Tấm khảm văn hóa biển

09/11/2014 13:57 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn)- Với 19 bài viết trải dài 380 trang sách khổ 16 x 24 cm, Một góc nhìn về văn hóa biển của tác giả Nguyễn Thanh Lợi (NXB Tổng hợp TP. HCM, 2014) đem đến cho bạn đọc một tấm khảm văn hóa biển với nhiều góc nhìn thú vị về biển Việt Nam.

Tác giả Nguyễn Thanh Lợi, hiện công tác tại Trường CĐSP Trung ương TP. HCM đã dành nhiều năm nghiên cứu về văn hóa biển. Các bài viết trong sách là hành trình nghiên cứu nối dài trong hơn 10 năm của ông, từ 2002 đến nay, được đăng trên các tạp chí nghiên cứu chuyên ngành có uy tín như tạp chí Cẩm Thành, tạp chí Nghiên cứu và phát triển, tạp chí Thế giới mới, tạp chí Xưa và Nay, tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á... Với một tình yêu biển sâu đậm, bằng những “lát cắt” lịch đại và đồng đại, ông đã phác thảo nên một bức tranh sinh động, đặc sắc về văn hóa biển Việt Nam thông qua những nghiên cứu cụ thể.

Cuốn sách Một góc nhìn về văn hóa biển

Đọc Một góc nhìn về văn hóa biển , ta hiểu thêm về lịch sử những địa danh quen thuộc như Phú Qúy, Vũng Tàu, Côn Đảo. Được ngược dòng trở lại với cơn bão năm Thìn 1904 với sức tàn phá khốc liệt của nó với nhân dân Nam Bộ. Được biết về lịch sử khai thác nghề muối của người Việt. Được du lịch cùng hơn 30 ngọn hải đăng, như những con “mắt biển”, đêm đêm đang làm nhiệm vụ của “ngọn đèn đứng gác”, hướng dẫn tàu bè qua lại an toàn trên suốt chặng dài bờ biển và hải đảo của Tổ quốc. Đó là ngọn hải đăng Hòn Dấu, hải đăng Long Châu cùng ở Hải Phòng, tới ngọn hải đăng Kê Gà ở Ninh Thuận và ngọn hải đăng Hòn Khoai ở huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.

Sách cho ta hiểu thêm về lịch sử ghe bầu, phương tiện không chỉ dùng để giao lưu hàng hóa trong nước mà còn tiến hành thông thương quốc tế. Trước khi người Pháp xâm lược, những đoàn ghe bầu nước ta đã thực hiện những chuyến đi dài đến Trung Quốc, Singapore, Thái Lan... Việt Nam đã từng là nhà cung ứng lớn về muối cho Trung Quốc. Hàng đối lưu trở lại là tơ lụa, vũ khí, thuốc bắc... Qua đây, ta thấy có cả một “dòng văn hóa ghe bầu” dịch chuyển từ Trung Bộ vào đến Nam Bộ trong dòng chảy lịch sử văn hóa Việt Nam trên cả hai phương diện, văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể.

Về mặt văn hóa tâm linh, chúng ta được biết về tục thờ Cá Ông, tục vẽ mắt thuyền, những kiêng cữ của nghề đi biển, tục thờ cô hồn biển ở Nam Trung Bộ...

Tác giả Nguyễn Thanh Lợi đã tổng kết một con số khiến chúng ta phải quan tâm: Trong số 138 bảo tàng thuộc hệ thống Nhà nước, hiện không có một bảo tàng văn hóa biển nào.

Từ đây, ông kết luận: “Lâu nay chúng ta chỉ quan tâm đến việc khai thác các nguồn lợi từ biển mà ít chú ý đến việc xây dựng nền văn hóa biển. Đất nước thiếu hụt hẳn một truyền thống văn hóa biển đại dương, với những tri thức, ứng xử, tâm thế hướng biển. Điều đó làm hạn chế rất nhiều trong việc vươn ra đại dương trên con đường hội nhập với thế giới của Việt Nam, một thiệt thòi không nhỏ cho dân tộc.

Một dân tộc muốn đi đến tương lai một cách vững chắc phải biết lưu giữ những ký ức tốt đẹp, nhất là gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa biển, vốn là “thế yếu” của chúng ta lâu nay”.

Mai Kiều
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm