Thanh Hoá mua Thể Công: “Niềm tự hào” giá bao nhiêu?

03/11/2009 13:30 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - Dưới góc độ thuần tuý “tinh thần”, có thể lý giải việc Thanh Hoá mua Thể Công xuất phát từ khát vọng trở lại V-League, cùng tình yêu cuồng nhiệt đối với bóng đá của lãnh đạo và toàn thể nhân dân tỉnh Thanh.

1. Hay nói như một lãnh đạo Thanh Hoá, việc đội bóng bị rớt hạng ở mùa giải 2009 đã “chạm” đến niềm tự hào của người dân xứ Thanh. Nên, gần như ngay sau khi nắm được “tinh thần” của Bộ Quốc phòng, với việc rút các CLB khỏi V-League, lãnh đạo tỉnh Thanh đã quyết định chớp thời cơ, đặt vấn đề mua  lại đội bóng với Viettel. Người ta thấy PCT UBND tỉnh Thanh Hoá Vương Văn Việt trong những ngày qua liên tục đi-về giữa Thanh Hoá và Hà Nội để xúc tiến ký kết hợp đồng. Đương nhiên, khi các đội bóng đều đã rậm rịch chuẩn bị cho V-League, Thanh Hoá hẳn rất muốn “chốt hạ” càng sớm càng tốt. “Chất xúc tác” ở đây được cho là mối quan hệ gắn bó giữa hai bên, nếu không tính đến những lợi ích kinh tế đi kèm theo đối với cả hai. Thanh Hoá đã hứa hẹn sẽ dành cho Viettel những ưu đãi không nhỏ để phát triển việc kinh doanh trong tỉnh.


Liệu khi Thanh Hóa đá V-League 2010 với cái “ruột” Thể Công, người xứ Thanh có tự hào thế này?

2. Số tiền Thanh Hoá sẽ phải bỏ ra để đổi lấy một suất chơi ở V-League, theo như xác nhận của lãnh đạo tỉnh, sẽ không dưới 100 tỷ đồng!? Cứ cho là như vậy (bởi có thông tin là Viettel bán rẻ hơn mức họ chào Navi Bank 80 tỉ) cũng đã là “mềm”, nếu đem cân đo giá trị của Thể Công theo thời giá hiện tại trên thị trường. Để dễ hình dung, xin đưa ra vài con số dưới đây: V-League 2009, ngoài ngân sách tỉnh, số tiền đội bóng Thanh Hoá nhận được từ XMCT vỏn vẹn…1.9 tỷ đồng. Cộng cả lại khoảng trên dưới 7 tỷ. Tức là chưa đến 1/13 số tiền 100 tỷ đồng ở trên. Còn nếu so với mức 30 tỷ đồng, khoản tiền dự tính CLB bóng đá Thanh Hoá sẽ phải chi nếu muốn trở lại V-League ngay mùa giải 2010, cũng phải gấp 3. Đương nhiên, ở đây ai cũng có thể thấy, với lực lượng hiện có, Thanh Hoá khó lòng hoàn thành mục tiêu thăng hạng, cho dù số tiền đầu tư có thể tăng nhiều hơn nữa. Mua lại “xác” Thể Công được cho là phương án tối ưu hơn cả.

3. Có một thực tế, gần như ngay khi thông tin trên “bung” ra, nội  bộ đội bóng tỉnh Thanh đã không tránh khỏi sự xao động. Với các cầu thủ Thanh Hoá, đa phần đều gốc Thanh và còn ở  lứa tuổi U, việc mua lại Thể Công cũng đồng nghĩa, họ sẽ phải “bán xới” đi nơi khác. Khi toàn bộ đội hình hiện nay của Thể Công được chuyển về, ngoại trừ một số ít cầu thủ như Đình Tùng hay Văn Tuấn, gần như chắc chắn số còn lại sẽ phải ra đi, bởi không đủ khả năng cạnh tranh. Chuyển nhượng đội hạng Nhất cho một tỉnh khác, đấy là tinh thần chung của lãnh đạo tỉnh. Thanh Hoá không thể “một nách hai con” trong bối cảnh vẫn còn khó khăn về tài chính. Và như thế, câu hỏi về tương lai của mấy chục con người ở đội bóng Thanh Hoá hiện nay vẫn treo lơ lửng.

4. Đến lúc này, người ta buộc lòng phải trở lại với câu hỏi, quyết định mua lại “xác” Thể Công của lãnh đạo Thanh Hoá có phải là phương án tối ưu nhất, để lấy lại niềm tự hào cho người dân? Ở đây, lại phải nói thêm rằng, không có nhiều những người dân tỉnh Thanh cảm thấy hồ hởi, khi thông tin trên “bung” ra. Bất ngờ, có. Rồi hồ nghi, e ngại. Nhưng phấn chấn thì tuyệt đối không. Hẳn rằng, họ sẽ thực sự cảm thấy tự hào hơn, nếu như đội hình hạng Nhất hiện tại, với số tiền đầu tư chưa bằng 1 nửa con số 100 tỷ đồng ở trên, có thể hiên ngang trở lại V-League, theo đúng “chất Thanh”. Có chút gì đó hơi mang tính cục bộ, địa phương. Nhưng, thực tế là như vậy. Nó cũng như việc, ĐTQG Singapore, dù 2 lần liền bước lên đỉnh cao ĐNA, nhưng dân Singapore vẫn cảm thấy có gì đó không trọn vẹn.

Hạnh phúc của người Thanh Hoá, hẳn sẽ “đầy” hơn, nếu những cầu thủ đang thi đấu ở đội bóng, dù ở hạng Nhất, là con em tỉnh nhà. Niềm tự hào, đôi khi chỉ là thế.

Xuân Huy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm