Thảm kịch “quốc lủi” ở Ấn Độ

12/07/2009 16:37 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Trong vòngmột tuần, 122 người đã thiệt mạng tại bang Gujarat của Ấn Độ sau khi uống rượu“quốc lủi”.Con số này khiến người ta giật mình và đặt ra câu hỏi: Thảm kịch này do đâu?

Rượu pha methanol

Báo chí Ấn Độ cho biết tấn thảm kịch đã bắt đầu từ đầu tuần này, với xuất phát điểm là Mehmadabad, một vùng ngoại ô ở bang miền Tây Gujarat. Nằm cách thủ phủ Ahmadabad của bang chỉ 25km, Mehmadabad là nơi cư ngụ của ít nhất vài chục tay nấu rượu lậu. Gọi là “lậu” song thực chất họ ngang nhiên mở nhiều lò nấu dọc bờ sông Sabarmati. Thông thường, rượu lậu hay còn gọi là “rượu quốc nội” như cách gọi của người Ấn (người Việt gọi là “quốc lủi”), được làm từ đường thốt nốt, phèn và chất aluminium chloride. Sau đó người ta thêm một số hương vị cho thêm phần “rôm rả”.  
Rượu lậu được rót vào chai và bán ở Ấn Độ

Nếu chỉ có vậy thì còn đỡ. Đằng này các chủ lò rượu thường pha thêm nhiều thứ như cồn etylic để tăng thêm độ "phê". Rồi mọi việc tồi tệ hơn khi người ta pha cả cồn methyl (methanol). Methanol là một loại cồn không màu, dễ bay hơi, dễ cháy… Methanol được sử dụng như là một dung môi phục vụ cho các ngành công nghiệp pha chế sơn, dung dịch lau kính xe, mực in máy photocopy…

Methanol không phải là thực phẩm, vì vậy nếu pha chúng vào rượu sẽ gây ra tình trạng ngộ độc cực kỳ nguy hiểm. Người uống rượu pha methanol thường có các triệu chứng chán ăn, đau bụng, buồn nôn, nhức đầu, chóng mặt, lú lẫn, hôn mê, co giật, động kinh, sợ ánh sáng, mù lòa, thở nhanh, khó thở, tím tái, suy hô hấp, tụt huyết áp và tử vong nếu ngộ độc nặng.

“Bí mật mở

Rượu pha methanol là nguyên nhân khiến các nạn nhân đầu tiên, những người uống rượu lậu trong một đám cưới, bị ngộ độc. Tiếp đó hàng loạt nạn nhân xuất hiện, nhiều người sống ở các khu ổ chuột quanh Amadabad. Tính tới ngày 11/7 số nạn nhân đã tăng lên 122 người. Khoảng 224 người khác đang được điều trị tại các bệnh viện ở Ahmadabad, trong số đó có nhiều người trong tình trạng nguy kịch.

Tính chất nghiêm trọng của vụ việc đã khiến cảnh sát Gujarat không thể thờ ơ. Họ bắt được một trong những tay nấu rượu lậu nổi tiếng ở Mehmadabad và qua điều tra, y thừa nhận có pha rượu với methanol. Tay này mua loại cồn độc hại ở một nhà máy hóa chất gần đó. Được biết, 5 ngày sau tấn thảm kịch bắt đầu, người dân Gujarat vẫn tiếp tục uống rượu độc. Tay chủ lò nhẫn tâm cho biết riêng y đã sản xuất khoảng 400 lít rượu pha methanol.

Rượu lậu, còn được gọi là “desi daroo” ở Gujarat, thường được bán với giá 10 rupee (khoảng 0,2 USD) cho một túi nhựa 200ml. Đại đa số người tiêu thụ là dân lao động nghèo. Các túi rượu được những tay vận chuyển chuyên nghiệp đưa tới Ahmedabad. Đôi khi rượu được chở trong các can xăng. Chúng được bán tại nhiều khu ổ chuột nằm rải rác quanh Ahmedabad. Theo báo chí Ấn Độ, rượu lậu được xem là một “bí mật mở”. Cảnh sát biết những tay nấu rượu lậu ở đâu và đang làm gì nhưng không tìm cách ngăn cản. Thay vì thế họ thu tiền bảo kê từ các chủ lò rượu.

Về phần người tiêu dùng, họ cũng có lỗi khi tiêu thụ rượu lậu. "Những nạn nhân trong bệnh viện nói rằng thiếu rượu họ không thể lao động hoặc đi ngủ. Đó là một phần cuộc sống của họ, nói tóm lại họ đã nghiện. Lên cơn thèm, họ sẽ uống bất kỳ thứ gì có thể mua" - một phóng viên kỳ cựu ở Gujarat kể lại với hãng tin BBC.
 
Một nạn nhân của vụ ngộ độc rượu lậu mới nhất tại Gujarat

Hạn chế thiệt hại

Một số người nhận xét rằng thật mỉa mai khi thảm kịch lại trầm trọng hơn cả ở Gujarat, bang duy nhất tại Ấn Độ cấm bán và tiêu thụ rượu. Thực ra lệnh cấm đã khiến hoạt động kinh doanh rượu trong thế giới ngầm nở rộ. Tình trạng chết vì rượu lậu không phải là chuyện lạ ở Ấn Độ. Vài năm trở lại đây thảm kịch này cũng xảy ra ở nhiều bang khác như Tamil Nadu, Karnataka và Rajasthan. Trong phần lớn các trường hợp rượu lậu được pha methanol hoặc một số chất công nghiệp độc hại khác.

Theo các ước tính, khoảng 440 người Ấn Độ đã chết vì uống rượu lậu ở Gujarat trong khoảng thời gian từ năm 1977 đến năm 1990. Thảm kịch mới xảy ra được xem là có quy mô lớn nhất kể từ thập kỷ trước. Sự việc đã buộc chính quyền Gujarat phải huy động 1.000 cảnh sát tham gia một chiến dịch đóng cửa 1.200 lò nấu rượu lậu và bắt giữ 800 chủ lò. Trong số những kẻ bị bắt có Harishankar Kahar, bí danh Hari, là tay lái rượu nổi tiếng nhất.

Dựa vào lời khai của y, người ta hiện đã lần ra tên Vinod Dagri, dân gốc Mehamdabad và là kẻ sản xuất và bán khoảng 1.000 lít rượu độc cho Hari. Y đã lẩn trốn sau khi xuất hiện tin tức về các vụ ngộ độc chết người và hiện đang bị truy nã. Cơ quan điều tra cũng đang truy tìm tên Abdul Shara, một tay nấu rượu lậu khác, và một số kẻ cung cấp các hóa chất độc hại. Chinh phủ Ấn Độ cũng lập một ủy ban điều tra để xem xét tấn thảm kịch. Dự kiến ủy ban này sẽ công bố báo cáo về vụ việc vào ngày 30/11.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm