Tarzan đến Paris

19/08/2009 15:46 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Cách đây gần một thế kỷ, nhà văn Mỹ Edgar Rice Burroughs đã cho ra đời tiểu thuyết Tarzan Of the Apes - cuốn đầu tiên trong loạt truyện về một cậu bé người Anh trở thành “vua rừng xanh”. Giờ đây, nhân vật hư cấu này đang là chủ đề của một cuộc triển lãm tại bảo tàng Quai Branly ở Paris (Pháp).

Từ tiểu thuyết tới phim ảnh

Ngoài 24 cuốn truyện của nhà văn Burroughs, đã có rất nhiều bộ phim về nhân vật nổi tiếng nhất do ông sáng tạo ra. Tarzan hiện là điểm thu hút chính tại bảo tàng dân tộc học Quai Branly ở Paris. Triển lãm này trưng bày những cuốn truyện tranh, thú nhồi bông, các sản phẩm làm bằng tay của thổ dân châu Phi và chiếu nhiều trích đoạn phim...

Trong các câu chuyện của Burroughs, Tarzan là con trai một huân tước Anh và bị bỏ lại trên đảo hoang ở vùng biển Đông Phi. Mẹ Tarzan chết vì bệnh khi cậu bé mới một tuổi còn người cha thì bị con đầu đàn của bầy khỉ không đuôi giết. Bầy khỉ này đã mang cậu bé đi và nuôi dạy. Con khỉ mẹ gọi cậu bé là Tarzan, theo ngôn ngữ của loài khỉ có nghĩa là “da trắng”. Thực ra tên thật của cậu bé là John Clayton.

Trong các cuốn sách, Tarzan có trở lại Anh, học 12 ngôn ngữ, gồm cả tiếng Latin, trước khi quay về rừng xanh. Điều đó khác hẳn với các bộ phim mô tả Tarzan hầu như không biết nói. Nhân vật này còn là phương tiện để thể hiện quan điểm của Burroughs, một người yêu thích học thuyết tiến hóa của Darwin và miễn cưỡng tin vào tôn giáo. “Qua học thuyết Darwin, Burroughs còn quan tâm tới những vấn đề nhân chủng học khác nhau. Trong con người Tarzan có cả mảng sáng và mảng tối. Tarzan có thể là người hùng rừng xanh đầu tiên không săn bắn động vật để tiêu khiển” - Stephane Martin, Giám đốc bảo tàng Quai Brandy và là người nêu ý tưởng tổ chức cuộc triển lãm nói trên, giải thích.

Triển lãm có một gian trưng bày hình ảnh của 15 diễn viên đã hóa thân thành Tarzan, trong đó nổi tiếng nhất là nhà vô địch Olympic về bơi lội Johnny Weissmuller.

Một áp-phích phim về Tarzan

Ảnh hưởng từ châu Phi

Tarzan là một nhân vật có đôi chút kỳ lạ nhưng không kỳ lạ như châu Phi mà ta từng thấy trong các bộ phim. Burroughs chưa hề tới lục địa Đen nhưng dường như điều này chẳng ảnh hưởng gì đến thành công của các tiểu thuyết về Tarzan. Còn trên màn ảnh, các nhà làm phim đã dễ dàng tạo ra những bối cảnh sinh động, nào là con hổ trong rừng rậm hay các cuộc chạm trán của Tarzan với người Viking...

Châu Phi của Tarzan vô cùng rộng lớn. Và Stephane Martin khẳng định văn hóa đại chúng phương Tây đã chịu nhiều ảnh hưởng của châu lục này. “Phần lớn văn hóa đại chúng đương đại, từ âm nhạc của Bjork đến nghệ thuật xăm mình hay những điều tương tự như vậy, đều chịu ảnh hưởng của châu Phi. Những ảnh hưởng này đang phát triển bên cạnh nền văn hóa phương Tây truyền thống. Khi tôi còn bé thì hầu hết người dân Scotland đều mặc váy. Giờ đây họ thích hòa vào điệu nhảy haka, vẽ hình moko như người Maori và xăm mình. Thật thú vị khi thấy phương Tây liên tục chịu ảnh hưởng từ các nền văn hóa khác và Tarzan là một ví dụ trong đó”.

Việt Thanh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm