Tại sao tất cả những ca khúc đình đám thế giới bỗng bị kiện?

04/08/2019 14:38 GMT+7 | Giải trí

(Thethaovanhoa.vn) – Hai năm nay Katy Perry chưa tung album mới nào nhưng ngôi sao nhạc pop hiện đang là tâm điểm của truyền thông sau khi tòa phán quyết rằng hit năm 2013 Dark Horse của cô sao chép ca khúc cũ hơn của của rapper ít tên tuổi Marcus Gray.

Đạo nhạc, Katy Perry và đội ngũ phải chịu tổn thất lớn

Đạo nhạc, Katy Perry và đội ngũ phải chịu tổn thất lớn

Ba ngày sau khi tòa ra phán quyết rằng hit năm 2013 Dark Horse của Katy Perry đã sao chép không thích hợp ca khúc của nghệ sĩ khác, nữ ca sĩ đã phải chịu thiệt hại lớn.

Từ năm 2014, Dark Horse đã vướng nghi án đạo nhạc của rapper Flame (tên thật là Marcus Gray) khi anh này cáo buộc nó ăn cắp beat ca khúc năm 2009 của anh Joyful Noise.

Chú thích ảnh

 Hôm thứ Hai, bồi thẩm đoàn đã ra phán quyết rằng các nhạc sĩ của Dark Horse – ca khúc đã bán được hơn 13 triệu bản, phát trong giờ giải lao Super Bowl và được đề cử Grammy – đã sao chép ca khúc của Flame. Tới thứ Năm, sau khi nghe lời khai về chi phí và lợi nhuận của Perry từ giám đốc hãng ghi âm, bồi thẩm đoàn đã phán quyết rằng Perry và hãng ghi âm Capitol Records phải trả cho Flame 2,78 triệu USD (gần 65 tỷ VNĐ). Trong đó, phía Perry chịu 550.000 USD.

Luật sư Christine Lepera của Perry nói rằng tòa đang đóng khung âm nhạc, rằng “bảng alphabet của âm nhạc nên là để dành cho tất cả mọi người”. Nhiều người khác cảnh báo rằng phiên tòa này sẽ tạo tiền lệ nguy hiểm cho những vụ án trong tương lai.

Nhưng thiệt hại thật sự đã diễn ra từ nhiều năm trước, theo nhiều nhà quan sát trong giới công nghiệp. Một loạt phán quyết của tòa trong 20 năm gần đây – từ vụ Isley Brothers kiện thành công Michael Bolton năm 2000 tới khoản bồi thường nhiều triệu USD mà Robin Thicke và Pharrell Williams được yêu cầu phải trao cho gia đình Marvin Gaye vì ca khúc Blurred Lines năm 2015 – đã mở rộng cửa cho những bằng chứng về đạo nhái và cả phạm vi của luật bản quyền.

“Năm năm trước, nhiều người trong chúng ta sẽ rất bất ngờ về phán quyết (vụ của Perry) này, nhưng giờ, quan niệm về việc chứng minh vi phạm bản quyển đã thay đổi nhiều”, theo ông Christopher Buccafusco, giáo sư luật chuyên về bản quyền âm nhạc.

Trong suốt hầu hết thập kỷ trước, các luật sư về bản quyền và những người sáng tạo âm nhạc có quan điểm mặc định rằng tuyên bố bản quyền là hợp lý đối với lời và giai điệu, nhưng không phải với những chi tiết trừu tượng hơn như nhịp, beat hay cảm nhận. Vụ án Blurred Lines đã thay đổi vĩnh viễn hiện trạng này khi tòa lệnh cho các nhạc sĩ bản hit phải trả 5 triệu USD cho gia đình Marvin Gaye bởi sáng tạo của họ có “rung cảm” tương tự với hit năm 1977 của Gaye Got to Give It Up. Khi đó, Thicke, Pharrell và cộng sự T.I tuyên bố rằng họ tôn trọng phán quyết của tòa nhưng vô cùng thất vọng và điều này “sẽ tạo tiền lệ khủng khiếp cho âm nhạc và sáng tạo về sau”.

Chú thích ảnh
Pharrel thất vọng với phán quyết của tòa

Đông đảo người đã nối gót vụ Blurred Lines. Sandy Wilbur, nhà nghiên cứu âm nhạc lâu năm, nhân chứng chuyên môn trong vụ Blurrred Lines, nói với Rolling Stone vào năm 2018 rằng “hai năm qua là những năm bận rộn nhất của tôi”. Kenneth Freundlich, một luật sư giải trí ở Los Angeles, cũng nói rằng từ sau Blurred Lines, có sự gia tăng đáng kể các cuộc gọi với nội dung: “Âm thanh này nghe hơi giống cái này (một ca khúc khác). Anh thấy sao?”.

Tìm ra người là nguyên đơn cho những vụ về sự tương đồng giữa hai ca khúc pop là điều dễ dàng ngày nay, theo ông Buccafusco. “Đội quân thám tử khắp thế giới” – những fan cuồng – cũng thúc đẩy những vụ kiện đạo nhạc.

Chú thích ảnh

Tuy nhiên, yếu tố chính khiến gia tăng những vụ kiện bản quyền lại ở chỗ nguyên đơn giờ đây không hoàn toàn là chính các nghệ sĩ: họ là những người thừa kế và thành viên gia đình những nghệ sĩ đã qua đời hay nghỉ hưu, những người có cơ hội gia tăng tải sản mà chẳng mất gì.

“Thế giới sáng tác âm nhạc không rộng, chắc chắn là không quá rộng nếu đi sâu vào những thứ như dòng bass. Hầu hết các nhạc sĩ làm việc trong một không gian đổi mới có giới hạn”, ông nói thêm, đặc biệt quan ngại khi đề cập tới thống kê của Spotify đầu năm nay rằng có gần 40.000 ca khúc được đăng tải lên nền tảng trực tuyến này mỗi ngày.

Vụ tranh cãi giữa Perry và Flame diễn ra chỉ vài tuần sau khi một thẩm phán hoãn vụ kiện hit Thinking Out Loud của Ed Sheeran để chờ phán quyết vụ tương tự, kiện Stairway to Heaven của Led Zeppelin.

Tất cả các con mắt do đó đang đổ dồn về vụ Led Zeppelin bởi vụ kiện có thể lên tới Tòa án tối cao; và nếu điều đó xảy ra, nó sẽ đánh dấu lần đầu tiên tòa tối cao Mỹ xem xét vấn đề đạo nhạc và ngành công nghiệp có thể cuối cùng cũng nhận được câu trả lời xác tín cho những giới hạn mờ trong âm nhạc.

Giả Bình (Theo Rollingstone)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm