Tăng học phí - Hiệu trưởng cũng 'mếu'!

01/07/2013 16:10 GMT+7 | Giáo dục



Thành công trong kỳ thi tuyển sinh, nắm được tấm vé vào học đại học (ĐH) là chuyện khó khăn. Tuy nhiên, để đảm bảo điều kiện được tiếp tục đến giảng đường ĐH cũng là một áp lực lớn đối với nhiều sinh viên. Và câu chuyện học phí luôn là vấn đề gây đau đầu cho cả người học lẫn nhà trường.

Bài toán cân đối về học phí

Nhìn vào bức tranh học phí của các trường ĐH, CĐ ngoài công lập chúng ta dễ dàng nhận ra có trường thì rất cao (30 triệu/năm), có trường thì ở ngưỡng trung bình (15 triệu/năm).

Điển hình, ĐH Hoa Sen (TP.HCM) trong năm học tới, thu học phí chương trình tiếng Việt từ 3,5-3,8 triệu đồng/tháng, chương trình tiếng Anh là 4,1-4,3 triệu đồng/tháng… Mức học phí này tăng 8% so với năm học trước. Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM thì có mức học phí bình quân là 7,4 triệu đồng/tháng, chưa kể tiền học tiếng Anh.

ĐH Quốc tế miền Đông có mức học phí dao động trung bình từ 2,7 triệu đồng/tháng đến 1,8 triệu đồng/tháng. Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TP.HCM cũng có mức học phí khá cao, từ 1,3-1,5 triệu đồng/tháng. Ở ĐH Hồng Bàng thì mức học phí từ 15 đến 19 triệu đồng/năm ở hệ ĐH…


Trong khi đó, ĐH Văn Lang có mức thu học phí dự kiến 14 triệu đến 24 triệu đồng/năm tùy theo từng ngành và mức học phí này sẽ giữ ổn định cho nguyên 4 năm học. Một cán bộ phụ trách tuyển sinh của trường chia sẻ: Chính sách học phí minh bạch và ổn định này đã được nhà trường duy trì trong suốt 11 năm qua.

Quyết tâm thực hiện chính sách học phí trên, lãnh đạo trường mong muốn duy trì sự ổn định cơ bản để nhà trường hoạt động, thầy và trò yên tâm dạy và học, giúp quý phụ huynh và các bạn sinh viên yên tâm, chủ động trong việc lập kế hoạch tài chính cho những năm học tại trường. Trong thời kỳ vật giá thị trường luôn biến động như hiện nay, chính sách học phí của trường càng được đánh giá cao và nhận được phản hồi tích cực từ xã hội.

Bên cạnh đó, nhà trường có thể cho nợ học phí nếu thực sự SV và gia đình đang trong hoàn cảnh khó khăn, chỉ cần gia đình SV làm một tờ đơn xin gia hạn học phí, trong đó nêu rõ hoàn cảnh khó khăn và thời điểm sẽ hoàn tất việc nộp học phí, có xác nhận của địa phương.

Câu hỏi đặt ra là cũng một ngành học như nhau nhưng tại sao có sự chênh lệch khá lớn về học phí giữa các trường?

TS. Bùi Trân Phượng – Hiệu trưởng ĐH Hoa Sen, chia sẻ: "Không thể có mức học phí duy nhất cho những cơ sở giáo dục đang rất đa dạng và khác biệt nhau về nhiều phương diện. Như thế nào là phù hợp thì người thẩm định có thực tế nhất chính là SV và gia đình của họ. Tôi tin họ đủ hiểu biết để có quyết định phù hợp với thực tế của chính mình. Nhà nước chỉ cần yêu cầu các trường thông tin minh bạch về học phí cũng như các điều kiện học tập khác, để người học có đủ cơ sở lấy quyết định. Thật ra, hiện nay Bộ GD&ĐT đã có yêu cầu, và nhiều trường, như Hoa Sen đang chấp hành đúng".

Một chuyên gia tuyển sinh nhận xét bên cạnh chất lượng đào tạo, những khó khăn trong tìm kiếm việc làm, việc các trường ngoài công lập thu học phí ở mức cao cũng là một cản trở khiến thí sinh không mặn mà lắm với các trường này. “Trong tình hình kinh tế khó khăn như năm nay, khoản học phí 1,5 - 2 triệu đồng/tháng thực sự là một gánh nặng với phần lớn thí sinh và phụ huynh.

Đó là lý do tại sao thí sinh đổ xô vào các trường công lập” - một chuyên gia của Bộ GD&ĐT nói.

Tăng ngoài ý muốn


So với các trường ĐH công lập khác, ĐH Tôn Đức Thắng (trường công tự chủ tài chính) là một trong những trường có mức học phí thuộc hàng “đỉnh” hiện nay: Học phí bậc ĐH, CĐ khoảng 6 triệu đồng/ học kỳ I. Như vậy nếu tính thời gian 5 tháng/học kỳ, sinh viên của trường này phải nộp 1,2 triệu đồng/tháng.

Theo đại diện phòng tài chính nhà trường, học phí cả bậc ĐH, CĐ là 220.000 đồng/tín chỉ lý thuyết và thực hành là 370.000 đồng/tín chỉ. Vừa qua, chuyện tăng học phí của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM đã gây nhiều bức xúc trong SV.

Theo thông tin mới nhất từ nhà trường thì năm học mới 2013- 2014 thu mức học phí như sau: Đại học chính quy 190.000đ/tín chỉ đối với môn lý thuyết; 285.000đ/tín chỉ đối với môn thực hành; các hệ liên thông, vừa học vừa làm 285.000đ/tín chỉ. Vấn đề đặt ra là mức học phí như vậy có phù hợp với thực tiễn chưa?

Ông Nguyễn Thiên Tuế, Phó Hiệu trưởng, cho biết: Tuy là trường công lập, nhưng ĐH Công nghiệp TP.HCM phải tự chủ tài chính, không được hưởng ngân sách Nhà nước như các trường công lập khác. Hàng năm, trường chỉ nhận được khoản kinh phí thường xuyên từ Nhà nước cấp khoảng 20 tỉ đồng. Nghĩa là ngân sách cấp cho nhà trường chỉ đáp ứng 3% nhu cầu, còn lại đến 97% trường phải lấy từ nhiều nguồn khác như học phí, chuyển giao công nghệ, liên kết đào tạo, sản xuất, dịch vụ... Nếu so với một số trường ĐH công lập tự chủ tài chính khác thì mức thu này còn thấp.

Giải thích về quyết định tăng học phí, ông Nguyễn Thiên Tuế chia sẻ thêm: Chúng tôi hiểu những khó khăn của SV, tuy nhiên, chúng tôi cũng bị áp lực phải lo đủ kinh phí để chi trả lương cho hàng ngàn cán bộ, viên chức.

Mặt khác phải đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng tay nghề tốt nhất cho các em, để sau khi ra trường SV đáp ứng nhu cầu thực tiễn, nhất là môi trường làm việc ngày càng cạnh tranh. Chúng tôi hiểu rằng, học ĐH như một sự đầu tư về thời gian và tiền bạc của SV và chúng tôi có trách nhiệm làm cho khoản đầu tư này trở nên hiệu quả. Vì thế, tăng học phí để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo là việc chẳng đặng đừng.

Năm học 2013-2014, Trường Đại học Hoa Sen điều chỉnh học phí tăng bình quân 8%. Ông Võ Nam Tân, Chánh văn phòng BGH – ĐH Hoa Sen, cho biết: "Mức điều chỉnh này nhằm bù đắp các chi phí hoạt động của trường, đảm bảo cân đối thu chi của một trường ĐH tự chủ tài chính".

Một câu hỏi đặt ra là tăng học phí như vậy liệu chất lượng đào tạo có được nâng lên không. Theo ý kiến của nhiều trường thì đó là hai khái niệm khác nhau, tuy nhiên tăng học phí cũng là yếu tố quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng đào tạo.

GS-TS Đào Văn Lượng - Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn, cho rằng: Các trường phải thu đủ để đảm bảo chất lượng đầu ra. Tuy nhiên, làm thế nào để tạo điều kiện hỗ trợ cho những đối tượng thuộc diện nghèo, khó khăn trong bối cảnh kinh tế thị trường như hiện nay cũng là điều khiến nhiều trường trăn trở. Những quỹ học bổng vận động từ nhà trường, doanh nghiệp, cựu sinh viên… đã kịp thời góp phần gỡ khó cho nhiều đối tượng có hoàn cảnh khó khăn.

KIẾM NGUỒN HỖ TRỢ CHO SV

“Hàng năm, Ban giám hiệu đều có chỉ đạo các phòng ban liên quan hỗ trợ kịp thời và tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên có điều kiện học tập và rèn luyện. Đặc biệt nhanh chóng xác nhận cho sinh viên thuộc diện trợ cấp, diện khó khăn, hộ nghèo, diện chính sách được vay vốn ngân hàng. Ngoài ra, chúng tôi cũng chỉ đạo các tổ chức đoàn thể, các đơn vị tích cực tìm nguồn tài trợ và hỗ trợ cho sinh viên.

Cụ thể, năm học vừa qua đã hỗ trợ cho sinh viên nghèo hiếu học gần 1 tỉ đồng. Nhà trường còn huy động nguồn học bổng từ các công ty, xí nghiệp, các mạnh thường quân hàng năm hơn 500 triệu đồng. Năm học này, trường cũng phấn đấu kêu gọi hỗ trợ với mức bằng hoặc cao hơn năm ngoái…”.

Ông Nguyễn Thiên Tuế, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM



Theo Công Chương
Báo Giáo dục & Thời đại

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm