Anh, thêm 20.530 người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, đưa tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 830.998 ca. Trong khi đó, số ca không qua khỏi cũng tăng 224 ca lên 44.571 ca. Trước tình hình này, chính quyền thành phố Warrington ở miền Bắc nước Anh đã phải lên kế hoạch áp đặt các hạn chế phòng dịch ở mức cao nhất.

Còn tại Italy - tâm dịch trước đây ở châu Âu, hơn 100 nhà khoa học, nhà nghiên cứu, giáo sư các trường đại học ở nước này đã kêu gọi Tổng thống Sergio Mattarella và Thủ tướng Giuseppe Conte có biện pháp nghiêm ngặt và quyết liệt hơn trong ngăn chặn làn sóng thứ 2 của dịch bệnh. Các nhà khoa học khẳng định mọi hoạt động kinh doanh, thương mại, sản xuất công nghiệp và việc làm của người dân sẽ bị tổn hại nếu dịch bệnh lây lan ngoài tầm kiểm soát kéo dài trong nhiều tháng. Việc triển khai ngay lập tức các biện pháp thích hợp và tuân thủ hiến pháp, để bảo vệ sức khỏe của người dân là giải pháp để cứu nền kinh tế và việc làm. Do đó, các nhà khoa học đã kêu gọi chính phủ thực hiện ngay các biện pháp nghiêm ngặt và quyết liệt trong 2-3 ngày tới.

Tính đến ngày 23/10, tổng số ca mắc COVID-19 tại Italy đã lên đến 484.869 ca, trong đó số ca mắc mới trong 24 giờ đã tăng ở mức cao nhất kể từ đầu dịch, 19.143 ca so với ngày 22/10. Trong đó, vùng Lombardia tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới cao nhất với 4.916 trường hợp, tiếp đến là vùng Campania (2.280 trường hợp), Piemonte (2.032 trường hợp).

Tại khu vực Mỹ Latinh, Phó Tổng thống Colombia Marta Lucia Ramirez ngày 23/10 thông báo bà đã mắc bệnh COVID-19 sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Phó Tổng thống Ramirez, 66 tuổi, cho biết bà đang thực hiện chế độ cách ly và tình trạng sức khỏe hiện tại vẫn ổn định. Vào đầu tuần này, bà đã tham dự một chương trình truyền hình cùng với Tổng thống Ivan Duque và một số quan chức cấp cao khác của Chính phủ Colombia liên quan đến vấn đề dịch bệnh. Thông cáo của Bộ Y tế Colombia cho biết Phó Tổng thống Ramirez có chương trình tham dự một hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo, do đó bà đã tiến hành xét nghiệm COVID-19 theo đúng thủ tục chứ trước đó quan chức này không có những triệu chứng của căn bệnh. Trong khi đó, người phát ngôn của văn phòng Tổng thống cho hay Tổng thống Ivan Duque đã xét nghiệm COVID-19 và có kết quả âm tính. Colombia hiện đang tiến tới gần mốc 1 triệu ca nhiễm COVID-19 trong đó số người tử vong do dịch bệnh là 29.636 người.

Liên quan đến cuộc chiến chống dịch COVID-19, Cơ quan Quản lý Thưc phẩm & Dược phẩm Mỹ (FDA) ngày 23/10 đã quyết định cho phép tiếp tục thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca hợp tác với Đại học Oxford phát triển. FDA đã hoàn thành việc điều tra liên quan tới 2 trường hợp tình nguyện viên nghi bị phản ứng phụ với vaccine thử nghiệm và không tìm thấy bằng chứng cho thấy vaccine của hãng AstraZeneca gây ra bệnh cho 2 người đã tham gia thử nghiệm. Mặc dù vậy, cơ quan này không loại trừ khả năng vaccine có thể liên quan và dự định sẽ yêu cầu các nhà khoa học tiếp tục cung cấp thông tin về 2 trường hợp này. 

Vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca là một trong những vaccine có nhiều triển vọng nhất đang được thử nghiệm hiện nay. Nếu kết quả thử nghiệm giai đoạn cuối cho thấy an toàn thì đây có thể là vaccine COVID-19 đầu tiên được tung ra thị trường cho sử dụng rộng rãi vào cuối năm nay. Tháng trước, AstraZeneca phải tạm ngừng thử nghiệm vaccine này trên khắp thế giới, kể cả ở Mỹ, sau khi một nữ tình nguyện viên người Anh đã phát bệnh liên quan đến thần kinh sau khi tiêm.

Phan An - TTXVN

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm