23/10/2024 19:00 GMT+7 | Văn hoá
Từ ấn bản năm 1992 không có bản quyền, được Việt hóa với tên gọi Đôrêmon, đến phiên bản có bản quyền từ năm 1998, và phiên bản từ năm 2010 sát với bản gốc, Doraemon đã trở thành ví dụ tiêu biểu phản ánh sự chuyển biến của nhận thức xã hội, cũng như sự hội nhập và trưởng thành của ngành xuất bản truyện tranh ở Việt Nam.
Dấu mốc 1992 hoặc 1995 của Doraemon rơi vào một thời điểm khá đặc biệt ở Việt Nam. Đó là những năm đầu sau mở cửa và đổi mới, những sản phẩm văn hóa của nước ngoài bắt đầu được du nhập vào Việt Nam. Nhu cầu được tiếp cận văn hóa phẩm của độc giả, của trẻ em đã khác so với thời kỳ trước.
Liên tiếp những "cú sốc"
Theo dõi hành trình hơn 30 năm Doraemon ở Việt Nam, ngay từ nhỏ nhà nghiên cứu truyện tranh ChuKim đã có những ấn tượng đặc biệt về bộ truyện này. Anh cho biết, việc được bố mua cho 2 tập truyện Đôrêmon (tập 1 bìa màu đỏ, tập 2 bìa màu xanh) phiên bản năm 1992 đã mang đến cho anh "cú sốc" đầu đời. Nội tâm anh "chấn động", vì lần đầu tiên thấy những cuốn truyện như thế. Kể từ đó, anh cũng như nhiều trẻ em Việt Nam ở thập niên 1990 đều say mê Doraemon.
Đến năm 1995, cậu bé ChuKim lại có "cú sốc" tiếp theo khi Đôrêmon dừng xuất bản với tập cuối cùng dưới dạng số đúp 77 và 78. "Dòng thời gian trong Đôrêmon không tiếp diễn như những truyện chương hồi hay truyện trường thiên, nên nó làm cho độc giả có cảm giác những câu chuyện sẽ tiếp diễn mãi mãi. Khi Đôrêmon đột ngột nói lời chào tạm biệt, tập truyện đã lấy đi rất nhiều nước mắt của trẻ em Việt Nam thời đó" - anh nhớ lại.
"Đôrêmon gần như là lựa chọn tối ưu, thậm chí là duy nhất đối với chúng tôi. Bởi sự chú ý của độc giả đến ngành xuất bản, những ấn phẩm dành cho thiếu nhi ở giai đoạn này chưa cao, mà Đôrêmon thực sự là một cú hích" - ChuKim nói.
Chưa kể, từ khi Doraemon xuất hiện kéo theo nhiều thứ đầu tiên ở Việt Nam. Ví như các hoạt động câu lạc bộ Đôrêmon, rồi trình diễn văn nghệ, cuộc thi, giao lưu giữa độc giả và các nhân vật hư cấu trong truyện cùng với những người làm biên tập lần đầu tiên được tổ chức. Những hoạt động này làm cho độc giả được gần gũi hơn với câu chuyện mà có lẽ ngày nay sẽ không bao giờ có lại được không khí sôi nổi như vậy.
Hoặc trong năm 1992, lần đầu tiên ở Việt Nam có truyện tranh được quảng cáo trên truyền hình.
"Hồi đó, tôi nhớ có truyện Đôrêmon được quảng cáo trên ti vi. Còn có NXB Trẻ quảng cáo truyện Siêu quậy Teppi. Khi mở ti vi lên, tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy quảng cáo truyện tranh. Đó là một ấn tượng rất mới lạ đối với những đứa trẻ chúng tôi ngày đó" - ChuKim nhớ lại - "Lớn lên, tôi nhận ra mình đã được chứng kiến một thời điểm lịch sử. Bởi, sau đó không còn một bộ truyện tranh nào ở Việt Nam được quảng cáo trên truyền hình nữa. Hình thức quảng cáo của các nhà xuất bản đã phát triển hơn, như việc quảng cáo nội dung truyện được in ngay ở bìa 4".
Dấu mốc mang tính đột phá
Qua giai đoạn hoàng kim, nhà nghiên cứu ChuKim cho biết, từ năm 1995 - 1998 là một khoảng trống của Doraemon. Giai đoạn này, các đơn vị xuất bản cũng ra mắt những bộ truyện khác, nhưng dấu ấn của Đôrêmon trong lòng bạn đọc là không gì thay thế và nó đã trở thành một tượng đài văn hóa của thời kỳ này.
Sau khoảng trống 3 năm, đến năm 1998, NXB Kim Đồng đã đưa Đôrêmon trở lại một cách chính thức, trở thành bộ truyện tranh ngoại nhập đầu tiên có bản quyền ở Việt Nam.
"Năm 1998, tôi 10 tuổi, tôi cầm trên tay tập 1 của bộ truyện Đôrêmon có logo hình quả chuông đã rất khác so với logo của bản truyện năm 1992. Nhưng tôi còn ấn tượng hơn nữa với dòng chữ "Nhà xuất bản Kim Đồng xuất bản theo hợp đồng chuyển nhượng bản quyền của Nhà xuất bản Shogakukan ký ngày 21/10/1998" được in trang trọng ngay ở bìa 1" - ChuKim kể - "Tôi đã hỏi bố, bản quyền là gì? Bố giải thích cho tôi nhưng tôi vẫn thắc mắc bản năm 1998 có bản quyền, vậy bản năm 1992 không có bản quyền sao? Khi 10 tuổi tôi không thể tự cắt nghĩa. Điều này thôi thúc tôi tìm hiểu về Doraemon khi lớn lên".
Theo nhà nghiên cứu này, thời điểm năm 1998, xuất bản truyện tranh có bản quyền ở Việt Nam là một dấu mốc mang tính cách mạng, đột phá. Bởi đến tận năm 2004, Việt Nam mới chính thức gia nhập Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật.
"Chúng ta đã có thập niên 1990 là hoàng kim của xuất bản truyện tranh ở Việt Nam. Đây là giai đoạn không có rào cản về bản quyền, các đơn vị xuất bản có một khoảng trống rất rộng để có thể tiếp cận cũng như đưa những bộ truyện nước ngoài đến với độc giả Việt Nam" - ChuKim nhấn mạnh - "Tất nhiên, những bộ truyện xuất bản trong giai đoạn này còn hạn chế cả về nội dung và hình thức. Chỉ đến dấu mốc năm 1998 của Doraemon và sau này là thời điểm gia nhập Công ước Berne, thì chúng ta mới thực sự có bước chuyển và đi tới một trạng thái văn minh hơn, bài bản hơn trong các hoạt động xuất bản truyện tranh".
Tiếp đó, từ năm 2010 trở về sau, cái tên Đôrêmon chính thức dừng xuất bản ở Việt Nam và thay vào đó là Doraemon với bản dịch bám sát theo bản gốc tiếng Nhật. Đây cũng là một giai đoạn đem đến nhiều thay đổi. Như việc hình thức đọc từ phải sang trái xuất hiện, một lần nữa Doraemon đem đến một "cú sốc" đối với độc giả Việt Nam. "Có rất nhiều tiếng nói phản đối trong công chúng về hình thức đọc này. Tuy nhiên, quy cách này lại đưa trải nghiệm của độc giả Việt Nam tiệm cận với trải nghiệm của cộng đồng hâm mộ Doraemon trên toàn cầu. Phản ứng này còn cho thấy tình cảm cũng như thói quen của độc giả Việt Nam đã được xây dựng bền vững qua hơn 20 năm Doraemon có mặt ở Việt Nam (tính đến 2010)".
Nhìn lại các dấu mốc thay đổi quan trọng qua hơn 3 thập niên Doraemon ở Việt Nam, nhà nghiên cứu ChuKim khẳng định, bộ truyện tranh Doraemon là một đại diện tiêu biểu cho sự hòa nhập và phát triển của ngành xuất bản truyện tranh Việt Nam, cũng như chứng kiến những chuyển biến trong nhận thức của độc giả ở khía cạnh đón nhận và thưởng thức các sản phẩm văn hóa ngoại nhập.
Dung hòa giữa "cái hay" và "cái đúng"
Tiếp nối hành trình của Doraemon tại Việt Nam, thế hệ biên tập viên hiện nay của NXB Kim Đồng có những áp lực đáng kể. Áp lực đến từ việc vừa kế thừa được những thành công của các ấn bản cũ, vừa đưa được những yếu tố mới, điều kiện mới về bản quyền, về thị trường vào những ấn bản mới.
Biên tập viên Đặng Cao Cường, Trưởng ban biên tập truyện tranh NXB Kim Đồng, cho biết, quá trình thực hiện các ấn bản Doraemon về sau là một bước ngoặt lịch sử, nhằm đưa tác phẩm về đúng với nguyên bản.
"Ở đây, có yếu tố liên quan tới tác quyền, tức là bộ truyện phải được truyền tải đúng với tinh thần của bản gốc. Chúng tôi nhìn nhận 2 ấn bản Đôrêmon năm 1992 và ấn bản Doraemon phục vụ 2 đối tượng bạn đọc khác nhau. Ở ấn bản năm 1992, các biên tập viên phải thực sự rất hiểu trẻ em để có được những biên soạn và xử lý rất tài tình, từ việc đặt tên bảo bối cho đến việc kết nối câu chuyện bằng những lời dẫn. Cách can thiệp này phù hợp với thế hệ độc giả chưa từng được tiếp cận với truyện tranh, để tác phẩm có thể đi vào đời sống của trẻ em thời kỳ trước" - biên tập viên Đặng Cao Cường phân tích.
Anh nói thêm: "Còn đối với ấn bản Doraemon được thực hiện ở giai đoạn thế hệ trẻ em sau này đã quen thuộc với truyện tranh và đã được tiếp cận với nhiều tác phẩm tương tự được du nhập vào Việt Nam. Xác định 2 văn bản độc lập với nhau, nhưng những ấn bản Doraemon được làm sau này luôn có tính kế thừa ấn bản cũ. Ở đây, thay vì kế thừa nguyên văn, chúng tôi sẽ kế thừa tinh thần của thế hệ biên tập viên đi trước đã mang lại sự gần gũi cho bộ truyện. Ví dụ có rất nhiều cách đặt tên bảo bối rất hay trong truyện, nếu đúng với bản gốc đều được giữ lại như cỗ máy thời gian, khăn trùm thời gian…".
Tuy nhiên cũng theo biên tập viên này, có những trường hợp rất khó khăn khi phải lựa chọn giữa cái hay và cái đúng. Chẳng hạn, có một bảo bối được nhiều bạn đọc rất yêu thích được dịch ở bản Đôrêmon là chong chóng tre, nhưng trong bản gốc lại là trực thăng tre. "Phải làm thế nào để dung hòa giữa cái hay và cái đúng? Chúng tôi sẽ lấy cái đúng làm căn cứ và kế thừa những cái hay để đưa vào tác phẩm phục vụ cho một lứa bạn đọc mới, nhưng vẫn đảm bảo được tinh thần gần gũi với các thế hệ trẻ em Việt Nam. Đó là tinh thần mà đội ngũ biên tập viên sau này đã thực hiện".
Biên tập viên Đặng Cao Cường cũng nhấn mạnh thêm, mục đích đưa Doraemon tiệm cận với quốc tế rất quan trọng. Bởi, khi đặt bộ truyện vào một hệ sinh thái, nó không còn là một tác phẩm truyện tranh độc lập. Doraemon đã có phim điện ảnh, có những sản phẩm phái sinh như đồ tiêu dùng, đồ trang trí… Thực tế này đòi hỏi tất cả những thông tin về nhân vật phải được thống nhất. Đó là ý nghĩa, mục đích cần thiết để đưa Doraemon về với đúng tên gọi gốc, tinh thần gốc.
Có một bảo bối được nhiều bạn đọc rất yêu thích được dịch ở bản Đôrêmon là chong chóng tre, nhưng trong bản gốc lại là trực thăng tre. Phải làm thế nào để dung hòa giữa cái hay và cái đúng?
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất