16/03/2021 08:29 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h sáng 16/3 theo giờ Việt Nam, toàn thế giới ghi nhận 120,75 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó 2,67 triệu người đã không qua khỏi.
Tổng số ca bình phục là 97,39 triệu người. Hiện còn 20,68 triệu người nhiễm virus, trong đó số ca cần điều trị tích cực là hơn 88.035 người.
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm gần 327.555 ca nhiễm mới, trong đó nhiều nhất là ở Mỹ (43.925 ca), Brazil (42.107 ca), Ấn Độ (24.366 ca), Italy (15.503 ca),...
Tại khu vực Bắc Mỹ, tỉnh Ontario - địa phương đông dân nhất của Canada, đã bước vào làn sóng dịch bệnh thứ 3. Hiệp hội bệnh viện Ontario đánh giá quan ngại về những biến thể của SARS-CoV-2 đang gia tăng và số bệnh nhân COVID-19 cần điều trị tích cực đang có chiều hướng tăng tại tỉnh này.
Số ca dương tính với SARS-CoV-2 tại Ontario đã tăng thêm 1.268 ca vào sáng 15/3, nâng tổng số ca nhiễm lên 319.374 ca, bao gồm 7.162 ca tử vong. Giới chức y tế Canada khuyến cáo cần các biện pháp phòng chống dịch khẩn cấp để tránh tình trạng quá tải tại các bệnh viện.
Tại Nam Mỹ, Bộ Y tế Chile công bố quyết định thực hiện cách ly tại 28 thành phố, bắt đầu từ ngày 18/3 do số ca nhiễm mới đang không ngừng tăng trong vài ngày.
Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 5.117 ca nhiễm, nâng tổng số ca dương tính với SARS-CoV-2 lên 896.231 ca, trong đó có 21.772 ca tử vong.
Tại Trung Đông, Jordan ngày 15/3 ghi nhận 9.417 ca nhiễm mới, mức tăng cao nhất chưa từng thấy. Hiện tổng số ca nhiễm tại nước này đã lên tới 486.470 ca.
So với 1 tuần trước, số ca nhiễm mới được thống kê hằng ngày trên toàn thế giới đã tăng khoảng 43.000 ca mặc dù nhiều nước đang đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, chương trình tiêm chủng tại một số nước đang gặp khó khăn do khan hiếm nguồn cung, trong khi vaccine của AstraZeneca - loại vaccine đầu tiên được Anh - quốc gia đầu tiên tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, sử dụng để tiêm chủng đang phải tạm ngừng sử dụng.
Ngày 15/3, thêm một loạt các nước châu Âu gồm Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha, Slovenia, Cyprus quyết định tạm ngừng sử dụng vaccine này do lo ngại về phản ứng phụ. Liên minh châu Âu (EU) đã cấp phép sử dụng loại vaccine này vào ngày 29/1 theo khuyến cáo của Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA). Dự kiến, trong chiều 16/3, EMA sẽ công bố khuyến cáo mới về vaccine AstraZeneca.
Lan Phương/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất