Thăm chợ Giời trước ngày di dời

10/10/2012 10:05 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Mới đây, theo chủ trương của TP Hà Nội, chợ Hòa Bình - chợ tạm lâu đời nhất thủ đô vốn đóng đinh vào đời sống người dân với tên gọi là chợ Giời, sẽ phải di dời.

Lần đầu tới chợ Giời, nằm trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, người ta hoàn toàn có thể bị lạc lối, mất phương hướng trong khu chợ có cả "những ngã tư và những cột đèn" và “ma trận” với những linh kiện, thiết bị lủng lẳng treo khắp dọc lối đi.

Dân buôn không quan tâm di dời

Đi cùng tôi là một anh bạn vốn là "thổ dân" chợ Giời, anh hướng dẫn tỉ mỉ "sơ đồ" chợ: Phố Chùa Vua bán phụ tùng xe máy. Ngõ Trần Cao Vân bán các loại linh kiện điện tử. Ngõ Yên Bái bán đồ điện. Phố Thịnh Yên bán loa đài và các chủng loại đồ điện tử. Phố Lê Gia Định bán phụ tùng ô tô…

Khác với mường tượng ban đầu của chúng tôi, tiểu thương ở chợ không hề hoang mang vì "nồi cơm" đang bị "lung lay". Thậm chí, việc di dời

không đáng là chủ đề "buôn" chuyện của dân bán hàng. Lần mò trong "rừng linh kiện", chúng tôi cũng tới được ban quản lý chợ Hòa Bình. Một cán bộ Ban Quản lý chợ cho hay: Chợ bị dọn đi hay không là việc của giời! Người dân ở đây không có gì xôn xao cả. Hỏi chợ Hòa Bình ở đâu không biết, nhưng hỏi chợ Giời thì ai cũng biết".



Một góc chợ Giời

Vị cán bộ này cũng băn khoăn: Chúng tôi đã mất bao thời gian mới đưa chợ vào được khuôn khổ như vậy. Bởi tổ chức gian hàng, hệ thống kho,
phải tổ chức hàng năm giời mới được".

Lời vị này cũng không hẳn không có lý. Không "chính thống" như cầu Long Biên, Nhà hát Lớn…song chợ Giời lại là một dấu vết đặc biệt ghi lại những "khúc quanh" lớn của đời sống nhân dân thủ đô. Tôi bất chợt bắt gặp hình ảnh chiếc máy khâu Liên Xô cũ kĩ, được "tút" lại thành bàn bày bán các linh kiện. Những hàng chữ hoen gỉ trên khung máy, gợi đến những tháng năm dài của lịch sử chợ Giời.

Theo nhiều thông tin, chợ Giời bắt đầu có từ năm 1954 - 1955, những người Bắc di tản vào Nam sinh sống kéo nhau tới góc phố Huế bán tháo tài

sản. Chợ Giời hình thành từ đó. Có nhiều cách giải thích cái tên chợ Giời (hay chợ Trời). Người cho rằng vì mua bán ở ngoài trời, không vòm che nên gọi là chợ Giời. Sau cái tên này thấm đẫm vào tâm thức dân gian song ngôn ngữ có phần thay đổi nên một vài người gọi là chợ Trời. Lại có chuyện rằng, vì chợ bán toàn đồ "đểu" nên khi mua hàng xong, người mua mới phát hiện ra và thảng thốt kêu "Giời"…

Trong những năm chiến tranh, chợ Giời tồn tại đáp ứng những chiêu trò "du di" về cung cầu hàng hóa của người dân trong nền kinh tế chặt chẽ thời chiến. Lúc ấy, chợ là mục tiêu dẹp bỏ của chính quyền. Thời cực thịnh của chợ Giời là khoảng năm 1975- 1985, khi kinh tế bao cấp không thích hợp với thời bình. Và những gì không mua bán do tem phiếu, người ta mang ra chợ Giời trao đổi. Từ cục pin tiểu tới con gà, cân gạo và cả cái xe máy "cá ươn". Vào giai đoạn này, chợ Giời phần nào giúp "cân bằng" được những mâu thuẫn trong nền kinh tế thủ đô.

"Cũng bởi thế, năm 1985, chợ Hòa Bình được phép thành lập Ban Quản lý"- ông Trung, cán bộ Ban Quản lý chợ bùi ngùi nhớ lại. Từ chợ "ngầm", do quy mô phát triển và tính tích cực, chợ Giời đã được thừa nhận và đường đường chính chính trở một phần của đời sống người dân Hà thành.

Sau ngày đổi mới, từ chỗ buôn đủ các loại mặt hàng, chợ Giời dần khu biệt thành "sân chơi" riêng của những người yêu công nghệ, kỹ thuật.

Vẫn là chợ Giời thôi!

Chợ Giời qua nhiều giai đoạn vẫn tồn tại như một dấu vết thú vị về lịch sử, đời sống thủ đô. Ngày 19/9/2012, UBND quận Hai Bà Trưng đã kiến nghị thành phố di chuyển chợ tới địa điểm khác đảm bảo hạ tầng, vệ sinh, môi trường, phòng cháy chữa cháy.

Lý do được đưa ra là tại chợ Hòa Bình đã gây ô nhiễm môi trường và cản trở giao thông trong nhiều năm. Quận Hai Bà Trưng đề xuất chợ Giời sẽ được di chuyển tới chợ đầu mối Đền Lừ (quận Hoàng Mai). Vừa qua, thành phố đã có văn bản phúc đáp, đồng ý về chủ trương di chuyển chợ đi nơi khác.

Chợ di chuyển, người Hà thành nghe tin lại giật mình kêu "Trời!".

Nhưng bản thân những người bán hàng lại thản nhiên. Bởi có lẽ, như nhiều tiểu thương chúng tôi gặp, với họ, chợ Hòa Bình dù có dời đi đâu, thì Hà Nội vẫn cần có chợ Giời. Có phải vì thế mà họ tự tin?

Phạm Mỹ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm