Tận mắt nhà máy sản xuất ô tô châu Âu ở Trung Quốc

22/11/2023 09:32 GMT+7 | HighTech

Lần đầu tiên mẫu xe gia đình đầu bảng của thương hiệu ô tô lớn nhất châu Âu được phát triển và sản xuất tại Trung Quốc sẽ được bán chính thức tại thị trường Việt Nam, dự kiến từ trung tuần tháng 12/2023.

Trong khi các nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc nỗ lực tìm cách chen chân vào thị trường châu Âu (xem bài viết trên Thể thao và Văn hóa số ra ngày 8/11), đây có thể được xem là động thái mới của các nhà sản xuất ô tô châu Âu - kẻ thống trị thị trường xe hơi Trung Quốc gần 4 thập kỷ nay. Bài ghi chép thực tế của những người thực hiện trang Xe và Cuộc sống trên Thể thao và Văn hóa.

Đại bản doanh

Nằm cách trung tâm Thượng Hải chỉ hơn 40 km, thị trấn An Đình còn có nickname "Anting German Town" - thị trấn Đức ở Trung Quốc và "Anting Auto City"- thành phố ô tô, ám chỉ việc tháng 10/1984, những người Đức của tập đoàn ô tô lớn nhất châu Âu Volkswagen AG đặt bút ký với công ty ô tô Thượng Hải để thành lập liên doanh ô tô châu Âu đầu tiên tại Trung Quốc - SAIC Volkswagen.

Tận mắt nhà máy sản xuất ô tô châu Âu ở Trung Quốc - Ảnh 1.

VW Viloran, mẫu xe gia đình đầu bảng tại thị trường Trung Quốc từ năm 2020, sẽ ra mắt người tiêu dùng Việt Nam trong tháng 12 tới. Đây là mẫu xe đầu tiên của tập đoàn ô tô châu Âu sản xuất tại nhà máy ở Trung Quốc nhắm tới thị trường hoàn toàn mới là các quốc gia Đông Nam Á sử dụng tay lái thuận.

Từ một vùng ngoại ô heo hút, An Đình trở thành một trong những trung tâm của ngành công nghiệp ô tô của đất nước tỷ dân, sở hữu Đường đua quốc tế F1 đầu tiên của Trung Quốc, Bảo tàng ô tô Thượng Hải và cả những tòa nhà mới xây dựng kiểu Bauhaus… Volkswagen (VW) cũng nhanh chóng trở thành tập đoàn ô tô châu Âu thống trị thị trường Trung Quốc trong 4 thập niên qua với cả 3 thương hiệu thuộc các phân khúc khác nhau: Audi, VW và Skoda. Audi nhiều năm là thương hiệu xe sang bán chạy hàng đầu với gần 600.000 xe mới bán ra vào năm ngoái tại đại lục. Và với gần 2,4 triệu xe VW tiêu thụ trong năm 2022, trung bình cứ 10 xe mới bán ra ở Trung Quốc lại có 1 chiếc gắn logo VW.

Đại bản doanh VW Thượng Hải đặt tại An Đình với 3 nhà máy có tổng công suất 540.000 xe/năm, nơi xuất xưởng những chiếc VW đầu tiên cho thị trường Trung Quốc. Từ năm 2020, VW biến nơi này thành trung tâm sản xuất xe điện, hiện đang sản xuất các mẫu xe Audi Q5 e-tron và VW thuần điện iD3, 4X, 6X. Rất ít công nhân, dù dây chuyền công suất 300.000 xe/năm vì sử dụng trạm lắp ráp khung gầm hoàn toàn tự động, hoàn toàn không cần người vận hành. Công nghệ tự động có thể nhìn thấy cả ở bên ngoài nhà máy khi trên những con đường vắng người ở An Đình thỉnh thoảng lại bắt gặp những chiếc xe gắn camera trên mui và xung quanh đang chạy thử ở chế độ không người lái.

Tận mắt nhà máy sản xuất ô tô châu Âu ở Trung Quốc - Ảnh 2.

Tự động hóa tối đa trong sản xuất ở quy mô lớn trong nhà máy đầu tư tại Trung Quốc của tập đoàn ô tô Đức

Từ An Đình, vượt hơn 200 km, trong đó có gần 42 km vượt vịnh Hàng Châu bằng cây cầu từng là cầu vượt biển dài nhất thế giới khi khánh thành (năm 2011), là tới Ninh Ba, một trung tâm kinh tế, tài chính và công nghiệp của tỉnh Chiết Giang. Năm 2012, SAIC Volkswagen xây dựng nhà máy thứ 8 ở Trung Quốc tại đây, có công suất tới 600.000 xe/năm. Từ lúc động thổ tới khi đi vào hoạt động chỉ mất 22 tháng nên đây là nhà máy VW được xây dựng nhanh nhất thế giới.

Là nơi sản xuất các dòng xe động cơ đốt trong của 3 thương hiệu Audi, Volkswagen và Skoda, với quy mô và tốc độ sản xuất hàng đầu thế giới. Tập đoàn ô tô lớn nhất nước Đức đã đầu tư tại đây dây chuyền sản xuất máy ép tốc độ cao "9100 tấn, 6 quy trình, tốc độ đột dập tối đa 18 sản phẩm/phút", sử dụng hơn 1.100 con robot, tự động hóa tới 78%, áp dụng nhiều công nghệ quản lý thông minh nhằm tối ưu hóa qui trình sản xuất với tiêu chuẩn toàn cầu của Đức song phải nhiều - nhanh để đạt mức giá cạnh tranh.

Cú bẻ lái

Toàn bộ các nhà máy SAIC-Volkswagen với tổng công suất khoảng 2,3 triệu xe/năm vốn trước đây chỉ phục vụ cho thị trường Trung Quốc may ra mới đủ. Song cú bẻ lái của ngành công nghiệp ô tô thế giới sang xe điện và các công ty ô tô Trung Quốc thất bại trong việc theo đuổi sản xuất ô tô đốt trong đã chớp thời cơ nhanh chóng trở thành một thế lực mới đã đẩy các tập đoàn ô tô Âu, Mỹ, trong đó có VW, vào cuộc cạnh tranh khốc liệt tại chính thị trường Trung Quốc mà nhiều thập niên qua họ là người thống trị.

Tới tháng 7/2023, hãng xe Trung Quốc BYD chính thức vượt qua VW trở thành thương hiệu bán chạy nhất tại đại lục chủ yếu nhờ doanh số xe điện và hybrid. Các công ty ô tô Trung Quốc cũng đã vượt Đức về xuất khẩu vào năm 2022 và mới vượt qua cả Nhật Bản để trở thành nhà xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới.

Cùng với việc thay đổi cơ cấu và qui mô sản xuất, biến An Đình thành trung tâm sản xuất ô tô năng lượng mới, người Đức tại Trung Quốc có lẽ cũng đang thay đổi chiến lược thị trường. Theo dõi thì thấy từ năm 2018, SAIC-VW đã bắt đầu mở làn xe xuất khẩu, nhắm tới thị trường hoàn toàn mới là Đông Nam Á sử dụng tay lái thuận và sau đó là kế hoạch xuất xe điện ngược trở lại châu Âu.

Thông tin mới nhất mà chúng tôi cập nhật được trong chuyến đi thực tế này là hai sản phẩm đầu bảng của nhà máy VW Ninh Ba, Viloran và Teramont X sẽ ra mắt người tiêu dùng Việt Nam trong tháng cuối năm 2023, và một mẫu xe thuần điện dòng iD, sản phẩm của trung tâm xe năng lượng mới VW An Đình, sẽ được giới thiệu tại Triển lãm ô tô Việt Nam 2024.

Phan Ka

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm