Có hay không bóng ma doping trong quần vợt?

29/11/2015 18:47 GMT+7 | Tennis

(Thethaovanhoa.vn) – Roger Federer bảo rằng anh cảm thấy thật ngạc nhiên khi mình rời khỏi sân đấu mà không thấy ai yêu cầu cung cấp mẫu xét nghiệm doping cả. Điều đáng nói là phải sau khi thế giới rúng động bởi scandal doping của điền kinh Nga, người ta mới chú ý đến những phát biểu như thế.

Mới đây, Liên đoàn điền kinh thế giới (IAAF) đã cấm thi đấu tạm thời với các VĐV điền kinh Nga sau bê bối sử dụng doping vừa bị phát hiện. Nhưng rất có thể tình trạng sử dụng doping có phải chỉ diễn ra với mỗi môn điền kinh? Và phạm vi chắc chắn không chỉ ở riêng nước Nga.

Công tác kiểm tra doping còn lơi lỏng

“Bất kỳ khi nào bạn vào đến tứ kết một giải đấu, tích lũy nhiều điểm hơn và kiếm được nhiều tiền hơn, bạn cần biết rằng mình sẽ bị kiểm tra doping. Tôi nghĩ việc kiểm tra doping với các tay vợt là việc cần làm và không khó khăn gì. Nếu người ta tiến hành xét nghiệm nhiều hơn nữa, tôi hoàn toàn ủng hộ. Không chỉ là kiểm tra trong nhiều tuần, nhiều tháng mà ý tôi là kiểm tra trong nhiều năm. Phải làm thế thì những ai định dùng doping mới thấy chờn”, Federer quả quyết như vậy trong buổi họp báo trước thềm ATP World Tour Finals 2015.


Roger Federer bảo rằng anh cảm thấy thật ngạc nhiên khi mình rời khỏi sân đấu mà không thấy ai yêu cầu cung cấp mẫu xét nghiệm doping cả

Quần vợt là một môn thể thao đòi hỏi thể lực cao, và điều đó đồng nghĩa với việc có thể phát sinh những trường hợp sử dụng doping nhằm tăng cường sức bền và độ dẻo dai, đặc biệt là trong những thời điểm quyết định của trận đấu. Và điều đáng buồn là công tác kiểm tra doping trong quần vợt lại không được xem trọng như nhiều môn thể thao khác. Andre Agassi từng tiết lộ trong cuốn tự truyện của mình rằng anh rất nhiều lần sử dụng doping và hít cocain nhưng chẳng hề bị phát hiện.

Cách đây hai năm, Cơ quan chống doping Hoa Kỳ (USADA) từng có một thống kê gây sốc về kiểm tra doping. Trong tổng số 1.919 vụ kiểm tra doping mà tổ chức này thực hiện, chỉ có… 19 vụ đối với các VĐV quần vợt và tất cả đều không phải trong thời gian diễn ra giải đấu. Một so sánh: các VĐV ở bộ môn điền kinh phải trải qua 496 cuộc xét nghiệm (392 lần ngẫu nhiên, 104 lần ở các giải đấu).

Federer kêu gọi tăng cường kiểm tra doping trong tennis

Federer kêu gọi tăng cường kiểm tra doping trong tennis

Roger Federer tin rằng các tay vợt nên xét nghiệm doping nhiều hơn nữa để đảm bảo rằng tình trạng sử dụng doping không xảy ra trong quần vợt.


Sau hai năm, công tác kiểm tra doping đã tiến triển như thế nào? Theo thống kê từ đầu năm, USADA đã kiểm tra doping 16 tay vợt, với tổng cộng 37 lần. Trong số này, chị em nhà Williams mỗi người 5 lần phải kiểm tra, John Isner có 4 lần, còn anh em nhà Bryan thì tổng cộng 8 lần. Một điều dễ nhận thấy là USADA tập trung rất nhiều vào các tay vợt tốp đầu của Mỹ, trong khi điều ngược lại thì đang diễn ra ở WADA, khi những ngôi sao như Novak Djokovic, Roger Federer hay Andy Murray rất ít phải kiểm tra doping.

Tăng cường kiểm tra để giáo dục nhận thức

Federer tin rằng hình thức kiểm tra doping của Thụy Sỹ hiện nay là chặt chẽ nhưng cần phải tăng cường kiểm tra doping thường xuyên hơn cả khi giải đấu không diễn ra. Federer cũng tiết lộ rằng anh chỉ phải kiểm tra doping 5 lần trong năm nay, và như thế vẫn còn ít. Tại sao cần phải xét nghiệm doping nhiều hơn với các VĐV thể thao nói chung và quần vợt nói riêng? Lí giải của Roger rất đơn giản: “Phải kiểm tra doping nhiều hơn nữa để các VĐV biết rằng họ sẽ phải làm xét nghiệm doping. Vì thế họ sẽ phải từ bỏ bất kỳ ý nghĩ dại dột nào xuất hiện trong đầu”.

Chương trình kiểm tra doping quần vợt được áp dụng từ năm 1993 và do Liên đoàn quần vợt quốc tế (ITF) giám sát, cùng với ATP Tour và WTA Tour. Tuy nhiên, phải đến năm 2005, những cuộc thử doping ở ngoài các giải đấu mới được triển khai.

Theo một thống kê gần đây, mỗi năm có hơn 3500 ca kiểm tra doping, bao gồm 1400 ca không phải ở giải đấu. Các tay vợt top 50 ATP trung bình kiểm tra doping 7 lần/năm, còn với top 50 WTA thì là 4 đến 6 lần.

Bê bối doping: Điền kinh Nga CHÍNH THỨC bị cấm tham dự Olympic 2016

Bê bối doping: Điền kinh Nga CHÍNH THỨC bị cấm tham dự Olympic 2016

Liên đoàn điền kinh thế giới (IAAF) đã quyết định cấm điền kinh Nga tham dự các giải đấu quốc tế do bê bối doping.


Cách đây hai năm, Djokovic từng tuyên chiến với ITF và WADA, sau vụ bạn thân của anh là Viktor Troicki bị treo vợt 18 tháng (sau giảm xuống còn 12 tháng) vì không nộp mẫu máu thử doping mà chỉ nộp mẫu nước tiểu. Quan điểm của tay vợt người Serbia bây giờ ra sao? Anh bảo rằng mình chẳng gặp vấn đề gì với hệ thống kiểm tra hiện tại: “Tôi lúc nào cũng sẵn sàng. Họ biết tôi ở đâu, tôi chẳng phải che giấu gì cả”.

Những vụ doping đáng chú ý trong quần vợt

- Andre Agassi: Huyền thoại người Mỹ không bị phát hiện dùng doping nhưng sau đó, chính anh đã thừa nhận năm 1997, mình hay dùng methamphetamine và sử dụng cocaine.

- Guillermo Coria: Coria bị phát hiện sử dụng nandrolone hồi tháng 4/2001, và bị treo vợt 2 năm. Sau đó, anh trở lại và leo lên hạng 3 thế giới vào tháng 5/2004.

- Mariano Puerta: Á quân Roland Garros từng hai lần sử dụng doping. Năm 2003, anh dương tính với clenbuterol và bị cấm thi đấu 9 tháng. Đến tháng 12/2005, anh lại etilefrine và bị cấm thi đấu 2 tháng nữa.

- Martina Hingis: Tháng 11/2007, Hingis bị phát hiện dương tính với benzoylecgoline và bị treo vợt 2 năm. Cô cũng từ giã sự nghiệp luôn.

- Richard Gasquet: Tay vợt người Pháp bị dương tính với cocaine hồi tháng 5/2009 do… hôn một phụ nữ ở hộp đêm.

- Viktor Troicki: Tháng 7/2013, Troicki bị cấm thi đấu 1 năm vì cố tình không nộp mẫu máu khi kiểm tra doping.

- Marin Cilic: Tháng 9/2013, Cilic có phản ứng dương tính với nikethamide, dẫn đến bị cấm thi đấu 9 tháng. Một năm sau, anh bất ngờ vô địch US Open.

Phương Chi
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm