08/06/2022 08:19 GMT+7 | Văn hoá
Do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn trong gần 90 năm (1821-1909), Đại Nam thực lục được các nhà sử học đánh giá là bộ sử đồ sộ nhất mà Việt Nam từng ấn hành. Ấn bản tiếng Việt bộ Đại Nam thực lục ra mắt lần đầu tiên vào năm 1962, được dịch và hiệu đính bởi các nhà Hán học uyên bác như Đào Duy Anh, Hoa Bằng, Đỗ Mộng Khương…
Mới đây, nhân kỷ niệm 60 năm (1962-2022) bộ Đại Nam thực lục xuất bản lần đầu ấn bản tiếng Việt, Viện Sử học Việt Nam phối hợp với NXB Hà Nội và Công ty CP Tri thức Văn hóa sách Việt Nam tổ chức tái bản bộ sách lần thứ hai. Bộ sách gồm 10 tập, dày gần 10.000 trang.
Từ ý thức biên soạn chính sử của các vua Nguyễn
Đây là bộ chính sử lớn nhất, quan trọng nhất của nhà Nguyễn, do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn trong 88 năm, từ triều Minh Mạng đến triều Duy Tân. Bộ sử gồm 560 quyển, ghi chép toàn bộ lịch sử Việt Nam ở thế kỷ 19 dưới sự trị vì của vương triều Nguyễn, cũng như hơn 200 năm lịch sử Đàng Trong của các chúa Nguyễn với quan điểm “nước phải có sử, cốt để làm tin với đời nay và truyền lại cho đời sau”.
Được viết theo thể biên niên, chia thành 2 phần là tiền biên và chính biên. Trong đó, Đại Nam thực lục tiền biên (còn gọi là Liệt thánh thực lục tiền biên) ghi chép về sự nghiệp của 9 chúa Nguyễn, bắt đầu từ Nguyễn Hoàng (Thái tổ Gia Dụ hoàng đế) vào trấn thủ Thuận Hóa (1558) đến hết đời Nguyễn Phước Thuần (Duệ tông Hiếu Định hoàng đế), tức đến năm Nguyễn Phước Thuần mất (1777). Trong khi đó, Đại Nam thực lục chính biên ghi chép về lịch sử triều Nguyễn, từ Gia Long đến Đồng Khánh, chia làm nhiều kỷ, mỗi kỷ là một đời vua.
Theo các nhà sử học, sự đồ sộ của bộ Đại Nam thực lục một phần xuất phát từ ý thức biên soạn chính sử có từ rất sớm của các vua triều Nguyễn. Cụ thể, GS-TSKH Vũ Minh Giang (Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam) cho biết vua Gia Long - vị vua đầu tiên của triều Nguyễn - là người rất có ý thức trong việc biên soạn lịch sử. Năm 1811, vua Gia Long đã ra một chỉ dụ tìm kiếm, tập hợp tất cả các bộ sử có ở trong nước. Ông cũng là người sau này chỉ đạo phải tìm hiểu việc biên soạn sử ở các quốc gia có truyền thống, kinh nghiệm làm sử. Trong đó có bộ Đại Minh thực lục, được các sứ thần mua về nước. Trên cơ sở đó, các nhà sử học thời Nguyễn đã nghiên cứu rất kỹ để biên soạn ra các bộ sử, trong đó có Đại Nam thực lục.
Rõ ràng, triều Nguyễn đã coi việc biên soạn chính sử trở thành một công việc lớn của triều đình. Dễ thấy qua việc lập ra Quốc sử quán - một cơ quan chuyên để biên soạn lịch sử quốc gia. Trong Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhị kỷ, quyển 3, viết rằng: “Năm Minh Mệnh thứ 1 (1820). Nhà nước ta từ khi mở mang đến nay, các thánh nối nhau hàng 200 năm. Kịp đến thế tổ các hoàng đế ta trung hưng thống nhất đất nước, trong khoảng ấy sự tích công nghiệp nếu không có sử sách thì lấy gì để dạy bảo lâu dài về sau. Trẫm muốn lập Sử quán, sai các nho thần biên soạn quốc sử thực lục, để nêu công đức về kiền, đốc, cơ, cần, làm phép cho đời sau…”.
… cho chúng ta những nhận thức rất mới trong sử học
PGS-TS Đỗ Bang (Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam) đánh giá Đại Nam thực lục là bộ sách nghiêm cẩn bậc nhất. Những sự thật lịch sử của đất nước dưới triều Nguyễn được phản ánh trung thực trong Đại Nam thực lục, mà chưa bộ sách nào có thể thay thế. Giá trị này có được là nhờ sự đặc biệt của hệ thống tư liệu.
Theo đó, Đại Nam thực lục được biên soạn từ nguồn tư liệu chính là các bản tấu của các cơ quan trung ương, địa phương, các đại thần gửi đến triều đình, được vua Nguyễn phê duyệt bằng bút son gọi là châu bản. Bản phó được nội các sao chép và chuyển cho Quốc sử quán để làm tư liệu soạn sách thực lục, nên khá chuẩn xác về nhân vật, sự kiện và thể hiện tương đối đầy đủ, trung thực về chính sách, chủ trương của vương triều, quan điểm của các vua Nguyễn.
Chưa kể, Đại Nam thực lục được biên soạn theo phương pháp biên niên nên rất dễ để tra cứu sự kiện, nhân vật, địa danh, địa chỉ theo trình tự thời gian; cũng như phương pháp kỷ sự nên có khả năng tái hiện diện mạo lịch sử của triều đình và đất nước theo lát cắt của thời gian. Với nguồn sử liệu chính thống được cung cấp nguyên bản và đầy đủ, Đại Nam thực lục không những chỉ viết về vua, chúa Nguyễn, mà còn ghi lại hoạt động của triều đình, đất nước, xã hội đương thời một cách chân thực.
Cũng theo PGS-TS Đỗ Bang, Đại Nam thực lục phản ánh về nhiều mặt kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa… của đất nước dưới triều Nguyễn. Về kinh tế, có thể biết đầy đủ nền kinh tế Việt Nam thế kỷ 19, nổi bật là chính sách “trọng nông ức thương”. Cũng nhờ chính sách này, triều Nguyễn tích cực khai hoang lập ấp ở miền Nam và các vùng duyên hải miền Bắc, trong khi hoạt động thủy lợi như đào kênh rạch, đào sông, đắp đê… cũng được triển khai trên cả nước.
Mặc dù thực hiện chính sách “trọng nông ức thương”, nhưng triều Nguyễn không “bế quan tỏa cảng”. Thực tế, triều đình vẫn mở cửa Đà Nẵng cho tàu phương Tây vào buôn bán, thuyền buôn của triều đình vẫn đến trao đổi hàng hóa ở các nước Đông Nam Á. Thậm chí, cuối thời Minh Mạng, tàu của triều đình Huế qua tận châu Âu để giao dịch với cả Pháp và Anh.
Ở khía cạnh chính trị, cho chúng ta những nhận thức rất mới trong sử học. Ví dụ một câu hỏi lịch sử vẫn còn nhiều băn khoăn rằng: Nguyễn Huệ hoặc Gia Long là người có công thống nhất đất nước? Nếu chọn một trong hai nhân vật này đều không đúng với phương pháp luận của lịch sử, vì lịch sử là một quá trình. Nếu không có Nguyễn Huệ, thì không ai xóa Đàng Trong và Đàng Ngoài vào năm 1786. Nhưng bấy giờ, Nguyễn Huệ còn để lại rất nhiều chính quyền khác nhau, đó là sự thống nhất chưa triệt để. Đến năm 1802, Gia Long lên ngôi, lập ra triều Nguyễn thì đất nước mới thống nhất cả lãnh thổ và chính quyền. Ở đây, Nguyễn Huệ đã có công lớn là bước đầu thống nhất đất nước, để đến khi Gia Long lên ngôi, đất nước mới có sự thống nhất trọn vẹn.
Tập 8 Đại Nam thực lục có viết rằng: “Kính vâng mệnh trời, diệt Tây Sơn lấy lại Thần Kinh, đem quân ruổi thẳng ra miền Bắc, có cả toàn nước Việt, thế là lấy được thiên hạ ở tay Tây Sơn, nhà Lê có dự gì”. Ở đây, nhà Nguyễn lấy được thiên hạ từ tay Tây Sơn, có nghĩa là trước đó Tây Sơn đã thống nhất đất nước, đang ở giai đoạn đầu của sự thống nhất. Và nhà Nguyễn là phần nối tiếp sự thống nhất đất nước đó.
Cần khẳng định Đại Nam thực lục là bộ sách không thể thay thế, là nguồn sử liệu quý về những chính sách lớn trong việc hoạch định, phát triển kinh tế xã hội, đường lối đối ngoại, bảo vệ an ninh quốc gia, khai thác và khẳng định chủ quyền biển đảo… dưới thời chúa Nguyễn ở Đàng Trong và Việt Nam thế kỷ 19. Đây cũng là nguồn sử liệu giá trị về lịch sử Việt Nam nói chung và triều Nguyễn nói riêng trong 330 năm (1558-1888) đầy biến động của đất nước.
Tìm thấy nhiều bài học sâu sắc GS-TS Đinh Xuân Dũng (nguyên Vụ trưởng Vụ Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương) cho rằng đọc Đại Nam thực lục, “không chỉ nghĩ về quá khứ, mà từ những bài học của quá khứ để tìm thấy những bài học cho hiện tại và cho tương lai”. Ông Dũng dẫn chứng, tập 6 có câu: “Trải xem các đời từ xưa, đời nào giữ được dân thì thế nào cũng hưng thịnh, đời nào không giữ được dân thì thế nào cũng suy vong”. Đây là một bài học lịch sử nói lên vai trò của nhân dân đối với sự tồn vong của các triều đại. Ông Dũng cho biết thêm, Đại Nam thực lục còn có nhiều đoạn viết về vấn đề sử dụng người tài. Ví dụ, trong tập 4 có viết: “Ta đêm ngày những nghĩ việc dùng người, chỉ muốn bồi dưỡng nhân tài ở chức được lâu. Duy có công thì thưởng, có tội thì phạt, đó là phép thưởng của nhà nước, công pháp, quyết chẳng bỏ được”. Hay trong tập 6, viết rằng: “… phàm có những người hiền lương phương chính dám nói thẳng, mạnh dạn can ngăn, đều cho thượng ty ở các địa phương cấp giấy dẫn về kinh, do bộ sát hạch, đợi chỉ bổ dùng”. Đây đều là những quan niệm rất đúng về vấn đề sử dụng người tài. Ngoài ra, một số bài học về thi cử, bổ nhiệm, thăng giáng chức cũng tìm thấy trong Đại Nam thực lục và hiện nay được vận dùng nhiều, nhất là phép hồi tỵ, lưu quan dưới triều Nguyễn. |
Công Bắc
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất