Tản văn Vi Thùy Linh: 'Tuổi Thân thì mặc tuổi Thân...'

09/02/2016 06:36 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Năm Bính Thân nhắc tôi, người sinh năm Canh Thân, về tuổi đời 36. Sợ nhất là nhiều người Việt ta có thói quen dùng lịch Âm, cứ tự thêm một tuổi vào tuổi thật cho... già thêm, gọi là tuổi mụ.

Nếu như người phương Tây kiêng hỏi tuổi và thu nhập, thì đây lại là mảng mà người Việt thường hăng hái nhất khi muốn tìm hiểu ai đó, dù không hề thân, gần.

Thế nên bao nhiêu năm nay, tôi thường bị hỏi tuổi gì, sinh năm nào, nói thật thì y như rằng sẽ nhận luôn “bình luận”: tuổi này vất vả lắm! Dân gian cho rằng: tuổi Thân lại đứng chữ Canh vất vả bội phần. Vậy tuổi nào là sướng trong cõi nhân gian này?

“Tuổi Thân thì mặc tuổi Thân/ Đẻ vào giờ Dần thì sướng như tiên”.

Tôi không đẻ giờ Dần, sinh ra cuối Xuân. Xuân, mùa mở đầu, tôi nhóm máu A, hay dấn thân làm điều khó.

Hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn 10 năm trước, khi minh hoạ tập Đồng tử cho tôi năm 2005 có nói: “Linh làm thơ như bị… giời đày. Một thi sĩ đích thực thế này thì không điều gì có thể khiến ngừng thơ, bỏ thơ được”.

Ca dao có câu: “Người ta tuổi Ngọ, tuổi Mùi/ Tôi đây ngậm ngùi vì đứng tuổi Thân”


Nhà thơ Vi Thùy Linh

Có một số dị bản ở câu thứ hai, song câu nào cũng có từ “ngậm ngùi”. Việc gì phải ngậm ngùi. Hoạ - Phúc, cười, khóc, khổ đau hay hoan lạc của cuộc đời này, một kiếp sống ai mà chẳng từng trải qua, nên nếm trải. Tôi tự hào mang tuổi Thân. Khỉ là loài vật thuộc bộ linh trưởng, được coi là thông minh, nhanh nhẹn nhất trong các con vật. Khi đặt tên cho tôi, chắc hẳn Ông nội còn muốn nhắc đến cội nguồn. “Linh” là một trong những từ hiếm không bị biến âm khi phát âm ở mọi nơi trên thế giới. Tiếng Tày Nùng, “tu lình” là con khỉ. Ông đặt tên cháu nội vừa là nhắc đến con giáp, vừa gửi gắm kỳ vọng.

Với châu Á, trẻ con Việt Nam, Trung Quốc hầu hết đều biết nhân vật Tôn Ngộ Không bởi bộ phim Tây Du Ký (sản xuất 1966, đạo diễn Dương Khiết) năm nào cũng phát trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam. Một vua khỉ khác được tôn vinh, thờ ở Ấn Độ, Nepal và một số nước Đông Nam Á là Hanuman, nhân vật của sử thi cổ đại nổi tiếng nhất Ấn Độ: Ramayana. Nàng Sita, một vở nổi danh của Nhà hát Chèo Hà Nội do NSND Doãn Hoàng Giang dựng từ kịch bản của cha con tác giả Lưu Quang Thuận - Lưu Quang Vũ gần 30 năm trước vẫn sống trong lòng khán giả đến hôm nay, phóng tác từ kiệt tác này.

Khỉ giúp ích cho con người, giống người bởi nhạy cảm, nhanh trí, hay bắt chước, nên Nguyễn Trung Đức, dịch giả văn học Tây Ban Nha hàng đầu, người đã đưa tác phẩm của đại văn hào G. Marquez đến Việt Nam từng ví công việc dịch của ông: “Tôi là con khỉ của nhà văn”, với ý là dịch giả khi chuyển ngữ thì phải “bắt chước” đúng với tinh thần nguyên tác.

Minh hoạ: Vi Kiến Thành

Khỉ được nuôi để cống hiến cho các thí nghiệm tìm ra các loại thuốc cứu người, và cũng thật tội nghiệp khi đến giờ vẫn còn rất đông kẻ tin vào sự linh diệu như “thần dược” từ các loài thú quý hiếm: sừng tê giác, mật gấu, nhung hươu, xương ngựa, hổ, khỉ đều bị nấu cao. Những mê tín tàn ác này đều ở châu Á, hoàn toàn trái ngược với các quốc gia phát triển tốn rất nhiều tiền để bảo vệ rừng, các loài động thực vật.

Khỉ chuyền cành, hú gọi bạn, gọi bầy, gọi con. Khỉ thuỷ chung với đồng loại, với tình chồng vợ, mẫu tử. Khỉ là hình ảnh để nhân loại hình dung về thời con người chưa tiến hoá, là người vượn. Nhờ những đặc trưng này, người cầm tinh khỉ đặc biệt thành đạt khi làm nghệ thuật hoặc chính khách. Chẳng vòng kim cô và bài niệm chú nào khống chế được sự sáng tạo của người tuổi Thân tài năng. Ngay cả khi những vườn bách thú ít dần thậm chí biến mất thì khỉ cũng là loài vật bất tử bởi được yêu mến hàng đầu. Và chính khỉ là nguồn cảm hứng sáng tác trong điện ảnh như Tarzan, sống với khỉ, khỉ thành con vật mang sức mạnh vô song như trong phim King Kong.

Không thể liệt kê hết trí thức, nghệ sĩ, tên tuổi mang tuổi Thân, tôi muốn dành ưu ái đến người sinh năm Bính Thân (1956), năm nay tròn một vòng hoa Giáp (60 năm = 5 Giáp). Những người tuổi Bính Thân mà tôi biết ở Việt Nam, có: đạo diễn điện ảnh Lưu Trọng Ninh, NSND Hoàng Cúc, nhà phê bình Văn học Phạm Xuân Nguyên, nhà báo Ngô Hà Thái, nhà văn Phạm Ngọc Tiến, Võ Thị Hảo...

Vi Thùy Linh
Thể thao & Văn hóa Xuân Bính Thân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm