Sự thật quặn đau đằng sau thất bại cay đắng của Barca trước Milan năm 1994

28/03/2012 20:21 GMT+7 | Barcelona

(TT&VH Online) - Milan của hôm nay vào rạng sáng mai sẽ đón tiếp Barcelona tại lượt đi tứ kết Champions League 2011-2012 trên sân nhà San Siro. Thắng thua chưa biết thế nào, nhưng người đời vẫn biết rằng cách đây 18 năm về trước, tại Athens của thần thoại, Milan đã từng “giết” Dream Team của Barca và giấc mơ Champions League lần thứ 2 của người Catalunya cũng “chết” từ đó, mãi đến tận hơn 1 thập kỷ về sau. Và đây là những gì đã diễn ra vào cái đêm Athens nghiệt ngã với Barcelona!

Nhiều đêm sau đó, sau cái đêm ở Athens ấy, vị trợ lý HLV của Barca thừa nhận rằng họ đã không thể giành chiến thắng trước người Ý. Nhưng cũng một đêm trước cái đêm định mệnh ấy, HLV đương thời của Barca ngày hôm nay khẳng định rằng đội bóng của mình là không thể bị đánh bại bởi người Ý kia. Ngày 18 tháng 5 năm 1994 từng được xem là ngày mà Dream Team đi vào bất tử. Nhưng oái ăm thay, đó lại là đêm mà Dream Team “chết”. Johan Cruyff cũng từng hứa hẹn rằng ông sẽ chấm dứt quyền bá chủ của Milan, nhưng Milan mới là người kết liễu Barca của ông. 4 danh hiệu La Liga liên tiếp trong 4 năm và 1 chiếc cúp bạc châu Âu tại Wembley, chỉ có bấy nhiêu, Dream Team của Cruyff chỉ dừng lại ở đó.

Tháng 11 năm 1994 (mùa giải sau), tại vòng bảng Champions League 1994-1995, Barcelona huỷ diệt M.U 4-0 đến nỗi một cầu thủ của M.U đã từ chối ra sân trong trận lượt về ở Camp Nou. Nhưng đó cũng là điệu Van-xơ vô nghĩa cuối cùng của kỷ nguyên Johan Cruyff. Sau thảm hoạ Athens, Barcelona của Cruyff không thể giành thêm bất kỳ một chiếc cúp nào. Đầu mùa hè năm 1996, Cruyff cùng với Phó CT Joan Gaspart bị sa thải, đó cũng là lúc ngọn lửa “nội chiến” nổ ra và âm ỉ đến tận ngày nay.


Milan ăn mừng chiến thắng trước Barca năm 1994 - Ảnh Internet

Không một ai dám nghi ngờ vào chiến thắng của Barcelona tại Athens, ít nhất là đối với toàn thể con người, xứ sở Barcelona. Dream Team của Barca là một cuộc cách mạng và bản thân Cruyff cũng như thế. Cách tiếp cận và cảm thụ bóng đá của ông hoàn toàn “phản” văn hoá túc cầu giáo, nó hoàn toàn làm “lệch lạc” mọi thước đo của môn thể thao này. Nhưng nó mang lại sự thành công: Barca giành danh hiệu vô địch La Liga thứ tư liên tiếp chưa từng có và trước trận CK Champions League 1994, Cruyff đã có trong tay 1 chiếc cúp bạc của giải đấu này.

“Barcelona là ứng cử viên vô địch,” Cruyff đã nói như thế. “Chúng tôi đã hoàn thiện hơn, xuất sắc hơn và già rơ hơn (trận CK 1992 tại) hồi tại Wembley. Milan chả là gì trong thế giới này. Thứ bóng đá của họ chỉ dựa trên phòng thủ và phòng thủ. Còn chúng tôi, chúng tôi là tấn công!” Để minh hoạ cho quan điểm của mình, Cruyff đã đặt lên bàn cân Romario, bản hợp đồng ông mang về và đã ghi 30 bàn trên 33 trận, với Marcel Desailly của AC Milan. “Đó!” Cruyff nói, “…điều đó thôi đã nói lên tất cả!” “Những lời nói thiếu tôn trọng của Cruyff đã hoàn toàn “vật” lại các cầu thủ của ông!” Billy Costacurta nhớ lại, và ông nói tiếp: “Nếu họ không như thế, mọi chuyện có lẽ đã khác với Barca.”

Vào buổi sáng trước của ngày trận đấu diễn ra, tờ nhật báo El Mundo Deportivo của Barcelona tuyên bố trên các trang báo của mình rằng “Barcelona đang trải qua thời khắc ngọt ngào nhất” sẽ đối đầu với một “Milan tệ hại thời Berlusconi: Cruyff là người chiến thắng. Ngược lại, Fabio Capello vẫn chưa thể vươn đến đấu trường quốc tế.” Ruud Gullit, Marco van Basten và Frank Rijkaard đã ra đi, Milan giờ cũng chỉ còn 2 trong số bộ tứ vệ của mình là Costacurta và Franco Baresi. “Chúng tôi không phải là ứng cử viên,” Paolo Maldini hồi tưởng lại thời đó. Barcelona chỉ biết có mỗi điều đó, họ biết quá rõ!

Show truyền hình hài kịch Crackovia của xứ Catalunya đã phát hoạ một cách trào phúng về trận CK ấy. Ở đó, chiến thuật của Cruyff là “không có chiến thuật gì cả”, chiến thuật chính là một thông điệp: “Barcelona, nhà vô địch!” Cũng chẳng quá xa xôi mấy, bởi “Chúng tôi đến CK là để lấy cúp, chứ không phải để giành cúp,” đó là những lời của một thành viên trong ban huấn luyện Barca đã nói. Còn Charly Rexach, trợ lý HLV, thì rất dứt khoát nhớ lại: “Chúng tôi đã không chuẩn bị gì, chúng tôi đã không tập trung mấy. Athens chính là sự mở màn của sự kết thúc.” Vị giám đốc của Barcelona ngày nay cũng khẳng định thêm rằng: “Cũng là một HLV, Pep Guardiola có trong mình những nguyên tắc của Cruyff, nhưng Pep khắt khe hơn, quy củ hơn và ông quan trọng hoá mọi vấn đề hơn. Đó là những gì mà ở Cruyff đơn giản… chưa bao giờ có.”

Nếu như ở Wembley 1992, các học trò của Cruyff truyền tai nhau rằng: “Hãy ra sân và chơi theo cách của bạn!” Thì cũng đoàn quân ấy, ở Athens, họ cứ như thể: “Các anh giỏi hơn họ, các anh đến để chiến thắng! Rõ chưa!?” Năm 1992, Cruyff được ngợi ca là một thiên tài, thì ở năm 1994, ông bị cười nhạo như một thằng hề.

Milan đã hoàn toàn bóp ngạt hàng tiền vệ của Barca. Desailly bị Cruyff chê bai lại hoàn toàn khủng khiếp, Demetrio Albertini thì cực kỳ sáng tạo. Guardiola không thể trụ vững, và Barcelona không thể triển khai nổi bóng. Romario và Hristo Stoichkov thì không bao giờ thấy họ có bóng trong chân. “Không phải vì chúng tôi đã chơi tệ.” Cuyrff nói sau trận đấu, “mà bởi vì chúng tôi đã không chơi hết sức mình.”

Trong mỗi trận đấu của mình, Cruyff đều phải chọn ra 3 trong số 4 cầu thủ ngoại quốc trong đội hình – Romario, Ronald Koeman, Stoichkov, Michael Laudrup – để mang ra sân. Tại Athens, ông cất Laudrup trên ghế dự bị, điều mà ông đã làm rất thường xuyên, điều đặc biệt ở chỗ đó cũng là lúc chuyện tương lai của cầu thủ Đan Mạch này bắt đầu rộ lên. Làm việc cùng với Cruyff luôn rất vất vả và rõ ràng là Laudrup đã không chịu ký tiếp vào một bản hợp đồng gia hạn vì sức ép kinh khủng từ ông thầy mình. “Khi tôi nhìn thấy Laudrup không ra sân thi đấu, tôi đã thở phào nhẹ nhõm,” Capello tâm sự về ngày đó. “Cậu ta là một trong những cầu thủ mà tôi lo lắng nhất.”

Milan đã ghi 2 bàn trong hiệp 1, Daniele Massaro lập cú đúp. 2 phút khi bước vào hiệp 2, Dejan Savicevic lập công bằng một cú lốp bóng tuyệt đẹp. “Khi bàn thứ 3 đến, chúng tôi hiểu rằng mọi thứ đã kết thúc,” thủ thành Andoni Zubizarreta của Barca ngày đó nhớ lại. “Đó là đêm đáng quên nhất sự nghiệp của tôi.” Trận đấu khép lại với tỷ số chung cuộc 4-0 cho Milan, một trong những kết quả chênh lệch nhất trong lịch sử của một trận CK Champions League. Quá vĩ đại cho sự nhàm chán mang tên Milan, quá vĩ đại cho cái gọi là phòng thủ kiểu Milan! Massaro nhận chiếc huy chương khi khoác lên mình chiếc áo đấu của Stoichkov – người anh hùng Bulgaria trong mắt ông. Đó là chiếc cúp châu Âu thứ 5 của Milan và với Barcelona, thời điểm ấy chỉ có 1 mà thôi!

Căn phòng thay đồ của Barcelona ngày hôm ấy thật yên ắng: “Cái chết”, như cụm từ mà một nhân viên trong ban huấn luyện Barca hồi tưởng lại, “chết, chết và chết. Khi mà đội bóng cần sự động viên nhất, họ đã không thể có được nó.” Cruyff đi tới đi lui, ông câm nín, rồi ông rời khỏi phòng. Cuối cùng, thủ môn Zubizarreta nhắc toàn đội nhớ rằng họ đã giành cúp La Liga thứ tư liên tiếp và họ có thể đoạt lại cúp Champions League vào mùa giải năm sau. Nhưng ông và Barca đã chẳng bao giờ có được cơ hội ấy lần nữa, họ đã không làm được, mọi thứ đã vụt tắt. Những tia sáng nhỏ nhoi biến mất và chỉ còn lại vực sâu thăm thẳm.

Barcelona năm đó may mắn giành chiếc cúp La Liga thứ tư liên tiếp của mình trong vòng đấu cuối – may mắn đó xuất phát từ cú sút penalty không thành công ở những phút cuối trận của Miroslav Djukic bên phía Deportivo La Coruna. Cùng thời điểm đó, họ giành quyền đến Athens. Laudrup nhớ lại rằng, tại kỳ World Cup mùa hè năm đó, 11 cầu thủ Barcelona sẽ lên đường đến Mĩ và ông cho rằng chính đấu trường danh giá nhất thế giới này cũng là một khía cạnh của vấn đề: “Luôn có một cách biệt cực lớn trong phong độ của chúng tôi.”

Stoichkov và Romario là 2 trong số những cầu thủ kiệt xuất của kỳ World Cup 94 tại Mĩ; thất bại của CLB họ khoác áo đổi lấy thành công tại tuyển quốc gia. Romario về sau hồ hởi nói: “Cruyff đã không vô địch World Cup, nhưng tôi đã làm được.” Stoichkov và Romario, trước đó vẫn là đôi bạn thân, nhưng kể từ sau World Cup, mọi thứ đã khác. Tình bạn giữa họ trở nên căng thẳng, Stoichkov đã không đến Rio để chia vui cùng Romario và gia đình người bạn như đã hứa, thay vì vậy, anh nhận lời mời đến bữa tiệc của Thủ tướng Bulgaria.

“Romario đã không bao giờ có thể “trở lại” sau kỳ World Cup. Thể xác anh vẫn thế, nhưng tâm trí anh thì cứ vẫn ở Rio mất rồi!” Stoichkov đã nói như thế. Những lời buộc tội nổ ra, những nghi ngờ lan truyền, và không lâu sau đó, Stoichkov nói trên một đài phát thanh rằng: “Cruyff hoặc là tôi!”

Nhưng vẫn còn đó những vấn đề khác nảy sinh trước đó, những căng thẳng ngầm được dựng nên trước khi trận CK Champions League 1994 diễn ra đã leo thang và trỗi lên mạnh mẽ sau thất bại cay đắng trước người Ý. “Chúng tôi đã ngủ quên trên vinh quang của chính mình,” Rexach nhớ lại ngày đó. “Chúng tôi đã không có một kế hoạch chuẩn bị chu toàn cho tương lai.” Đau đớn sau thất bại 0-4 trước Milan, thái độ của Cruyff sau đó trở nên tồi tệ và ông đã biến tập thể Barca thành vỡ vụn. Zubizarreta trước đó được hứa sẽ có một bản hợp đồng mới, nhưng bản hợp đồng ấy chỉ mãi là tờ giấy với những điều khoản mà không có lấy chữ ký. Cái ngày sau trận CK, khi cả đội đang trên xe buýt hướng đến phi cơ riêng để về Barcelona, Zubizarreta được thông báo rằng ông sẽ phải rời khỏi CLB khi về đến nhà. Quyết định ấy đã khiến Guardiola chìm đau trong nước mắt. Còn về Laudrup, người còn lại cuối cùng của trận CK năm đó, đã thông báo vào vài ngày sau rằng ông cũng sẽ ra đi. Laudrup đến Real Madrid. Còn Zuibizarreta, ông đến Valencia!

Hoàng Thông (theo The Guardian)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm